Thời nay, nhiều cô cậu học trò thường than phiền bị ba mẹ cắt mạng (internet) vì lên mạng nhiều quá không lo học. Không chỉ mất thời gian vì mạng, nhiều bạn trẻ có thể nghiện mạng hoặc sa đà vào những trang web xấu, hậu quả khó lường.
Tuy nhiên, rất khó mà cấm trẻ truy cập internet vì cắt ở nhà, các em có thể đến tiệm net, thậm chí có thể nhờ wifi hàng xóm kết nối với điện thoại. Vậy, ba mẹ phải làm gì để tạo sức đề kháng cho con trước thế giới mạng đầy cạm bẫy?
Càng bị cấm, trẻ càng tò mò
Tìm đến những trung tâm cai nghiện game tại TPHCM, rất nhiều học viên từng bị ba mẹ cấm đoán vào mạng từ lúc nhỏ. Thế nhưng càng cấm trẻ càng tò mò. Và khi đã tò mò các em càng tìm mọi cách tiếp cận thế giới mạng. Anh Lê Thành Tâm, 30 tuổi chia sẻ: “Hồi nhỏ ba mẹ cứ bắt học, không cho chơi trò chơi điện tử. Khi có internet, ba mẹ đưa tôi đến tận trường, không cho tiền nhiều để tôi không thể la cà tiệm net. Năm đó tôi 10 tuổi, học lớp 5”.
Khi lên lớp 6, một lần ba đến đón trễ, thế là Tâm mượn tiền bạn học, cùng bạn vào tiệm net. Với hơn nửa tiếng tiếp cận thế giới mạng, Tâm đâm ra thích thú và hôm sau nhịn ăn quà vặt, trốn học để tìm đến net. Tâm lấy nickname và bắt đầu kết bạn, trò chuyện với những người bạn ảo. Nhiều lúc bạn không online, Tâm lang thang qua các trang web đen rồi đâm nghiện luôn. Tâm bỏ học hẳn, suốt ngày chìm đắm trong thế giới mạng. Cho đến khi những chương trình game online phát triển, ba mẹ Tâm đã không nhận ra con mình. Rồi một ngày hai ông bà gởi con đến Trung tâm IVS tại Linh Trung Thủ Đức.
Cũng cùng hoàn cảnh bị ngăn cấm từ ba mẹ, chị Nguyễn Hồng Loan, 34 tuổi trốn học để tìm hiểu thế giới mạng. Khác với Thành Tâm “cày” suốt ngày để trở thành game thủ, Hồng Loan lại vào các trang web đen, xem phim có nội dung không tốt và bắt đầu tìm hiểu những gì phim “diễn ra”. Hậu quả Loan dễ dàng kết bạn với bạn trai và khi ba mẹ biết được thì cô cùng bạn trai hơn một lần đến bệnh viện để “trút bỏ” trách nhiệm cả hai gây ra. Mẹ Loan khóc hết nước mắt vì con. Bà khuyên Loan nên học nghề may để làm lại cuộc sống. Rất may, vốn là con ngoan trò giỏi khi còn học tiểu học, Loan sớm nhận ra sai lầm, cô học nghề may và đã có thể tự nuôi sống mình.
Nhiều bậc cha mẹ luôn nghĩ điều gì không kiểm soát được là cấm. Và có không ít cách cấm như cấm ra khỏi nhà ngoài giờ học, cấm kết bạn hàng xóm, cấm hết các mối quan hệ... Tất cả chỉ cho con một con đường là học. Thế nhưng học cũng phải có lúc cần bạn tâm sự, cần có một kênh giải trí lành mạnh. Những lúc căng thẳng, mệt mỏi hay trống rỗng, người ta càng tò mò tìm xem thế giới mạng có gì mà ba mẹ lại ngăn cấm. Bi kịch xảy ra từ đó.
Hướng con vào những trang mạng tốt
Thay vì cấm đoán con tiếp xúc với mạng, các bậc cha mẹ nên giúp con vào những website lành mạnh, hướng dẫn con sử dụng hiệu quả những kết nối có ích cho học tập. Thí dụ, ông Trần Văn Lợi, 50 tuổi (Q1) chia sẻ: “Gần hai mươi năm trước, thay vì cấm đoán con, tôi dạy nó lúc đó chỉ mới 10 tuổi cách đánh bàn phím, cách lập một địa chỉ email... Và nhất là tôi hướng dẫn nó vào những trang web lành mạnh như “Câu chuyện cuộc sống, Khoảnh khắc yêu thương”... Những câu chuyện dễ thương đi vào lòng người cũng giúp nó khá nhiều trong các bài tập làm văn trong lớp. Vào cấp 2, tôi và nó là bạn chat. Có chuyện gì cần nói cứ thổ lộ qua mạng dù hai cha con chỉ cách nhau vài bước. Nhờ vậy, chúng tôi thân thiết hơn và con tôi không giấu tôi bất cứ điều gì”.
Thật vậy, thay vì cấm cản con, ba mẹ hãy cho con tiếp xúc cùng thế giới mạng một cách nghiêm túc. Đó là cách tốt nhất đế giúp con có sức “đề kháng” với những trang mạng đen cũng như thế giới mạng cực kỳ phức tạp. Bà Phạm Tuyết Nga, 43 tuổi (Q3) cho biết: “Ba mẹ nên cùng con lướt web, hướng dẫn con cách sử dụng mạng, xài những thành tựu công nghệ thông tin sao cho hiệu quả. Thí dụ chỉ cho con những trang web học tiếng Anh, học toán..., vào cổng thông tin Sở Giáo dục nghiên cứu các đề thi những năm cũ để luyện thị tốt hơn, tìm kiếm các trang web giáo dục trên thế giới để “săn” học bổng...”.
Theo bà Tuyết Nga, phụ huynh cần giải thích cho con internet như con dao hai lưỡi. Nếu sử dụng đúng sẽ rất có ích cho con, ngược lại sẽ làm hại con. Có lẽ nhờ sự giáo dục của mẹ mà hai con gái của bà Tuyết Mai là học sinh giỏi của trường THCS Trần Văn Ơn và rất giỏi về mạng. Cả hai đang ôm ấp giấc mộng du học và là học viên chăm chỉ của các trang web học tiếng Anh trên internet.
Không chỉ học trên mạng, ông Phạm Ngọc Sơn, 40 tuổi (Q.8) còn dạy con phân biệt thế nào là tin “nóng sốt” trên mạng, thế nào là tin bịa đặt để “câu like”. Có lần một tin nói xấu những người nhập cư miền Bắc gây rối trên máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội, ông kiên nhẫn tìm lại tin tức một chiếc máy bay bị rơi tự do của hãng hàng không Vietnam Airlines cách đó mấy năm, tìm lại bức ảnh cũ và chứng minh đó là một sự ghép nối tài tình ảnh thật và tin dỏm nhằm bôi bác một bộ phận người Việt. Ông còn dạy con thế nào là một tin nhảm không đáng xem như tin một cậu ấm tặng bạn mình trong ngày sinh nhật một thùng to, trong đó là một cô gái xinh đẹp mặc áo tắm bước ra sau khi chiếc thùng được khui. Ông chỉ con cả mánh lới ghép ảnh, sử dụng photoshop lừa mắt người xem của những trang tin lá cải.
Vì vậy, thật không có gì ngạc nhiên khi anh Lê Thành Tâm, từng là học viên cai nghiện game chia sẻ: “Nếu ba mẹ chỉ tôi đường nào tốt để đi, chắc chắn tôi đã không lạc đường. Thay vì cấm đoán, ba mẹ nên hướng dẫn tôi sử dụng vi tính, vào thế giới mạng một cách hiệu quả, hẳn tuổi thanh xuân của tôi đã khác”.
NGUYỄN NGỌC HÀ
Bình luận