Thứ Ba, 02 Tháng Sáu, 2015 22:44

Thức tỉnh trước nạn nô lệ và buôn người

Từ gần 50 năm nay, Giáo hội Công giáo lấy ngày 1 tháng Giêng (dương lịch) hằng năm để cử hành Ngày Hòa bình Thế giới. Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 48 năm nay mang chủ đề “Không còn là nô lệ, nhưng là anh chị em”.

Chủ đề này được tiếp nối khi lần đầu tiên Tòa Thánh Vatican khởi xướng Ngày Quốc tế Chống nạn buôn người vừa diễn ra vào ngày 8.2.2015 với chủ đề :“Thắp lên một ngọn đèn chống nạn buôn người”. Ngày 8.2 được chọn nhân ngày lễ kính Thánh Josephine Bakhita người Sudan, nguyên là một nô lệ, sau khi được trả tự do, đã trở thành nữ tu dòng Nữ Tử Bác Ái Canossa và được Giáo hội tuyên thánh năm 2000.

Với các chủ đề về hòa bình mà Tòa Thánh nêu lên hằng năm, có thể nhận diện nền hòa bình không chỉ hạn hẹp trong phạm vi không có chiến tranh, bom đạn mà còn được thể hiện ở nhiều lĩnh vực nhân văn khác. Xóa bỏ nô lệ, chống nạn buôn người là một thí dụ.

Tòa Thánh ước lượng hiện nay có khoảng 36 triệu người gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại trên khắp thế giới, nhất là bị cưỡng bức lao động và bóc lột tình dục. Đức Thánh Cha kêu gọi thực hiện các cử chỉ huynh đệ thực sự để chống lại nhiều bộ mặt của tai họa này mà ngài gọi là tội ác chống lại nhân loại. Trong nhiều lý do, Đức Thánh Cha kể ra nạn nghèo đói, tham nhũng, xung đột, khủng bố.

Nhiều trẻ em da đen bị bóc lột sức lao động với điều kiện khắc nghiệt

 “Lạy Chúa, khi chúng con nghe biết có những trẻ em, và cả người lớn bị lừa gạt đưa đến những nơi xa lạ để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động và bán các bộ phận cơ thể, tâm trí chúng con đau buồn và  phẫn nộ vì nhân phẩm và quyền lợi của họ bị chà đạp bằng những đe dọa, dối trá và bạo lực...” -  “Lời kinh nguyện” được Tòa Thánh đề nghị cho Ngày Quốc tế chống nạn buôn người mở đầu như thế.

Việt Nam chúng ta cũng đã và đang có tình trạng này dưới một số hình thức : Phụ nữ bị bán vì mục đích mại dâm, làm vợ; trẻ em chủ yếu là bị lợi dụng sức lao động, ăn xin; còn nam giới bị bóc lột sức lao động. Gần đây còn có buôn bán trẻ sơ sinh, buôn bán bào thai, nội tạng và một hình thức buôn bán mới là đẻ thuê...

Trong việc buôn người hay thực trạng nô lệ, con người không còn là “người” mà chỉ là một “đồ vật có hơi thở”. Điều này ngược hẳn với toàn bộ các nền văn minh nhân loại, riêng đối với Công giáo là một sự phản nghịch vì con người là hình ảnh Thiên Chúa: Vào ngày thứ sáu, Thiên Chúa đã phán: “Chúng ta hãy làm nên con người theo hình ảnh chúng ta, tương tự như chúng ta; và hãy để cho chúng cai trị cá biển, chim trời, súc vật, hoang thú, và mọi loài bò sát trên mặt đất” (St 1,26).

Những nô lệ trẻ em phải làm việc cực nhọc 

Trước tệ nạn buôn người, nô lệ, người Công giáo chỉ có một thái độ duy nhất là không những không được buôn bán, không được tiếp tay, không được áp đặt bất cứ ai làm nô lệ mà còn phải chung tay với mọi người xóa bỏ các tệ nạn này. Mặt khác, người Công giáo cũng cần thức tỉnh trước nạn buôn bán được che đậy bằng những chiêu bài nhân đạo, đôi khi được phù phép bởi những người đồng đạo...

Với sự đề tỉnh từ Tòa Thánh, nạn nô lệ, buôn người đang là một thực trạng mang tính toàn cầu mà Việt Nam là một trong những địa bàn có nguy cơ cao. Trong năm 2015, thực trạng này cũng là một vấn đề cần suy nghĩ trong  Năm Tân Phúc âm hóa giáo xứ. 

HOÀNG ANH

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác