Năm nay, ngày 30 Tết Ất Mùi, theo lịch Phụng vụ, là ngày thứ Tư lễ Tro. Theo thỉnh nguyện của HĐGMVN năm 2000 và được Tòa Thánh phê chuẩn ngày 29.1.2010, HĐGMVN quyết định vẫn cử hành lễ Tro năm nay vào ngày 30 Tết Ất Mùi và chuyển việc ăn chay kiêng thịt sang ngày mùng 9 Tết (Biên bản Hội nghị thường niên HĐGMVN kỳ II/2014, số 8).
Quyết định của HĐGMVN cho thấy sự tôn trọng truyền thống văn hóa của người Việt trong dịp Tết nhưng việc ăn chay kiêng thịt cũng luôn là điều cần thiết đối với Kitô hữu.
“Ăn chay kiêng thịt” là cách nói thông thường của khá nhiều người Công giáo Việt Nam, thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi. Cách nói này được hiểu và áp dụng bằng cách tiết giảm ăn uống so với những ngày khác và không ăn thịt trong ngày chay. Chỉ cần như thế là đã giữ chay, không phải áy náy lương tâm!
![]() |
Em bé lang thang cơ nhỡ. |
Tuy nhiên, nếu ngẫm nghĩ nhiều hơn, có thể thấy rằng giữ chay kiểu này mới chỉ dừng lại ở mức độ chấp hành luật lệ của Giáo hội, và cũng không nhiều chông gai, thử thách nhất là luật giữ chay nơi Giáo hội Việt Nam ngày nay đã rất thông thoáng. Hầu hết các giáo phận tại Việt Nam chỉ còn buộc giữ chay ngày thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh.
Phải chăng “ăn chay kiêng thịt” hay chay tịnh còn có một ý nghĩa khác hơn? Trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã chẳng lên án thái độ của những người Pharisiêu, thành phần cực kỳ thận trọng tuân giữ những quy định của lề luật, thế nhưng tâm trí của họ lại xa cách Thiên Chúa đó sao?
Trước tiên, có thể thấy rằng Thánh Kinh và tất cả truyền thống Kitô giáo dạy rằng việc chay tịnh là những gì hỗ trợ rất nhiều cho vấn đề tránh tội lỗi cũng như tất cả những gì dẫn chúng ta tới tội lỗi. Ở những trang đầu tiên của Thánh Kinh, Chúa đã truyền lệnh cho con người phải kiêng cữ ăn trái cấm: “Người được tự do ăn hết mọi cây trong vườn này nhưng ngươi không được ăn cây biết lành biết dữ, vì ngày nào người ăn nó người sẽ phải chết” (St 2,16-17).
Trong Sứ điệp mùa Chay 2009, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng đã nhấn mạnh: “Việc chay tịnh đích thực bởi thế trực tiếp liên quan tới “thức ăn đích thực” là làm theo ý muốn của Cha (Ga 4,34). Bởi vậy, nếu Adong bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa “về cây biết lành biết dữ mà ngươi không được ăn”, thì tín hữu, nhờ chay tịnh, muốn tỏ ra mình khiêm nhượng phục tùng Thiên Chúa, tin tưởng vào sự thiện hảo và tình thương của Ngài”.
Việc chay tịnh còn được liên kết bằng việc đọc Lời Chúa, cầu nguyện, làm phúc bố thí, nghĩ đến những người bị bỏ rơi. Từ ban đầu, tục lệ này đã là một dấu mốc của cộng đồng Kitô hữu, nơi diễn ra các cuộc quyên góp (2Cor 8-9; Rm 15:25-27), tín hữu được mời gọi cống hiến cho người nghèo những gì được dành dụm từ việc họ chay tịnh. Việc thực hành này cần phải được tái nhận thức và khích lệ một lần nữa trong thời đại của chúng ta, nhất là trong mùa Chay phụng vụ.
Thứ Tư lễ Tro dẫn vào mùa Chay của Năm Phụng vụ gợi nhớ Chúa Giêsu được Thần Linh dẫn vào hoang địa ăn chay 40 đêm ngày trước khi bắt đầu cuộc đời hoạt động công khai (Mc 4,1-2). Ngài là tấm gương cho mỗi Kitô hữu về chay tịnh, hoàn toàn không phát xuất từ việc giữ lề luật.
Nếu chỉ vì lề luật, chúng ta mới chỉ tiếp cận vòng ngoài của vấn đề chay tịnh.
Hoàng Anh
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.