Phía Bắc thành phố có một vườn lan mang tên “Huyền Thoại” của chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền, giáo dân giáo xứ Bắc Hà, giáo hạt Củ Chi (Giáo phận Phú Cường).
1.
Ngồi giữa trại lan bạt ngàn, câu chuyện về “giấc mơ lan” mở ra trước mắt chúng tôi thật nhẹ nhàng. Cứ tưởng sẽ yên ổn làm bà chủ kinh doanh vật liệu xây dựng sau 25 năm cùng gia đình gầy dựng doanh nghiệp, ấy thế mà chị Huyền vẫn ấp ủ một giấc mơ khác là sở hữu một vườn lan do chính tay mình vun trồng: “Cuối năm 2007, vốn có sở thích chơi lan, mình sưu tầm rồi trồng sau nhà khoảng 60 gốc lan Mokara. Tình yêu lan lớn dần, mình lại mở rộng thêm 1000m2 rồi lên đến 1ha”, chị kể. Những ngày đầu, chị không tránh khỏi bỡ ngỡ bởi Mokara là giống địa lan nhập khẩu từ Thái Lan, tài liệu về kỹ thuật trồng và chăm sóc trong nước chưa nhiều. Thiếu kinh nghiệm, lại không biết cách phòng bệnh, trồng chưa được bao lâu thì lan chết hàng loạt. Vì đam mê nên chị không nản lòng, lại kiên trì tự tìm tòi thuốc đặc trị sâu bệnh, học hỏi nghiên cứu kỹ thuật trồng lan, dần dà chị tự rút kinh nghiệm, tìm ra cách khắc chế sâu bệnh cũng như làm chủ kỹ thuật canh tác. Ngày lan trổ bông, chị khấp khởi vui mừng. Từ cuộc chơi nhỏ để thỏa mãn niềm đam mê, năm 2012, người phụ nữ này quyết vươn lên làm giàu từ lan. Từ 4ha đất trồng cao su, chị mạnh dạn chuyển qua trồng lan. Đầu tư hệ thống tưới tiêu nước tự động, tìm nguồn cung cấp thuốc và phân uy tín, xây dựng nhà lưới để giữ ẩm và nhiệt độ cho hàng ngàn gốc Mokara.
![]() |
Chị Thanh Huyền bên vườn lan |
Nhận thấy thị trường lan còn đang rộng mở, chị mạnh tay mở rộng diện tích lên 8ha với 3 vườn lan gồm 300.000 gốc, toàn giống địa lan Mokara, nhưng đa dạng về chủng loại màu sắc. Trong đó có giống đỏ Renred, đỏ Redsun, đỏ lá quặt, đỏ mô-đăng, tím Kenyku, Denro tím, Denro trắng, bò cạp vàng, bò cạp đỏ… nhưng ưa chuộng nhất vẫn là Mokara vàng với đủ loại vàng nến, vàng chanh, vàng mai, vàng đồng. Vốn đầu tư mới ban đầu là 3 tỷ đồng cho 1ha trồng lan nhưng phải mất nhiều năm mới có thể thu hồi. Nhiều người tỏ vẻ e ngại, song với chị Huyền: “Không ai vừa bắt tay vào làm đã thành công liền, làm gì cũng đều phải bỏ công sức, vốn liếng. Vất vả cực nhọc lắm nhưng mỗi khi ngắm nhìn những cây lan trổ bông rực rỡ, tôi lại có niềm tin vững chắc rằng bao nhiêu tâm huyết mình bỏ ra rồi cũng sẽ được đền đáp”. Niềm vui của người làm vườn có lẽ chính là đến ngày thu hoạch. Hàng trăm ngàn nhánh hoa lan được cắt cành, đóng gói cẩn thận đem đi phân phối khắp nước, theo cả đường tiểu ngạch xuất qua Campuchia. Mức giá trung bình khoảng 7.000 - 8.000 đồng/cành. Bình quân mỗi năm gia đình chị Huyền thu về tầm 2 tỷ đồng tiền bán hoa lan.
![]() |
2.
Vườn lan Huyền Thoại nơi vùng đất Củ Chi đã trở thành điểm sáng về nông nghiệp của TPHCM. Từ đây rất nhiều bà con nông dân tìm đến học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc lan. “Mình cũng là người vượt khó đi lên nên rất cảm thông cho sự khó khăn của bà con nông dân trước tình hình những năm gần đây chăn nuôi không thuận lợi, heo mất giá… Vì thế, ai có nhu cầu muốn học hỏi chuyển đổi canh tác, tôi đều cố gắng giúp đỡ và chia sẻ về kiến thức, tư vấn thiết kế nhà vườn, chuyển giao công nghệ trồng lan, cũng như kinh nghiệm tích lũy được”, chị Huyền tâm tình. Không ít lần, chị đón những đoàn trong và ngoài thành phố đến tham quan, học hỏi từ mô hình này. Là người phụ nữ bản lĩnh, có tầm nhìn, biết thị trường lan cắt cành và bán giống trong nước có xu hướng mở rộng, chị liền nảy ra ý tưởng cùng hợp tác với những nhà vườn có quy mô nhỏ để tạo thành vùng chuyên canh sản xuất, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm lan với quy mô lớn. Xây dựng trung tâm cấy mô lan nhằm cung cấp giống lan cho thị trường Việt Nam, giúp bà con không phải nhập giống từ Thái Lan để tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, chị cũng phát triển vườn lan theo hướng kết hợp du lịch, vừa giúp cho người tham quan có điểm dừng chân thư giãn vừa quảng bá sản phẩm nhà vườn. Bà chủ Huyền Thoại còn tiếp đón các em học sinh tiếp cận thực tế, nâng cao kiến thức về lĩnh vực nông nghiệp.
![]() |
Sự thành công của vườn lan Huyền Thoại cũng đã góp phần tạo việc làm cho gần 20 lao động. Người đến làm việc ở đây đều được bố trí nơi ăn chốn ở chu đáo ngay tại vườn. Anh Nguyễn Xuân Tư, 42 tuổi, quê ở Quảng Bình, gắn bó với trại lan đã nhiều năm, tâm sự: “Ban đầu mình cũng có chút khó khăn do chưa có kinh nghiệm, song mình cố gắng học hỏi rồi vượt qua, làm riết tự nhiên yêu hoa lúc nào không hay”. Bà Lưu Thị Gái, 58 tuổi ở xã Nhuận Đức - Huyện Củ Chi kể: “Làm ở đây, tinh thần mình thấy thoải mái nên gắn bó lâu, còn đủ sức khỏe thì còn làm tiếp. Cô chủ cũng quan tâm đến đời sống của anh chị em, ai khó khăn đều được giúp đỡ”. Còn chị chủ Thanh Huyền thì cho rằng mình luôn cố gắng tạo điều kiện thuận lợi để công nhân có thể cộng tác lâu dài. Với những người làm việc lâu năm, chị đều hỗ trợ đóng 100% bảo hiểm, lễ tết đều có thưởng cũng như tổ chức cho anh em đi du lịch hằng năm.
Với những gì đã vun trồng suốt 10 năm qua, giờ đây vườn lan của chị đã đi vào “huyền thoại” nơi vùng đất Củ Chi, đúng như cái tên thơ mộng mà chị đặt cho nó.
Mô hình trồng lan của gia đình chị Thanh Huyền đã được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TPHCM tặng bằng khen về thành tính đóng góp xuất sắc vào sự phát triển nông nghiệp đô thị, gắn với xây dựng nông thôn mới. Với giáo xứ Bắc Hà, chị Huyền là thành viên tích cực trong ban Bác ái xã hội. Cứ hai tháng một lần, và sáng Chúa nhật, chị tài trọ bữa cơm tình thương cho các em thiéu nhi. Không chỉ tham gia cùng HĐMVGX trong các chuyến đi từ thiện, khi có dịp, chị còn nhiệt tình lên dường với các đoàn từ thiện khác đến ủy lạo đồng bào khó khăn ở vùng sâu vùng xa |
NGỌC LAN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.