Trong Ðại hội Hội đồng Giám mục Việt Nam lần thứ XIV (từ ngày 30.9 - 4.10.2019) tại Trung tâm mục vụ giáo phận Hải Phòng, văn bản “Hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên” đã được Ðức cha Giuse Ðặng Ðức Ngân, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa trình bày. Sau khi thảo luận, các Ðức Giám mục đã biểu quyết đồng thuận và Ðức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HÐGMVN đã công bố cho phép áp dụng thử nghiệm văn bản này trong thời gian 3 năm, từ ngày 4.10.2019.
Theo Ðức cha Giuse Ðặng Ðức Ngân, từ năm 2014, sau cuộc hội thảo về lòng tôn kính tổ tiên do Ủy ban Văn hóa tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm áp dụng Huấn thị Plane Compertum Est, một thỉnh nguyện thư đã được trình lên HÐGMVN xin thành lập một ủy ban để tiến hành xác lập và đề ra những áp dụng thực hành, trong đó quy định cách thức bày tỏ lòng thảo hiếu với ông bà tổ tiên thế nào; cũng như nghi thức trong lễ cưới hỏi, đám tang, lễ gia tiên, bàn thờ gia tiên, sử dụng cờ ngũ hành... làm sao để hội nhập với văn hóa Việt Nam. Ðáp ứng thỉnh nguyện thư này, HÐGMVN đã ủy cho Ðức cha Giuse Vũ Duy Thống (khi ấy là Chủ tịch Ủy ban Văn hóa) cùng với các giám mục thuộc các Ủy ban để soạn thảo “Văn bản hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên”. Ủy ban soạn thảo đã bắt đầu làm việc từ năm 2014 và kết thúc vào năm 2019, qua 2 giai đoạn (đang trong giai đoạn đầu thì Ðức cha Giuse Vũ Duy Thống từ trần, Ðức cha Giuse Ðặng Ðức Ngân được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Văn hóa và tiếp tục giai đoạn 2 của tiến trình này). Ban soạn thảo đã hoàn tất văn bản sau 5 năm nỗ lực. Khi HÐGMVN cho phép áp dụng thử nghiệm, văn bản được đổi tên thành “Văn kiện hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên”.
![]() |
Bàn thờ Chúa và bàn thờ gia tiên trong một gia đình Công giáo |
Văn kiện được chia thành 4 phần. Phần I là định hướng. Trong đó, lòng hiếu thảo và biết ơn tổ tiên được đề cập đến qua sự liên hệ với điều răn thứ tư của Hội Thánh (Thảo kính cha mẹ) và kết hợp với văn hóa truyền thống Á Ðông - một nền văn hóa Tam Giáo đặc biệt đề cao lòng tôn kính thảo hiếu với tổ tiên. Phần này cũng khẳng định một điều rằng “Cuộc hội nhập văn hóa về việc tôn kính tổ tiên sẽ thành sức mạnh thuyết phục anh chị em lương dân tin nhận rằng theo đạo Chúa không là bất hiếu với tổ tiên nhưng vẫn hiệp thông với các ngài qua mầu nhiệm ‘Các thánh cùng thông công’. Với mầu nhiệm này, nhờ ‘ơn cứu độ viên mãn’ của Ðức Kitô, là vua vũ trụ và là chủ dòng lịch sử, chúng ta thể hiện lòng biết ơn tổ tiên. Cũng như con cháu của các tổ phụ, Abraham, Issac, Giacob luôn hy vọng được nhận lãnh ơn lành của Chúa đổ tràn xuống qua các tổ phụ, chúng ta cũng cậy nhờ phúc lành Chúa ban qua tổ tiên ông bà để con cháu được nhận phúc ấm của các ngài...”. Khi nói tới những nề nếp văn hóa, văn kiện có quy định về bàn thờ gia tiên và lễ gia tiên. Ðặc biệt, có điều “mở” ra cho những người con dâu, con rể Công giáo trong các gia đình lương dân. Theo đó, khi giữ vai trò tổ chức lễ gia tiên hoặc cùng người nhà cúng giỗ, để giữ tình thuận thảo với gia đình đôi bên, họ có thể sắm sửa lễ vật và dâng lễ vật lên bàn thờ gia tiên, vái hương trước di ảnh tổ tiên, nhưng cần hiểu “trong lòng chỉ tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, đồng thời cũng sẵn sàng bày tỏ lòng thảo hiếu biết ơn tổ tiên qua các nghi thức lễ gia tiên và xác nhận thảo hiếu với tổ tiên là bổn phận của Kitô hữu”. Cờ ngũ hành được nhắc đến với xác quyết đồng hành cùng dân tộc: “Nhiều giáo phận đã có sáng kiến sử dụng cờ ngũ hành với hình thánh giá trong lòng cờ. Thượng cờ ngũ hành trong xóm đạo, nơi nhà thờ cách nào đó cũng là khẳng định người Việt cùng có chung với nhau cảm xúc, lối nghĩ, tâm hồn Việt...”. Và những quy định về thói tục trái với đức tin Công giáo mà giáo hữu không được thực hiện cũng nêu ra ở phần định hướng, như không được coi tuổi, coi “ngày lành tháng tốt”; không đặt tượng thần tài, ông địa tại cửa hàng hay nhà riêng để cúng vái, cầu xin tiền tài; không đặt hồn bạch hay linh vị trên giường thờ, bàn thờ với sự tin tưởng hồn người chết sẽ hiện diện ở đó; không làm nghi thức mở cửa mả...
![]() |
Tập “Văn kiện hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên” do Ủy ban Văn hóa - HĐGMVN phát hành tháng 10.2019 |
Phần II với những hướng dẫn thực hành nghi thức lễ gia tiên trong cưới hỏi, trong lễ tang và giỗ kỵ. Phần III và IV gồm những nghi thức và lời nguyện mẫu trong lễ cưới hỏi, lễ tang, giỗ kỵ. Có một mục đáng chú ý là nghi thức lễ tang của lương dân. Bên cạnh trích dẫn điều 5 Quyết nghị của HÐGM/NVN 1974, cho phép người Kitô hữu được vái lạy, đốt nến, xông hương, nghiêng mình trước thi hài người quá cố hay đốt hương theo phong tục địa phương để tỏ lòng cung kính người đã khuất; điều 4 của Huấn thị Plane Compertum Est, cho phép những cử chỉ cúi đầu và những biểu lộ khác có tính cách tôn trọng dân sự trước người quá cố hay hình ảnh và bài vị mang tên họ; văn kiện mới này còn gợi mở cho giáo dân biết “Với lễ tang theo nghi thức Phật giáo, khách viếng thường được mời thắp hương và niệm hương trước bàn thờ Ðức Phật trước khi viếng thi hài người quá cố. Trường hợp này, đốt hương và niệm hương trước Ðức Phật như một đấng đáng tôn kính, không mang ý nghĩa như thờ phượng Thiên Chúa”.
Gần đây, khi tổ chức cuộc hội thảo “400 năm hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ trong lịch sử loan báo Tin Mừng” (25 - 26.10.2019), Ủy ban Văn hóa đã cho ấn hành tập “Văn kiện hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên” (NXB Tôn giáo) và Ðức cha Giuse Ðặng Ðức Ngân cũng đã giới thiệu sơ qua vào lúc cuối hội thảo. Ngoài nội dung chính với 4 phần như đã nêu trên, tập sách mỏng này còn có thêm phần phụ lục gồm Huấn thị Plane Compertum Est do Bộ Truyền giáo ban hành ngày 8.12.1939; Thông cáo của HÐGM/NVN về việc tôn kính tổ tiên, ban hành tại Ðà Lạt ngày 14.6.1965; Quyết nghị của HÐGM/NVN về lễ nghi tôn kính ông bà tổ tiên, ban hành tại Nha Trang ngày 14.11.1974.
LIÊN GIANG
----------------------------
* NB: Tải Văn kiện Hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên
(nguồn: trang Hội đồng Giám mục Việt Nam)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.