Việc trùng tu toàn diện nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn đang tiếp tục các hạng mục quan trọng để hai tòa tháp chuông và tháp kẽm có thể vững chãi với thời gian.
Trao đổi với Báo Công giáo và Dân tộc, linh mục Inhaxiô Hồ Văn Xuân, Tổng Ðại diện TGP TPHCM và là Trưởng Ban Trùng tu cho biết: “Hai tòa tháp chuông và tháp kẽm là trọng tâm công việc của năm 2023 và 2024. Nhờ giàn giáo Layher giúp tiếp cận những khu vực ở trên cao một cách an toàn, dễ thao tác, các chuyên gia mới có thể khảo sát tỉ mỉ để phát hiện có nhiều chỗ xuống cấp rất nghiêm trọng. Việc ‘chẩn bệnh và chữa bệnh’ cho hai tòa tháp vì thế mất nhiều thời gian và là những hạng mục quan trọng vì độ khó cao”. Bên cạnh đó, 2023 là năm nhiều thử thách vì vừa sau đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới chưa kịp phục hồi thì lại tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột ở Ukraine và Dải Gaza. Dù vậy, Ban Trùng tu cùng với các chuyên gia của tập đoàn Monument (Bỉ; chịu trách nhiệm chính về việc trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn) và đội ngũ kỹ sư, công nhân của công ty EurohausHaustechnik đã nỗ lực để đảm bảo tiến độ công việc.
Những gương mặt thân quen
Cha Xuân thường xuyên đến thăm công trình trùng tu, thấy rõ sự toàn tâm toàn ý của mọi người để có thể hoàn thành một cách tốt nhất những hạng mục khó khăn của năm 2023, cha nói: “Chúng ta là một, mỗi người đều xem mình là một phần của nhà thờ Đức Bà”. Đây là điều quan trọng nhất, “con người làm nên chất lượng”. Mỗi người thực hiện công việc khác nhau, kỹ sư hay công nhân đều phải thuần thục về kỹ thuật và hiểu tường tận việc mình làm. Nhưng dù hiểu rõ, nếu không thực tâm yêu quý nhà thờ, không xem nhà thờ như “ngôi nhà lớn” của chính mình, thì họ sẽ không đặt hết lòng mình vào đó và có tinh thần trách nhiệm cao. Cha Xuân chia sẻ với Công giáo và Dân tộc: “Lúc đầu, khi chúng tôi nhìn thấy tình trạng xuống cấp của hai tòa tháp thì thật sự rất lo lắng, vì biết việc tu sửa sẽ vô cùng phức tạp. Nhưng mọi việc đã có thể diễn ra một cách suôn sẻ, với kế hoạch trùng tu chi tiết, kỹ lưỡng của tập đoàn Monument, và tại công trình thì từ Giám đốc kỹ thuật dự án Mark Willems của tập đoàn Monument cho đến các kỹ sư, công nhân… đều làm việc tận tình, đầy tinh thần trách nhiệm, dù đa số anh em không phải là tín hữu Công giáo nhưng đã làm việc bằng trọn tâm tình yêu mến Nhà Chúa. Chúng tôi cũng xem anh em như người nhà”.
Kể từ khi công trình đại trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn khởi công vào cuối tháng 6.2017, mỗi lần có dịp đến đây, người viết lại được gặp các “gương mặt thân quen”. Không khó để nhận ra, những người tham gia công trình từ ngày đầu, đến nay vẫn miệt mài và ngày càng thêm gắn bó. Bà Ngô Phương Thanh (công ty EurohausHaustechnik) phân tích: “Với các kỹ sư, công nhân, công trình trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là một môi trường làm việc tuyệt vời. Trước tiên là vinh dự khi được góp sức ở một công trình lịch sử. Kế đến, cha Tổng Đại diện rất quan tâm đến anh em và tạo điều kiện để mọi người luôn thấy hứng khởi, dù yêu cầu công việc cao, quy trình nghiêm ngặt. Mà một khi vui, hứng khởi… thì cả đội ngũ sẽ vượt được mọi khó khăn. Các kỹ sư, công nhân ở đây được đào tạo rất kỹ, từng vị trí một và phải qua sát hạch của người phụ trách kỹ thuật, cộng với của tập đoàn Monument. Mọi người làm việc trong tinh thần trách nhiệm là mỗi hạng mục sẽ được nối tiếp bởi một hạng mục khác cho đến khi hoàn thành. Ai nấy đều hiểu rất rõ nếu bây giờ làm không tốt thì sau đó chắc chắn sẽ không thể làm được phần việc tiếp theo”.
Việc có một đội ngũ gắn bó lâu dài thật sự là yếu tố quan trọng vì họ hiểu và đồng hành xuyên suốt với việc trùng tu nhà thờ, nắm bắt tốt công việc. Nếu thay đổi nhân sự thường xuyên, phải tuyển dụng người mới thì sẽ gây nhiều trở ngại, do họ sẽ không thể tường tận về quá trình thi công trước đó.
Đan thép
Những hạng mục đã được thực hiện trong năm 2023 ở khu vực chân tháp kẽm, đỉnh tháp chuông rất nặng nề, cả về độ khó kỹ thuật, lẫn về khối lượng vật tư, hàng hóa cần đưa lên, chuyển xuống... Ví dụ như gỡ các phiến đá vôi Paris, phần đá trang trí ở đỉnh tháp chuông, đã bị hư hại nhiều sau hàng thế kỷ phơi mưa phơi nắng, cùng với phần gạch tường tháp chuông chuyển xuống mặt đất. Những khối đá này được đưa xuống ở kích thước lớn nhất có thể để tái sử dụng cho những mục đích khác, chứ không làm vụn ra. Đồng thời, gần 90 tấn đá Massangis đã được đưa lên để thay thế. Dựa vào những tính toán chi tiết của tập đoàn Monument về khí hậu, thời tiết, sức gió…, Ban Trùng tu đã quyết định chọn loại phù hợp nhất là đá trang trí vàng sáng (roche jaune clair) từ mỏ đá ở Massangis (tỉnh Yonne, vùng Bourgogne - Franche - Comté, Pháp). Đây là đá vôi trứng cá (oolithe), được hình thành từ kỷ Jura, nổi tiếng về độ cứng và sự bền bỉ với thời gian, và có màu tương đồng với loại đá Paris trước đây.
Về độ khó của kỹ thuật, khi được thăm công trình gần đây, tôi đã được dịp quan sát một nhóm công nhân “đan thép” ở các góc của chân tháp kẽm, đỉnh tháp chuông. Sau khi “đan”, toàn bộ phần thép kết cấu này sẽ nằm bên trong khối bê tông chịu lực. Tất cả đều phải chính xác, từ kích thước, các vị trí đặt của từng cây thép; đến hình dạng cần uốn thép; rồi đan kết bằng dây kẽm nguyên chất, đan tỉ mỉ đúng từng vòng vặn của dây để cố định các cây thép trên khối chịu lực. Đây là công đoạn vô cùng quan trọng, tất cả các vị trí cần được liên kết đều phải đan và đan đúng, đủ… cho đến khi thành một hệ kết cấu thép vững chắc, như hướng dẫn kỹ thuật của các chuyên gia tập đoàn Monument. Khác với đan mây tre nứa lá, khi có lỗi đan thì dễ dàng nhìn thấy được; đan thép, về sau khi đổ bê tông sẽ khó biết nếu những thao tác tỉ mỉ nói trên có sơ sót. Dù vậy, vì “chúng ta là một” nên các nhóm công nhân đã ngồi đan thép bằng sự tập trung cao độ và cẩn thận từng chút để mọi việc được hoàn hảo.
Phải làm xong liên kết của chân tháp kẽm với đỉnh tháp chuông thì trong năm 2024 mới có thể tiến hành các phần việc khác như đánh cát, phủ dung dịch kẽm nguyên chất lên bề mặt các kết cấu thép của tháp kẽm và thay những bù loong, ốc vít bị hư hỏng; xử lý các chân - mặt đệm của 4 cửa mái vòm của mỗi tháp kẽm để tựa lên tường của đỉnh tháp chuông; lợp tấm kẽm che của mái kẽm… Các nhóm công nhân sẽ phải tháo bù loong, ốc vít để đánh cát, sơn kẽm lại cả những lỗ khoan nhỏ để tránh bị rỉ sét, hư hỏng từ bên trong, đồng thời phải kiểm tra từng chi tiết xem còn dùng được không, nếu bị hư hại thì buộc phải thay, còn nếu sử dụng lại được thì phải vệ sinh làm sạch và phủ kẽm. Tương tự như đan thép, đây cũng là một công đoạn đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn, tỉ mỉ.
Gạch kim cương
Một hạng mục lớn khác của năm 2024 là thay gạch của tường tháp chuông. Cha Xuân kể: “Gạch trang trí được chúng tôi đặt từ năm 2018 của Girnghuber, công ty gạch lâu đời, danh tiếng của Đức. Công ty Girnghuber rất kỹ lưỡng, sau khi đặt hàng xong, họ làm nhiều mẻ gạch gởi qua đây để thực hiện các công đoạn thử nghiệm. Quy trình thay gạch cũng phức tạp, sẽ mất nhiều thời gian, vì những chỗ gạch hư, phải lấy ra từng viên theo đúng kỹ thuật”.
Gạch của Girnghuber sử dụng 100% đất sét sạch, được nung bằng khí ga tự nhiên, không sử dụng hóa chất, và được mệnh danh là “gạch thủ công kim cương”. Để thử nghiệm màu sắc, đầu tiên hãng phải gởi về để xem màu sắc có tương thích không, khi lắp vào nhìn phải hài hòa, tự nhiên với gạch cũ, tránh tình trạng nhìn vào thấy mảng gạch mới, gạch cũ tách biệt. Sau khi thử màu, Girnghuber mới sản xuất ra những mẻ mẫu, gởi qua công trình trùng tu để xây thành những mảng tường thử nghiệm có diện tích nhỏ, cỡ 1m2, theo hai loại - có ron và không có ron - đặt ở các vị trí có góc nắng khác nhau của nhà thờ để xem tùy theo giờ trong ngày, tùy từng lúc nắng gắt hay nắng dịu, màu của gạch sẽ thay đổi ra sao, và quan trọng nhất là phải tương thích với tường gạch gốc.
Thông thường thì hai mảng tường thử nghiệm (có ron và không ron) sẽ đặt ở hai bên của phần tường gốc để dễ đánh giá. Riêng phần tường gốc cũng được đánh cát, làm vệ sinh sạch sẽ một mảng lớn để xem xét về màu sắc so với các phần tường thử nghiệm, vì sau này, khi hoàn tất thay gạch mới vào gạch hư thì toàn bộ tường của nhà thờ sẽ được đánh cát sạch lại. Ngoài ra, màu ron cũng phải được thử nghiệm để đảm bảo cùng màu với liên kết của đá Massangis. Mỗi loại ron đều cần một bức tường mẫu.
Việc thay gạch hư phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, tùy theo thay nguyên một mảng hay chỉ một vài viên lẻ. Ví dụ một mảng tường gốc gạch bị hư hết, phải thay hết, nhưng không có nghĩa là thay luôn một lần. Nhóm thực hiện chỉ được thay trước những viên đã đánh dấu. 28 ngày sau, khi gạch mới thay và gạch cũ đã liên kết hoàn toàn rồi mới thay những viên còn lại của mảng tường đó. Trường hợp khác, có những vị trí, nhìn mắt thường thấy chỉ một, hai viên cần thay, nhưng khi dùng búa cao su gõ nhẹ để khảo sát trên bề mặt, nếu bung, vỡ thì viên gạch thoạt trông có vẻ còn nguyên vẹn đó cũng phải thay.
Nói thêm về kỹ thuật thay gạch, ở tường gốc của nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, tùy theo vị trí mà những viên gạch hư có thể có kích thước ít nhiều khác nhau, có viên chiều cao 50mm, viên thì 48mm, viên thì hơn 50mm, rồi cũng tùy vị trí mà cắt dọc hay cắt ngang... Vì vậy, khi đặt hàng, cha Tổng Đại diện đã đặt kích thước lớn nhất, rồi tùy theo từng viên cần thay mà dùng cắt nước để cắt. Ưu điểm của phương pháp này là không gây bụi và đảm bảo chất lượng viên gạch sau khi cắt.
Ngoài những hạng mục vừa kể, trong năm 2024, các chuyên gia của tập đoàn Monument sẽ theo dõi nền móng kết cấu và theo dõi tình trạng nước thấm ngược từ dưới nền của nhà thờ; theo dõi kết cấu của phần mái lợp ngói Marseille và những phần đã được thực hiện của mái lợp ngói vảy cá, mái lợp ngói âm dương, hệ thống máng xối... Trong quá trình trùng tu, có cả những hạng mục phụ trợ như nghiên cứu, khảo sát, kiểm tra lại và bảo toàn kết quả những công đoạn đã hoàn tất. Chẳng hạn, phần đá Massangis đã được thay xong ở đỉnh tháp chuông phải làm phần che chắn để tránh bị trầy, sứt và bảo vệ để nước mưa không trôi vào.
Cha Tổng Đại diện và Ban Trùng tu vẫn luôn “làm những gì tốt nhất cho nhà thờ Đức Bà Sài Gòn”, như lời nhắn nhủ của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc và sự đồng tình của Đức TGM Giuse Nguyễn Năng, bên cạnh sự thống nhất của các chuyên gia, kỹ sư, công nhân tham gia công trình.
Các hạng mục lớn để tu sửa hai tòa tháp đã và đang từng bước được hoàn thành trong hai năm 2023, 2024.
Chiếu sáng ngôi thánh đường Năm 2023, qua sự tư vấn và giới thiệu của Giám đốc kỹ thuật dự án Mark Willems (tập đoàn Monument), Ban Trùng tu đã mời và được chuyên gia người Ý Pietro Palladino đồng ý thiết kế ánh sáng cả bên trong lẫn bên ngoài cho nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn. Ông Palladino hiện giảng dạy tại Ðại học Khoa học và Công nghệ Milan, đã thiết kế ánh sáng cho nhiều công trình danh tiếng, đặc biệt là tại Milan, như nhà thờ Chánh tòa Duomo, sân bay Malpensa… Ông và cộng sự đã qua khảo sát tại nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn để có dữ liệu cho việc tính toán, thiết kế. Một trong những khó khăn lớn nhất của hạng mục chiếu sáng là môi trường bên ngoài của ngôi thánh đường: không gian hạn chế, có nhiều nguồn ánh sáng công cộng của thành phố và của các công trình xung quanh… |
LAN CHI
Bình luận