Đấm ngực: Một hành vi phụng vụ

LM. GIUSE PHẠM ĐÌNH ÁI, SSS

Một tín hữu viết thư hỏi rằng: “Theo như con biết, trong kinh Cáo mình, thực hành truyền thống của Giáo hội là khi đọc đến câu ‘lỗi tại tôi...mọi đàng’ thì mọi người đấm ngực tỏ lòng sám hối. Nhưng có người lại nói làm như vậy là sai. Vậy xin cha cho biết cử chỉ này còn được áp dụng không?”.

Bài viết sau đây không chỉ nhằm trả lời thắc mắc ở trên liên quan đến cử chỉ đấm ngực trong kinh Cáo Mình, mà còn mở rộng hơn để trình bày hành vi đấm ngực trong phụng vụ nói chung.

Bức tranh cổ về Thánh Giêrônimô (347-420) trong sa mạc

Ý nghĩa của cử chỉ đấm ngực

Chúng ta phải nói trước hết đến một bức tranh cổ về Thánh Giêrônimô (347-420) trong sa mạc vì sau khi chịu phéprửa năm 19 tuổi, thánh nhân đã quyết tâm hiến mình cho Chúa nên đã đến sống đời tu khổ hạnh khoảng hai năm trong sa mạc Chalcis (Syria), một nơi vừa hoang vu, đầy đá sỏi lại vừa nóng như thiêu đốt. Trong bức họa này, tác giả vẽ Thánh Giêrônimô quỳ gối trên đất và đấm ngực mình bằng một hòn đá như muốn tự ý xử phạt mình, bày tỏ lòng thống hối và buồn đau về quá khứ. Thật ra, không phải chỉ có Thánh Giêrônimô, hầu hết loài người đều tỏ dấu ăn năn bằng cách dùng tay đấm vào ngực mình. Đây là cử chỉ trong mọi nền văn hóa. Nhưng đối với Kitô giáo, nó mang một ý nghĩa đặc biệt, bởi vì cử hành phụng vụ dạy chúng ta sống ơn gọi của mình bằng cách hoán cải mỗi ngày hầu tìm thấy niềm vui khi cảm nhận được tình thương và ơn tha thứ của Chúa.1

Thật vậy, đấm ngực biểu lộ sự buồn sầu, bất xứng, khiêm nhường và sám hối nhìn nhận thân phận tội lỗi của con người trước Thiên Chúa. Đấm ngực để xin Chúa thứ tha, muốn làm đẹp lòng Ngài hoặc xin Ngài ban cho một ân huệ. Tất cả những ý nghĩa trên đều có thể hàm chứa trong trường hợp viên thu thuế đứng lẻn đàng xa, không dám ngước mắt lên trời, nhưng đấm ngực mà rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương tôi là đứa tội lỗi!” (Lc 18,14), hay trong trường hợp các nhân chứng về cái chết của Đức Kitô trên Thập giá, họ “đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về” (Lc 23,48). Cử chỉ biểu tỏ lòng ăn năn này còn được tìm thấy trong nhiều đoạn Thánh Kinh khác nữa như: Nk 3,8; Mt 24,30; Mc 13,26; Lc 21,27.2

"Lạy Thiên Chúa, xin thương tôi là đứa tội lỗi" (Lc 18,14)

Đấm ngực để tỏ lòng thống hối vì tội lỗi bao giờ cũng phát xuất từ lòng chúng ta đúng như lời Thánh vịnh 51 viết rằng:

Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài... Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật, dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan. Xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền; xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết. Xin cho con được nghe tiếng reo mừng hoan hỷ, để xương cốt bị Ngài nghiền nát được nhảy múa tưng bừng. Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi và xóa bỏ hết mọi lỗi lầm. Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy (Tv 51, 4-12).

Chúng ta dùng tay đấm ngực vì tay trở thành ngôn ngữ tố cáo lòng chúng ta. Do lòng đã thuận nên mọi sự dữ mới phát sinh. Khi đấm ngực chúng ta mong ước Thiên Chúa sẽ ra tay mà ban tặng chúng ta một quả tim mới, sẽ đặt vào lòng chúng ta thần khí mới, loại quả tim chai đá ra khỏi thân mình chúng ta để chúng ta có thể lãnh nhận một quả tim mới bằng thịt mềm biết yêu thương (Ed 36,26). Khi đấm ngực, chúng ta biểu lộ sự sẵn lòng lột bỏ bất kỳ sự lười biếng thiêng liêng nào vốn đã nảy sinh do bóng đêm của tội lỗi và sự cứng cỏi của cõi lòng, tức là thoát khỏi sự thống trị của Thần Dữ.3 Thánh Giêrônimô (347-420) tuyên bố rằng sỡ dĩ chúng ta đấm ngực vì ngực là nơi chốn của những tư tưởng xấu xa, khi đấm ngực chúng ta muốn xua tan những tư tưởng này, chúng ta mong ước tâm hồn mình được thanh tẩy.4

Trong tác phẩm Sacred Signs được viết năm 1955, cha Guardini cho rằng đấm ngực có một ý nghĩa nội tâm, đó là hành động đánh thức hay thức tỉnh lương tâm để chúng ta biết hoán cải tâm hồn mình mà làm theo lời mời gọi của Chúa và quay về với Ngài. Đấm ngực được ngài nhìn nhận y như hành động tấn công vào cánh cửa thế giới nội tâm để làm cho chúng vỡ ra tan tành, là dấu chỉ hữu hình chúng ta đáp lại tiếng nói của Chúa: hãy sám hối, hãy ăn năn.

Thực hành đấm ngực trong phụng vụ

Ngay từ thế kỷ IV, Thánh Giêrônimô (347-420) và Thánh Augustinô (354-430) đã dạy rằng ngay khi nghe đọc kinh tới chữ “Tôi thú nhận” (confessio) thì các tín hữu phải đấm ngực đến độ âm thanh nổi lên ầm ầm trong thánh đường hầu đem ra ánh sáng những điều còn dấu kín trong lòng và nhờ hành vi này mà thanh tẩy những tội lỗi còn ẩn khuất nơi mình. Bên cạnh đó, thời các ngài, mỗi khi đọc tới câu ‘và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con’ trong kinh Lạy Cha, thì cả linh mục và giáo dân cũng đều đấm ngực.5

Trước kia, khi chưa có sự canh tân của Công đồng Vatican II, đã có truyền thống là các giáo hữu đấm ngực khi đọc hay hát: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương ...” (Agnus Dei) và cả khi đọc lời kinh trước hiệp lễ: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con...” (Domine non sun dignus). Vị tư tế cũng đấm ngực đang khi đọc (hay hát) kinh “Đây Chiên Thiên Chúa” (Agnus Dei) ngoại trừ trong Thánh lễ cầu hồn để tỏ cho thấy ngài đang nghĩ về người quá cố hơn là về chính mình. Cử chỉ đấm ngực khi đọc câu “Lạy Chiên Thiên Chúa...” được biết là đã tồn tại khoảng năm 1311. Còn cử chỉ đấm ngực khi đọc: “Lạy Chúa con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con...” đã xuất hiện năm 1499 từ bản thảo bằng tiếng Tây Ban Nha.6

(còn nữa)

LM. GIUSE PHẠM ĐÌNH ÁI, SSS

_____________________________

1 Xc. Antonio Donghi, Words and Gesture in the Liturgy, translated from Italian by William McDonough, Dominic Serra, Ted Bertagni (Collegeville : Liturgical Press, 2009), 10.

2 Xc. A.G. Martimort, “Structure and Laws of the Liturgical Celebration” trong The Church at Prayer, Vol. I (Minnesota: The Liturgical Press, 1992), 186; Xc. Joseph Ratzinger, Der Geist der Liturgie (Verlag Herder Freiburg im Breisgau, 8th edition, 2007). Bản dịch Việt ngữ: “Tinh Thần Phụng vụ” từ bản tiếng Anh “The Spirit of Liturgy”. Dịch giả: Nguyễn Luật Khoa, ofm. (Nxb. Tôn Giáo, 2007), 223.

3 Xc. Antonio Donghi, Words and Gesture in the Liturgy, 32.

4 In Ezechiel, c. xviii trích lại trong Andrew Meehan,“Striking of the Breast” trong The Catholic Encyclopedia, Vol. 2 (New York: Robert Appleton Company,1907) - 18 Oct. 2015<http://www.newadvent.org/cathen/02751a.htm>.

5 Xc. Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, Thánh lễ 2, 117.

6 Xc. Andrew Meehan,op. sit.

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Bán rau củ đổi nụ cười  trẻ thơ
Bán rau củ đổi nụ cười trẻ thơ
Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 9.2024, ở giáo xứ Thánh Tống Viết Bường, bữa sáng cho thiếu nhi được mở ra nhờ quỹ đóng góp tùy tâm của ân nhân và phụ huynh.
Thiếu nhi Thánh Thể giáo xứ Tân Việt sống Mùa Chay Thánh
Thiếu nhi Thánh Thể giáo xứ Tân Việt sống Mùa Chay Thánh
Ðể chuẩn bị tâm hồn đón mừng lễ Phục Sinh 2025, Thiếu nhi Thánh Thể thuộc Xứ đoàn Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, giáo xứ Tân Việt, hạt Tân Sơn Nhì, Tổng Giáo phận TP. Hồ Chí Minh, đã tích cực tham gia các hoạt động tĩnh tâm và sinh hoạt...
185 năm lặng lẽ một hành trình
185 năm lặng lẽ một hành trình
Từ sáng sớm, khuôn viên nhà mẹ Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã rộn ràng trong bầu khí hân hoan mừng kỷ niệm 185 năm hiện diện và phục vụ trên mảnh đất Sài Gòn - Thủ Thiêm.
Bán rau củ đổi nụ cười  trẻ thơ
Bán rau củ đổi nụ cười trẻ thơ
Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 9.2024, ở giáo xứ Thánh Tống Viết Bường, bữa sáng cho thiếu nhi được mở ra nhờ quỹ đóng góp tùy tâm của ân nhân và phụ huynh.
Thiếu nhi Thánh Thể giáo xứ Tân Việt sống Mùa Chay Thánh
Thiếu nhi Thánh Thể giáo xứ Tân Việt sống Mùa Chay Thánh
Ðể chuẩn bị tâm hồn đón mừng lễ Phục Sinh 2025, Thiếu nhi Thánh Thể thuộc Xứ đoàn Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, giáo xứ Tân Việt, hạt Tân Sơn Nhì, Tổng Giáo phận TP. Hồ Chí Minh, đã tích cực tham gia các hoạt động tĩnh tâm và sinh hoạt...
185 năm lặng lẽ một hành trình
185 năm lặng lẽ một hành trình
Từ sáng sớm, khuôn viên nhà mẹ Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã rộn ràng trong bầu khí hân hoan mừng kỷ niệm 185 năm hiện diện và phục vụ trên mảnh đất Sài Gòn - Thủ Thiêm.
Gieo mầm hy vọng giữa dấu chỉ thời đại
Gieo mầm hy vọng giữa dấu chỉ thời đại
Sáng 20.3.2025, tại nhà thờ giáo xứ Chợ Quán, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TPHCM đã tổ chức buổi tĩnh tâm Mùa Chay và hành hương Năm Thánh 2025 qua chủ đề “Với dấu chỉ thời đại, người tín hữu Việt Nam gieo mầm hy vọng”.
Giáo phận Hải Phòng có 4 tân linh mục
Giáo phận Hải Phòng có 4 tân linh mục
Trong số 4 tân chức, có hai vị sinh năm 1994, 1 vị sinh năm 1991 và 1 vị sinh năm 1993.
Thành lập giáo xứ Sơn La
Thành lập giáo xứ Sơn La
Sau 2 thập niên hiện diện, cộng đoàn đức tin tại Sơn La đã đón nhận niềm vui trở thành giáo xứ mới thuộc giáo phận Hưng Hóa.
Thiếu nhi xứ Đồng Gianh đi Đàng Thánh giá
Thiếu nhi xứ Đồng Gianh đi Đàng Thánh giá
Ngày 16.3.2025, tại giáo xứ Đồng Gianh, TGP Hà Nội, linh mục chánh xứ Phanxicô Xaviê Trần Truyền Giáo đã tổ chức tĩnh tâm cho thiếu nhi. Cha khuyến khích các em làm việc bác ái, lãnh nhận Bí tích Hòa Giải và tham dự nghi thức Đàng Thánh giá
Giáo xứ Tân Việt hành hương Năm Thánh
Giáo xứ Tân Việt hành hương Năm Thánh
Ngày 15.3.2025, cộng đoàn giáo xứ Tân Việt (hạt Tân Sơn Nhì, TGP TPHCM) đã tổ chức buổi hành hương Năm Thánh tại giáo xứ Tân Phú. Đoàn hành hương đã tham dự thánh lễ, dâng lời cầu nguyện và lãnh nhận ơn toàn xá.
Đồng hương Công giáo Cái Sắn mừng lễ Thánh Giuse
Đồng hương Công giáo Cái Sắn mừng lễ Thánh Giuse
Đức Giám mục giáo phận Long Xuyên Giuse Trần Văn Toản đã chủ tế thánh lễ kính Thánh Giuse - Bổn mạng đồng hương Công giáo Cái Sắn, tại thánh đường giáo họ Thánh Giuse Vĩnh Lộc (Hạt Tân Sơn Nhì, TGP TPHCM)