Tưởng nhớ Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, báo Công giáo và Dân Tộc trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuộc trao đổi giữa báo Công giáo và Dân tộc với Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức Tin, nhân năm Đức Tin 2012. Chia sẻ của ngài cho thấy thao thức về đời sống đức tin của mọi tín hữu: không chỉ sống đức tin mà còn có bổn phận truyền đạt đức tin…
![]() |
CGvDT: Từ cuốn sách “Tôi biết, tôi đã tin vào ai”, nhân Năm Đức Tin, Đức cha muốn nhắn gởi gì với người Công giáo Việt Nam ?
Đức Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc (ĐGM. BVĐ): Tôi không có ý gì khác ngoài ước muốn phục vụ một cách khiêm tốn đời sống đức tin của những ai thích đọc sách thần học, chứ không có ý nhắn nhủ ai điều gì, vì chính bản thân tôi cũng phải cố gắng rất nhiều để sống đức tin cho tốt, để đức tin thực sự đi vào đời sống. Tôi rất thích thần học, vì thần học đối với tôi là “tư duy về đức tin”, về đời sống đức tin và nội dung đức tin. Hơn thế nữa, một trong những nghĩa vụ quan trọng của các giám mục và linh mục, và ngay cả giáo dân nữa, là TRUYỀN ĐẠT ĐỨC TIN cho người khác. Mà làm sao có thể truyền đạt được, nếu không có đức tin hoặc không nắm vững nội dung đức tin?
Năm Đức Tin, tôi rất vui vì có cơ hội góp phần đôi chút để phục vụ cho đời sống đức tin của các tín hữu. Năm Đức tin nhắc cho tất cả chúng ta, những người Công giáo biết quý trọng ơn đức tin, chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa đã ban ơn đức tin cơ hội để đào sâu đức tin, cả về phương diện trải nghiệm, lẫn phương diện nội dung: tôi biết tôi tin ai, tôi tin gì. Là cơ hội để chúng ta tuyên xưng đức tin một cách mạnh dạn, không sợ hãi. Cũng là dịp nhìn lại đời sống đức tin của mình và cố gắng sống đức tin triệt để hơn nữa.
Giáo hội giúp chúng ta rất nhiều. Trước hết Giáo hội nhắc nhở, tạo bầu khí cho chúng ta. Chúa Thánh Thần qua Giáo hội và trong lòng Giáo hội đang thúc đẩy chúng ta, soi sáng cho chúng ta, và nhất là ban cho chúng ta niềm vui “tái khám phá” kho tàng đức tin, mà Thiên Chúa ban, và Giáo hội có nhiệm vụ gìn giữ và trao lại. Tôi chỉ mong rằng, nhờ ơn Chúa giúp, chính bản thân tôi và càng ngày càng có thêm nhiều người khám phá ra Tình Yêu của Thiên Chúa được mặc khải nơi Chúa Giêsu, đón nhận Mặc Khải ấy, tin Chúa , biết Chúa và yêu Chúa nhiều hơn nữa.
CGvDT: Năm Đức Tin cũng là năm kỷ niệm 50 năm Công đồng Vatican 2, nhân dịp này Ủy ban Giáo lý-Đức tin mà Đức cha đặc trách, cũng tái bản cuốn Công đồng Vatican 2. Theo Đức cha, Công đồng Vatican 2 có ý nghĩa thế nào đối với Giáo hội Việt Nam, nhất là về mặt sống đạo?
ĐGM. BVĐ: Công đồng Vatican II là một “Biến cố rất quan trọng” đối với toàn thể Giáo hội, chứ không riêng gì đối với Giáo hội tại Việt Nam. Đây là một khúc ngoặt lớn trong lịch sử Giáo hội. Dĩ nhiên vẫn có sự tiếp nối và thừa kế, vì Đức tin của Giáo hội luôn là Đức tin tông truyền. Đạo của chúng ta luôn là Đạo nguyên thủy, Đạo của Chúa Giêsu, Đấng là Con Đường dẫn tới Chúa Cha. Nhưng con đường ấy xuyên qua lịch sử, nên không thể nào phủ nhận tất cả các yếu tố lịch sử và thời gian. Chính vì những yếu tố đó mà việc suy nghĩ và truyền đạt đức tin phải không ngừng cập nhật hóa: vừa trở về nguồn, vừa thích nghi với thời đại. Giáo hội tại Việt Nam, nếu muốn cho đời sống đạo của các tín hữu được năng động và sâu xa, cần lưu tâm tới cả hai yếu tố: “trở về nguồn” và “cập nhật hóa”. Trở về nguồn là trở về với Tin Mừng của Chúa Giêsu, trở về với chính Chúa Giêsu, với “Truyền Thống sống động” của Giáo hội, bỏ bớt những điều rườm rà không cần thiết. Cập nhật hóa, để có thể diễn tả bằng ngôn ngữ của thời đại những chân lý ngàn đời của Đức tin Công giáo. Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã minh nhiên nói rằng Chân Lý vẫn là một, nhưng cách diễn đạt hay ngôn ngữ chuyên chở Chân Lý biến chuyển tùy theo địa phương và thời đại. Vấn đề là làm sao phân biệt cái gì là cốt lõi của Chân Lý và cái gì là “cách diễn tả”. Đây là một việc làm khó khăn, cần sự cộng tác của nhiều người, cần sự nghiên cứu hẳn hoi và cần một thái độ khiêm tốn trước Chân Lý.
Điều quan trọng là “Tinh thần cởi mở và đối thoại” của Công đồng Vatican II, muốn ngỏ lời với mọi người và muốn lắng nghe mọi người. Công Đồng được ví như cửa sổ của Tòa nhà Giáo hội, mở ra cho Thần Khí của Thiên Chúa. Công Đồng hướng dẫn chúng ta cách đưa Đạo vào đời, làm thế nào để chúng ta vẫn “ở trong thế gian” (x. Ga17,11), mà “không thuộc về thếgian” (x. Ga 17,14). Đó là điều rất khó đối với mọi người, kể cả đối với linh mục và tu sĩ. Công đồng nhắc nhở chúng ta lưu tâm tới hoạt động của Chúa Thánh Thần; cùng với Giáo hội Ngài luôn làm chứng cho Chúa Giêsu. Ngài làm cho Giáo hội nên Duy nhất, Thánh Thiện, Công giáo và Tông truyền. Hãy lắng nghe Tiếng nói của Chúa Thánh Thần, trước hết là trong lòng Giáo hội, vì Chúa Giêsu đã ban cho Giáo hội tất cả những yếu tố cơ bản, để toàn thể vũ trụ, vì Ngài luôn là Thần Khí tác tạo. Ngài hoạt động trong lịch sử, trong xã hội, trong các tôn giáo, trong các nền văn hóa. Dĩ nhiên chúng ta không được quên điều mà Thánh Phaolô gọi là “mysterium iniquitatis”, “huyền nhiệm của sự gian ác”, là điều đáng sợ hơn chúng ta nghĩ, và luôn van xin Chúa cứu chúng ta khỏi mọi sự dữ. Chúng ta đặt tất cả niềm hy vọng vào Chúa Phục Sinh, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa? ( x. 1Ga 5, 5).
CGvDT: Thưa Đức cha, dường như những sự kiện trọng đại như Năm Thánh 2010, Đại hội Dân Chúa đã trở thành những nhịp bước chuẩn bị đưa Giáo hội Việt Nam bước vào Năm Đức Tin cùng với Giáo hội toàn cầu?
ĐGM. BVĐ: Anh nói đúng, Năm Thánh 2010, Đại Hội Dân Chúa đã là những nhịp bước chuẩn bị đưa Giáo hội tại Việt Nam bước vào Năm Đức Tin cùng với Giáo hội toàn cầu. Khi tổ chức mừng Năm Thánh 2010 kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, 350 năm thành lập Giáo hội tại Việt Nam, và Đại hội Dân Chúa, Hội đồng Giám mục Việt Nam chưa có ý tưởng gì về Năm Đức Tin mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI công bố ngày 17 tháng 10 năm 2011. Nhưng tất cả những nỗ lực của Hội đồng Giám mục Việt Nam và của toàn thể Dân Chúa đã chuẩn bị chu đáo những hành trang cần thiết để Giáo hội Việt Nam bước vào Năm Đức tin một cách tốt đẹp. Tôi có cảm tưởng như khá nhiều người Công giáo thấy được điều đó và thêm lòng tin tưởng nơi các Giám mục Việt Nam. Cả ba điều cơ bản mà HĐGMVN đã đề ra cho mọi người suy nghĩ và trao đổi về sinh hoạt của Giáo hội tại Việt Nam (Mầu Nhiệm, Hiệp Thông và Sứ Vụ) đều ăn khớp với nội dung mà Đức Thánh Cha đề ra cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới và Năm Đức Tin.
Thượng Hội đồng với nội dung là “Tân Phúc Âm hóa để truyền đạt Đức tin Kitô giáo”, hoàn toàn bàn về Sứ Vụ của Giáo hội. Chính vì nhiều nơi trong Giáo hội toàn cầu đã “xao lãng” Sứ Vụ của mình, mà đời sống Đức tin của các Kitô hữu tại nhiều địa phương sa sút trầm trọng, nhất là tại các “vùng đã theo đạo lâu đời” như Châu Âu chẳng hạn. Nhiều Mục Tử đã rơi lệ tại ba Thượng hội đồng gần đây nhất là THĐ năm 2005 về Bí Tích Thánh Thể, THĐ năm 2008 về Lời Chúa, THĐ năm 2012 về Tân Phúc Âm hóa. Năm 2004, tôi đã khóc theo các Mục Tử của Giáo hội Ái Nhĩ Lan (Ireland), vì tình trạng sa sút trầm trọng của các thành phần Dân Chúa tại nơi trước đây đã là thành trì của Đạo Công giáo, là cái nôi của “Legio Mariae” (Đạo Binh Đức Mẹ).
Đức tin sa sút, vì người ta xao lãng sứ vụ tông đồ, vì sự tác hại của trào lưu “thế tục hóa”, vì sự Hiệp Thông trong Giáo hội bị giảm thiểu, do nhiều người, kể cả hàng giáo sĩ hiểu không đúng “tinh thần đối thoại của Công đồng Vatican II”. “Cảm thức Linh thánh” càng ngày càng phai nhạt vì chủ nghĩa “duy thế tục” bành trướng. Lợi nhuận kinh tế trở thành giá trị hàng đầu và tiêu chuẩn duy nhất để nhận định và phê phán. Người ta càng ngày càng bớt tin tưởng ở nhau, và không ngừng lên tiếng chỉ trích và đả phá nhau, khi bị thất bại về kinh tế. Cám ơn Chúa vì Đại Hội Thánh Thể vừa qua (tháng 6 năm 2012) đã một phần nào mang lại sức sống cho Giáo hội tại Ireland. Người ta ý thức nhiều hơn Bí tích Thánh Thể là cội nguồn, là trọng tâm và là chóp đỉnh mọi sinh hoạt của Giáo hội. Giáo hội ở Ireland đã nhấn mạnh đến “Mầu Nhiệm Hiệp Thông”; Bí tích Thánh Thể làm cho chúng ta nên một với Chúa và nên một với nhau, làm thành Giáo hội. Trong thực tế có hai điều mà Giáo hội tại Việt Nam đã nhấn mạnh nhiều trong thời gian chuẩn bị Đại hội Dân Chúa, và những ngày sinh hoạt của Đại hội, đó là việc Giáo dục Đức tin (học hỏi Lời Chúa và giáo lý nhiều hơn và sâu hơn), việc canh tân Giáo hội, đặc biệt là canh tân hàng Giáo sĩ Dòng cũng như Triều. Đức Thánh Cha đã giúp cho chúng ta cụ thể hóa hơn nữa những điều đã đề ra trong Đại hội Dân Chúa, khi công bố Tông Thư “Cửa Đức Tin” (Porta Fidei) mở ra “Năm Đức tin” để kỷ niệm 50 năm Công đồng Vatican II và 20 năm xuất bản Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo. Vì tinh thần hiệp thông với Giáo hội toàn cầu và vì ích lợi của chính chúng ta, hãy cố gắng tối đa để có thể học hỏi thêm Sách Giáo Lý và các văn kiện Công Đồng.
CGvDT: Theo Thư Mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam về Năm Đức Tin, trong năm điều nhận định về đời sống thể hiện đức tin của tín hữu Việt Nam, đã có ba điều nên lên những mối quan ngại:
(1) nơi một số người, việc giữ đạo chỉ theo tập tục và thói quen, chưa trở thành xác tín cá nhân và động lực cho những chọn lựa quan trọng trong đời sống.
(2) Nơi một số người khác, đời sống đức tin quá thiên về tình cảm, chỉ giới hạn vào một số thực hành nghi lễ và luân lý.
(3) Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời đại đề cao lối sống vật chất và hưởng thụ, nhiều người trẻ Công giáo ngày nay cảm thấy bị lung lạc trong đời sống đức tin, nhiều đôi vợ chồng trẻ không còn ý thức trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cái. Theo Đức cha, đâu là nguyên nhân của những thực tế đáng quan ngại đó và làm gì để khắc phục?
ĐGM. BVĐ: Thư Mục Vụ của HĐGMVN về Năm Đức Tin, không có cái nhìn bi quan về đời sống đức tin của các thành phần Dân Chúa tại Việt Nam. So với rất nhiều nơi khác trên thế giới thì Giáo hội tại Việt Nam vẫn rất sinh động. Dĩ nhiên không thể tránh hết mọi khuyết điểm vì Giáo hội còn đang lữ thứ, và thế gian có quá nhiều cám dỗ và cạm bẫy. Hầu như ai đến Việt Nam đều nhận thấy lòng đạo đức của người tín hữu Việt Nam. Vấn đề “chất” và “lượng” chưa hoàn toàn đi đôi với nhau, là điều phổ biến khắp nơi, không riêng gì ở Việt Nam, không chỉ trong Giáo hội, mà cả ngoài xã hội nữa. Ba điều quan ngại mà anh trích dẫn từ trong lá thư mục vụ, nếu đọc kỹ, thì mọi người đều thấy rõ các chữ “nơi một số người”. Các Giám mục không vơ đũa cả nắm, mà chỉ có ý nhận định thực trạng đời sống đức tin “nơi một số người”. Có người giữ đạo chỉ theo tập tục thói quen, chưa trở thành xác tín cá nhân. Điều đó đúng, nhưng ai cũng biết rằng có tập tục thói quen giữ đạo đàng hoàng, còn hơn là “mất hẳn tập tục thói quen tốt”.
Có được sự “xác tín cá nhân”, thì thật là khó. Chính vì thế mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thúc giục chúng ta hãy “gặp gỡ Chúa Kitô”, trong tông thư “Cửa Đức Tin” (x.số 2). Ngài còn thúc giục Giáo hội, và đặc biệt là các mục tử đưa dẫn con người đến với tình bằng hữu của Con Thiên Chúa. Đức tin sống động, chính là “tương quan bằng hữu” với Chúa Giêsu. Sách Giáo Lý định nghĩa “Đức tin là một sự gắn bó cá nhân với Thiên Chúa”. Chính vì thế mọi người tín hữu, gồm cả giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân phải cầu nguyện nhiều hơn nữa, phải tiếp xúc với Chúa Giêsu thường xuyên để trở nên bạn hữu của Chúa như lòng ngài mong ước (x.Ga.15,15).
Khi người tín hữu thực sự xác tín, thì chính sự xác tín ấy sẽ trở thành động lực cho những lựa chọn quan trọng của mình. Nhưng sự xác tín có một nội dung không rõ ràng, hay một nội dung sai quấy, dễ trở thành cuồng tín và nguy hiểm cho xã hội. Sự cuồng tín của một số người đã và đang trở thành nguyên nhân của rất nhiều xung đột trong thế giới chúng ta hiện nay. Chính vì thế mà cần phải có sự hiểu biết, học hỏi về nội dung đức tin, để có thể mạnh dạn nói lên rằng “tôi biết tôi đã tin vào ai”(2 Tm 1, 12).
Trong Đức Tin, có yếu tố tình cảm: người ta tin bằng “cái tâm” (corde creditur). Cái tâm rất cần thiết, nếu không, Đức Tin làm sao có thể trở nên tình bằng hữu với Chúa? Nhưng tình cảm mà thôi chưa đủ, cái tâm chưa đủ, nhưng còn phải có “cái trí”. Tin bằng cả tâm lẫn trí, thì mới là Đức Tin Kitô giáo. Tin là một “hành vi nhân linh”, một hành vi có ý thức và tự do. Ý thức càng rõ, hiểu biết càng nhiều, thì đức tin càng tự do và sâu sắc: tin là một hành vi tự nguyện, là một sự dấn thân cho “Đấng mình tin”, cho điều mình tin.
Còn ảnh hưởng của thời đại đề cao lối sống vật chất và hưởng thụ, thì quả thật rất nguy hiểm, và nguy hiểm cho mọi người, cho cả tôi là giám mục giáo phận. Chính vì thế mà sự đề cao cảnh giác và nhắc nhở, đặc biệt là cho những người trẻ và những đôi vợ chồng trẻ không bao giờ thừa. Trái lại còn rất cần thiết, vì rất nhiều cha mẹ trẻ không còn ý thức trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cái, mà chỉ nghĩ tới việc học vấn và sự thăng tiến xã hội của con cái mình. Như vậy là hoàn toàn xao lãng “sứ mạng loan báo Tin Mừng” mà Chúa Giêsu đã trao phó cho mọi người Kitô hữu và cho từng người.
Vậy phải làm gì? Hãy cố gắng đọc Kinh Thánh, lắng nghe Lời Chúa nhiều hơn! Chúa Thánh Thần là tác giả chính của Kinh Thánh, là tác nhân chính yếu của việc loan báo Tin Mừng, sẽ ban cho chúng ta một nhiệt huyết mới, một khí thế mới, ban cho ta niềm vui làm sứ giả của Thiên Chúa, cùng với Chúa Giêsu và giống như Chúa Giêsu, sứ giả của Thiên Chúa là “Chân Thiện Mỹ”.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.