Thứ Sáu, 31 Tháng Giêng, 2020 15:07

Ðức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng qua lời kể của một người thầy

 

Người thầy mà chúng tôi đề cập là cụ Stêphanô Nguyễn Khắc Dương, nguyên trưởng Ban Triết học và quyền Khoa trưởng Văn khoa Ðại học Ðà Lạt; người đã góp công trong việc đào tạo nên những nhà tri thức cho Giáo hội và xã hội. Có rất nhiều tu sĩ, linh mục và cả Giám mục từng là học trò của thầy.

 

 

Thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương sinh ngày 24.9.1925, tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Vốn xuất thân trong một gia đình Nho giáo nên từ nhỏ đã không quan tâm lắm tới đạo Kitô giáo, tôn giáo vốn truyền bá vào Việt Nam từ phương Tây. Nhưng một biến cố quan trọng xảy ra là năm 1938, cậu Dương thi vào trường Quốc Học Huế bị trượt, nên phải thi vào trường Thiên Hựu, một trường Công giáo tại Huế. Việc thi rớt để rồi vào học ở trường Thiên Hựu, về sau được thầy nhận định đó là do sự an bài yêu thương của Thiên Chúa, như thầy từng chia sẻ : “Vào học trường Thiên Hựu, tôi được dấn bước vào thế giới Công giáo, dần dần khám phá ra những giá trị của nó. Trước hết là các linh mục giáo sư. Ðiều làm tôi lưu ý là sự tận tâm chức nghiệp của các vị ấy. Ai đã có học trường tư thục Công giáo chắc đều nhận chân điều đó. Ðiều thứ hai là ‘tình yêu người’ được bộc lộ qua cách đối xử…”.

Giờ đây mây trời, cây cỏ, những vườn thanh long xanh mướt tại tu đoàn chính là niềm vui của thầy Dương

 

Ngày 9.1.1949, tại nhà thờ Nghĩa Yên, giáo phận Vinh, người tân tòng Nguyễn Khắc Dương đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, trở thành con cái Chúa với tên thánh Stêphanô. Về sau thầy còn gia nhập dòng Phanxicô, nhưng sau một thời gian khá dài sống đời tu trì, nhận ra Chúa muốn bản thân mình sống giữa đời với tư cách một người làm chứng cho tình yêu và hiến thân trọn vẹn cho Chúa mà không mang danh hiệu nên thầy đã xin ra, chọn lối sống như một cư sĩ. 

Giờ đây, trong những năm tháng cuối đời, thầy Dương chọn Tu đoàn Bác ái Xã hội - giáo phận Phan Thiết làm nơi an dưỡng. Chúng tôi may mắn được gặp thầy trong chuyến công tác ngắn ngày về đây. Dù đã quá ngưỡng “xưa nay hiếm” từ rất lâu rồi, nơi thầy vẫn còn một sự dẻo dai và minh mẫn, bước chân đi lại khá vững vàng. Có lẽ, chính đời sống đơn sơ nơi tu đoàn, cộng thêm bầu khí thoáng mát với những hàng cây xanh rợp bóng, lại ngày ngày được gần gũi bên Mình Thánh Chúa nên đã giúp cho nhà trí thức này có những tháng ngày hạnh phúc.

Người thầy mà các Đức Giám mục luôn kính trọng mỗi khi gặp mặt

 

Dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua, những dấu ấn cuộc đời dần bị hai chữ “thời gian” xóa nhòa nhưng trong dòng hồi ức, có một điều thầy Dương không bao giờ quên, mỗi dịp ngồi trò chuyện với ai đó thì lại say sưa kể, là quãng thời gian 10 năm, từ năm 1965-1975, làm trưởng Ban Triết học và quyền Khoa trưởng Văn khoa Ðại học Ðà Lạt. Ở đó thầy được trực tiếp dạy cho nhiều chủng sinh mà sau này nhiều người trong số họ đã trở thành Giám mục. “Ngày đó các thầy là chủng sinh tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Ðà Lạt, mà Giáo hoàng Học viện với Ðại học Ðà Lạt - một trường Công giáo - khá gần nhau nên có những môn học chung. Các thầy bên đó sang bên đây học để lấy bằng cử nhân nên tôi có dạy một số giờ môn Triết”, thầy Dương giải thích.

 

Tính ra thời gian trực tiếp giảng dạy các chủng sinh không phải quá nhiều nhưng dường đó cũng đủ để thầy Dương có thêm trải nghiệm thú vị. Nói về một trong những học trò mà mình ấn tượng nhất cho đến nay, thầy bảo đó chính là Ðức tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng. “Ở ngài luôn có một điều gì đặc biệt mà tôi gọi đó là thơ ấu thiêng liêng. Cái này thật khó để diễn tả bằng lời nhưng có thể hiểu đơn giản là một con người vừa giỏi về trình độ, lại giàu về tình cảm, sống và cư xử rất đạo đức, chuẩn mực”, thầy Dương nhận xét. Vậy nên sau này, khi nghe tin cha Giuse Năng được tấn phong làm Giám mục Phát Diệm, rồi Tổng Giám mục Tổng Giáo phận TPHCM thì với thầy vẫn không xem đó là điều bất ngờ. “Ðổi lại tôi cũng hơi lo cho ngài, bởi lẽ chức vụ càng lớn thì công việc sẽ càng nhiều và áp lực, trách nhiệm cũng cao hơn. Tuy nhiên vì là người được Chúa chọn nên chắc chắn rằng, Chúa Thánh Thần sẽ luôn soi sáng và hướng dẫn Ðức cha”, thầy nói.

 

PHÚ THỊNH

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm