1. CHUYỆN CHÚNG MÌNH:
Linh mục hãy thôi lạm dụng bài giảng
Mấy hôm trước, cha Giuse Phan Tấn Thành, O.P. đã có một bài giảng phân tích về Ân sủng Giảng thuyết trong thánh lễ Khấn Trọng của anh em. Hôm nay, Ban Truyền thông Đa Minh nhận được một bài giảng của Đức Tổng Giám mục Socrates b. Villegas, O.P., ngài thuộc Huynh đoàn Giáo sĩ Đa Minh, Tỉnh dòng Đa Minh Philippines, ngày 12 tháng 6 năm 2015. Bài giảng của ngài tại nhà thờ Thánh Gioan Tông đồ, thành phố Dagupan, tổng Giáo phận Lingayen-Dagupan, trong Thánh lễ Dầu, sáng Thứ Năm Tuần thánh (1.4.2021) là một góc nhìn khác về "Ân sủng Giảng thuyết" của Dòng chúng ta. Xin trân trọng giới thiệu bản dịch của cha Tiến Hưng, O.P.
Hôm nay, chúng ta lại bước vào một hành trình thiêng liêng tiến vào Phòng Tiệc Ly để nhớ lại thiên chức linh mục của mình. Một lần nữa chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã kêu gọi mình làm linh mục. Đức Giêsu đã làm một cuộc mạo hiểm. Người đã trao phó Giáo hội của Người cho các linh mục. Càng sống lâu trong ơn gọi này, chúng ta càng thấy rõ ràng, chúng ta cần nhiều sức mạnh hơn là ý chí để có thể sống thiên chức linh mục. Điều đó cũng có nghĩa là, chúng ta cần ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta cần Người. Chúng ta cần Chúa luôn dõi mắt nhìn. Chúng ta cần Chúa đồng hành. Chúng ta cần Chúa luôn bảo vệ và gìn giữ chúng ta.
Chúng ta đã từng chứng kiến cách linh mục lạm dụng, từ việc lạm dụng rượu bia, tình dục, trẻ em, cờ bạc, tiền của, lạm dụng đi du lịch và các kỳ nghỉ. Hôm nay, tôi mời mọi người cùng suy ngẫm về một sự lạm dụng rất phổ biến khác vốn đang lan tràn trong hàng ngũ linh mục, đó là lạm dụng bài giảng. Vâng, đó là lạm dụng lòng tốt của dân Chúa, buộc họ phải nghe những bài giảng dài dòng, loanh quanh, miên man, nhàm chán, không đầu không đũa. Sự thiếu chuẩn bị dẫn đến lầm bầm, hoặc nói bông đùa nhưng với dụng ý rõ ràng. Những điều đó khiến dân Chúa nói rằng bài giảng của chúng ta là những đòn tra tấn mà họ cực chẳng đã phải chịu mỗi khi tham dự Thánh lễ Chúa nhật.
Nếu quý cha lắng nghe cẩn thận hơn những điều dân chúng phàn nàn về bải giảng của mình thì sẽ thấy, họ không đòi hỏi sứ điệp của bài giảng phải thật sâu sắc hay những câu chú giải hàn lâm. Nhưng thực tế là họ đang phải chịu đựng hết Chúa nhật này đến Chúa nhật khác những bài giảng khó hiểu, vì chúng ta dẫn nhập lòng vòng nhưng sau đó chẳng thể đi thẳng vào vấn đề chính, rồi sau đó cũng lại chẳng biết phải kết thúc thế nào. Hãy chuẩn bị bài giảng, nói rõ ràng, tập trung vào sứ điệp của Tin Mừng.
Khi còn là chủng sinh, chúng ta thường phàn nàn về các bài giảng của các linh mục cao niên. Nhưng đến lượt mình, chúng ta lại làm điều tương tự.
Nếu một chủng sinh không sống khiết tịnh, chúng ta không thể giới thiệu người ấy chịu chức. Nếu một chủng sinh cứng đầu và khó sửa đổi, chúng ta không đồng ý cho người ấy thụ phong. Thì cũng vậy, nếu một chủng sinh không thể giảng giải rõ ràng và hiệu quả trước công chúng, chúng ta không nên truyền chức cho họ. Họ sẽ trở thành người lạm dụng bài giảng ghê gớm. Lạm dụng bài giảng có thể gây hại cho các linh hồn.
Những bài giảng dài dòng, loanh quanh, lặp đi lặp lại, miên man, không chuẩn bị trước là dấu hiệu cho thấy đời sống thiêng liêng èo uột của linh mục. Thánh Giuse Cupertino đã nói: “Người giảng thuyết cũng giống như chiếc kèn đồng vô tri trừ khi được ai đó thổi vào. Vậy, trước khi giảng, hãy cầu nguyện thế này: Lạy Chúa, Chúa là thần khí, con là chiếc kèn của Chúa. Không có thần khí Chúa, con không thể phát ra âm thanh nào.” Việc chúng ta chỉ chuẩn bị bài giảng thôi thì chưa đủ; người linh mục tốt lành phải chuẩn bị tâm hồn mình nữa. Giảng thuyết là công việc của tâm hồn và trái tim, đó không chỉ là tập hợp những lời lẽ hùng hồn và triết lý. Đời sống thiêng liêng của chúng ta là nền tảng vững chắc cho các bài giảng thuyết. Vấn đề không phải là chúng ta sẽ giảng cái gì nhưng là chúng ta sẽ giảng về ai? Chúng ta giảng về Đức Giêsu Kitô; và chỉ mình Đức Giêsu Kitô mà thôi.
Vậy, làm sao chúng ta sẽ vượt lên khỏi tình trạng lạm dụng bài giảng đang phổ biến hiện nay? Chúng ta khắc phục bằng cách nào?
Thách đố thứ nhất trong thời đại chúng ta là linh mục phải chân thành và chính trực. Cha xứ chỉ có thể giảng cho những người đang đói nếu bụng của cha xứ cũng đang đói cồn cào như chính giáo dân của mình. Bài giảng của chúng ta sẽ trở nên tốt hơn nếu chúng ta giảm bớt thói huyên thuyên nhưng chú tâm lắng nghe. Khi bài giảng của chúng ta chỉ như một bài nói chuyện, nghĩa là chúng ta chỉ lặp lại điều mình biết, nó sẽ rất mệt mỏi và sáo rỗng. Nếu chúng ta lắng nghe và cầu nguyện trước khi giảng, chúng ta học được nhiều điều mới mẻ và bài giảng của chúng ta sẽ trở nên khởi sắc và tươi mới hơn. Chúng ta sẽ giảng hay hơn nếu chúng ta dám “mang lấy mùi chiên.”
Thách đố thứ hai của thời đại chúng ta là sự giản dị - giản dị trong lời giảng, và hơn thế nữa, giản dị trong đời sống. Khi sống giản dị chúng ta cũng sẽ bớt nói về tiền bạc và việc quyên góp trong bài giảng; giảng về tiền bạc không bao giờ soi sáng được ai. Giản dị cũng có nghĩa là không sử dụng tòa giảng như một phương tiện để trả đũa những người đối kháng với mình. Giản dị cũng ngăn cản chúng ta đưa chuyện bầu bán chính trị ồn ào lên tòa giảng. Giản dị trong bài giảng cũng có nghĩa là đừng cố làm cho người nghe phải cười hay khóc - đó là việc của các diễn viên truyền hình giải trí. Sự giản dị trong bài giảng khiến người nghe phải cúi đầu, đấm ngực và thành tâm hoán cải, tìm đến với lòng thương xót của Thiên Chúa. Trở nên giản đơn cũng là trở nên tuyệt vời trong ánh mắt Thiên Chúa. Lối sống giản dị của các linh mục chính là bài giảng dễ hiểu nhất.
Thách đố thứ ba là không ngừng học hỏi. Đọc sách và nghiên cứu phải được tiếp tục sau khi đã chịu chức linh mục. Nếu chúng ta ngừng đọc sách và nghiên cứu, chúng ta sẽ làm tổn hại linh hồn của giáo dân. Nếu ngừng học hỏi, là chúng ta bắt đầu thúc ép người khác đọc cái gọi là cuốn sách cuộc đời chúng ta – một cuốn truyện khôi hài, không cảm hứng, hết sức lố bịch và tai tiếng khủng khiếp. Khi đó bài giảng trở thành câu chuyện đời chúng ta chứ không phải câu chuyện về Đức Giêsu. Tuy nhiên, dành quá nhiều thời gian để đọc sổ chi tiêu cũng không phải là cách để chuẩn bị bài giảng.
Hãy thận trọng trong lối sống của mình. Mọi người sẽ nhìn xem cách chúng ta sống hơn là nghe chúng ta giảng. Hãy chân thành và chính trực. Một lối sống hai mặt, mặt tối của đời sống thật chẳng ra làm sao.
Hãy thận trọng trong mọi bài giảng. Thiên Chúa sẽ phán xét mọi lời các linh mục thốt ra. Hãy tin những gì mình đọc. Hãy dạy những gì mình tin. Và thực hành những gì mình dạy.
Hãy cẩn thận với mọi bài giảng. Giáo dân muốn nghe Lời Chúa chứ không phải lời của linh mục; chỉ có Lời Chúa mà thôi, luôn luôn là như vậy.
Hãy ý tứ với bài giảng của mình. Hãy thương hại dân Chúa. Đừng lạm dụng bài giảng nữa. Hãy để bài giảng của mình truyền cảm hứng và nung nóng trái tim người tín hữu.
(Nguồn: http://daminhvn.net/nhan-dinh/linh-muc-hay-thoi-lam-dung-bai-giang-25689.html)
2. NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI
Stt |
Quốc gia |
Được chữa khỏi |
Tử vong |
Tổng số |
1 |
Iraq |
1.641.870 |
20.025 |
1.815.497 |
2 |
Cuba |
513.108 |
4.397 |
564.011 |
3 |
Timor-Leste |
10.776 |
42 |
13.700 |
4 |
Việt Nam |
132.815 |
7.540 |
323.215 |
|
… |
|
|
|
|
Thế giới |
189.237.029 |
4.426.174 |
211.470.688 |
Cập nhật lúc 6g10 ngày 21.8.2021
3. KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC (Mt 23,1-12; thứ Bảy, tuần XX Thường niên – Lễ nhớ thánh Piô X, Giáo hoàng)
Các kinh sư được nêu rõ, vì họ là những chuyên viên về Luật; đa số thuộc về nhóm Pharisêu, là nhóm quan trọng nhất trong đời sống chính trị và tôn giáo lúc bấy giờ và cũng rất có uy tín đối với dân. Tin Mừng theo thánh Mátthêu chương 23 là tập hợp những lời của Đức Giêsu có ích cho việc tranh luận giữa cộng đoàn Giáo Hội của Mátthêu với Do Thái giáo thời ấy do nhóm Pharisêu lãnh đạo. Đức Giêsu nhìn nhận họ là những người kế thừa ông Môsê; Ngài khuyên dân nghe theo họ, khi họ giảng dạy đạo lý chân truyền của ông Môsê. Nhưng những giải thích cá nhân của họ thì đã hơn một lần Ngài chỉ trích mạnh mẽ và nhất là Ngài căn dặn phải đề phòng lối sống của họ, bởi vì nó mâu thuẫn với giáo lý họ dạy.
![]() |
Bài Tin Mừng chúng ta được nghe hôm nay đã cho thấy, người lãnh đạo phải là người biết nêu gương sáng và biết khiêm tốn phục vụ. Trước hết, họ phải là người biết nêu gương sáng bằng cách thi hành điều mình nói, điều mình giảng dạy. Nói và làm phải đi đôi với nhau. Nói mà không làm chỉ là trò lừa bịp kẻ khác và chỉ là cách sống giả hình. Các Luật sĩ và Biệt phái đã bị Đức Giêsu cho là giả hình, vì họ nói mà không làm, họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn lấy ngón tay lay thử. Tệ hơn, họ làm như thế cốt để cho người ta thấy, cốt để được người ta ca ngợi, nên thật không quá đáng khi cho rằng, nói mà không làm chỉ là trò lừa bịp mà thôi.
Kế đến, người lãnh đạo phải là người biết khiêm tốn phục vụ. Phục vụ như Chúa dạy: “Ai trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em”. Và khiêm tốn như Chúa dạy: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là ‘ráp-bi’, nghĩa là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô”. Dĩ nhiên, ở đây, Đức Giêsu không hề có ý loại bỏ những cách xưng hô mà chúng ta quen dùng để gọi người có công dạy dỗ mình là thầy hay gọi các linh mục là cha để tỏ lòng kính trọng, mà Đức Giêsu chỉ có ý dạy chúng ta phải biết khiêm tốn nhìn nhận nhau là anh em và nhất là biết khiêm tốn phục vụ nhau như những người con của cùng một Cha trên trời.
Hơn ai hết, cuộc đời của Đức Giêsu đã thể hiện trọn vẹn những gì Ngài muốn dạy chúng ta. Thật thế, Đức Giêsu đã không thể dạy các môn đệ phải yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương họ, nếu như chính Ngài đã không thực hiện bài học yêu thương đó bằng cách hiến dâng mạng sống làm giá chuộc cho muôn người. Đức Giêsu cũng đã không thể dạy các môn đệ phải biết phục vụ trong khiêm tốn, nếu như chính Ngài đã không quỳ xuống rửa chân cho các ông như một người tôi tớ hèn hạ. Đặc biệt, Đức Giêsu đã không thể dạy chúng ta phải thật lòng tha thứ cho kẻ thù, nếu chính Ngài đã không xin với Chúa Cha tha cho những kẻ đóng đinh Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”.
Như vậy, Lời Chúa hôm nay, chắc hẳn được gởi đến cho tất cả những ai có trách nhiệm hướng dẫn người khác. Chúng ta không nên mặc cảm, nhưng hãy can đảm kiểm điểm chính mình và sẵn sàng khiêm tốn sửa chữa những thiếu sót trong bổn phận làm gương sáng và khiêm tốn trong việc phục vụ mọi người. Ước muốn được trở trên hoàn thiện là điều chính đáng và phải đạo; thế nhưng, nếu mỗi người không biết nhìn nhận những thứ chưa hay, chưa đẹp để rồi điều chỉnh thì thật khó hiện thực được mong ước ấy. Chúng ta suốt ngày nói đạo lý và dạy người khác thực hành điều hay lẽ phải, nhưng chính bản thân thì chẳng buồn tuân thủ hay thực hành những điều mình truyền dạy; như thế, chẳng phải là chúng ta cũng giống như những Luật sĩ và những người Pharisêu năm xưa sao?
Lạy Chúa, xưa Chúa đã kết án thói khoe khoang và giả hình nơi các Kinh sư cùng người Biệt phái. Xin ban ơn nâng đỡ để chúng con đừng rơi vào cám dỗ như họ. Xin cho lời nói của chúng con luôn đi đôi với việc làm, để nhờ đó mà chúng con trở nên chứng nhân trước mặt người đời. Xin đừng để chúng con sa vào cạm bẫy của những danh-lợi-thú, nhưng xin dạy cho chúng con biết phục vụ trong khiêm tốn và yêu thương hết thảy mọi người. Xin soi sáng để chúng con biết thành tâm nhìn nhận những thiếu sót của bản thân và không ngừng cải hoán mỗi ngày.
4. LỜI BÀN
- Chúng ta cần hiểu ngay rằng, Đức Giêsu không có ý khen những Kinh sư và Pharisêu về các luật lệ, quy tắc của họ. Điều Ngài muốn nói đó là: khi các Kinh sư và Pharisêu dạy các ngươi những nguyên tắc của Lề Luật mà Môsê đã nhận từ Đức Chúa thì các ngươi phải tuân theo. Còn những việc họ làm thì đừng nên bắt chước, vì họ nói một đàng mà làm một nẻo. Chúng ta nên biết rằng, cả Mười điều răn đều đặt căn bản trên hai nguyên tắc lớn. Một là tôn kính. Tôn kính Chúa, tôn kính Danh của Chúa, ngày của Chúa, tôn kính cha mẹ mà Chúa đã ban cho chúng ta. Hai là tôn trọng sự sống con người, của cải, phẩm cách và danh tiếng tốt của người khác cũng như tôn trọng chính mình. Những nguyên tắc này là đời đời, vì vậy khi các Kinh sư và Phariasêu dạy phải tôn kính Đức Chúa và tôn trọng con người thì sự dạy dỗ của họ có giá trị và cần phải tuân giữ các nghiêm cẩn.
- Tuy nhiên, lối thực hành tôn giáo của những người Pharisêu hầu như đã biến tôn giáo của họ thành một sự phô trương giả hiệu. Đức Đức Giêsu đã dẫn chứng một số hành động và tập quán mà các Pharisêu thường dùng để phô trương chính mình.
-
+ Họ mang cái thẻ kinh thật lớn. Lệnh truyền của Đức Chúa trong sách Xuất hành nói rằng: “Ngươi sẽ coi đó như là dấu ở tay ngươi, là kỷ vật đeo trên trán, để cho Luật của ĐỨC CHÚA ở trên môi miệng ngươi” (Xh 10,39). Câu nói đó được lặp lại trong các câu Kinh Thánh khác: Xh 13,16; Đnl 6,8 và 11,18: “Những lời tôi nói đây, anh em phải ghi lòng tạc dạ, phải buộc vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu”. Để thực thi những giới răn này, người Do Thái đã đeo và đến nay vẫn còn đeo cái thẻ bài khi cầu nguyện. Họ đeo nó mỗi ngày, trừ ngày Sabbath và những ngày thánh đặc biệt. Thẻ bài này giống như một cái hộp bằng da nhỏ, một cái đeo ở cổ tay, một cái đeo nơi trán. Cái thẻ đeo nơi cổ tay là một cái hộp da nhỏ, bên trong đựng một cuộn giấy ghi bốn đoạn Kinh Thánh: Xh 13,1-10; 13,11-16; Đnl 6,4 -9; 11,13-21. Thẻ đeo trên trán cũng giống như vậy nhưng bên trong có bốn ngăn và mỗi ngăn có một cuộn giấy nhỏ ghi một trong bốn đoạn Kinh Thánh được nói đến ở trên. Những người Pharisêu muốn kéo sự chú ý của người khác nên không những chỉ đeo những hộp da nhỏ mà còn đeo cả những thẻ kinh thật lớn để phô trương sự vâng giữ lề luật cách gương mẫu và cho người ta thấy sự sốt sắng trong việc thực hành đạo đức của mình.
-
+ Họ đeo thêm cái tua áo thật dài. Trong sách Dân số (15,37-41) và Đệ nhị luật (22,12), chúng ta đọc thấy Đức Chúa ra lệnh cho dân Ngài hãy làm một cái tua nơi các góc chéo của áo hay vào gấu áo để khi họ nhìn thấy chúng thì nhớ lại các mệnh lệnh của Đức Chúa. Những cái tua này được mang nơi bốn góc chéo hay gấu của chiếc áo ngoài. Sau này họ đính nó vào áo trong. Người ta cũng dễ làm những cái tua áo này cho rộng bản để phô bày sự sốt sắng và lôi kéo sự chú ý của người khác.
-
+ Hơn thế nữa, những người Pharisêu thích được ngồi ở những nơi chính của bàn ăn, tức là bên trái hay bên phải của chủ nhà. Họ thích ngồi những ghế ở đằng trước trong hội đường. Ở Palestine, những ghế sau thường dành cho trẻ em và những người không quan trọng. Người càng gần đằng trước thì càng vinh dự. Ghế danh dự là ghế dành cho các kỳ mục ngồi đối diện với dân chúng, ai ngồi đó thì mọi người sẽ nhìn thấy họ. Pharisêu còn thích người ta gọi mình là thầy và muốn mọi người tỏ lòng tôn kính họ. Họ muốn được tôn trọng hơn sự tôn trọng mà người ta dành cho cha mẹ, vì họ nói rằng, cha mẹ chỉ lo cho con người sự sống thể chất bình thường, còn thầy dạy thì lo cho con người sự sống đời đời. Họ còn thích được gọi là cha như Êlisa gọi thầy của mình là Êlia nữa: “Cha ơi! Cha ơi!” (2V 2,12).
- Đức Giêsu nhấn mạnh rằng, những kẻ tin phải biết mình chỉ có một thầy duy nhất là Đức Giêsu và chỉ có một Cha duy nhất trong đức tin là Thiên Chúa. Hành động và cách ăn mặc của Pharisêu là để lôi kéo người khác chú ý đến mình, nhưng hành vi của Kitô hữu là phải từ bỏ mình, để khi người ta nhìn thấy hành vi đạo đức đó thì họ có thể ngợi khen Cha trên trời chứ không ngợi khen mình. Bất cứ tôn giáo nào làm nảy sinh sự phô trương nơi hành động và sự kiêu căng trong lòng thì đều là một thứ tôn giáo sai lầm.
- Khi nói về những người Pharisêu, chúng ta nên lưu ý hai điểm sau đây. Thứ nhất, họ là những người tận hiến cho Luật, tôn giáo đối với họ là vâng giữ mọi chi tiết của Luật. Nhưng điều thứ hai, ta không nên quên, họ là những người rất sùng đạo, vì không ai có thể chấp nhận cuộc sống gò bó kỷ cương như thế nếu không phải là những kẻ sốt sắng, nhiệt thành. Vì thế, họ để cho chủ nghĩa duy luật phát triển cùng một lúc với mọi đức hạnh của con người tận hiến trọn vẹn. Một Pharisêu có thể vừa là một người giữ luật nhiệt thành và hết lòng với Thiên Chúa nhưng đồng thời họ cũng có thể là người thích phô trương và thường tỏ vẻ kiêu căng. Kinh Talmud phân biệt bảy hạng người Pharisêu:
-
a. Hạng thích phô trương. Họ là những người tuân giữ luật rất nghiêm minh, nhưng phô trương những hành động đó trên vai mình. Họ ra sức thể hiện điều đó vì muốn được tiếng là thanh sạch và thiện hảo. Họ vâng giữ Luật với mục đích là để cho người ta nhìn thấy và tán dương công đức của họ.
-
b. Hạng nói mà không làm. Họ là người luôn luôn có lý do chính đáng để không làm một điều tốt nào đó. Họ xưng nhận những tín điều nghiêm nhặt nhất nhưng luôn luôn tìm được lý do để thoái thác thực hành. Nói khác đi, họ chính là những kẻ nói mà không chịu làm.
-
c. Những kẻ bị bầm dập thương tích. Tại Palestine, đàn bà có một địa vị thấp hèn, bị khinh rẻ, nên không một thầy dạy đạo chính thức nào dám nói chuyện với một người phụ nữ ở ngoài đường, dù đó là vợ hay chị em người ấy. Ở đây họ còn đi xa nữa, họ không cho phép chính mình nhìn một phụ nữ nào trên đường phố. Muốn được như vậy, họ phải nhắm mắt lại, kết quả là họ đâm đầu vào tường, hay vấp té vì những chướng ngại vật. Họ bị sưng đầu, đổ máu. Những thương tích đó làm cho họ được nổi tiếng, đặc biệt về tinh thần sùng đạo một cách hết sức nhiệm nhặt.
-
d. Có những kẻ được mệnh danh là ưa thích khòm lưng. Họ có một dáng đi khúm núm, bước đi lom khom như người bị gù lưng. Họ hạ mình khiêm nhường đến nỗi họ không dám giơ chân khỏi mặt đất nên thường vấp nhằm những chướng ngại vật trên đường. Sự khiêm nhường của họ chẳng qua cũng chỉ là một cách tự quảng cáo chính mình, hay muốn tạo nên sự khác biệt.
-
e. Họ là người hay tính toán. Họ luôn luôn suy tính những hành vi đạo đức của mình, họ ghi sổ những việc đạo đức, tin rằng mỗi hành vi đạo đức của họ như thêm một món nợ cho Chúa. Câu chuyện về người Biệt phái lên Đền thờ cầu nguyện cho chúng ta thấy rõ điều đó. Nó dường như cho thấy một thứ tôn giáo luôn tính toán dựa trên tinh thần vụ lợi, được thua, hơn thiệt.
-
f. Hạng người nhút nhát hay lo sợ. Họ luôn luôn kinh khiếp về những hình phạt của Chúa. Và vì thế, họ lo lau chùi bề ngoài cho thanh sạch để người ta nhìn thấy họ tốt lành. Họ nhìn tôn giáo trên bình diện xét đoán, và xem đời sống như một cuộc chạy trốn để thoát khỏi sự đoán phạt kinh khiếp đến từ Đức Chúa.
-
g. Sau cùng là những người thành tâm kính sợ Đức Chúa. Họ là những người thật sự yêu mến Chúa và vui vẻ trong việc vâng giữ Luật của Chúa, cho dù việc tuân thủ Luật đó có thể rất khó khăn.
-“Tôi mời mọi người cùng suy ngẫm về một sự lạm dụng rất phổ biến khác vốn đang lan tràn trong hàng ngũ linh mục, đó là lạm dụng bài giảng. Vâng, đó là lạm dụng lòng tốt của dân Chúa, buộc họ phải nghe những bài giảng dài dòng, loanh quanh, miên man, nhàm chán, không đầu không đũa. Sự thiếu chuẩn bị dẫn đến lầm bầm, hoặc nói bông đùa nhưng với dụng ý rõ ràng. Những điều đó khiến dân Chúa nói rằng bài giảng của chúng ta là những đòn tra tấn mà họ cực chẳng đã phải chịu mỗi khi tham dự Thánh lễ Chúa nhật”. Công bằng mà nói, những chuyện như thế này chẳng xa lạ gì với nhiều người trong chúng ta. Đối với người giáo dân, họ sống đạo và đến dự Tiệc Thánh Thể mỗi tuần, đó cũng có thể coi là một nỗ lực đáng trân trọng. Thế nhưng, đã là dự tiệc thì ai cũng muốn mình được thưởng thức những món ăn ngon; khi tham dự Thánh lễ cũng thế, chắc rằng chẳng ai muốn mình cứ phải chịu đựng sự “tra tấn” từ tuần này sang tháng nọ. Trong thời buổi hiện tại, mặt bằng dân trí đã được nâng cao hơn trước rất nhiều, cộng thêm việc các phương tiện truyền thông phát triển vượt bậc, cho nên người giáo dân dễ dàng tiếp cận Lời Chúa bằng nhiều kênh khác nhau một cách mau chóng và phong phú. Chính vì vậy, một khi trình độ hiểu biết của các tín hữu tăng lên thì đồng nghĩa với nó, các mục tử cũng phải biết cách làm mới chính mình. Nhiều vị mục tử thừa nhận việc mục vụ chiếm quá nhiều thời gian trong ngày nên không còn giờ để chuẩn bị bài giảng cho chu đáo. Có thể đó là một lời biện hộ được nhiều giáo dân chấp nhận. Thế nhưng, nếu các vị mục tử không muốn mình bị tụt hậu thì chẳng có cách nào khác là phải biết dành thời gian để trau dồi kiến thức cho bản thân.
- Thật ra, việc giáo dân ca thán các linh mục không chỉ có mỗi chuyện giảng giải Lời Chúa mà còn ở nhiều khía cạnh khác nữa. Một trong số đó chính là hình ảnh được họa lại từ các Kinh sư và người Pharisêu mà Tin Mừng hôm nay nhắc tới: họ nói mà không làm. Nhiều vị thích người khác gọi mình là cha và thậm chí trong cách nói chuyện, nhiều linh mục còn trẻ vẫn vui vẻ xưng hô mình là “cha” với những người đáng tuổi ông bà của mình. Có lẽ người giáo dân đã quen với kiểu xưng hô như thế; nhưng ngặt một nỗi, nhiều khi các cha hành xử với con chiên như thể là một ông bố đời. Năm xưa, những người trong đạo Do Thái đã khổ sở vì phải đánh vật với rất nhiều luật lệ do các Kinh sư và nhóm Pharisêu bày ra. Ngày nay, chắc hẳn nhiều Kitô hữu cũng cảm thấy muộn phiền với cách hành xử của không ít các vị mục tử trong Hội Thánh như vậy. Chúng ta không có quyền phê phán ai, nhưng trong sự khiêm nhường thẳm sâu, chúng ta hãy cầu xin Chúa để Ngài trợ giúp các vị mục tử biết thấm nhuần một điều căn bản đó là: Hãy thi hành những điều mà các ngài giảng dạy. Có như thế, các vị mục tử của chúng ta mới tránh đi được những sự lạm dụng trong các bài giảng; đồng thời nhờ đó mà cũng sinh ích cho đời sống đức tin của người giáo dân.
Viết Cường, O.P.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.