Kể từ khi Hàng Giáo phẩm Việt Nam được thiết lập năm 1960, ĐTGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn là vị Hồng y thứ 6 được vinh thăng. Điều này cho thấy “Hồng Y” là một tước vị cao quý trong Giáo hội Công giáo và càng quý hiếm nơi GHCGVN.
Khi công bố trao ban tước vị “Hồng Y” lần này, ĐTC Phanxicô mong muốn “thể hiện sự liên kết bất khả phân ly giữa Giáo hội Rôma và các
Giáo hội địa phương trên thế giới”.
Sự liên kết này, trước hết, được thể hiện qua vai trò “đại cử tri và cử tri duy nhất”, có nhiệm vụ bầu Giáo Hoàng mới – cũng là Giám mục Rôma. Theo quy chế hiện hành, việc bầu giáo hoàng dành cho các hồng y dưới 80 tuổi. Ngoài ra, các ngài là những người cộng tác gần gũi nhất của Đức Thánh Cha, cộng tác cách tập thể hay cá nhân, trong việc quản trị Giáo hội.
Sự liên kết giữa Giáo hội Rôma và các Giáo hội địa phương cũng được thể hiện qua sự đa dạng về sắc tộc của các hồng y tại các vùng miền trên thế giới. Riêng với vùng Đông Nam Á châu, các Giáo hội địa phương như Philippines, Việt Nam, Hàn Quốc, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Hong Kong, Indonesia đều có các hồng y và hồng y cử tri đoàn.
Một khía cạnh khác của sự liên kết này là quyền bổ nhiệm “Hồng Y” - quyền tuyệt đối và hoàn toàn tự do của Đức Thánh Cha. Các vị được vinh thăng với nhiều ưu điểm nổi bật như thông thạo giáo lý, đạo đức, đời sống thánh thiện, khôn ngoan trong việc quản trị, quân bình trong phê phán, có công lớn trong Giáo hội, cách riêng là lòng trung thành với Giáo hội.
Lòng trung thành với Giáo hội của các hồng y nói lên tính chất bất khả phân ly giữa Rôma và các Giáo hội địa phương. Đây cũng là điều mà các tín hữu thường tuyên xưng “Tôi tin một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền”.
Lòng trung thành với Giáo hội còn được biểu hiện cách đương nhiên trong chính nguyên ngữ “hồng y”, được chuyển ngữ từ “cardinal” với ý nghĩa là “cột trụ, nền tảng của đức tin và của lòng trung thành”.
Trong dịp trao ban tước vị “Hồng Y” lần này, có 5 vị đã nghỉ hưu, không còn trong danh sách cử tri đoàn, theo lời ĐTC Phanxicô công bố, “trổi vượt về lòng bác ái mục vụ trong việc phục vụ Tòa Thánh và Giáo hội”. Các ngài đại diện cho nhiều giám mục, với lòng quan tâm mục vụ tương tự, đã làm chứng cho lòng yêu mến Chúa Kitô và yêu thương dân Chúa nơi các Giáo hội địa phương, ở giáo triều Rôma, và trong ngành ngoại giao Tòa Thánh.
Dù là hồng y cử tri đoàn hoặc không còn trong danh sách cử tri đoàn, các hồng y của Giáo hội Công giáo là những chân dung để các tín hữu soi chiếu về niềm tin và cách thức thể hiện niềm tin trong Giáo hội.
Riêng với Đức tân Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Thông báo của Tòa TGM Hà Nội đã bày tỏ: “Đây là một vinh dự và niềm vui lớn lao không những cho Đức Tổng Giám mục Phêrô, mà còn cho Tổng Giáo phận Hà Nội, cho Hội Thánh tại Việt Nam và cho đất nước chúng ta. Chúng ta vui mừng tạ ơn Chúa và cám ơn Đức Thánh Cha vì sự quan tâm và ưu ái của ngài với Giáo hội và đất nước Việt Nam chúng ta. Sự bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Phêrô làm Hồng Y của Đức Thánh Cha là nguồn khích lệ cho Tổng Giáo phận chúng ta trong việc dấn thân loan báo Tin Mừng, đặc biệt cho những người nghèo khổ”.
Hoàng Anh
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.