Trong năm 2017, Giáo hội Việt Nam hướng giáo dân sống tinh thần chủ đề “Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân”.
Đây cũng là khía cạnh mục vụ được các vị nghị phụ trong Giáo hội nhấn mạnh tại Thượng Hội đồng Giám mục thế giới khóa ngoại thường về Gia đình (2015) và khóa thường lệ (2016). Còn tại Đại hội Liên HĐGM Á châu lần thứ 11 (28.11 – 4.12.2016), tổ chức tại Colombo, Sri Lanka, các vị chủ chăn cũng đã bàn thảo về chủ đề “Gia đình Công giáo tại Á châu: Giáo hội tại gia của người nghèo trong sứ mạng từ bi thương xót” và “Niềm vui Phúc Âm và gia đình tại Á châu dưới ánh sáng Thượng HĐGM thế giới”. Các vị đặc biệt quan tâm tới những khó khăn lớn mà các gia đình đang gặp phải như những quan hệ ngoài hôn nhân, sự vắng bóng con cái, số ly dị gia tăng, những giờ làm việc bên ngoài khiến cho các bậc cha mẹ càng ít giờ dành cho gia đình, nạn dâm ô lan tràn, phá thai, làm cho chết êm dịu và nạn xuất cư.
Những vấn đề về hôn nhân và gia đình là một thách đố to lớn trong thời đại ngày nay, không loại trừ một vùng miền nào. Đối với cộng đoàn Dân Chúa tại Việt Nam, cách nay nửa thế kỷ trở về trước, các trường hợp ly thân, ly dị, tái hôn dân sự diễn ra không đáng kể; nhưng hiện nay, những trường hợp này không còn là họa hiếm.
Có rất ít số liệu thống kê của các giáo phận về các trường hợp ly thân, ly dị, tái hôn dân sự của các gia đình Công giáo khiến các giáo hữu khó hình dung về sự tan vỡ trong các gia đình Công giáo. Tuy nhiên trong cuộc sống đời thường nơi các họ đạo, người giáo hữu có thể nhận diện phần nào hiện trạng các gia đình đang trong tình cảnh rối về hôn nhân. Chắc chắn là đáng báo động!
Có thể tham khảo tình trạng này nơi GP Xuân Lộc. Theo ghi nhận của Tòa Giám mục, hôn nhân Công giáo trong giáo phận năm 2013 là 9207 cặp, trong đó có 269 đôi chuẩn khác đạo và 642 đôi được hợp thức hóa, ngoài ra có 793 đôi ly dị (nếu năm 2012 tăng 119 đôi thì năm 2013 tăng thêm 195 đôi); 28 đôi ly thân; 1274 đôi bỏ nhau (nếu năm 2012 tăng 197 đôi thì năm 2013 tăng thêm 172 đôi); 2.102 đôi chung sống bất hợp pháp (nếu năm 2012 tăng 365 đôi thì năm 2013 lại tăng thêm 228 đôi). Tổng số các gia đình trong toàn giáo phận là 239.861, tăng 29.396 gia đình, trong đó, có 212.401 gia đình hợp pháp, 1.666 gia đình không hợp pháp (mắc ngăn trở). Dù các gia đình mắc ngăn trở chỉ chiếm tỷ lệ 0,078% nhưng trong cuộc sống, đây là những hình ảnh tác động âm thầm và gây lung lạc đối với các gia đình Công giáo, nhất là với các gia đình trẻ.
Chính vì vậy, việc chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân là một trong những công việc cần được chăm chút nơi các họ đạo. Thư chung HĐGMVN năm 2016, khi đề cập đến chủ đề mục vụ năm 2017 đã nhấn mạnh: “Kết hôn là một quyết định rất quan trọng, vì thế cần được chuẩn bị chu đáo hết sức có thể. Trong thực tế ngày nay, một số người trẻ chỉ quan tâm đến việc tổ chức lễ cưới thật lớn, mà không hiểu biết đầy đủ về trách nhiệm trong đời sống hôn nhân. Một số khác, vì vất vả với cuộc mưu sinh, ít có thời giờ để chuẩn bị kỹ lưỡng cho đời sống hôn nhân họ sắp bước vào. Vì thế, cần khuyến khích người trẻ tham dự những lớp chuẩn bị hôn nhân, đồng thời các giáo xứ phải tổ chức chương trình cho chu đáo. Mỗi giáo phận có thể có chương trình riêng tùy theo hoàn cảnh, tuy nhiên chúng tôi mong muốn các khóa chuẩn bị hôn nhân phải giúp cho các bạn trẻ thấy đích điểm không chỉ là ngày cưới mà là cả đời sống gia đình lâu dài sau này”.
Việc chuẩn bị hôn nhân kỹ lưỡng không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ tan vỡ gia đình mà còn giúp xây dựng gia đình Kitô giáo đạo hạnh, đấm ấm thương yêu.
HOÀNG ANH
Bình luận