Ngoài việc giúp bệnh nhân những ơn ích thiêng liêng, sự hiện diện của các cha, các dì còn để ủi an, đỡ nâng về tinh thần và giúp người cần được lãnh nhận những bí tích sau cuối. Người bệnh nhờ đó cũng vững tin hơn trong tháng ngày nằm viện…
|
Ủi an và tăng sức mạnh tinh thần cho các bệnh nhân |
Điểm tựa…
Trên địa bàn TP.HCM hầu hết các bệnh viện lớn đều góp mặt, do đó mỗi ngày có rất đông người đến đây khám chữa bệnh. Để người Công giáo nằm viện hằng tuần được rước Mình Thánh Chúa cùng lãnh nhận các bí tích, Tòa Tổng Giám mục đã gởi thư và giao cho các dòng có trụ sở ở khu vực nào thì cộng tác để lo cho bệnh nhân ở những bệnh viện gần đó…
Công việc của các cha, các dì - những người được Nhà dòng phân công - là khi có điện thoại reo sẽ tức tốc lên đường. Cha Giorgiô Nguyễn Đức Phùng, dòng Don Bosco, chánh xứ Hóc Môn, phục vụ tại bệnh viện Hóc Môn kể: “Mọi thứ dành để thực thi các bí tích luôn được chuẩn bị chu đáo để đi ngay khi được gọi, bởi lẽ, đôi khi chỉ cần chậm trễ đôi phút, người bệnh đã không qua khỏi”. Tại các dòng, công việc được giao cho một số người cố định, nhưng vẫn có trường hợp “phá lệ”, như tại Dòng Thánh Gioan Tẩy Giả, cha G.B Nguyễn Văn Thành cho biết: “Có 3 cha phụ trách việc này, nhưng đôi khi vì một lý do nào đó, anh em khác sẽ đi thay”.
Việc mục vụ tại bệnh viện mới được cắt đặt chính thức trong thời gian gần đây, thực tế thì nhiều tu sĩ đã gắn bó từ rất lâu. Nữ tu Inê Nguyễn Thị Ngọc Thảo, Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn đã có 11 năm là nhân viên chính thức tại bệnh viện Nhi Đồng 1, nên việc giúp các nhu cầu thiêng liêng cho người bệnh được chị kết hiệp song song. Ngoài lo lắng chuyên môn, chị còn đến bên chăm sóc, ủi an bệnh nhân cùng người nhà, để họ thêm vững tin... “Nhờ dì mà những ngày con tôi nằm viện gia đình cảm thấy được đỡ nâng, mọi việc nhờ đó cũng trôi qua nhẹ nhàng hơn”, chị Thạch Thị Thu, quê ở Trà Vinh tỏ bày. Cũng chính từ cung cách ân cần của người nữ tu xa lạ, nhiều người dần nhận ra được tình yêu Thiên Chúa nên họ đã xin cho con mình được theo đạo. Trung bình một tháng chị rửa tội cho khoảng 10 em.
|
Cho một bệnh nhân tại BV Chợ Rẫy rước lễ |
Nữ tu Maria Nguyễn Thị Phúc, Dòng Thừa Sai Trinh Vương Bùi Môn lại có cách phục vụ khác hơn một chút: Từ năm 1991, dì phụ trách việc đưa những em người dân tộc từ các nơi gởi tới đi nhập viện. Hằng ngày, nếu không có bệnh mới, dì đi đến các bệnh viện để thăm nom, chăm sóc và mang Mình Thánh cho bệnh nhân rước lễ. Mỗi lần người Công giáo bước lên bàn mổ, dì cũng nhờ cha đến xức dầu để tăng thêm sức mạnh cho họ.
Không chỉ giúp về tinh thần, các tu sĩ còn tìm cách để đỡ nâng người bệnh cả về vật chất mỗi khi gặp trường hợp khó khăn. Đôi khi chỉ là ít tiền để chạy chữa thuốc thang hay mua chiếc vé xe về quê, nhưng đủ làm cho nhiều người cảm thấy ấm lòng. Hơn nữa, giữa người giúp với người được giúp vẫn giữ mối liên lạc. Cha Thành có hẳn một cuốn sổ ghi chép tỉ mỉ lại số điện thoại, để hỏi thăm, khi họ mất thì dâng thêm lời cầu nguyện. “Việc làm của cha tuy nhỏ bé nhưng lại nâng đỡ tinh thần cho tôi rất nhiều, nó như thang thuốc bổ tiếp thêm ý chí để tôi vượt qua bệnh tật”, chị Hồng Hương, một giáo dân từng được hỗ trợ, ở tận Cần Thơ nhận xét.
Buồn vui chuyện “nghề”
Quá trình phục vụ cũng để lại trong lòng mọi người nhiều kỷ niệm buồn vui: có những phút giây xúc động nhưng cũng lắm trăn trở, lo toan. Cha Thành bảo đã nhiều lần gặp những hoàn cảnh đáng thương, họ đã nghèo nay còn phải mang thêm bệnh nặng nên gia cảnh gần như kiệt quệ. Khi đó, qua Nhà dòng, cha tìm cách giúp hết khả năng có thể, dù các cha dòng không đi coi xứ nên không thể kêu gọi giáo dân hay các hội đoàn đóng góp để hỗ trợ họ được nhiều …
![]() |
Trong lãnh vực chuyên môn các chị ân cần phục vụ bệnh nhân với tất cả tấm lòng |
Để cử hành bí tích, các cha cũng gặp một số trở ngại. “Đa số các bệnh viện đều có giờ giấc thăm nom, ngoài giờ này, để tiếp xúc được với người bệnh khá phức tạp. Buồn nhất là những khi người bệnh đang được cấp cứu phải chờ, đến khi gặp được thì họ đã không qua khỏi”, cha Gioan M. Vianney Phạm Mạnh Cường, Dòng Đồng Công, chánh xứ Châu Bình đơn cử. Ngoài ra, nhiều bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, chen chúc, ồn ào, thiếu không gian để cử hành nghi thức. Nhưng một số cha lại thấy được ưu điểm trong đó: “Như vậy cũng có điều hay vì nhiều người không Công giáo thấy được bên đạo giữa giáo dân và linh mục có sự gần gũi. Chỉ lo trong hoàn cảnh đó, linh mục có thể làm nhanh, đơn sơ, không trọn vẹn được ý nghĩa”.
Đi đến với người bệnh cũng để lại nơi người tu sĩ những kỷ niệm sâu sắc. Cha Nguyễn Đức Phùng, chánh xứ Hóc Môn kể về lần đầu khi đi mục vụ bệnh viện: Nửa đêm chuông cửa reo liên tục, cha tưởng có ai tính “chọc” mình vì nếu cần đi xức dầu giờ này thì giáo dân vẫn gọi qua điện thoại. Bước xuống với tâm trạng không vui, nhưng khi biết có người đang hấp hối nằm ở bệnh viện cần mình, lại ân hận và vội vã lên đường. Còn dì Maria Vũ Thụy Phương Uyên, Dòng MTG Gò Vấp thì tiết lộ, chính những lần đi kiệu Mình Thánh đã giúp bản thân tăng thêm lòng mến, vì cảm được lòng mến đơn sơ, chân thành của người tín hữu, dù với nhiều người cuộc sống toàn là vất vả và bệnh tật.
|
Ngoài giúp các ơn ích thiêng liêng, các nữ tu còn đến bên chăm sóc, nâng đỡ, trò chuyện |
Bên cạnh đó còn có những câu chuyện vui. Dì Phúc tươi cười kể lại: “Bản tính người dân tộc vốn đơn sơ nên có lần kia dì bảo với một em dân tộc: cha xức dầu xong con nhớ cảm ơn cha, cảm ơn các dì nha. Vậy mà khi xong nó nhìn mọi người rồi bảo: ‘Cảm ơn đứa nào trước’…”. Dì Thảo thì luôn nhớ về trường hợp của một bé quê An Giang. Em bị té sông, ngạt nước, khi tới viện các bác sĩ tưởng không sống được. Thậm chí đã ngưng tim khoảng 10 phút. Cùng với ê-kíp trực, dì kêu gọi mọi người cầu nguyện cho em theo niềm tin của mình. Sau đó em sống và kỳ diệu hơn là không để lại một di chứng nào, vì thường trường hợp này não sẽ bị ảnh hưởng… Gia đình sau đó cũng đã xin cho em được vô đạo…
*
Không còn nghi ngờ gì nữa, chính họ - những tu sĩ nhà Chúa âm thầm phục vụ nơi bệnh viện - đã góp phần đỡ nâng người bệnh phần hồn lẫn phần xác, để họ cảm thấy cuộc sống vẫn được sẻ chia khi bản thân ốm đau bệnh tật.
Khi người bệnh nằm viện, muốn rước Mình Thánh Chúa hay cần lãnh nhận các bí tích, nên liên lạc với Nhà dòng gần đó. Trường hợp khẩn cấp thì nhanh chóng gọi những số điện thoại sau: Cha Giuse Đỗ Đức Phú, Dòng Camillô, Nhà Thờ Mẫu Tâm, 389 Hoàng Văn Thụ, P. 2, Tân Bình - 093 827 2766; Các Cha Dòng Chúa Cứu Thế, 38 Kỳ Đồng: (08) 3931 6322 - 3931 1779 - 3843 7715; Các Cha Dòng Đa Minh, Ba Chuông: (08) 3844 8206 - Quận 3: (08) 3932 1881; Các Cha Dòng Phanxicô, Đakao: (08) 3822 2294 - 6291 4945; Các Cha Dòng Tên, Đắc Lộ Sàigòn: (08) 3526 1485 - Hiển Linh, Thủ Đức: (08) 3897 9197 - 3896 0349; Các Cha Tu Đoàn Giáo Sĩ Nhà Chúa, Hàng Sanh: (08) 3899 6681; Các Cha Dòng Đồng Công, Thủ Đức: (08) 3896 8471 - 3896 3324; Các Cha Đan Viện Biển Đức, Thủ Đức: (08) 3729 4971 - 3897 7512; Các Cha Salêdiêng Bon Bosco, Xuân Hiệp: (08) 3724 0473 - 3724 0313; Các Cha Dòng Thánh Thể, Khiết Tâm, Thủ Đức: (08) 3729 0026 - 3729 1572 - 3729 3050. Để biết cụ thể danh sách các cha, các nữ tu đang làm mục vụ tại chính bệnh viện đó, Quý bạn đọc có thể truy cập vào trang online của tòa soạn CGvDT theo địa chỉ: cgvdt.vn và chọn mục Thông báo. |
ĐÌNH QUÝ
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.