Chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm (2020 - 2022)của Hội đồng Giám mục đề ra có chủ đề cho năm đầu tiên là “Ðồnghành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện”, trong đó, các vị chủ chăn mời gọi tất cả các thành phần Dân Chúa cần đổi mới cách nhìn, cách tiếp cận người trẻ. Các ngài cũng đề nghị những người trách nhiệm tạo điều kiện thích hợp để họ phát huy những khả năng, quan tâm đúng mức và hướng dẫn đúng cách nhằm giúp người trẻ vui tươi, can đảm, nhiệt tâm dấn thân cống hiến cho công cuộc Phúc Âm hóa. Những ngày đầu năm, Công giáo và Dân tộc đã có cuộc trao đổi ngắn, tạm gọi là “bàn tròn thông tin” cùng một số linh mục, tu sĩ, giáo dân đã và đang làm những công việc liên quan đến các hoạt động của giới trẻ Công giáo, để nghe họ chia sẻ kinh nghiệm và nêu lên một số khó khăn cũng như các dự định còn ấp ủ cho thế hệ tương lai của Giáo hội.
Thao thức - Ði cùng...
Có một thực tế là hiện nay, các chương trình thăng tiến cho người trẻ Công giáo phần lớn xuất phát từ những chủ chăn - nhất là nơi các linh mục chánh xứ - và một số hội dòng. Ðiều này dễ hiểu vì đó là những người, những tổ chức trực tiếp thực hành mục vụ, mà người Công giáo nói chung và giới trẻ Công giáo nói riêng phần lớn xem “sống đạo” đơn thuần chỉ là đến nhà thờ, sinh hoạt hội đoàn, rồi chấm hết... Ðây là một quan niệm rất đáng tiếc, cũng như sẽ làm nặng thêm gánh của các vị mục tử, vốn còn nhiều mảng việc phải làm ở các xứ đạo, cho đủ dạng đủ giới trong thành phần Dân Chúa. Và, cũng chính vì thế nên khi đi tìm những người đang có các nỗ lực “làm cho” và “làm với” người trẻ để giúp họ có một thái độ chuẩn mực với cuộc đời, một tâm thế xứng đáng của lứa tuổi, một nền tảng tri thức - kiến thức đủ để bảo vệ - phát triển bản thân, từ đó đóng góp cho xã hội, cho Giáo hội…, chúng tôi rất ngạc nhiên và cảm kích nhận ra, rất đông trong số họ là các linh mục và tu sĩ.
Trở lại với những thao thức và các công việc, dự án dành cho người trẻ, những người tham gia đã cho thấy chiều sâu trong ý tưởng, sự phong phú trong thực hiện, đa dạng trong hình thức, nhưng không đi ngoài những giáo huấn của Giáo hội cũng như các mục tiêu xã hội.
Mở đầu, trong vai trò Trưởng ban Mục vụ Giới trẻ TGP TPHCM, cha Gioan Lê Quang Việt đã đề cập đến các kế hoạch có tính chiến lược và gợi mở : “Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quan tâm đến việc hoạt động mục vụ với người trẻ, nghĩa là tạo điều kiện để người trẻ chủ động trong việc lập kế hoạch, chính người trẻ mời gọi người trẻ đến với nhau và cùng nhau gặp gỡ Ðức Kitô. Những năm qua đã có nhiều nhóm trẻ nòng cốt được hình thành. Các bạn có mặt trong các chương trình đào tạo, trong việc quy tụ người trẻ đến các buổi cầu nguyện, phục vụ cho những ngày giới trẻ trong nước cũng như ngoài nước... Ðịnh hướng này đã giúp phát triển các nhóm trẻ nòng cốt tại các giáo xứ, là nhân sự của các cha xứ cho mục vụ giới trẻ. Có thể kể đến các giáo xứ trong một số giáo hạt như Tân Sơn Nhì, Chí Hòa, Gia Ðịnh”.
Còn cha Giuse Vũ Ðức Thận, chánh xứ Môi Khôi, GP Long Xuyên thì cho biết, việc ngài mở lưu xá cho sinh viên suốt mấy chục năm ròng bởi lý do rất đơn giản là ở vùng sông nước cha đang làm mục vụ, để thoát khỏi đồng ruộng, đi xa hơn và hòa nhập với cuộc sống hiện đại, trẻ quê phải nỗ lực rất nhiều, trong đó nhiều em chọn con đường học vấn. Ngày trước lưu xá thật sự cần thiết. Các nhà trọ ở ngoài còn ít, chưa kể khá phức tạp. Ký túc xá trong trường đại học, cao đẳng thì không đủ chỗ. Phát xuất từ ý muốn đồng hành trên lĩnh vực văn hóa, cha đã quyết định mở lưu xá tại Cần Thơ cho sinh viên. Hai lưu xá đã hình thành với hàng chục phòng rộng rãi, thoáng mát. Ðây là nơi nhiều thế hệ bạn trẻ đã trọ học, có những bạn học xong rồi xin đi tu, chịu chức. Căn nhà tồn tại từ năm 1994 cho tới vài chục năm sau. Con cái nhà đạo tập trung vào một mái nhà, dù mỗi em học mỗi ngành nhưng lại có những sinh hoạt chung, bảo ban nhau chuyện lễ nghĩa, đạo đức, thực hành đức tin. Cha nghĩ đó cũng là một cách làm mục vụ cho giới trẻ. Ngài tóm tắt một cách nhẹ tênh : “Có học vấn, chuyên môn cao thì các em mới bước vào đời mà không lúng túng. Có trình độ, việc đóng góp vào đời sống sẽ dễ dàng hơn…”.
Cũng là hướng đến việc nâng đỡ người trẻ vào đời bằng con đường học vấn nhưng cha Phêrô Phạm Quốc Hùng - dòng Don Bosco - chánh xứ Tam Hải, hiệu trưởng Trường phổ cập Tiểu học Tam Hải - TGP TPHCM lại chọn cách mở trường. Lối năm 2009, cha nhận bài sai từ Bề trên đến phục vụ tại một vùng đất cù lao thuộc phường Vĩnh Hiệp, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang, với nhiệm vụ phải mở trường dạy nghề cho thanh thiếu niên trong vùng. Một năm sau, tức năm 2010, Trung tâm dạy nghề Tư thục Ðông Hiệp chính thức hoạt động. Cha kể những năm đầu, các lớp học bài bản đã giúp nhiều thanh thiếu niên trang bị cho mình kỹ năng nghề nghiệp để bước vào đời. Tuy nhiên sau vài năm, những rào cản với một trung tâm nghề nơi vùng sông nước dần xuất hiện. Ðầu tiên vì đường sá không thuận tiện qua lại nên nhiều học viên nghỉ giữa chừng; kế đến do gần biển, các em lớn lên thường theo thuyền bè ra khơi kiếm sống chứ ngồi lại dành vài năm để học lấy một cái nghề thì xem ra… không quen. Các lớp học vì thế thưa dần. Trung tâm nghề không còn hữu ích.
Dưới miền châu thổ đồng bằng dù sao cũng có những thuận lợi khi thiết kế những ý tưởng giúp giới trẻ, ở trên Tây nguyên, cha Micae Nguyễn Tuấn Huy, chánh xứ Ðăk Kơđem, giáo phận Kontum, người đang phụ trách một giáo xứ có đến 7000 giáo dân sắc tộc Sơdră, với khoảng 2000 thanh thiếu niên, đã có những khó khăn hơn do hoàn cảnh. Cụ thể là hầu như gia đình người đồng bào nào cũng rất đông con, cuộc sống thiếu thốn, trong khi vấn đề giáo dục cho trẻ lại không được quan tâm khiến cho nhận thức, trình độ học vấn, kiến thức còn thấp. Người trẻ dân tộc có tâm lý chung là chỉ học hết cấp hai rồi nghỉ ở nhà giúp đỡ gia đình. Thêm nữa, đặc thù của họ là ít muốn ra khỏi làng để làm việc nơi xa, không tự tin hòa nhập xã hội mà muốn gắn bó với cuộc sống cộng đồng buôn làng, nên gần như chấp nhận an phận với thực tại. Vậy nên, cha chọn cách đồng hành với các bạn trẻ qua việc dạy giáo lý hằng tuần tại nhà thờ và tại các buôn làng, giúp các em có thêm kiến thức về đạo của mình, khơi gợi lòng mến Chúa và gắn bó với Giáo hội. Song song đó là mời gọi một số người có khả năng đồng trách nhiệm với việc dạy giáo lý hôn nhân, dạy kiến thức căn bản về đời sống gia đình, kiến thức tâm sinh lý cho các em tuổi mới lớn, chỉ cho bọn trẻ thấy những thuận lợi và khó khăn trong cuộc sống gia đình hiện nay. Riêng các em đủ điều kiện, muốn học nghề thì sẽ gởi đến các lớp dạy nghề ở Sài Gòn và tìm cách xin việc cho chúng…
Nữ tu Maria Nguyễn Thị Thảo (giữa) suốt 15 năm qua miệt mài với chương trình Bạn trẻ em đường phố, giúp các trẻ kém may mắn |
Có một mảng mục vụ khác cũng hướng đến việc nâng đỡ người trẻ, nhưng đối tượng là những trẻ thiếu may mắn, được nữ tu Maria Lê Thị Thảo, dòng Ðaminh Thừa sai Phú Cường kể: “…Năm 1984, ông Trần Văn Soi, một tín hữu Công giáo đã sáng lập ra chương trình Bạn Trẻ em đường phố -Friends For Street Children (FFSC) - nhằm giúp đỡ cho những đứa trẻ kém may mắn, không gia đình, phải sống lang thang. Năm 2005, sau khi cùng gia đình sang nước ngoài định cư, ông đã giao chương trình này lại cho dòng Ðaminh Thừa sai Phú Cường và dòng đã giao cho tôi trực tiếp quản lý. Cũng từ đó đến nay gần 15 năm, tôi cùng một số nữ tu và cộng sự đã đồng hành, lo lắng cho các bạn trẻ. Khởi đầu của chương trình là song hành cùng những đứa trẻ đường phố đúng nghĩa tại khu chợ Tân Ðịnh, quận 3 và nhiều nơi khác. Về sau, do những thay đổi của xã hội, đối tượng này không còn nhiều thì chuyển sang hướng đi mới : mở mái ấm nuôi các em mồ côi, cơ nhỡ, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt; giáo dục cấp tiểu học dành cho con em những gia đình di dân nghèo qua 3 trung tâm Phát Huy Bình Triệu, Phát Huy Bình An và Phát Huy Bình Thọ, số lượng học sinh năm học này là khoảng 700 em. Sau khi đào tạo xong tiểu học, nhằm khuyến khích các em học lên, chương trình lại tiếp tục bằng cách hỗ trợ học bổng…”.
Rất nhiều cách, nhiều sáng kiến đi cùng thanh thiếu niên trong từng mức độ, khả năng và chuyên môn riêng đã được nêu ra trong “bàn tròn”. Như với CLB Lửa Hồng trực thuộc Ban Mục vụ Giới trẻ TGP TPHCM thì chủ trương tạo sân chơi để các bạn trẻ Công giáo gặp gỡ, giao lưu, hát với nhau trong tinh thần nhà đạo, theo phương châm“Qua âm nhạc, cùng nhau sống, khám phá và loan báo Tin Mừng”. Mỗi tháng, CLB tổ chức một chương trình âm nhạc theo chủ đề tại Hội trường lầu 3 giáo xứ Tân Ðịnh, quy tụ khoảng 100 khán thính giả yêu nhạc đến dự và đông đảo các bạn trẻ theo dõi trên trang Fanpage (fb.me/luahongmusic) và kênh Youtube của CLB Lửa Hồng (Lửa Hồng Music). Các chủ đề này thường theo những dịp lễ của Giáo hội Công giáo hoặc các ngày kỷ niệm đặc biệt trong tháng. Nhạc sĩ Lê Ðức Hùng, chủ nhiệm CLB Bạn Yêu Nhạc Lửa Hồng thông tin : “Chúng tôi xác định các chương trình trong năm sẽ luôn có một tháng với chủ đề đồng hành cùng Giáo hội, nghĩa là anh chị em sẽ cùng sáng tác hoặc có những bài hát, tiết mục dựa theo định hướng mục vụ chung. Thời gian qua, cũng đã có tháng với chủ đề “Tìm lại thiên đường”, nội dung chủ yếu hướng tới các gia đình trẻ có khúc mắc, để mọi người cùng nhìn lại nguyên do đổ vỡ gia đình, cùng rút ra những kinh nghiệm nhằm tái dựng hạnh phúc trong mái nhà. Bên cạnh các sinh hoạt này, năm vừa rồi, lần đầu tiên, CLB đã tổ chức thành công chương trình “Tiếng hát giáo đường” để các bạn trẻ vừa hát cho nhau nghe, vừa tôn vinh Chúa, đồng thời khám phá thêm những giọng ca mới…”.
Thành quả và khó khăn
Dự định nhiều, bắt tay vào làm và gặt hái những thành quả, nhưng không phải lúc nào các mong muốn cũng thành sự hoặc suôn sẻ khi đối diện với thực tại, đòi hỏi những nỗ lực không ngừng nghỉ. Có những lý do chủ quan, nhưng vẫn còn những dở dang do lực bất tòng tâm. Dầu vậy, những người tâm huyết với giới trẻ không bao giờ nản lòng, họ tìm cách xoay xở hướng đi khác, và luôn có những ấp ủ mới, suy nghĩ dài hạn…
Như trường hợp cha Hùng dòng Don Bosco kể ở trên : Sau khi dự án trường dạy nghề thất bại tại địa phương, cha đã tìm hướng đi mới là mở điểm phổ cập tiểu học, với suy nghĩ phổ cập văn hóa thiết thực hơn với nhu cầu của bà con nơi đây. Hơn nữa ở vùng này đa phần dân nghèo lại ít học, trình độ không đủ nên khó học nghề, do vậy phải đi từ dưới lên, tức là dạy chữ cho họ trước. Năm 2013, thay cho trường nghề là điểm phổ cập tiểu học ra đời. Từ 30 học sinh năm đầu, năm học 2019 - 2020 này, nơi đây đón nhận đến hơn 100 em. Trường còn liên kết với một trường ngoài để sau khi xong cấp tiểu học, học sinh học lên tiếp cấp 2. Ðến hết lớp 8, các em sẽ chuyển về Trung tâm dạy nghề Don Bosco Ðông Thuận ở Vĩnh Long để vừa học văn hóa, vừa học nghề.Song song chuyện học thì như một “đặc sản” ở những nơi mà người tu sĩ Don Bosco hiện diện, đó là các sinh hoạt thể dục thể thao, cha đã cho mở nhiều sân chơi để giúp trẻ em và thanh niên trong vùng nâng cao sức khỏe, rèn luyện bản thân. Tháng 9 vừa rồi, dù được Bề trên giao nhiệm vụ mới là coi sóc giáo xứ Tam Hải, quận Thủ Ðức, nhưng giới trẻ vẫn sẽ là đối tượng mà cha vẫn tiếp tục gắn bó, thậm chí trách nhiệm còn lớn lao hơn khi đồng thời làm hiệu trưởng Trường phổ cập Tiểu học Tam Hải. Ðây là một trường tình thương nằm trong khuôn viên giáo xứ, năm học này có khoảng 400 em học sinh rải đều 5 khối lớp. Tương tự, khi sinh viên thất nghiệp nhiều quá, con đường đại học không còn là cánh cửa duy nhất để giúp bọn trẻ thay đổi cuộc sống, cha mẹ không muốn cho trẻ đi học cao, con cái cũng không chọn vào đại học, ký túc xá cũng đã có nhiều, những năm gần đây cha Thận dưới Long Xuyên thay đổi phương án làm cũng mục vụ cho người trẻ bằng việc đồng hành đức tin, nâng đỡ, giúp họ tháo gỡ các vướng mắc trong cuộc sống và đời sống đạo, hướng họ vào việc phụ giúp người nghèo qua quán cơm tình thương kết hợp nhiều chuyện bác ái khác… Nói về việc linh động chọn lựa hình thức mục vụ cho người trẻ, cha Hùng dòng Don Bosco kết luận : “Ðó là một hành trình xuyên suốt và bền bỉ, giúp trẻ lớn lên có nhân cách, nghề nghiệp nuôi sống tương lai. Khi các em có đạo đức, công việc làm ổn định thì sẽ vững vàng vào đời, trở thành người công dân tốt và người Kitô hữu tốt”.
Hành hương Đức Mẹ Qui Hòa - Qui Nhơn của các bạn trẻ Công giáo |
Vâng, luôn phải có sự kiên nhẫn lâu dài trong những hoạch định đề ra, nhưng sẽ là rất nan giải nếu không có nhiều người cùng chung tay. Cha Tuấn Huy trên Kontum bảo những nỗ lực mà cha đang làm chỉ là một phần nhỏ so với nhu cầu thực tế, vẫn còn rất nhiều việc cần sự giúp sức của nhiều người để nâng đỡ các bạn trẻ sắc tộc thiểu số. Cần nhất là làm sao dạy cho người trẻ học biết tiếng Kinh, vì đó là chìa khóa đầu tiên giúp các em hội nhập vào cuộc sống bây giờ. Người mục tử nhiều khi rất muốn giúp đỡ các bạn hơn nữa nhưng không có đủ điều kiện vật chất và phương tiện, cơ sở. Bên nhóm Bạn Trẻ em đường phốcũng vậy : sau 35 năm đồng hành với biết bao thế hệ, nhiều em giờ đã lớn khôn, lập gia đình, sinh con cái. Dù các hoạt động đã ổn định và quy củ nhưng với trách nhiệm điều hành chung, nữ tu Maria Lê Thị Thảo, dòng Ðaminh Thừa sai Phú Cường cũng không tránh khỏi những vất vả, lo lắng. Theo dì, bài toán khó giải nhất vẫn là tìm kiếm nguồn vốn, vì các hoạt động từ trước tới nay đều là miễn phí.
Các tỉnh có những giới hạn về nhân lực và kinh phí đã đành, ngay giữa Sài Gòn, những người đang lo cho giới trẻ cũng có những nỗi lo riêng. Cha Giuse Nguyễn Hoàng Tuấn, phó xứ Chí Hòa, Ðặc trách Giới trẻ giáo hạt Chí Hòa chia sẻ ba khó khăn như sau : “Thứ nhất là thời gian: Hằng tháng Ban chấp hành đều phải họp định kỳ, thậm chí có những buổi họp bất thường vì tính chất của chương trình, do đó đòi hỏi mỗi người phải luôn thu xếp thời gian, sắp xếp công việc ổn thỏa. Kế đến là con người : Sự tương tác giữa Ban chấp hành với các xứ không được thuận lợi khi các xứ không có hoặc rất thiếu nhân lực để làm việc chung. Chính vì thế, khi tổ chức chương trình của tháng tại một địa điểm nào đó đòi hỏi sự quan tâm từ cha xứ cũng như của nhiều người trong xứ. Sau cùng là chương trình : Chính nội dung của chương trình tạo nên sự hấp dẫn các bạn trẻ và giữ họ lại. Hơn nữa, nội dung cần phải gần gũi, đa dạng để mời gọi được nhiều bạn trẻ khác, vì vậy sau mỗi năm, phần nội dung cũng phải thay đổi, có chiều sâu hơn, cũng như cần sự cộng tác nhiều hơn từ mọi thành phần Dân Chúa”. Cha cho rằng, để khuyến khích sự hăng say dấn thân nhiều hơn nơi các bạn trẻ ngày nay thì việc đồng hành với họ phải được xem là trách nhiệm chung của mỗi người, không phải của riêng ai, bởi giới trẻ là ai? Họ là con cái chúng ta, là những thế hệ tiếp nối cha anh.
*
Bàn tròn tạm thời khép lại bằng một nhận định của cha Giuse Nguyễn Hoàng Tuấn, ngắn gọn nhưng khá súc tích, gói trọn những lưu ý khi chọn cách cùng sống, cùng cầu nguyện, cùng sinh hoạt, cùng định hướng cho giới trẻ : “Những thế hệ đi trước trong mỗi công việc, mỗi lãnh vực, tất cả các thành phần Dân Chúa hãy thực hiện với một tinh thần có hăng say dấn thân, làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh. Ðó sẽ là lời mời gọi đầy sống động cho các tầng lớp kế thừa, vì giới trẻ luôn năng động và dễ bị cuốn hút, không hướng họ “hút” vào việc tốt, họ sẽ có nguy cơ bị chi phối bởi các việc vô bổ.
Nhóm phóng viên CGvDT thực hiện
Bình luận