Câu hỏi trong đoạn Phúc Âm (Lc 10, 25-37) làm linh mục Vinh Sơn Nguyễn Bá Quý (nhà hưu dưỡng Bùi Chu, quận Tân Bình) không ngừng trăn trở trong suốt cuộc đời phục vụ của mình.
Bước chân không mỏi
Cha Quý quê ở Bùi Chu. Ngài kể, khi vẫn còn là một cậu bé, mỗi lần gia đình có linh mục nào đến thăm thì mừng lắm. Tận sâu trong lòng cha lúc ấy đã ôm ấp ước mơ khoác lên mình chiếc áo chùng và sống đời tu trì. Cha hăng say tham gia việc nhà thờ và từ ấy, ơn gọi nảy nở một cách hết sức tự nhiên.
|
Năm 1954, cha theo gia đình rời quê vào Sài Gòn sinh sống. Cha học hết trung học rồi vào Đại chủng viện. Năm 1961, cha lên Kontum đi giúp 2 năm ở xứ Thăng Thiên, đồng thời làm hiệu trưởng của trường Minh Đức, lo cho các em học sinh tiểu học. Sau đó, ngài vào học 3 năm tại Đại Chủng viện Xuân Bích (TGP Huế) và đến năm 1966, cha chính thức được lãnh nhận tác vụ linh mục.
Chịu chức xong, vị linh mục trẻ trở lại Kontum và lại làm hiệu trưởng của ngôi trường Minh Đức ngày nào. Nhận thấy nhu cầu ở địa phương, cha mở thêm các cấp để học sinh có thể thi tú tài. Muốn vậy, hiệu trưởng buộc phải có bằng cử nhân nên để công việc thuận lợi, cha lặn lội vào Sài Gòn đăng ký và trở thành sinh viên triết của đại học Văn Khoa. Song song đó, cha vẫn phải ngược lên Kontum điều hành trường học. Khó khăn là vậy nhưng ngài lại nhẹ tênh: “Hồi đó đi học tài tử lắm. Cứ đầu năm đăng ký, lấy tài liệu về học rồi lên thi thôi!”.
Khi mở được nhiều lớp cho học sinh, vấn đề về nguồn nhân lực giảng dạy lại gây ưu tư cho cha Quý. Ở vùng cao luôn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên bởi ít ai muốn dấn thân đến những nơi heo hút. Trong khi nơi đây thiếu thốn điều kiện, lại càng cần hơn những thầy cô tận tụy với nghề. “Ông hiệu trưởng” lại một lần nữa tỏa đi, ngược về miền xuôi tìm kiếm, mời gọi những người đưa đò nhiệt tâm về dạy cho lũ trẻ vùng cao. Trong quá trình đồng hành với trường, cha cũng cố gắng tìm hiểu hoàn cảnh từng học sinh để miễn giảm học phí, cho các em có nguồn động viên mà tiếp tục đến lớp.
![]() |
Suốt cuộc đời mục tử, cha Quý đã nhiều thời gian đến với người nghèo, cúi xuống nâng đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh |
Làm việc ở Minh Đức đến năm 1973, cha về xứ La Sơn, nơi có đông đồng bào dân tộc Giarai để làm mục vụ. Để hòa nhập với dân, người chủ chăn lao vào học tiếng và tìm hiểu về các tập tục của người dân tộc trong vùng. Cha nhận ra họ có rất nhiều thói quen không tốt, những hủ tục đã tồn tại từ bao đời. Như khi đau bệnh họ không đi bác sĩ mà lại tìm đến thầy mo chữa trị và nhức nhối nhất chính là tục chôn con theo người mẹ đã chết. Ban đầu, cha Quý ra sức giải thích, khuyên lơn nhưng dân không nghe. Để tạo lòng tin nơi họ, cha như một người bạn, kiên nhẫn đi bên cạnh để quan sát, giúp đỡ. Cha mời bác sĩ đến chữa mỗi khi họ ốm đau, hướng dẫn giữ vệ sinh, vận động, tạo điều kiện để con cái họ tới trường... Dần dần, tấm lòng chân thành của vị mục tử đã chinh phục được mọi người, họ ứng xử văn minh hơn và hiểu biết hơn trước. Nhiều người trong số đó đã xin học để trở thành tín hữu Công giáo vì nhớ lại trước đây, ông bạn của họ (là cha Quý) từng nói rằng trên Giàng, còn có một đấng tối cao.
Cúi xuống với bệnh nhân phong
Truyền giáo cho đồng bào Giarai được 2 năm, cha Quý vào Sài Gòn phục vụ tại giáo xứ Đắc Lộ. Ở đây, cha phụ trách giới trẻ và lo cho các lớp giáo lý. Ngày Chúa nhật, cha lại đưa nhóm trẻ đến những nơi công cộng để sinh hoạt. Bên cạnh đó, người chủ chăn còn tổ chức những thánh lễ riêng, tĩnh tâm, họp mặt... để giới trẻ họp mặt, cùng chia sẻ Lời Chúa và cầu nguyện.
![]() |
Ở Đắc Lộ, ngoài việc đồng hành với các bạn trẻ, phần lớn thời gian của cha đều dành cho việc bác ái. Là Trưởng ban Caritas của giáo hạt Tân Sơn Nhì (Sài Gòn), cha miệt mài với những chương trình thiện nguyện được tổ chức định kỳ trong hạt. Đến với người nghèo khắp các vùng, chứng kiến nỗi cơ cực của họ, cha càng muốn dấn thân, muốn cúi xuống gần hơn nữa để vực họ dậy.
Khi thôi thúc ấy dần lớn lên trong lòng người mục tử nhiệt thành thì chương trình “Ai là anh em tôi” chính thức khởi động năm 1980, sau một khoảng thời gian dài được cha ấp ủ, thai nghén. Là người sáng lập chương trình, cha đã đứng ra vận động quyên góp và kêu gọi giáo dân cùng cha đi đến các trại phong để thăm viếng người bệnh. Những chuyến đi của cha trải dài ở các trại phong từ Nam đến Bắc. Thăm họ, cha không chỉ đem theo những phần quà hỗ trợ mà còn có cả tấm lòng của một vị linh mục biết lắng nghe và đồng cảm. “Trong số những người khó, có lẽ bệnh nhân phong ở các trại là nghèo nhất. Họ không có công ăn việc làm, không có kinh tế, nên thấy có đoàn đến thăm, họ xúc động lắm. Tình cảm của những bệnh nhân này càng làm cho mình thương hơn hoàn cảnh của họ”, cha Quý chia sẻ.
![]() |
Khi nâng đỡ bệnh nhân phong, ngoài việc an ủi tinh thần và giúp về vật chất, điều cha băn khoăn nhất là làm sao để con em của người phong có đủ điều kiện học hành. Trong mỗi trại phong thường có một ngôi trường cho con cái bệnh nhân đến học. Mỗi lần vào thăm, cha gởi tặng sách vở, dụng cụ học tập để cuối năm trường phát thưởng thêm cho các em. Về phía giáo viên cộng tác tại trường, cha cũng chu đáo hỗ trợ một phần nào đó vào số lương ít ỏi để những thầy cô này yên tâm giảng dạy học sinh. Đối với cha, “chỉ có học mới có thể vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo nên bằng mọi giá, cũng phải giúp để các em tiếp tục học”. Trường ở trại phong chỉ có đến hết cấp I, khi các em sang cấp II, buộc là phải ra trường ngoài, cha Quý lại tiếp tục đến thăm, ngồi bên cạnh động viên riêng, và cố gắng xin cho các em được học ở trường công để gia đình bớt đi được phần nào gánh nặng học phí.
Hiện tại, tuy cha đã về hưu nhưng ngài vẫn còn duy trì chương trình “Ai là anh em tôi”, bên cạnh đó kiêm luôn việc quản lý nhà hưu dưỡng Bùi Chu và Đền Thánh Giuse (Tân Bình). Hằng ngày, ngài vẫn đón tiếp nhiều giáo dân, lặng lẽ ngồi nghe họ tâm sự những chuyện buồn đau, khó khăn trong đời sống rồi nhẹ nhàng ủi an, tìm cách gỡ rối giúp họ. Với cha, đời linh mục luôn là chuỗi ngày dài phục vụ nên dù đã ở vào tuổi hưu, cha vẫn chưa ngừng làm việc...
Thiên Lý
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.