Luôn giữ nét cười trên môi để niềm vui lan đến mọi người là phong cách sống mà linh mục Đaminh Nguyễn Đức Trung (chánh xứ Bến Sắn, GP Phú Cường) hướng tới. Có lẽ vì thế mà ấn tượng sâu đậm cha để lại nơi người khác là hình ảnh của một vị mục tử hào sảng, chân chất, gần gũi và giàu tình thương.
“Cha vừa mới đi cuốc cỏ về thì các con ghé. Hay thật!”, buổi trò chuyện giữa cha và chúng tôi được mở đầu thật tự nhiên và cởi mở như thế. Trong khuôn viên của giáo xứ, cha quây một mảnh đất nhỏ phía sau nhà xứ để trồng rau, nuôi heo, nuôi gà. Khu vườn nhỏ chính là nơi cha giải tỏa những căng thẳng của công tác mục vụ và tìm được niềm vui khi chứng kiến thành quả của đôi tay. “Chắc cái chất nông dân đã ngấm sâu trong người nên đi đến đâu mình cũng phải trồng trọt mới chịu được, vừa trồng cây vừa trồng đức tin, trồng yêu thương cho con chiên là vui nhất”, cha vui vẻ.
|
KIÊN TRÌ VỚI ƠN GỌI
Khi nghe chúng tôi hỏi về cơ duyên ơn gọi của đời mình, cha cười xòa bảo : “Không có biến cố đặc biệt nào cả, mọi thứ đến rất tự nhiên như đã được Chúa sắp sẵn tự thuở nào”. Song, ít ai biết rằng con đường đầu tiên mà cha chọn khi đi những bước đầu trên đường tu trì là trở thành một đan sĩ. Khi ấy mới khoảng 17 tuổi, chàng trai đã dần tìm hiểu để rồi hướng mình theo linh đạo của Đan viện Xitô Phước Sơn. Đời sống chiêm tu, tinh thần khổ chế, nếp sống đơn sơ, khó nghèo tưởng khó khăn nhưng lại có sức hút lạ lùng đối với người thanh niên trẻ.
Năm 1977, cha tham gia lao động tại Nông trường lô 6 (nay thuộc huyện Củ Chi, TPHCM) cùng với các linh mục, tu sĩ khác. Đến năm 1980, cha đi bộ đội 4 năm và trở về tiếp tục phục vụ cộng đoàn tại nông trường cho đến khi hỗ trợ xong việc thành lập trung tâm Thiên Phước - nuôi dưỡng các em nhiễm chất độc da cam và trung tâm Mai Hòa - dành cho các bệnh nhân nhiễm AIDS thời kỳ cuối.
Việc gặp gỡ Đức cố Giám mục giáo phận Phú Cường Louis Hà Kim Danh trong quãng thời gian làm việc tại nông trường đã trở thành một bước ngoặt khiến cha chuyển hướng trở thành linh mục triều. Cha được thụ phong vào ngày 17.10.2002, sau hơn 20 năm đeo đuổi ơn gọi.
Trách nhiệm đầu tiên trên chặng đường mới của cha là trở thành linh mục phụ tá giáo xứ Bắc Hà (giáo hạt Củ Chi, GP Phú Cường). Tại đây, cha đã cộng tác với cha chánh xứ và giáo dân xây dựng nên ngôi nhà thờ mới khang trang và rộng rãi hơn. Bên cạnh việc chăm lo cho các hoạt động đoàn thể của họ đạo, với mong muốn nâng cao kỹ năng sống cho người tín hữu, nhất là các tín hữu trẻ, cha đã thiết lập một phòng vi tính với 10 máy để các bạn có cơ hội học tập tốt hơn. Xứ Bắc Hà nổi tiếng với sản phẩm giò chả, vốn là món ăn quen thuộc của nhiều người nên cha không ngừng nhắc nhở mọi người sản xuất, chế biến sao cho đúng với những quy định về an toàn thực phẩm để tránh gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
|
Nhận bài sai về làm chánh xứ giáo xứ Tân Thạnh Đông vào năm 2007, cha từng bước phát triển thêm đời sống đạo, tôn tạo lại ngôi thánh đường, trồng cây trong khuôn viên để tạo bóng mát. Bên cạnh đó, ngài cũng chăm lo việc mục vụ cho những người bệnh nặng, người nhiễm HIV/AIDS, vô gia cư hoặc bị gia đình bỏ rơi, không người chăm sóc tại Nhà Cỏ (thuộc xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM). Vùng này còn có làng rau muống Bình Mỹ, quy tụ những giáo hữu nhập cư gốc GP Phát Diệm chuyên canh rau cung cấp cho thị trường TPHCM. Với trách nhiệm của người mục tử và sự ưu tư trước tình trạng thực phẩm bẩn lan tràn, cha đã không ngừng khuyên bảo bà con nông dân phải luôn biết nghĩ cho tha nhân và làm chứng cho Chúa trong công việc hằng ngày qua việc cung cấp cho cộng đồng những sản phẩm an toàn, xanh sạch.
ĐỠ NÂNG NGƯỜI YẾU THẾ
Về với Bến Sắn từ tháng 7.2013, cha lại bắt tay vào việc nới rộng thánh đường, chỉnh trang lại khuôn viên giáo xứ. Đồng thời ngài cũng mở rộng thêm các hoạt động hội đoàn và bác ái từ thiện như thành lập ban kèn giới trẻ, tổ chức liên hoan thánh ca để thu hút người trẻ tham gia vào đời sống họ đạo; tặng quà khích lệ cho các em có thành tích học tập tốt. Biết được giáo xứ từng có hoạt động đọc kinh liên gia nhưng vì nhiều lý do mà đã bị suy tàn, cha đã từng bước vực dậy việc đạo đức tốt đẹp này bằng cách tham dự các buổi đọc kinh để làm gương cho mọi người và cũng là cách thức cha thăm viếng từng gia đình trong xứ. Riêng mùa Chay năm nay, cha khuyến khích mọi thành phần trong xứ tiết kiệm mùa Chay tạo ngân quỹ để trao tặng khoảng 100 phần quà cho những người khó khăn.
Nhắc đến địa danh này có nhiều người sẽ nghĩ ngay đến trại phong Bến Sắn, nơi sinh sống của những người bệnh cơ khổ phải tách biệt với xã hội, với cộng đồng. Hiểu được những nỗi đau bên trong của họ, cha Trung đã luôn dành sự ưu ái cho khoảng 360 con chiên đặc biệt ấy. Đều đặn mỗi ngày, ngài hoặc cha phó Phanxicô Salêsiô Nguyễn Văn Cảnh sẽ đến dâng thánh lễ tại nhà nguyện bên trong trại. Cha dành thời gian lắng nghe những tâm sự và ủi an những cơn đau bất chợt nơi “những người anh em của Chúa”, nói theo lời của cha. Cha xác tín : “Đã được đi và gặp gỡ nhiều mảnh đời, thế nhưng khi đến với anh em bệnh phong lại cảm thương và yêu họ nhiều hơn vì chính họ là người gần Chúa nhất, thông phần đau khổ với Ngài…”. Thêm nữa, cha còn cùng với các nữ tu dòng Nữ tử Bác ái Vinh Sơn tổ chức các chuyến đi dã ngoại hầu đem lại niềm vui cho những mảnh đời đang gánh chịu đau thương này.
|
Dâng lễ tại trại phong Bến Sắn |
Một thành phần khác cũng được cha quan tâm nâng đỡ là di dân, hay được cha gọi cách khác là “các bạn xa quê”. Do địa thế giáo xứ thuộc khu công nghiệp Nam Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) nên có đông đảo bà con tứ xứ về sinh sống và làm việc. Để tạo điều kiện và lôi kéo họ đến gần hơn với các sinh hoạt họ đạo, cha đã thành lập Ban đại diện di dân và ca đoàn công nhân để người Công giáo tha hương có nơi quy tụ. Ông Vũ Xuân Thiệu, một người di dân đã sinh sống tại đây khoảng 10 năm hiện tham gia HĐMVGX cho biết : “Dù là người mới trong xứ nhưng tôi không hề cảm thấy lạ lẫm. Chính sự ân cần của cha đã cho chúng tôi cảm giác ấm áp và dễ dàng hòa nhập vào cuộc sống tại vùng đất mới này. Cha cũng khuyến khích chúng tôi thường xuyên tìm gặp những người mới đến để thăm hỏi, chia sẻ về giáo xứ, về các sinh hoạt chung và mời gọi họ cùng tham gia”. Cứ thế, từng chút một, cha xóa đi trong họ suy nghĩ ngại ngùng và xứ đạo lại có thêm những thành viên năng nổ. “Là một người hy sinh rất nhiều cho họ đạo, cách sống hòa đồng và đối xử với mọi người bằng tình yêu thương của cha đã kéo mọi chúng tôi càng ngày càng gần nhau thêm để cùng đưa giáo xứ tiến lên về mọi mặt”, ông Tống Văn Ngọc - Chủ tịch HĐMVGX chia sẻ.
Đời người mục tử lắm lúc chông gai, cũng có lúc tưởng như đầu hàng trước sóng dữ nhưng trong suốt 15 năm linh mục, nhờ vào tinh thần cầu nguyện và lao động được học từ linh đạo của Đan viên Xitô ngày trước, chàng thanh niên năm nào nay đã trưởng thành hơn và càng kiên vững trên đường phục vụ. Cứ thế, qua mỗi điểm dừng chân, bóng hình người chủ chăn vẫn luôn đồng hành và chia sẻ với con chiên của mình để được “trở thành người của mọi người” như cha vẫn luôn tâm niệm.
MAI LAN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.