Ngày hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, thì chớ cứng lòng…/ Today, if you hear His voice, do not harden your hearts…
Thư Gởi Tín Hữu Do Thái (3:7-8)
Đạo Sinh chào đời khoảng năm 355 hay 360 tại Bành Thành, cũng gọi Từ Châu. Ngài họ Ngụy nhưng đổi thành họ Trúc khi học đạo với Trúc Pháp Thái (320-387) tại thành Kiến Khang. Về sau học thêm với sư Huệ Viễn (334-416) tại Lư Sơn, rồi lại tới kinh thành Trường An tu nghiệp chừng hai, ba năm (khoảng từ 405) với Quốc Sư Cưu Ma La Thập (Kumârajiva, 334-413), và phụ giúp thầy dịch kinh Phật ra chữ Nho.
Là bậc cao tăng xuất chúng, bằng trực giác mẫn tuệ, sư Đạo Sinh tự nghiệm ra một lý lẽ rất cao siêu và công khai thuyết giảng rằng ai ai cũng có Phật tính, ai ai cũng đều có thể thành Phật, kể cả những kẻ không đủ đức tin mà nhà Phật gọi làxiển đềhaynhất xiển đề(icchantika).
Tư tưởng đại thừa của Đạo Sinh lập tức bị quy kết là tà vạy, phá hoại chánh pháp. Bị trục xuất khỏi cộng đồng tăng chúng, sư phải lui về ẩn dật tại chốn núi non hoang vắng (khoảng năm 430). Đến khiKinh Đại Bát Niết Bànlần đầu tiên có bản dịch chữ Nho, tăng chúng đọc thấy câu: Tất cả mọi chúng sinh đều có Phật tính, đều có thể tu học thành Phật (Nhất thiết chúng sinh, giai hữu Phật tính, học đắc thành Phật). Thế là thiên hạ bèn xúm nhau ca tụng trí tuệ của Đạo Sinh, rần rần lên núi, tranh nhau rước sư về chùa mình thuyết pháp! Sư thoát trần năm 434.
Đây là chuyện tôi nghe:
Một buổi chiều đang tản bộ trong khuôn viên đạo viện, khi đi qua lương đình, trưởng tràng bắt gặp trà đồng đứng ngắm nghía tảng đá lớn trang trí chỗ nghỉ mát. Thấy trà đồng mấy lần để tay lên tảng đá như muốn thử lay chuyển, trưởng tràng ngạc nhiên bước tới hỏi:
- Hiền đệ làm chi đó?
Giật mình, chú nhỏ quay phắt lại, bẽn lẽn:
- À, à... Đệ muốn xem thử tảng đá này có nhúc nhích được không.
- Ủa!? Chi vậy?
Ngập ngừng một lúc rồi trà đồng nói:
- Đệ đọc sách, thấy kể chuyện sư Đạo Sinh bị tăng chúng trục xuất, ngài lui về núi vắng ẩn dật. Giữa chốn hoang vu, ngài thuyết pháp cho mấy tảng đá nghe, nói hay đến nỗi đá cũng gật gù tán thưởng.
Trưởng tràng phì cười:
- Ờ, tích này huynh có biết. Câu chữ Nho như vầy:Sinh công thuyết pháp, ngoan thạch điểm đầu. (Ông Sinh thuyết pháp, đá ngu si gật đầu.) Té ra đệ muốn thử xem tảng đá này có biết gật đầu không hả? Đệ thuyết pháp cũng thần diệu lắm sao?
- Đâu có! Đệ chỉ thấy chuyện hoang đường. Đá cứng ngắc như vầy, làm sao biết gật đầu!?
Trưởng tràng lại cười:
- Dân Trung Hoa xưa nay đứng số một về tài nói thậm xưng mà. Văn võ rất giỏi thì họ tán làthần văn thánh võ. Hành tung khó biết thì khen làxuất quỷ nhập thần. Đàn bà đẹp thì khen làtrầm ngư lạc nhạnmà dân mình bảochim sa cá lặn... Suy ra, họ nóingoan thạch điểm đầu(đá tuy vô tri cũng gật đầu) thì chẳng khác gì dân mình bảorắn trong lỗ bò ra.
Ngẫm nghĩ một thoáng, trưởng tràng nói tiếp:
- Theo huynh, mấy chữđá gật đầunên hiểu theo nghĩa bóng. Phật pháp nhiệm mầu, qua tài thuyết giảng của sư Đạo Sinh càng thêm linh diệu. Nếu đá vô tri mà còn thấm thía, biết cảm thông thì há con người lại không lay chuyển được lòng mình hay sao? Trong Kinh Thánh có thuật ngữcứng lòngrất hay. Con người mà không biết chuyển tâm về đường đạo để tìm tới chánh pháp tu học thì lòng họ quá chai cứng rồi, cứng lòng còn hơn mấy tảng đá của sư Đạo Sinh nữa kìa!
Phú Nhuận 05-3-2014
Dũ Lan Lê Anh Dũng
Bình luận