Một trong những quan niệm về loan báo Tin Mừng vẫn còn phổ biến là sự ra đi đến các địa chỉ chưa được rao giảng Tin Mừng để truyền bá niềm tin Kitô giáo. Với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, để có thể loan báo Tin Mừng, Giáo hội phải “đi ra vùng ngoại biên”. Như vậy, để có thể ra đi loan báo Tin Mừng, người tông đồ phải “vượt ranh”.
1. NHỮNG RANH GIỚI CỦA SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG
![]() |
Đức Giám mục Giuse Trần Văn Toản, Phụ tá Gp Long Xuyên |
Theo huấn giáo của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II[1], các văn kiện của Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Á Châu[2], và tông huấn “Niềm Vui của Tin Mừng” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ta ý thức về sự phân định những ranh giới cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Có ba tình trạng niềm tin Kitô giáo như ba địa chỉ mà vị thừa sai được yêu cầu vượt ranh vì sứ vụ: (1) Một là tập thể các Kitô hữu tích cực tham gia các sinh hoạt tôn giáo, và có khả năng thực hiện một cam kết cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. (2) Hai là tình trạng các Kitô hữu đã mất cảm thức về đức tin, không còn coi mình là Kitô hữu nữa. (3) Ba là trường hợp của các cá nhân hay tập thể còn xa lạ với Chúa Kitô và Hội Thánh.
Đức ái mục tử với tình yêu, hy sinh và trách nhiệm, sẽ là động lực thúc đẩy người tông đồ sẵn sàng vượt ranh để thực hiện sứ mạng của Giáo hội với lý tưởng “chỉ một đàn chiên và một mục tử” (Ga 10, 16).
Ngoài ra, còn ba (03) đối tượng của Sứ vụ Loan Báo Tin Mừng đòi vị thừa sai cần vượt ranh : (1) Một là các tín đồ của các tôn giáo khác, của các triết lý sống, các tín ngưỡng, cũng như các người không tôn giáo hay vô thần. (2) Hai là các nhóm người sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những người nghèo, các thiếu nhi và thiếu niên không đủ điều kiện để đến trường, và những người già cả, nghèo, neo đơn, đau yếu bệnh tật. (3) Ba là một bầu khí xã hội do ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa, tục hóa, và tương đối hóa. Bầu khí này đang tạo nên một kiểu “tôn giáo” với cách sống rất được quần chúng thuộc mọi tầng lớp, kể cả các tín đồ của các tôn giáo truyền thống, tin theo và thực hành, đó là hiện tượng vô thần thực hành. Sức quyến rũ của “tôn giáo” này là sự giàu sang vật chất và sự hưởng thụ khoái lạc trần thế.
Ba đối tượng trên đây hình thành những ranh giới rất đặc thù. Để có thể thực hiện sứ vụ Loan Báo Tin Mừng đối với các đối tượng này, vị thừa sai được đòi hỏi phải có tinh thần đối thoại, phục vụ, và sống chan hòa với nhiều sáng kiến và nhiệt tâm mới có thể dấn thân vượt ranh.
Theo các văn kiện của Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC), được ĐGH Gioan Phaolô II đề cập nhiều trong tông huấn hậu thượng hội đồng giám mục Á Châu “Giáo hội tại Á Châu – Ecclesia in Asia”, thì một cách thế biểu hiện giáo hội đặc thù tại Á Châu và của Á Châu là đối thoại. FABC đề ra ba đối tượng của việc đối thoại trong sứ mạng truyền giáo tại Á Châu là (1) đối thoại với các nền văn hóa địa phương, (2) đối thoại với các tôn giáo bản xứ, và (3) đối thoại với người nghèo. Theo ý tưởng này, các nền văn hóa, các niềm tin và triết lý sống, và tình trạng kém phát triển là những ranh giới mà người tông đồ cần vượt ranh.
![]() |
Ưu tiên cho những người bị bỏ rơi và chà đạp là thách đố của người truyền giáo khi vượt ranh |
Trong bài phát biểu tại Đại Hội Toàn Thể của Liên Hiệp Hội Đồng Giám Mục Á Châu lần thứ X được tổ chức tại Xuân Lộc và Thành Phố Hồ Chí Minh năm 2012, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã đề cập đến đối tượng thứ tư của công cuộc vượt ranh để đối thoại, đó là xã hội vô thần duy vật.
Theo kinh nghiệm thực tế của hơn một năm thi hành tác vụ giám mục tại một giáo phận tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, theo tôi những ranh giới mới được liệt kê cần vượt qua để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. (1) Vượt ranh để đối thoại với nhà cầm quyền, những người nắm quyền hợp pháp trong xã hội; đối thoại để cùng cộng tác phục vụ đồng bào. (2) Vượt ranh để đối thoại với các doanh nhân, những người có tiền, để cùng cộng tác phục vụ những người nghèo. (3) Vượt ranh để đối thoại với các nhà trí thức, những người có chuyên môn, để phục vụ những người trẻ đang có nguy cơ bị loại trừ khỏi xã hội, có cơ hội hội nhập vào xã hội.
Để có thể vượt ranh để đối thoại tại những vùng ngoại biên hiện sinh, người tông đồ phải biết hội nhập văn hóa, có tinh thần đại kết, và ưu tiên chọn lựa phục vụ người nghèo, đồng thời người thừa sai đóng vai trò của chiếc cầu xây dựng tình liên đới, xây dựng một xã hội thấm nhuần tinh thần tám mối phúc thật. Sự đối thoại đúng nghĩa đòi hỏi đối thoại trên nền tảng của chân lý, tình yêu, và sự tự do nội tâm.
2. LINH ĐẠO CHO SỨ VỤ VƯỢT RANH
Rút ra từ huấn giáo của ĐGH Gioan Phaolô II về tu đức truyền giáo[3] và từ các văn kiện của Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC)[4], được gợi hứng từ định hướng loan báo Tin Mừng tại Á Châu của cha Phêrô Phan Đình Cho[5], được gợi ý từ tư tưởng của Robert Schreiter về tu đức loan báo Tin Mừng trong tương lai[6], xin được đề xuất những gợi ý về một nền tu đức “Vượt ranh để loan báo Tin Mừng” theo mô hình mầu nhiệm Chúa Kitô.
![]() |
Đối thoại liên tôn - một hình thức vượt ranh để loan báo Tin Mừng. Ảnh: Phái đoàn TGM Long Xuyên thăm Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo |
1. MẦU NHIỆM NHẬP THỂ VỚI ĐẶC TÍNH VỀ CÁCH SỐNG HIỆN DIỆN
Thời gian ẩn dật của Chúa Giêsu tại Nazareth là cách thế hiện diện của Chúa Giêsu sống mầu nhiệm Nhập Thể - Emmanuel - Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta. Trong cái nhìn sứ vụ, Nhập Thể là cách Chúa vượt ranh đến hiện diện trong lịch sử nhân loại.
Thiết yếu của sự hiện diện Nhập Thể này xuất phát từ mầu nhiệm Ngôi Hai đã bước ra khỏi chính bản thể Thiên Chúa, vượt ranh đời đời, để bước vào và hiện diện trong không gian và thời gian[7]. Khi bước qua ranh giới giữa Thiên Chúa và phàm nhân, Ngôi Lời đã biến đổi hàng rào ngăn cách tưởng chừng như tuyệt đối không thể vượt qua, đã trở thành một vạch ranh giới và hình thành một thực tại mới, Giêsu Nazareth, với hai bản tính được hài hòa trong một ngôi vị duy nhất.
Như Chúa Giêsu, người truyền giáo cũng đối diện với thách đố là phải bước qua mọi ranh giới để thiết lập một cộng đoàn nhân loại mới trong sự hài hòa giữa nhiều khác biệt và đa dạng. Sự hiện diện Nhập thể này cũng còn đòi hỏi nhà truyền giáo một thái độ hợp đoàn với con người ở cả hai bên ranh giới, nhất là ưu tiên cho những người bị bỏ rơi và bị chà đạp. Một cách đặc biệt trong nhiều trường hợp, ngay cả sự hiện diện âm thầm là một cách thế sống chứng nhân, làm nổi bật những giá trị của sự từ bỏ, khiêm tốn, đơn sơ, và thinh lặng của tin mừng. Đức Giêsu Nazareth đã chọn sống chứng nhân trong âm thầm 30 năm trước khi công khai loan báo Tin Mừng.
2. MẦU NHIỆM NHẬP THỂ VỚI ĐẶC TÍNH VỀ CÁCH SỐNG HÒA GIẢI
Chúa Giêsu sống mầu nhiệm Nhập Thế để thi hành sứ vụ công khai. Đây là cách sống biểu hiện sự hòa giải.
Vị thừa sai học hỏi từ Chúa Giêsu thái độ sống giữa thế gian để thiết lập sự hài hòa và xây dựng sự an bình. Để sống hài hòa bằng sự hòa giải, Chúa Giêsu thực hiện tác vụ của mình luôn luôn ở địa điểm những ranh giới và do đó Người hiện diện ở bên lề của cả hai thế giới bị chia rẽ bởi những ranh giới[8]. Quả thật, Chúa Giêsu bước qua các ranh giới nhiều lần một cách tự do và sứ điệp của Người là phải loại bỏ các ranh giới giữa Do Thái và không Do Thái, giữa đàn bà và đàn ông, giữa người già và người trẻ, giữa người giàu và người nghèo, giữa người quyền thế và người thấp cổ bé miệng, giữa người khỏe và bệnh nhân, giữa người sạch và người ô uế, giữa người công chính và tội nhân (Gal 3,28). Theo ý tưởng này, loan báo Tin Mừng là loại bỏ mọi ranh giới và mời gọi tất cả đi vào nhà của Người Cha giàu lòng thương xót và tha thứ, ở đó mọi người sống hài hòa với Thiên Chúa, với nhau, và với chính mình.
Cụ thể, trong lịch sử giáo hội Việt Nam, đã có nhiều những vết đen của chia rẽ, xung khắc và loại trừ giữa Thiên Chúa Giáo và Dân tộc, cũng như với tôn giáo khác, và ngay trong nội bộ Giáo hội. Do đó, cần phải làm dậy lên một ý thức về sự cần thiết phải hòa giải như tiền đề cho một cách sống hài hòa cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Sự hòa giải này phải là vượt ranh, để Vị Truyền Giáo vạch ra một lộ trình cho con người hòa giải với Thiên Chúa, cho con người hòa giải với nhau, và hòa giải với chính mình.
|
Vượt ranh để đối thoại với nhà cầm quyền, những người nắm quyền hợp pháp trong xã hội; đối thoại để cùng cộng tác phục vụ đồng bào. Ảnh: Buổi nói chuyện giữa các Đức cha giáo phận Long Xuyên và đoàn của Chủ tịch nước |
Để hoàn thành sứ mạng này, thiết tưởng là nhà truyền giáo cần phải nuôi dưỡng những thái độ biết lắng nghe và đợi chờ, biết quan tâm và từ tâm[9], và để Thần Khí hướng dẫn và sử dụng. Bằng thái độ ngoan ngoãn để Thần Khí hướng dẫn, ta trở thành cộng tác viên của Chúa Thánh Thần và cùng với những người thiện chí, chung sức chung lòng xây dựng xã hội thành một cộng đoàn hiệp nhất trong đa dạng, một cộng đoàn chan chứa sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.
ĐGH Gioan Phaolô II đã nhân danh Giáo hội lên tiếng hòa giải với thế giới bằng một thái độ khiêm tốn xin sự tha thứ để bắt đầu bước vào thiên niên kỷ mới.
3. MẦU NHIỆM NHẬP THỂ VỚI ĐẶC TÍNH VỀ CÁCH SỐNG TỰ HỦY
Mầu Nhiệm Khổ Nạn là biểu hiện cho một cách sống chấp nhận hy sinh vì sứ mạng. Với cái nhìn sứ vụ loan báo Tin Mừng, đây là mầu nhiệm tự hủy vì Nước Thiên Chúa. Sự tự hủy trong mầu nhiệm Đức Kitô chính là sự vượt ranh chính mình để “tự hạ vâng lời cho chết và chết trên Thập Giá” (Phi 2,7-8).
Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu được coi là cái giá Ngài phải trả cho việc thực hiện sứ mạng của mình ở những giao điểm của ranh giới. Tiến trình xử án và cái chết của Chúa chứng tỏ Chúa Giêsu là người bị loại trừ khỏi xã hội của loài người như một tử tội. Địa điểm Chúa chết là “ngoài cửa thành và ở ngoài trại” (Dt 13,12-13). Một cách biểu tượng, Chúa bị treo lơ lửng giữa trời và đất, Chúa chết bên lề của trời và đất, và chỉ khi đó, Chúa Giêsu thực sự đang hành động với tư cách của một vị trung gian giữa Thiên Chúa và Con Người[10].
Tự hủy trong nền tu đức truyền giáo trước tiên là sự khiêm tốn vâng phục sự sai đi bởi Chúa và Giáo hội. Nhận thức mình được sai đi, vị thừa sai không bao giờ coi mình như ông chủ, nhưng chỉ là người quản lý chia sẻ Tin Mừng của Chúa. Hơn nữa, nền tu đức tự hủy này cũng được biểu lộ qua cách sống của người truyền giáo như một người lãnh nhận hơn là trao tặng. Và, nền tu đức tự hủy này phải được biểu lộ cách rõ nét nhất khi vị thừa sai, vì để sống chan hòa, dám chấp nhận hy sinh những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, hay những tiện nghi vật chất và tinh thần mình có quyền hưởng một cách chính đáng, hy sinh đến độ “ta đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho muôn người” (Mt 20,28).
4. MẦU NHIỆM NHẬP THỂ VỚI ĐẶC TÍNH VỀ CÁCH SỐNG HIỆP THÔNG
Mầu Nhiệm Phục Sinh biểu hiện sự hiệp thông trọn vẹn như cùng đích của cuộc hành trình đời người. Sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu cùng với sự tự hủy trong cuộc khổ nạn của Người thực sự trọn vẹn ý nghĩa vì đây cũng chính là sự vượt qua của Người, vượt qua cái chết. Thực vậy, với sự phục sinh, Chúa Kitô đã bước qua ranh giới của sự chết để đi vào một cuộc sống mới, nhờ đó Người loan báo hy vọng cho những nơi thất vọng, công bố sự chiến thắng trước sự yếu nhược, loan tin tự do cho những thân phận nô lệ, và làm cho sự sống lên ngôi trong lãnh địa của sự chết[11]. Mầu Nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô chính là Tin Mừng, ranh giới của sự chết trở thành ranh giới của một sự sống, một sự sống dồi dào hơn. “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25).
Sự sống lại và là sự sống trong Đức Kitô không nên được hiểu như là hoa trái chỉ có thể đạt được sau cuộc sống đời này. Đúng ra, đây phải là cuộc hành trình được Chúa Thánh Thần “lột xác” nhờ sự sám hối. Quả thật, theo cái nhìn tự nhiên, mỗi khoảnh khắc thời gian qua đi, bước chân con người đang bước từng bước đến cái chết. Còn theo cái nhìn đức tin và truyền giáo, mỗi giây phút của cuộc sống là những nỗ lực được thanh luyện và tự thanh luyện để ta và anh chị em đồng loại trở nên xứng đáng được hưởng lời hứa của Chúa Kitô trên thập giá cho người trộm lành cùng chịu án tử với Chúa Giêsu, được sống hiệp thông với ngài ngay ở đây và vào lúc này - hic et nunc: “Ngay hôm nay, con đang ở trên thiên đàng với Ta”.
Quả thật, nền tu đức truyền giáo với tư cách sống hiện diện, hòa giải, và tự hủy có liên kết mật thiết với cách sống hiệp thông trọn vẹn. Đây là cuộc hành trình của cách sống thừa sai. Trong cuộc hành trình này, vị thừa sai là chứng nhân cho sự siêu vượt chính mình để có khả năng sống hài hòa, hài hòa với chính mình, với đồng loại, với thiên nhiên, và với Thiên Chúa.
Như vậy, trong nền tu đức vượt ranh với cách sống hiệp thông, các đường ranh giới không còn là những hàng rào khoanh vùng và ngăn cản, nhưng trở nên biên giới cho những mạo hiểm truyền giáo tiến đến gặp gỡ con người của cả hai bên biên giới và thiết lập một thực tại mới vì lợi ích chung. Trong thực tại mới này, các ranh giới sẽ không biến mất, những khác biệt không mờ nhạt đi, nhưng chúng không phân rẽ và loại trừ. Đúng hơn, chấp nhận chúng như đường ranh phân chia, vị thừa sai cũng nhìn chúng như những địa điểm ưu việt cho cuộc gặp gỡ giữa những con người có nhiều khác biệt và họ đến với nhau để hình thành một nhân loại mới sống trong sự hiệp thông của mầu nhiệm Nước Thiên Chúa.
Để kết thúc, xin được trích số 9 của Thư chung năm 1980:
“Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hòa mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước. Công đồng dạy rằng “Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới” (MV 40,2). Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa”.
Giám mục Giuse Trần Văn Toản
Phụ Tá giáo phận Long Xuyên
[1] Thông Điệp “Sứ vụ của Đấng Cứu Thế – Redemptoris Missio”; Tông huấn “Giáo hội tại Á Châu – Ecclesia in Asia”.
[2] Các văn kiện từ các phiên họp khoáng đại cũng như từ các viện và văn phòng của FABC được trình bày trong tập For All the Peoples of Asia: Federation of Asia Bishops’s Conferences gồm 4 cuốn.
[3] Theo ĐGH, nền tu đức của truyền giáo cần có 3 sắc thái (1) một thái độ ngoan ngoãn hoàn toàn đối với Chúa Thánh Thần, (2) Sự hiệp thông thân mật với Chúa Giêsu, và (3) Đức ái tông đồ (apostolic charity) của nhà truyền giáo dành cho những người được rao giảng tin mừng và cho giáo hội (RM số 90)
[4] FABC đưa ra một nền tu đức cho Á Châu với 6 đặc tính. Nền tu đức cho Á Châu phải là một nền tu đức (*) Nhập thể, (*) qui hướng về Chúa Kitô, (*) dựa vào kinh thánh, (*) và các bí tích, (*) trong giáo hội Chúa Kitô, và (*) có tính cách cộng đoàn (For All the Peoples of Asia, cuốn 1, trang 195-197).
[5] Peter C. Phan, In Our Own Tongues – Perpectives from Asia on Mission and Inculturation, Orbis Books, 2003. Trang 130-150.
[6] Schreiter đề xuất nền tu đức truyền giáo trong tương lai phải phát triển 4 phạm trù sau đây: (*) Tu đức của sự hiện diện, (*) Tu đức của sự tự hủy, (*) sự hòa giải, (*) và tu đức cho con người toàn diện (Mission in the Third Millennium, Maryknoll, N.Y.:Orbis Books, 2001, trang 151-152)
[7] Peter C.Phan, In Our Tongues – Perpectvies from Asia on Mission and Inculturation, trang 147-148.
[8] Peter C.Phan, In Our Tongues – Perpectvies from Asia on Mission and Inculturation, trang 148
[9] Schreiter, Reconciliation, trang 18-27
[10] Peter C. Phan, In Our Tongues – Perpectives from Asia on Mission and Inculturation, trang 149
[11] Peter Phan, in our own tongues – Perpectives from Asia on Mission and Inculturation, trang 119
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.