Thứ Năm, 02 Tháng Bảy, 2020 16:30

“Từ ngữ Công giáo trong các bản kinh nguyện của các giáo phận dòng tại Việt Nam”

 

Ngày 14.7.2020, tại Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam sẽ diễn ra buổi bảo vệ luận án tiến sĩ ngôn ngữ học liên quan đến từ ngữ Công giáo qua đề tài “Từ ngữ Công giáo trong các bản kinh nguyện của các giáo phận dòng tại Việt Nam”. Người bảo vệ luận án là linh mục Giuse Vũ Văn Khương, giáo phận Hải Phòng.

Theo Học viện Khoa học Xã hội, việc nghiên cứu về từ ngữ Công giáo ở bậc tiến sĩ tại Việt Nam cho đến nay là hiếm.

 

 

Mục đích nghiên cứu của luận án là vẽ lên bức tranh tổng quan từ ngữ Công giáo tại Việt Nam thông qua cứ liệu kinh nguyện của các giáo phận dòng (Hải Phòng, Bùi Chu, Bắc Ninh, Thái Bình, Lạng Sơn). Linh mục Giuse Vũ Văn Khương có sáng kiến đáng ghi nhận nằm ở tiểu mục “Ðịnh vị lớp từ vựng Công giáo trong từ vựng tiếng Việt.” Ðịnh vị vừa là xác định vị trí với những nét khu biệt, vừa là định danh cho đối tượng một tên gọi, và tất nhiên khẳng định có sự tồn tại một lớp từ vựng Công giáo trong kho tàng từ vựng tiếng Việt. Ðây là công việc có nhiều ý nghĩa: ý nghĩa về sự hiện diện, ý nghĩa về sự trưởng thành và phát triển, ý nghĩa về sự đóng góp, ý nghĩa xác định một đối tượng, phạm trù khoa học thuộc phân môn Ngôn ngữ tôn giáo còn rất mới mẻ cả trên thế giới và Việt Nam.

Thông qua việc nghiên cứu từ ngữ Công giáo trong các bản kinh nguyện của các giáo phận dòng, luận án đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như chỉ ra việc hình thành từ ngữ Công giáo xuất phát từ hai con đường cơ bản là con đường vay mượn từ ngữ Công giáo nước ngoài và con đường tự tạo các từ ngữ mới. Trong đó con đường vay mượn là con đường chủ yếu. Với những thống kê chi tiết nhưng cũng rất cẩn trọng, tác giả xác lập được mối quan hệ vay mượn giữa từ ngữ Công giáo tiếng Việt với các nguồn vay mượn từ gốc Do Thái, Hy Lạp, La Tinh, Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha… Ðây là điều thú vị, vì khi bàn về các từ ngữ vay mượn gốc Ấn - Âu trong tiếng Việt, các nhà Việt ngữ học chủ yếu dẫn chứng từ gốc Pháp, Anh, Nga, Ðức… Tác giả phát hiện ra hiện tượng một từ Latinh có một hoặc nhiều, thậm chí là bảy từ tiếng Việt tương ứng, cho thấy nhu cầu chuẩn hóa từ ngữ Công giáo trong tiếng Việt là lớn và cần thiết.

Về đặc điểm cấu trúc của từ ngữ Công giáo, luận án chỉ ra rằng từ ghép chiếm số lượng nhiều nhất (77,73%), tiếp theo là các tổ hợp định danh (13,87%) và từ đơn (8,39%). Tác giả cũng so sánh con số này với từ ngữ Phật giáo tại Việt Nam và cho thấy tỷ lệ khá tương ứng.

Trên phương diện ngữ nghĩa, luận án tìm ra tám đặc trưng làm cơ sở cho việc định danh, đồng thời phân loại từ ngữ theo các phạm trù ngữ nghĩa, thống kê khảo sát từng nhóm phạm trù với kết luận phạm trù từ ngữ phụng vụ, lễ nghi chiếm số lượng nhiều nhất.

Luận án đã được thông qua Hội đồng chấm tiến sĩ cấp cơ sở với đánh giá là có chất lượng tốt, và sẽ được trình ở cấp Học viện vào 14 giờ ngày 14.7.2020 tại Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

 

Nt. MT. Minh Thùy

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm