Thứ Sáu, 05 Tháng Ba, 2021 08:12

Việc thờ phượng đích thực

Mỗi độ Xuân về, những hoạt động tín ngưỡng pha lẫn với mê tín dị đoan lại nở rộ khắp nơi, như nấm mọc sau mưa. Dựa trên lập luận “dương sao âm vậy”, con người tưởng tượng các thần linh cũng giống như mình, cũng tham lam hối lộ và mánh mung, nên họ tìm cách “đút lót” các vị ấy bằng cách dâng nhiều lễ vật. Cái mà họ gọi là “tín ngưỡng” thực ra là một hình thức mua thần bán thánh. Một số lễ hội bị biến tướng, đi liền với bạo lực, cướp bóc, gian dối, lừa đảo, nhất là mê tín dị đoan. Có những người lợi dụng tín ngưỡng để kinh doanh thương mại. Cách làm tiền này được mang một tên rất mỹ miều: du lịch tâm linh. Một số người Công giáo bị ảnh hưởng bởi quan niệm tín ngưỡng hỗn tạp đó. Vì thế, họ vừa tin Chúa, vừa có những thực hành ngược lại với đức tin. Họ viện cớ “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” để biện minh cho những hành động mê tín.

Chúa Nhật III Mùa Chay- Năm A: 'Thờ Phượng Thiên Chúa Trong Tinh Thần Và  Chân

Thánh Gioan hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu vào Ðền Thờ Giêrusalem. Khi chứng kiến cảnh chợ búa ồn ào, Người đã xua đuổi những người buôn bán và chiên bò ra khởi Ðền Thờ. Người hất tung những bàn đổi tiền và tuyên bố: “Ðừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Hành động của Chúa gây sửng sốt cho những người có mặt lúc đó. Tác giả Gioan đã nhận định đó là một hành động xuất phát từ lòng nhiệt thành với Nhà Chúa và ông đã trích dẫn Thánh vịnh: “Lòng nhiệt thành với nhà Chúa thiêu đốt tôi” để diễn giải trong hành động bất thường này. Chúa Giêsu không chấp nhận một hình thức thờ phượng nhuốm màu thương mại kinh doanh hay chạy theo những hào nhoáng bên ngoài. Người muốn canh tân và đưa con người trở về với một nền phụng vụ đích thực, đó là thờ phượng trong tinh thần và chân lý. Việc thờ phượng Chúa không bị lệ thuộc vào không gian, thời gian, hay với một số bộ lạc, dân tộc nào đó, nhưng dành cho những ai thành tâm yêu mến Chúa với trái tim chân thành.

Khởi đầu Mùa Chay, Phụng vụ đã mượn lời ngôn sứ Giôen để kêu gọi chúng ta: Hãy trở về với Chúa trong chay tịnh, nước mắt và than van. Trở về vì chúng ta đi lạc đường, không tuân giữ giáo huấn Ngài đã truyền dạy. Trở về là những cố gắng nỗ lực để bước đi những bước mới, trong hân hoan, tín thác vào tình thương của Chúa. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay nhắc đến một sự trở về trong tâm tình thờ phượng. Bởi lẽ, việc thờ phượng Chúa phản ánh chính đời sống hằng ngày của mỗi người. Chúng ta đang thờ phượng Chúa với phong cách nào?

 Bài đọc I là nội dung của Luật giao ước, chúng ta vẫn quen gọi là “Mười điều răn” hay “Thập điều”. Sau khi đã ra khỏi Ai Cập và đã chứng kiến những phép lạ Chúa làm, Ông Môisen, vị thủ lãnh của dân, mời gọi mỗi người hãy nhớ lại Luật của Chúa. Ông nhắc lại Luật giao ước Chúa đã ban cho ông, để rồi ông truyền lại cho dân Israen. Ðây chính là cốt lõi căn bản của lề luật, giúp người Do Thái trung thành với Chúa là Ðấng tạo dựng và là Ðấng giải phóng. Trước khi vào Ðất Hứa, Ông Môisen cảnh báo trước việc dân Do Thái sẽ bị cám dỗ theo các thần ngoại để thờ ngẫu tượng: “Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta, đừng chạm trổ tượng gỗ, hay vẽ hình các vật trên trời, dưới đất, trong nước, dưới lòng đất. Ðừng thờ lạy và phụng sự các hình tượng ấy, vì Ta là Chúa, Thiên Chúa ngươi, Chúa hùng mạnh, Chúa ganh tị, trừng phạt con vì tội lỗi cha, cho đến ba bốn đời, những kẻ ghét Ta”. “Thập điều” không chỉ là luật dành riêng cho người Do Thái, mà là luật Thiên Chúa khắc ghi nơi tâm khảm của con người, thuộc mọi thời đại và mọi nền văn hóa. Bởi lẽ nói dối, trộm cắp, tham lam, ngoại tình, giết người, bất hiếu… đối với thời đại nào và trong nền văn hóa nào cũng là xấu. Trong lời giáo huấn của ông Môisen, việc tuân giữ ngày Sabat được nhấn mạnh và kèm theo là những hướng dẫn chi tiết: “Ngươi làm lụng và làm tất cả mọi việc trong sáu ngày, còn ngày thứ bảy là ngày Sabat, thì thuộc về Chúa, Thiên Chúa ngươi”. Kitô giáo đã áp dụng giáo huấn này bằng việc thánh hóa ngày Chúa nhật, tức là nghỉ ngơi công việc, tham dự thánh lễ và làm việc bác ái.

 Tại sao phải thờ phượng Chúa? Vì Chúa là Ðấng tạo dựng vũ trụ và con người. Thờ phượng Chúa giống như lòng hiếu thảo và biết ơn sinh thành và vâng lời cha mẹ. Thờ phượng Chúa cũng là dấu chỉ chứng tỏ con người yêu mến và phụ thuộc vào Chúa, đồng thời trông mong Người ban cho những ơn cần thiết để sống tốt ở đời này.

Ðối với không ít người chưa biết Chúa, việc thờ phượng Chúa và tuân giữ luật của Người bị coi như lạc hậu, viển vông. Thánh Phaolô đã so sánh giữa sự khôn ngoan của Thiên Chúa với sự khôn ngoan của loài người (Bài đọc II). Thập giá Ðức Kitô là sự điên dại đối với loài người, nhưng lại là sự khôn ngoan vô biên của Thiên Chúa. Ðó chính là trường học về sự hy sinh, khiêm nhường, yêu thương và sống vì hạnh phúc của tha nhân. Tại Việt Nam, người tin Chúa chỉ là số ít giữa xã hội mênh mông, gồm những người không cùng niềm tin, thậm chí mang một thành kiến đối với Ðức tin Kitô giáo, mỗi chúng ta phải diễn tả Ðức tin và sự thờ phượng đích thực của mình, để những người khác nhận ra gương mặt dịu hiền và quyền năng vô biên của Thiên Chúa.

 Mùa Chay là mùa canh tân đổi mới. Cùng với canh tân đời sống, chúng ta cần nhìn lại và đổi mới cách thức thờ phượng Chúa, để thực sự gặp gỡ Người trong đời. Nhờ cuộc gặp gỡ này, chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui và hạnh phúc, vì có Chúa ở cùng.

Tổng Giám mục Giuse  Vũ Văn Thiên - TGP Hà Nội

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm