Dù lịch sử giáo xứ chưa ghi nhận con số chính xác, cha chánh xứ hiện nay Giuse Võ Quý cũng đang tất bật tìm lại các nguồn tài liệu để xác minh thời điểm khai sinh của xóm đạo, nhưng có một điều khá chắc chắn : tại giáo phận Nha Trang, Hà Dừa là một trong những giáo xứ cổ kính lâu đời, với tuổi đời hàng trăm năm. Trải qua thời gian dài hình thành và phát triển, hạt giống đức tin nơi xóm đạo ven biển vẫn không ngừng gia tăng và lớn mạnh…
Xóm đạo lâu đời
Nếu ai từng có dịp đặt chân đến thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), sau khi qua khỏi cửa Tây thành Diên Khánh lối 200m (đây là một thành cổ được chúa Nguyễn xây dựng từ năm 1793 để phòng thủ, án ngữ và bảo vệ vùng đất này),sẽ thấy một ngôi thánh đường với tháp chuông cao vút, đó là nhà thờ giáo xứ Hà Dừa. Ngôi thánh đường cổ kính rêu phong, có tuổi đời trên trăm năm nằm yên bình giữa khu dân cư hiện lên với dáng vẻ sẫm màu theo thời gian. Nằm cách thành phố Nha Trang chỉ chừng 10km, nên dễ hiểu vì sao trong các chuyến du lịch, nhiều công ty lữ hành lại chọn địa danh này làm điểm tham quan khi du khách về với phố biển.
Không hiểu tên gọi Hà Dừa xuất hiện từ bao giờ, nhưng theo các cụ cao niên trong xứ kể lại, xưa kia bên hai bờ con sông lớn chảy qua vùng đất này mọc toàn loại dừa nước, tên gọi Hà Dừa tức xứ có nhiều dừa hay “con sông dừa”. Vốn là một xứ đạo kỳ cựu, nhưng có điểm đặc biệt - những giáo dân đầu tiên lại không phải người bản địa. Theo lịch sử giáo xứ, họ có thể là tín hữu từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên được quy tụ bởi đợt Nam tiến thời chúa Nguyễn.
Hàng cột có tuổi đời hàng trăm năm bên trong nhà thờv với những hoạ tiết chạm trổ cầu kỳ - ảnh: Đình Quý |
Ngoài xứ đạo cổ kính bậc nhất tại Nha Trang, ngôi nhà thờ Hà Dừa còn là một trong những thánh đường lâu đời trong giáo phận còn tồn tại cho đến ngày nay thi công từ năm 1893. Ðến năm 1917 thì các công trình liền kề như tháp chuông, nhà xứ cũng được xây dựng. Tuy nhiên, theo các giáo dân lớn tuổi thì hàng cột bằng gỗ bên trong có tuổi đời còn lâu hơn nhiều trước khi nhà thờ hiện nay được xây dựng, dù không biết chính xác, nhưng ước chừng vào khoảng 200 năm. Theo thời gian, ngôi nhà thờ xuống cấp, nên để lưu giữ lại cho con cháu mai sau, giáo xứ vừa mới cho trùng tu lại, và theo kế hoạch trong năm này sẽ tu sửa tháp chuông. “Việc làm này đã được mọi thành viên trong Ban Ðiều hành suy nghĩ, lên kế hoạch từ lâu, việc chọn lựa vật liệu cũng tính toán kỹ càng trước đó. Cốt lõi là để sau khi hoàn thiện, ngôi Nhà Chúa trở nên vững chắc nhưng vẫn giữ lại được những đường nét cổ vốn có từ trước”, một thành viên Ban Ðiều hành cho hay.
Nhờ khuôn viên rộng rãi, nhà Chúa còn là nơi vui chơi cho trẻ em trong vùng |
Tình người nơi xóm đạo
Với số giáo dân hiện tại gần 3.000 người, địa bàn lại trải rộng trên một phạm vi khá lớn với 6 xã và một thị trấn, nhưng bao năm qua, mối thân tình giữa người Công giáo và không Công giáo trong vùng luôn gắn kết. Sự phát triển của xã hội, cộng thêm tọa lạc nơi vùng đất khá được thiên nhiên ưu đãi, nên tại đây, người dân thuận lợi trong trồng trọt, từ trồng lúa, hoa màu đến trồng hoa tết, cây cảnh; đi kèm là việc bán buôn... đã giúp đời sống bà con họ đạo từng ngày thay da đổi thịt. Ðặc biệt tại xã Diên Thạnh từ hàng chục năm qua còn nổi tiếng với một nghề truyền thống là trồng bưởi cảnh. Bưởi ở đây nức tiếng khắp vùng vì có kiểu dáng đẹp, trái to, xanh được bà con canh tác trong chậu để phục vụ vào mỗi dịp Tết Âm lịch… “Với giá dao động từ 1 đến 1,5 triệu đồng mỗi chậu, cùng thị trường tiêu thụ ổn định, cây bưởi đã giúp gia đình tôi có thêm điều kiện để trang trải mọi chi phí thời điểm cuối năm. Thậm chí nhiều gia đình còn ăn nên làm ra với loại cây trồng này”, chị Trần Thị Lành, một giáo dân trong xứ, vừa tưới nước cho cây vừa chỉ tay vào những cây bưởi đang đâm chồi, xanh mơn mởn nói. Ngoài lợi nhuận thì mô hình trồng bưởi cảnh còn tạo nét đặc thù riêng biệt cho vùng này.
Nghề trồng bưởi cảnh của bà con xã Diên Thạnh - ảnh: Đình Quý |
Có được đời sống kinh tế ngày một đi lên, nên bà con cũng không quên chia sẻ lại với những phận đời kém may mắn hơn. Ở ngay cửa nhà thờ, trong năm luôn đặt một thùng từ thiện và không cần ai kêu gọi, mọi người vẫn sẵn sàng đóng góp. Nguồn quỹ thu được chính là phương tiện để hằng tháng giáo xứ giúp đỡ gần 100 phần quà là gạo, cùng các vật dụng thiết yếu cho các cụ già, người neo đơn, gia đình nghèo, không phân biệt Công giáo hay không Công giáo. Cũng chính nhờ quỹ bác ái này mà trong đợt bão lũ năm 2017, giáo xứ có nguồn kinh phí để giúp nhiều gia đình vượt qua được khó khăn trước mắt. Mỗi khi trong xứ có người qua đời, nếu hoàn cảnh quá vất vả hay sống neo đơn, giáo xứ cũng sẽ phụ để lo phương tiện mai táng cho người quá cố…
Tại giáo phận Nha Trang, Hà Dừa cũng là mảnh đất sản sinh ra nhiều ơn gọi cho giáo phận. Ðã có hàng chục linh mục, tu sĩ xuất thân từ đây, và hiện có số lượng đông đảo các chủng sinh, dự tu tại chủng viện, các hội dòng là người thuộc giáo xứ. Hoa trái này chính là những nguồn mạch nhằm làm lan tỏa Tin Mừng và tình yêu thương ra nhiều hơn với mọi người nơi vùng đất ven biển Nam Trung Bộ.
Với lịch sử lâu đời, cùng sự hiệp nhất, đoàn kết yêu thương của mọi thành phần, Hà Dừa vẫn đang ngày một vững mạnh với đời sống đức tin. Ngôi thánh đường cổ kính vẫn từng ngày đổ bóng như để tiếp thêm sức mạnh.
ÐÌNH QUÝ
Bình luận