Cách đây một năm, tức vào tháng kính Thánh Cả Giuse năm 2021, cha Phêrô Phan Ðình Sơn (chánh xứ Châu Long, GP Long Xuyên) đã tổ chức đặt hai pho tượng thánh Giuse được tạo hình đang nằm nghỉ ngơi ở khuôn viên nhà thờ Châu Long và Ðền Thánh Giuse An Bình. Hai bức tượng này hoàn toàn giống nhau vì cùng một khuôn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ xuất xứ của sự giống nhau này…
![]() |
Bức tượng Thánh Giuse ngủ đặt tại nhà thờ xứ đạo Châu Long |
Tượng “Thánh Giuse Ngủ” theo cách đặt tên mà nhiều người quen gọi, được tạo hình với tư thế Thánh Cả đang nằm ngủ. Tượng Thánh Cả theo tư thế này ít được thấy ở giáo xứ. Và càng hiếm thấy hơn nữa khi pho tượng lại có chiều dài trên 5m.
Tượng Thánh Cả nằm ngủ được nói nhiều trong Năm đặc biệt về thánh Giuse (8.12.2020 - 8.12.2021), và cũng dịp đó có những bài viết suy tư về giấc ngủ của Thánh Giuse. Vị Thánh Cả luôn gặp gỡ Thiên Chúa từ những giấc ngủ. Giấc ngủ là sự an bình, con người gặp gỡ Thiên Chúa từ sự an bình!
Ðức Thánh Cha Phanxicô cũng có một bức tượng như thế ở trong phòng. Trong một bài nói chuyện, ngài đã chia sẻ kinh nghiệm vượt qua những căng thẳng và có giấc ngủ ngon của mình. Theo đó, khi có sự việc gì xảy đến, ngài viết lên một mảnh giấy và đặt dưới tượng Thánh Giuse ngủ. Ðức Thánh Cha chia sẻ: “Giống như Thánh Giuse, một khi chúng ta đã nghe tiếng nói của Thiên Chúa, chúng ta phải tỉnh giấc, chúng ta phải đứng lên và hành động”.
Linh mục Phêrô Phan Ðình Sơn là người có lòng yêu mến Thánh Cả, đã cảm nghiệm được dấu ấn thiêng liêng mà Thánh Cả đã cầu bầu cho cha trong đời mục vụ. Nên, trong Năm Thánh Giuse, khi biết được có tượng Thánh Giuse ngủ, đã thao thức tìm cách có được một bức tượng như vậy. Cha đã gặp được một nhà điêu khắc uy tín thể hiện ý tưởng của mình. Người được cha Sơn “chọn mặt gởi vàng” là điêu khắc gia Mai Văn Chương, có gần 30 năm kinh nghiệm trong nghề. Cha nhớ lại: “Mong muốn có một pho tượng Thánh Giuse mang ý nghĩa đặc biệt đã được ấp ủ từ lâu. Và khi Giáo hội mở Năm Ðặc biệt kính thánh Giuse, tôi lập tức nghĩ đến hình ảnh khắc họa giấc ngủ của ngài. Ý tưởng được bàn bạc với anh Chương và mấy tháng sau thì có được 3 pho tượng. Hiện một pho tượng vẫn còn được giữ lại, chờ tìm được nơi rộng rãi thích hợp sẽ đem tặng”.
![]() |
Nhà điêu khắc Mai Văn Chương tác giả hai bức tượng Thánh Giuse ngủ tại kênh F |
Tính đến nay cũng vừa tròn một năm ngày tượng Thánh Cả ngủ được đặt ở hai điểm tại kênh F là Ðền Thánh Giuse An Bình và nhà thờ Châu Long. Tượng có kích thước khá lớn với chiều dài (thế nằm co của pho tượng) là 5m, bề ngang tượng là 1m6 và cao 1m5.
Những giờ đọc kinh, dâng niềm tâm tư với “thánh Giuse ngủ” dần trở thành nếp quen của giáo dân trong vùng mỗi khi có dịp ghé thăm. Nhiều người còn đứng ngắm nghía mãi thần thái thanh thoát, nhẹ nhàng qua nét mặt thánh nhân.
Ðiêu khắc gia Mai Văn Chương trước khi bắt tay tạo hình bất cứ tác phẩm nào, ông luôn có thói quen suy niệm, cầu nguyện và cảm nghiệm. Với tượng Thánh Giuse ngủ, nhà điêu khắc bày tỏ: “Tôi thường gọi tác phẩm này của mình là ‘thánh Giuse xuất thần’. Tôi tạc lại hình ảnh ngài thiếp đi giây lát trong sự bình an. Khuôn mặt thánh nhân là điểm nhấn quan trọng nhất trong tác phẩm. Có thể nói đây là một tạo hình lạ mà trước đó tôi chưa làm. Tôi rất sùng kính Thánh Cả, hầu như luôn phó dâng cho ngài mỗi khi có sự khó khăn. Tôi yêu quý sự thầm lặng của ngài”.
Tác phẩm này đã được điêu khắc gia Mai Văn Chương cùng thợ phụ dành mấy tháng ròng thực hiện bằng chất liệu nhựa poly và sợi thủy tinh kết hợp khung inox. Tác phẩm được làm bằng cách thức đổ khuôn sau tạo hình, vì vậy cha Sơn đã đặt làm luôn ba pho tượng cùng lúc.
Ngày 19.3 năm nay, giáo dân vùng kênh F, ngày mừng lễ kính thánh Giuse cũng là dịp kỷ niệm một năm hai pho tượng Thánh Cả nằm ngủ hiện diện tại đây.
Minh Hải
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.