“Vi nhân”, theo các nữ tu ở cộng đoàn Phaolô Vi Nhân (thuộc tỉnh dòng Phaolô Ðà Nẵng), là “con người bé nhỏ”, và cũng là “vì con người nhỏ bé”. Tên gọi của ngôi trường đặc biệt dành cho trẻ bị khiếm thị, khiếm thính, chậm phát triển, Down, tự kỷ... xuất phát từ ý nghĩa này.
“Xin bà cho con đi học! Con vâng lời bà”
Mái nhà dành cho trẻ mắc các khiếm khuyết thể chất, tâm thần mang tên Vi Nhân nằm ngay trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, cạnh Tòa Giám mục giáo phận, trên mảnh đất trước kia là rẫy cà phê thuộc Nhà Chung. Hiện diện đã hơn 20 năm từ những ngày đầu chỉ là mái lá đơn sơ, nơi này đã và đang chắp cánh vào đời cho hàng ngàn trẻ.
![]() |
Những “con người nhỏ bé” mà các dì, các cô, thầy ở đây vô cùng yêu thương |
Hôm chúng tôi đến Vi Nhân cũng vào khoảng thời gian trường đã bắt đầu năm học mới được ít ngày, vẫn lác đác có vài em nhỏ cùng mẹ tay xách nách mang từ quê nhà sau kỳ nghỉ hè bây giờ mới quay lại trường. Hành trang của các em thì đơn sơ chỉ vài bộ quần áo, còn tay xách tay cầm là những buồng chuối, bao gạo, túi bắp... đem tặng các dì, các cô ở trường.
Ðang trong giờ học ca sáng nên không gian rộng rãi xanh mượt bóng cây của ngôi trường khá yên tĩnh. Rồi bỗng chốc trở nên sôi động bởi tiếng trẻ con đâu đó từ các dãy hành lang vọng ra ngay sau khi cậu bé nước da đen nhẻm độ chừng 12, 13 tuổi dứt tiếng trống rất to báo hiệu giờ ra chơi. Thấy khách giật mình, nữ tu Juliana Ðặng Thị Loan phụ trách cộng đoàn chỉ cậu bé đánh trống, trìu mến: “Ðứa nhỏ bị khiếm thính nhưng mỗi khi đi đánh trống lại bịt tai. Mà ‘ổng’ đánh trống thì mạnh khỏi phải nói”.
Câu chuyện về những “con người nhỏ bé” mà các dì, các cô, thầy ở đây vô cùng yêu thương bỗng gián đoạn một lúc vì một em nhỏ từ xa đến xin nhập học. Cậu bé cười rất tươi quấn quít bên mẹ và một người dì. Ngọc Thạch là tên của cậu bé này, 12 tuổi và quê ở Ðăk Mil. Em liên tục đưa ra thắc mắc cũng như đòi bằng được… đi xem cá. Theo lời người mẹ, Thạch bị mắc chứng tăng động giảm chú ý nên dù đã lên lớp 4 nhưng em chỉ giống trẻ lớp 1. Nhờ sự giới thiệu của người bà con, mẹ của Thạch dằn nỗi nhớ thương con quyết định gởi em đến trường, mong con có môi trường học phù hợp. Sau một vòng được xem cá, xem lớp học, Thạch nằng nặc đòi ở lại luôn để đi học dù mẹ và dì đã giải thích là còn phải về nhà ít ngày chuẩn bị. Cậu bé bất ngờ khoanh tay hứa sau khi ôm chầm lấy dì Loan: “Con thích có bạn chơi. Con hứa sẽ tự xúc ăn, tự chiên cơm cháy ăn. Xin bà cho con đi học! Con vâng lời bà”. Lẽ đương nhiên, cậu bé được nhà trường mở rộng cửa tiếp nhận như rất nhiều hoàn cảnh khác bởi đó là lý do Vi Nhân ra đời.
Lịch sử của ngôi trường chuyên biệt trên miền cao này được đánh dấu vào mùa hè năm 1997. Ngày đó có ba bà mẹ dắt con tới cộng đoàn xin cho con học. Hai trẻ khiếm thị và một trẻ khiếm thính đã bước sang ngã rẽ mới của mình từ “lớp học” có bốn cô trò và ba chiếc ghế đẩu, hai cái bảng con, vài viên phấn. Và đó cũng là cột mốc khai sinh một cơ sở chăm sóc phục vụ người khuyết tật, ngôi trường đầu tiên trong vùng dành cho trẻ mang khiếm khuyết thể chất lẫn tâm thần.
Truyền đi tinh thần Vi Nhân
Từ lúc dấn thân với việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ khuyết tật, các nữ tu đã dồn tâm sức với mong muốn giúp các em được tốt nhất. Có hai nữ tu được đưa qua Pháp học và các chị em trong dòng cũng thay nhau vào Sài Gòn bồi dưỡng thêm về những chuyên môn có liên quan đến hoạt động của nhà trường để về phục vụ. Song song đó, họ còn thay nhau đi kiếm những “con người nhỏ bé” về trường. Bởi theo dì Loan, nhiều gia đình ở vùng sâu, vùng xa không biết đến trường, trong khi nhiều em có khả năng phục hồi, nếu được dạy dỗ bài bản sẽ phát triển tốt hơn. Công việc của các chị cứ nối tiếp nhau từ năm này qua năm khác, giúp cho bao lớp trẻ lớn lên, rời trường với đôi chân vững chãi hơn. Phần lớn học sinh đều ở xa nên trường không chỉ dạy học mà còn như mái nhà nội trú bao bọc. “Thông thường một em từ lúc vào trường đến khi chia tay có trên 10 năm gắn bó. Từ lúc 6 tuổi, các em sẽ được nhận, trừ vài trường hợp đặc biệt, chúng tôi mới nhận sớm hơn”, dì Loan cho hay. Cũng vì ở trường một thời gian dài nên các dì, các cô được các em coi như người thân, như người mẹ thứ hai của mình. Hằng ngày, các chị chăm sóc chúng em từ miếng ăn, giấc ngủ, tắm, giặt..., đồng hành trong cả những giờ lên lớp, giờ học thêm. Nhiều khi các dì phải thao thức bởi với các em tình trạng bệnh nặng như trẻ Down, tự kỷ, cần người trông chừng, chỉ bảo rất tỉ mỉ bất kể ngày đêm.
![]() |
Sản phẩm mỹ nghệ của các học sinh Vi Nhân làm |
Số lượng trẻ đến với trường ngày một nhiều. Như năm học mới này có gần 200 em cả cũ lẫn mới theo học. 1/4 số học sinh là trẻ thuộc các sắc tộc ở những giáo phận miền cao nguyên. Học sinh đông, do đó ngoài nhân sự của dòng, Vi Nhân phải mời thêm giáo viên về trường giảng dạy. Hiện trường có 11 nữ tu cùng 20 giáo viên đảm trách các lớp học chuyên biệt cho trẻ khiếm thị, khiếm thính, chậm phát triển, tự kỷ...
Có một điểm đặc biệt là với nhiều em học hết chương trình cấp 2, nếu có khả năng, nhà trường tạo điều kiện cho ra ngoài học tiếp cấp 3 hoặc học nghề may, nấu ăn, vẽ, mỹ nghệ... ngay tại trường. Trẻ khiếm thị khi ra ngoài học sẽ được hỗ trợ thiết bị, phần mềm chuyển đổi từ chữ nổi sang chữ viết để có thể làm bài tập, bài thi … Như trường hợp Hồ Thị Ái Vy, hiện học lớp 10, khoe hiện em đã có thể theo kịp các bạn bình thường trong lớp, và cảm thán rằng chỉ có thể diễn tả bằng hai từ “trân trọng”. Cô bé nói sẽ cố gắng chăm chỉ hơn nữa để không phụ lòng tin yêu của các dì.
Một vòng thăm lớp học đặc biệt, mới thấy sự học với trẻ khiếm khuyết là một hành trình quá đỗi gian nan. Ðể các em hiểu được bài cũng đòi hỏi biết bao sự kiên nhẫn, tình yêu thương của thầy cô. Vì lẽ này, ở Vi Nhân có không ít nhân vật đặc biệt đứng lớp. Chúng tôi gặp cô Simon (82 tuổi) đã có hơn 15 năm dạy ngoại ngữ miễn phí. Mọi người đều biết cụ bà này vì tấm lòng thiện nguyện nhưng không ai biết tên thật của bà là gì. Lũ trẻ cũng như những người lớn thì cứ trìu mến gọi là cô Simon theo lời cô giới thiệu như một biểu tượng của sự cho đi...
Trên các bức tranh, ảnh xuất hiện ở trang báo tường của trường có rất nhiều hình ảnh những tiết mục văn nghệ do học sinh Vi Nhân biểu diễn trong các sự kiện và cuộc thi của giáo phận, của thành phố. Ðây là niềm vui nhỏ với các em và cũng là niềm tự hào của những “người mẹ thứ hai”. Có thể chưa đánh đàn hay nhất, chưa múa đều nhất, song mỗi bài trình diễn là sức mạnh có sức lan tỏa sống động nhất về tinh thần yêu thương, về nỗ lực vươn lên, vượt qua bất hạnh, truyền cảm hứng đến cộng đồng. Với tất cả những ai đồng hành, điều vui mừng nhất là thấy được sự tiến bộ của bọn trẻ, dù mau hay chậm. Bao thế hệ học trò biết chữ, biết nghề ra đời hoặc đơn giản là biết tự phục vụ bản thân những nhu cầu cơ bản… đã là món quà khích lệ với các nữ tu áo trắng trên miền cao này.
Các sơ cũng dành riêng khu vực mặt tiền để làm phòng bày bán sản phẩm thủ công do học sinh Vi Nhân làm ra như một nguồn động viên và ghi nhận. Ngoài ra còn có một cơ sở massage khiếm thị do chính những học sinh cũ của trường đứng ra làm chủ. Cơ sở này đã mở cửa tiếp nhận các thành viên khiếm thị của Vi Nhân và ở nơi khác, tạo việc làm cho họ. Một câu lạc bộ dành cho người khiếm thính ra đời gần đây trở thành nơi mọi thành viên có thể trao đổi, giúp đỡ nhau về nghề nghiệp, công việc, kiến thức... Có thể thấy tình yêu thương theo nhiều cách đã được tiếp nối và lan tỏa bởi những người con bước ra từ mái nhà Vi Nhân.
Giờ cơm trưa, ngoài học sinh, thầy cô và các nữ tu còn có sự hiện diện của vài phụ huynh đưa con nhập học. 300 con người ồn ã nói cười, dưới mái nhà ấm áp giàu tình thương yêu.
Minh Hải
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.