Nằm ở tả ngạn sông Vàm Cỏ, từ trăm năm nay, giáo xứ Lương Hòa Thượng chính là một chứng tá sống động cho Tin Mừng qua lịch sử hình thành và phát triển cũng như những nếp sinh hoạt đạo đức bao đời.
1.
Lần ngược về quá khứ, năm 1873, linh mục Phaolô Điện đến giảng đạo ở làng Chánh Hòa bao gồm xã Lương Hòa, Lương Bình và Hựu Thành (Đức Hòa) hiện nay. Ngài vận động dân chúng cất một ngôi nhà nguyện nhỏ bằng cây lá gần bên rạch Ông Quản. Trong ba năm, ngôi nhà nguyện đã mở cửa đón khoảng 10 gia đình theo đạo. Theo một số bô lão kể lại, thời điểm ấy, vùng đất này còn hoang sơ, nhiều thú dữ. Trong một số báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1930 có đoạn viết rằng: “Một nông dân ở Lương Hòa xin cha Điện cho khai khẩn đất hoang. Ông tên là Lý. Hôm đó ông Lý cày tới trưa nghỉ nắng và đi vào bụi hái rau. Một con cọp nhảy ra chụp, ông chống cự, cọp lùi lại. Ông thụt lùi chẳng may vấp phải gò mối mới té ngửa, cọp nhảy tới vồ lôi ông đi. Một nông dân khác ở gần đó thấy la lên, trong xóm chạy ra cứu nhưng không kịp”.
|
Sau khi cha Điện được bài sai về làm chánh xứ Chợ Quán, năm 1880, linh mục Tôma Hồ Biểu Đoan về trông coi họ đạo Lương Hòa. Vốn là người gốc Lái Thiêu, khi về làm chánh họ đạo, có nhiều người quen cùng quê cũng theo cha về nơi ở mới sinh sống. Từ đây, cha Đoan bắt tay vào khai khẩn đất hoang, quy tụ giáo dân đến điểm mới thuộc ấp 7, hiện nay chính là xã Lương Hòa. Khoảng thời gian tiếp theo, số giáo dân ngày một tăng thêm do nhiều người từ Búng, Tân Qui, Nha Ràm... tụ về. Từ con số ban đầu chỉ khoảng 10 gia đình, đến năm 1890, số giáo dân đã tăng lên ước chừng 600 người. Bên sông Vàm Cỏ Đông, cha Đoan xây dựng một ngôi nhà thờ mới bằng cây lá, vách ván. Tuy nhà thờ còn đơn sơ nhưng cũng vừa đủ chỗ, có nơi cho giáo dân dâng lễ vào mỗi ngày Chúa nhật. Ở thời cha Đoan, họ đạo Lương Hòa bắt đầu phát triển. Nhờ công sức của cha và giáo dân cùng khai phá, đất đai ở đây dần phì nhiêu, màu mỡ, sẵn sàng cho việc canh tác. Đến thời linh mục Phêrô Võ Hiền Gia làm cha sở, họ đạo lại tiếp tục bước sang một trang mới. Giáo dân làm đường đi, đào kinh... với sự đồng hành của cha sở. Năm 1915, cha Phêrô Đặng Công Qườn về làm chánh xứ coi sóc Lương Hòa, thay thế cho cha Gia.
2.
Từ một họ đạo mới thành lập chỉ vỏn vẹn chừng 100 gia đình giáo dân (năm 1917 - sau khi tách khỏi giáo xứ Lương Hòa), hiện nay đã tăng lên khoảng 4000 người. Bà con Lương Hòa Thượng trước đây sống bằng nghề nông, trồng trọt mía, chanh, ổi... Khoảng 7 năm trở lại đây, các khu công nghiệp được mở ra khá nhiều nên lớp trẻ trong vùng đổ xô đi làm công nhân. Một số bà con còn vườn tược thì vẫn bám chặt lấy nghề trồng trọt làm kế sinh nhai. Đồng lương công nhân đã ít, giá cây trái cũng bấp bênh theo mùa nên đời sống dân chúng nơi đây không ổn định. Để đồng hành cùng bà con nghèo, ban Caritas giáo xứ thường tổ chức đi thăm viếng và chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Họ tặng các phần quà, hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo hoặc khi xã có xây nhà tình thương ở đâu thì ban Caritas lại góp công vào. Những ngày lễ lớn, Giáng sinh hoặc Tết, giáo xứ đều có những phần quà nhỏ động viên, sưởi ấm bà con giáo dân đang lâm vào cảnh khó. Cha sở Gabriel Nguyễn Tấn Di cũng đã có một cách làm hay khi tạo cho giáo dân tinh thần cúi xuống, cùng nhau nâng đỡ người anh em nghèo trong vùng. Gần Tết, cha vận động các gia đình ai có gì góp nấy: từ bịch bánh, giỏ trái cây, ít gạo đến con gà ký thịt…, tất cả đưa đến nhà thờ rồi chia ra, san sẻ cho những gia đình nghèo mừng năm mới. Món quà tuy nhỏ nhưng cách trao đi tượng trưng cho tấm lòng của cả giáo xứ gởi đến những người anh em còn thiếu thốn.
![]() |
Tặng quà cho người nghèo |
Ngoài bác ái, việc giáo dục đức tin cho lớp trẻ cũng được giáo xứ rất quan tâm. Về việc học giáo lý, do thiếu mặt bằng, giáo xứ chưa có cơ sở nên các em còn phải học trong nhà thờ (mới chỉ có 3 phòng giáo lý). Cha Di ưu tư: “Hiện tại có 8 lớp giáo lý từ hôn nhân - dự tòng, từ rước lễ đến bao đồng phải chia nhau ra học trong nhà thờ. Điều này khá bất tiện vì ồn ào, lớp này ảnh hưởng đến lớp khác. Về mặt đức tin thì cũng không ổn vì nhà thờ phải là nơi để cầu nguyện. Nhưng thôi cũng ráng vì điều kiện khó khăn mà, vừa cố gắng vừa mong mỏi”. Tuy khuôn viên không rộng nhưng cha sở cũng gói gém, tổ chức những buổi họp mặt sinh hoạt nhỏ để các em có thể gắn bó hơn với nhà thờ.
Trải qua bao thăng trầm, khó khăn, nhưng họ đạo Lương Hòa Thượng vẫn luôn hun đúc lòng sốt mến, đức tin của bà con giáo dân trong vùng. Cứ đến tháng 10, tháng Mân Côi cũng là bổn mạng của giáo xứ và tháng 11, tháng các đẳng linh hồn, giáo dân trong xứ lại tổ chức đọc kinh liên gia. Đặc biệt vào tháng 11, những giờ kinh thường hay ưu tiên cho nhà có tang hoặc đang gặp chuyện buồn phiền. Trong năm, ngày nào cũng như ngày nào, khoảng 7 giờ tối là bà con giáo dân lại tụ họp dưới chân đài Đức Mẹ đọc kinh. Lời nguyện kinh đều đều, râm ran khắp khu xóm tạo nên bầu không khí ấm cúng, yên bình mỗi tối. Đây là nếp sinh hoạt tốt đẹp đã được giữ gìn từ rất lâu, nhờ vào những buổi kinh chung như vậy, bà con trong khu xóm càng gắn bó thân tình. Chị Hai Vân, một người thuộc tôn giáo bạn sinh sống gần nhà thờ cho hay: “Nơi này xen kẽ giữa người đạo Thiên Chúa với người đạo khác, vậy mà êm ru, mọi người đều vui vẻ. Tôi sống ở đây nhiều năm nhưng ít thấy chuyện cự cãi hay bất đồng. Sinh hoạt nhà thờ tạo cho khu xóm nhỏ có thêm sức sống. Bên nhà thờ đối với người ngoài đạo cũng gần gũi, hòa đồng, có gì đều mời chúng tôi qua tham dự”.
Cùng với Cái Mơn, Cái Nhum, Trà Lồng..., đất Lương Hòa cũng là một cái nôi ơn gọi của vùng đồng bằng Nam Bộ, với nhiều linh mục, tu sĩ xuất thân từ đây. Trải qua 100 năm, họ đạo vẫn hiện diện đầy sức sống bên dòng sông Vàm Cỏ Đông như một chứng tá Tin Mừng và tấm lòng mộ đạo của những người dân nơi vùng đất quê nghèo.
Năm 1917, xảy ra sự kiện đặc biệt, đánh dấu một cột mốc lớn của họ đạo. Khi kinh Xáng Lớn được khởi xướng đào, Lương Hòa bấy giờ mới tách ra làm hai họ: Lương Hòa Hạ và Lương Hòa Thượng. Khi xứ đạo bị phân tách, việc đi lại của bà con trở nên khó khăn hơn. Giáo dân muốn đi lễ, đọc kinh hay sinh hoạt nhà thờ đều phải nhờ vào đò đưa, vừa nguy hiểm lại vô cùng bất tiện. Để giải quyết tình hình này, bề trên giáo phận Tây Đàng Trong (lúc đó Lương Hòa còn thuộc giáo phận này, năm 1960 mới thuộc GP Mỹ Tho) là Đức cha Victor – Charles Quinton đã cho xây cất hai ngôi nhà thờ ở hai nơi. Năm 1920, cha Qườn về làm cha sở Lương Hòa Hạ và giáo xứ Lương Hòa Thượng được giao cho cha Phêrô Nguyễn Văn Tròn phụ trách. Khi cha Antôn Luật về làm chánh xứ thay thế cha Tròn, ngài đã khởi công xây mới nhà thờ Lương Hòa Thượng (năm 1930). Ngôi thánh đường mới được dựng nên trên những thân cột vững chãi bằng gỗ, tuy vậy, qua thời gian cột đã bị mối mọt làm hư hại nặng. Căn nhà thờ mới hiện nay được xây dựng năm 1991 dưới thời linh mục Antôn Nguyễn Văn Đức. |
HÙNG LUÂN - THIÊN LÝ
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.