Thứ Năm, 14 Tháng Tư, 2022 15:13

“Tuồng Thương Khó” diễn lại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu

 

Giữ đúng truyền thống cách nay 388 năm (1634-2022), làng Oberammergau ở nước Ðức luôn long trọng nhắc lại “Cuộc đời và cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu”. Và sự kiện này được trình diễn qua “Tuồng Thương Khó” cứ 10 năm mới tái diễn lại một lần.

 

Kỳ này, năm 2022 đến hẹn cũng như các lần trước, buổi trình diễn đại quy mô có tính cách lịch sử luôn được chuẩn bị công phu, với các diễn viên tập dượt theo kịch bản và những vật dụng mẫu mã thời Cựu Ước, luôn sẵn sàng cho các buổi công diễn năm nay, kéo màn khai mạc từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 10/2022, mở cửa nghênh đón dân chúng địa phương, và cả du khách khắp nơi trên thế giới về thưởng lãm tài nghệ diễn xuất đặc sắc, mà các diễn viên chẳng những đã bỏ công sức ra tập dượt và còn lấy làm vinh dự được hội nhập vào các vai diễn để đời này.

Buổi diễn vở Tuồng Thương khó năm 1913, nhân 50 năm thành lập Trường Latin Sài Gòn

 

Truy nguyên nguồn gốc sự kiện trên, tuần báo Nam Kỳ Ðịa Phận số 1306 cho biết thêm chi tiết, vào năm 1632 và 1633 đã xảy ra nạn ôn dịch trầm trọng rải rác khắp trong ngoài làng Oberammergau nước Ðức. Bấy giờ Cha sở cổ động cùng bà con giáo dân khấn nguyện xin Chúa ra tay cứu chữa, với lời hứa sẽ trình diễn “Tuồng Thương Khó” để tạ ơn và Chúa đã nhận lời. Ngay năm sau 1634, giữ lời hứa, vở tuồng đã ra mắt tại sân nhà thờ. Người tứ phương thiên hạ tuốn đến xem đông đến nỗi Ban Chức việc họ đạo phải mau chóng dựng một nhà rạp quy mô có sức chứa trên 5.000 chỗ ngồi. Từ năm đó đến nay, đến hẹn lại lên, diễn viên đồng loạt về ôn tập nhập vai, dụng cụ trình diễn sửa sang sẵn sàng, sân khấu nhà thờ Oberammergau lại dựng rạp chờ đón khách thập phương tề tựu về. 10 năm một lần tái diễn lại vở tuồng kính nhớ sự thương khó Chúa đã chịu chết để gánh tội cho nhân loại. Mọi tín hữu cùng thông công, lãnh nhận ơn phước trong mùa Chay Thánh.

Riêng tại Việt Nam cũng có “Tuồng Thương Khó” của linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949), vì vào năm 1911, lúc ấy cha còn đang phụ trách ký lục (thư ký) Tòa Giám mục Sài Gòn, đã khởi sự soạn “Tuồng Thương Khó” dựa vào bản văn ngoại ngữ đã trình diễn ở làng Oberammegau, thêm phần tham khảo tư liệu từ “Sách Gẫm Sự Thương Khó Chúa Giêsu” đã có sẵn. Qua nhiều ngày tháng hoàn chỉnh kịch bản, tuyển chọn người thủ vai diễn trong tiêu chuẩn nhà tu thuần nam phi nữ, các vị nhập vai toàn các Thầy, quới chức, đàn ông con trai, không cho phái nữ bén mảng đến, kể cả vai Ðức Mẹ cũng do ông Phaolồ Hội đóng.

Sau gần 2 năm chuẩn bị tập dượt công phu, dưới sự biên đạo trực tiếp của tác giả kịch bản, cha Gioan Baotixita Tòng cùng các diễn viên đã sẵn sàng đâu vào đó. Còn việc quảng cáo giới thiệu, thiết kế trang trí hình ảnh, phông màn sân khấu do hai họa sĩ tài hoa Phêrô Hữu Hào và Phaolồ Hội Ký đảm trách dàn dựng.

 

Với sự náo nức chờ đợi của khán giả, vé đã bán hết từ trước, đêm kéo màn khai mạc vào mùa Chay năm 1913 tại địa điểm nhà trường La Tinh Sài Gòn, nhằm kỷ niệm 50 năm thành lập “Mầng Lễ Ngũ Tuần Nhà Trường La Tinh Sài Gòn”(1863-1913), nay là Ðại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn.

Sau 5 buổi trình diễn đầu tiên thành công, với những lời khen ngợi của giới chức trong đạo ngoài đời cùng báo giới ca tụng, bầu đoàn “Tuồng Thương Khó” được mời đi lưu diễn ở nhiều nơi như Bà Rịa (1917), Rạp hát Nam Thanh bên cạnh nhà thờ chánh tòa Phát Diệm (1934), Xã Ðoài - Ðịa phận Vinh (1935) và tại nhà thờ Tân Ðịnh 3 lần (1924; 1934; 1942). Tất cả đã gây được tiếng vang tốt đẹp cho nền kịch nghệ Công giáo Việt Nam.

Sau những buổi trình diễn nhận được nhiều sự ái mộ của khán giả khắp nơi, để đáp ứng lại yêu cầu của khán giả được xem trình diễn vở tuồng và không có cơ hội thưởng thức tài nghệ của các diễn viên, cũng như đi sâu vào nội dung kịch bản được coi như những di sản văn hóa để cho hậu thế nghiên cứu, tham khảo…, nên “Tuồng Thương Khó” chẳng những đã được nhà in Tân Ðịnh - Sài Gòn xuất bản, mà còn được nhà in Imprimerie de la Mission Qui Nhơn (Annam) in năm 1923 với nội dung tờ bìa “Tuồng Thương Khó - J.B. Tòng - Ðã dọn - Theo sách Gẫm sự Thương Khó Ðức Chúa Giêsu - Và theo tuồng Thương Khó - Ðã làm tại Ober Ammergau và tại thành Nancy - In lần thứ ba - Giá là 0$25”. In ba lần chứng tỏ sự ái mộ của khán giả và bạn đọc đối với kịch bản này.

 Giáo sư Hoàng Xuân Việt, trong Thắng cảnh Phát Diệm do UBÐKCG/TPHCM xuất bản 1991, đã nhận định như sau:

 “Tuồng Thương Khó” của Ðức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, nổi danh một thời từ Nam chí Bắc. Nhứt là khi nó được trình diễn tại Nhà hát Tây Hà Nội vào năm 1931 cũng là một kịch phẩm có giá trị xuyên thời gian...”

Nhân đây, chúng ta nên nhắc lại sự kiện quan trọng vào ngày 11.6.1933 tại thành đô Vatican, Ðức Giáo Hoàng Piô XI đã truyền chức Giám mục cho Ðức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng. Ðây là vị Giám mục người Việt tiên khởi của Giáo hội Việt Nam sau 400 năm (1533-1933) Tin Mừng đến giang sơn đất Việt. Từ lâu, ngài luôn nổi tiếng về tài diễn thuyết, giao tế, xây dựng và tổ chức, phải chăng nhờ đó mà “Tuồng Thương Khó” của ngài biên soạn, dàn dựng khi công diễn đã thành công nhiều mặt. Ðiển hình qua mấy nhận xét của giới báo chí thời bấy giờ đánh giá như sau: “Ðêm hát lộng lẫy huy hoàng... Thành tựu tinh thần, vì các nhà tai mắt đã đến chứng kiến đông đảo và đã nhiệt tình khen ngợi đoàn nghệ sĩ Công giáo; Thành tựu tài chánh, vì hai bữa trước ngày hát, không còn một chỗ nào trống nữa; Thành tựu trên sân khấu, vì các vai tuồng đã thủ vai của mình rất đúng điệu, xuất sắc, ghi một nét vẻ vang cho đời nghệ sĩ…”.

Những thành quả trên thật xứng đáng được tôn vinh, như là một trong những sự kiện văn học đột phá ở thể loại kịch nói Việt Nam lưu truyền cho dến nay.

 

Vinhsơn VŨ ÐÌNH ÐƯỜNG

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm