Ngày 24.9.2017, Giáo hội Nhật Bản tổ chức Ngày Di dân và Tị nạn, nhằm gây ý thức về sự hiện diện của các thành phần nhập cư và bổn phận mục vụ đối với các tín hữu di dân. Dịp này, từ ngày 23 - 28.9.2017, phái đoàn Ủy ban Mục vụ Di dân/HÐGMVN do Ðức cha Chủ tịch Giuse Ðỗ Mạnh Hùnglàm trưởng đoàn, đã đi thăm và làm việc với Ủy ban về Người di dân, tị nạn và di trú (J-CaRM) của HÐGM Nhật Bản do Ðức cha Michael Goro Matsuura- Giám mục GP Nagoyalàm chủ tịch.
Trong buổi làm việc, hai Ủy ban của HÐGMVN và Nhật Bản đã đi đến thỏa thuận: thành lập nhóm chuyên trách chung gồm đại diện linh mục, tu sĩ Việt Nam tại Nhật và đại diện thuộc UBMVDD Việt Nam để tư vấn và đề ra chương trình mục vụ và xã hội cho người Việt tại Nhật cũng như người Nhật tại Việt Nam; chuẩn bị thiết lập hai trung tâm mục vụ cho di dân Việt Nam trong giáo tỉnh Tokyo và Osaka.
Một buổi sinh hoạt của cộng đoàn Công giáo Việt Nam vùng Osaka và Kobe - Nhật Bản |
Ðây là một tin vui về truyền giáo và liên kết hoạt động mục vụ giữa hai Giáo hội tại châu lục.
Giáo hội Nhật Bản hiện có 450.000 tín hữu, 1.800 linh mục (trong đó có 519 linh mục nước ngoài) đang phục vụ tại 16 giáo phận thuộc 3 giáo tỉnh Tokyo, Osaka và Nagasaki. Có thể nói Giáo hội Nhật Bản khá khiêm tốn về số lượng, chỉ chiếm tỷ lệ 0,0375% so với 120 triệu dân, nhưng HÐGM Nhật Bản lại rất quảng đại với các chương trình và định hướng mục vụ cho di dân. Cụ thể, HÐGM Nhật Bản đã ban hành định hướng mục vụ“Tiến về Nước Trời vươn xa qua những ranh giới quốc gia”, trong đó nhấn mạnh: các giáo phận và giáo xứ phải hợp tác với sứ mạng của J-CaRM để tín hữu nước ngoài có thể tích cực tham dự bí tích và được giáo dục đức tin bằng ngôn ngữ riêng; tạo điều kiện để tín hữu nước ngoài được hội nhập và trở nên thành viên của gia đình đức tin nơi các giáo xứ; phiên dịch các thông tin mục vụ cho tín hữu nước ngoài; mở các văn phòng tư vấn ở các giáo phận để trợ giúp tín hữu nước ngoài; trợ giúp tín hữu nước ngoài đối phó với những vấn nạn xã hội. Các chuyên viên về xã hội và pháp lý của HÐGM Nhật Bản cũng rất tích cực tổ chức chương trình hành động và vận động chính phủ bảo vệ người lao động nhập cư và di dân, khuyến cáo các tổ chức môi giới lao động vi phạm luật pháp, can thiệp trực tiếp các trường hợp bóc lột lao động và lạm dụng sức lao dộng, tố cáo tổ chức hoặc cá nhân vi phạm nhân phẩm người lao động.
Số người Việt hiện nay tại Nhật cũng khá ấn tượng. Theo nhiều nguồn khảo sát, có khoảng 200.000 di dân Việt Nam tại Nhật Bản. Theo J-CaRM, riêng năm 2016, có 88.211 người Việt Nam nhập cảnh theo diện tu nghiệp nghề, chưa kể số lượng du học sinh và nghiên cứu sinh. Trong số này, người Công giáo Việt Nam tại đây có thể lên tới cả ngàn người, trong đó có 170 tu sĩ và 41 linh mục Việt Nam đang học tập và làm mục vụ.
Số tín hữu Công giáo Nhật Bản trên đất nước Việt Nam có lẽ không nhiều. Tuy nhiên, nếu có cộng đoàn tín hữu Nhật, chắc chắn những người đồng đạo sẽ nhận được sự hỗ trợ của người Công giáo bản địa, như với các cộng đoàn Công giáo Philippines, Hàn Quốc tại TGP.TPHCM trong thời gian qua…
Mặt khác, số linh mục, tu sĩ đang học tập hoặc làm việc tại Nhật Bản cho thấy sự góp phần của GHCGVN trong tinh thần hiệp thông của Giáo hội toàn cầu. Ngoài Nhật Bản, nhiều linh mục, tu sĩ Việt Nam hiện cũng đang hoạt động mục vụ tại Mông Cổ, Hàn Quốc, Ðài Loan và một vài quốc châu Phi…
Những hình ảnh này cũng chứng thực Giáo hội là duy nhất - như lời tuyên xưng trong kinh Tin Kính - và các tín hữu có cùng niềm tin Kitô ở bất cứ nơi đâu.
HOÀNG ANH
Bình luận