Thứ Tư, 22 Tháng Mười Hai, 2021 13:51

Từ điển Kơ Ho - Việt, tâm huyết của vị linh mục miền cao

 

Cuối năm 2020, Học viện Công giáo Việt Nam đã liên kết với NXB Ðồng Nai ấn hành cuốn từ điển Kơ Ho - Việt do linh mục Ðaminh Nguyễn Huy Trọng thực hiện. Cha Ðaminh đã được Chúa gọi về ngày 25.12.2018 tại giáo xứ Di Linh (Giáo phận Ðà Lạt). Lúc sinh thời, cha đã dành trọn cuộc đời tận hiến của mình để phục vụ anh em người dân tộc, đã bỏ ra bao công sức để tìm tòi, gìn giữ, bảo vệ, phát triển, làm cho ngôn ngữ của đồng bào bản địa trong giáo phận Ðà Lạt nên phong phú, dễ hiểu… Từ điển Kơ Ho - Việt là một trong những công trình của ngài để lại.

 

 

Trong phần giới thiệu sách, Ðức Giám mục Giuse Ðinh Ðức Ðạo, Viện trưởng Học viện Công giáo Việt Nam đã có lời đề cao ngôn ngữ, xem đây như là yếu tố rất quan trọng trong công tác loan báo Tin Mừng cho muôn dân, là một phương tiện để thông truyền Tin Mừng hiệu quả và để con người có thể hiểu nhau hơn… Qua suốt chiều dài lịch sử, Ðức cha Giuse nhìn nhận, ngoài việc học hỏi thông thạo ngôn ngữ của dân tộc mình tiếp cận, nhiều nhà thừa sai truyền giáo còn cộng tác làm hình thành và phát triển ngôn ngữ của nhiều dân tộc. Ngài hãnh diện nhắc đến linh mục Alexandre de Rhodes, tác giả cuốn từ điển “Việt - Bồ - La” và linh mục Léopold Michel Cadière với nhiều tác phẩm nghiên cứu về văn hóa, tín ngưỡng và ngôn ngữ Việt Nam. Còn với dân tộc Kơ Ho, năm 1933, linh mục Jean Cassaigne (năm 1941 được tấn phong Giám mục) đã xuất bản cuốn “Lexique Kơ Hô - Francais - Anamite”; năm 1949, linh mục Jacques Dournes đã cho ra cuốn từ điển “Dictionnaire Srê (Kơ Ho) - Francais”.

Việc ra đời của cuốn từ điển Kơ Ho - Việt do linh mục Ðaminh Nguyễn Huy Trọng thực hiện, là sự tiếp nối truyền thống của các nhà thừa sai truyền giáo người Pháp. Theo Ðức cha Viện trưởng thì “đây là công trình giá trị và rất đáng trân trọng”. Ngài ghi nhận tâm huyết và sự cống hiến không mệt mỏi của cha Ðaminh trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng và ngôn ngữ của dân tộc Kơ Ho. Cha đã làm công việc này với tất cả sức lực, khả năng tri thức và sự đam mê của “tình yêu truyền giáo” đối với người dân tộc…

Về phần soạn giả, từ đầu năm 1997, linh mục Ðaminh Nguyễn Huy Trọng đã viết lời ngỏ cho cuốn từ điển. Theo đó, khi làm, ngài nhắm đến mục đích tiếp nối công trình của hai vị tiền nhiệm ở tại giáo xứ Ka La là các linh mục Jean Cassaigne và Jacques Dournes. Thêm nữa, thời điểm năm 1997, cha Ðaminh cũng muốn đánh dấu 70 năm có người anh em Thượng Kơ Ho đầu tiên gia nhập đạo Công giáo, được lãnh Bí tích Rửa tội ngày 7.12.1927. Và một sự kiện đáng nhớ cũng khiến soạn giả có thêm động lực thực hiện cuốn sách, đó là để kỷ niệm 25 năm linh mục (1969 - 1994), là 25 năm ngài được sai đi sống giữa anh em Thượng Kơ Ho…

Chính thời gian đi phục vụ và sống giữa đồng bào dân tộc, cha Ðaminh Nguyễn Huy Trọng đã tự tìm tòi, học hỏi, ghi chép. Trong sứ vụ truyền giáo, ngài mong muốn hiểu được anh em người dân tộc và làm sao cho anh em hiểu đúng được điều mình muốn diễn tả, như thế mới hội nhập được, mới Kitô hóa được và có thể giúp họ gia nhập đạo được một cách nghiêm chỉnh hơn... Ngoài việc tự học, tự khám phá ngay từ đầu sứ vụ linh mục, rồi qua anh em Kơ Ho địa phương, cha Ðaminh còn có sự trợ giúp rất quý báu qua các kỳ phiên dịch chung với các linh mục đồng chí hướng, đặc biệt qua các lần họp định kỳ của bốn Trung tâm Truyền giáo Thượng miền Di Linh và Bảo Lộc trong khoảng thời gian từ cuối năm 1969 đến đầu năm 1975... Tất cả đã đặt nền cho công việc sau này của vị mục tử để đi sâu vào nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa của người dân tộc bản địa.

Từ điển Kơ Ho - Việt, theo cha Ðaminh Nguyễn Huy Trọng, là công trình có sự đóng góp của nhiều thành phần, trong đó có biết bao lớp anh em Kơ Ho, là sự nỗ lực của mọi người đang phục vụ tại các địa phương có đồng bào dân tộc Kơ Ho sinh sống. Riêng cha Ðaminh là người góp phần thu thập, sắp đặt, ghi chú, tạm ổn định một số ý nghĩa…

Cuốn từ điển dày 1392 trang. Trước khi đi vào phần tra cứu từ vựng như các từ điển thông thường khác, soạn giả đã dành những trang để nói về cách trình bày, trong đó có vài nhận xét về ngôn ngữ, văn tự, văn phạm Kơ Ho... Có thể còn rất nhiều từ chưa đề cập hoặc có những hạn chế nhưng trong khả năng và thời gian cho phép, soạn giả bằng lòng với những gì hiện có và hy vọng sẽ có sự hiệu đính, bổ túc qua những người tâm huyết.

Học viện Công giáo Việt Nam là đơn vị được trao cho công trình từ điển trên để xuất bản, phục vụ tất cả những ai quan tâm, hay nói như Ðức cha Viện trưởng Giuse Ðinh Ðức Ðạo: “Cuốn từ điển này sẽ trở thành dụng cụ hữu ích cho các nhà truyền giáo có sứ mệnh loan báo Tin Mừng và cho mọi người muốn hiểu biết văn hóa và con người Kơ Ho”. Ðược biết, trong tương lai không xa, tiếp nối công việc của linh mục Ðaminh Nguyễn Huy Trọng cũng như các bậc tiền nhân, Học viện Công giáo Việt Nam sẽ mở ngành học ngôn ngữ Kơ Ho, dành cho những ai có nhu cầu, nhất là các linh mục, tu sĩ, giáo dân cần biết tiếng Kơ Ho để giao tiếp, nghiên cứu hay làm công tác mục vụ cho người dân tộc.

 

LIÊN GIANG

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm