Thứ Tư, 08 Tháng Mười Một, 2017 15:09

Ươm mầm phục vụ từ gia đình

Tại nhiều giáo xứ, có những gia đình có hai hay nhiều thế hệ đã hy sinh cộng tác vào việc chung. Hạt giống phục vụ ấy được gieo từ hình ảnh sống đạo chân thực của các bậc phụ huynh, khi còn sống hay đã qua đời, và làm trổ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp. 

 

Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (Gx Thanh Hóa, GP Xuân Lộc) đã có quãng thời gian hơn 10 năm gắn bó với công việc là một giáo lý viên. Ðối với chị, chính tấm gương của ông ngoại quá cố là một trong những nguyên nhân giúp mình đi đến và cộng tác với mọi người trong những sinh hoạt chung ở xứ đạo. “Ngoại của tôi ngày nào cũng thức dậy từ sáng sớm đi đến nhà thờ đọc kinh rồi đánh chuông hiệu lễ. Buổi tối, ông bắt tất cả chúng tôi cùng đọc kinh gia đình. Sau đó, dưới mái hiên nhà, ông ngồi kể cho chúng tôi những câu chuyện về Chúa”, chị Hằng hồi tưởng. Chỉ với những công việc nhỏ bé đó mà tinh thần phục vụ âm thầm từ ông đã lan tỏa đến ba của chị, đến chị và cả người em trai để rồi các thế hệ trở thành những gương mặt quen thuộc khi xứ nhà có việc cần. Cũng ở họ đạo này, gia đình anh Ngô Quang Vinh có ba đời âm thầm phục vụ Nhà Chúa trong nhiều vị trí khác nhau. Ảnh hưởng từ ông nội, cha mẹ đã khiến anh cũng như các anh em khác tự nhiên dấn bước mà chẳng hề lạ lẫm hay e ngại. “Mưa dầm thấm đất”, có thể thấy rằng sự gắn kết của mỗi người với nhịp thở chung của giáo xứ phần nào phụ thuộc vào những hành động họ nhìn thấy nơi các bậc phụ huynh trong gia đình.

Dù chỉ là những việc nhỏ nhưng sự hy sinh của những con chiên là viên gạch xây nên bộ mặt xứ đạo - ảnh: Gx Bắc Hòa - GP Mỹ Tho

Khi trong nhà có người thường xuyên góp sức vào việc chung thì đó chính là điểm sáng lôi kéo các thành viên khác mạnh dạn dấn thân. Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Thủ (Gx Ba Trinh, GP Cần Thơ), người đã có 25 năm đánh đàn trong các thánh lễ. “Tôi cũng không nghĩ rằng mình sẽ làm việc này lâu như vậy. Nhớ ngày còn bé, khi thấy chị gái mình đệm đàn cho ca đoàn hát, tự nhiên tôi thấy thích thú lạ lùng. Vậy là tôi bắt đầu những ngày học đàn rồi theo chân chị mình lúc nào chẳng hay. Bây giờ, tôi rất mong con cháu mình sẽ nối tiếp công việc này vì nó đem lại niềm vui bình an giữa cuộc sống bộn bề”, ông Thủ trải lòng.

Anh Ðoàn Thế Phong (Gx Ngã Sáu, TGP.TPHCM) thì học được bài học phục vụ từ mẹ của mình. Cha theo đạo Cao Ðài, mẹ theo Công giáo, anh và các em theo gương mẹ trong các sinh hoạt đạo đức từ hồi còn nhỏ. Thấy mẹ quét dọn, lau chùi ngôi thánh đường, họ bảo nhau cùng làm chung với mẹ. Cứ vậy cho đến hôm nay, khi mẹ ở độ tuổi xế chiều, sức khỏe không còn như xưa nên không thể tiếp tục việc làm ấy thì mấy anh em và cả con cái của họ tiếp nối công việc âm thầm của bà. Cha chánh xứ Giuse Nguyễn Minh Thùy chia sẻ: “Dù chẳng phải là gì to tát nhưng sự hy sinh nhỏ bé của những con người như vậy là viên gạch xây nên một xứ đạo tốt đẹp và ấm tình người”. Còn anh Phong lại bảo : “Làm riết rồi quen, không làm thì chúng tôi cứ thấy sao sao đó. Với lại mình là giáo dân trong xứ thì cũng nên góp chút gì cho xứ mình, để bộ mặt giáo xứ ngày càng đẹp hơn”.

Gia đình là trường học đầu tiên và cũng là vườn ươm phục vụ cho mỗi Kitô hữu. Những dấu chân phía trước của ông bà, cha mẹ… sẽ chỉ lối cho con cái đến gần với cộng đoàn, với mái nhà chung của họ đạo hơn, để biết cùng chung tay sẻ chia gánh nặng với các vị chủ chăn của mình. Ðó chính là truyền thống tốt đẹp cần lưu giữ nơi từng mái ấm Công giáo.

TRÚC YÊN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm