Thứ Tư, 20 Tháng Mười Hai, 2017 12:10

Chở yêu thương đến người cùng khổ

“Càng cho thì càng có, càng đi thì càng khỏe, càng viết thì càng hay”, câu tâm đắc mà cha Phêrô Trần Văn Tiến (nhà hưu dưỡng linh mục giáo phận Xuân Lộc) chia sẻ với chúng tôi nhiều lần khi trò chuyện về cuộc đời dấn thân và những nẻo đường đã đi qua trong sứ vụ mục tử của ngài.

Cha Phêrô rửa tội trẻ sơ sinh

CHUYỂN TẢI TIN MỪNG BẰNG THƠ

Gặp cha vào buổi chiều ngày lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vừa rồi tại nhà hưu dưỡng mà không hẹn trước. Cha đang ngồi viết dở cuốn Tin Mừng mùa Vọng và mùa Giáng Sinh A,B,C trong phòng. Dừng tay, vị mục tử 71 tuổi tóc bạc phơ dí dỏm kể chuyện đời tu và ý tưởng chuyển tải Tin Mừng qua những vần thơ: “Năm 1976, sau khi thụ phong linh mục, về giúp các xứ Thiên Bình (1976), Hiền Hòa (1994) và Trung Nghĩa (2010), tôi đã bắt đầu thực hiện. Một bài Phúc Âm kết lại 4-6 câu thơ là tối đa. Thời đó chưa có màn hình chiếu, phải viết tay lên bảng, đầu giờ lễ đọc cho giáo dân nghe và khuyến khích họ học thuộc lòng. Sau lễ cả nhà thờ đọc đi đọc lại, nên có thể nhiều người sẽ nhớ lâu”. Lúc mới làm, cha từ từ tập ghép chữ thành vần điệu, làm riết sau này quen dần; đến khi về nhà hưu có thời gian nhiều, viết nhanh hơn, gãy gọn đến độ thành thạo có thể “ứng khẩu’ thành thơ.

Trong một cuốn sách cha đã in, mỗi đoạn Phúc Âm có phần suy niệm, phần cuối đúc kết lại thành một bài thơ lục bát khoảng 4-5 khổ. Ðọc thơ, người đọc sẽ nắm được những tư tưởng cốt lõi nhất trong đoạn Tin Mừng. Một cách rao giảng Lời Chúa qua thơ khá giản dị nhưng lại dễ thấm vào lòng người. Chia sẻ về kinh nghiệm viết lách, cha cười: “Chúa ban cho chứ ngày xưa không được như vậy. Thời đi học cũng học văn thơ bình thường, nhưng những điều mình học được sẽ lưu lại trong vô thức. Ðến sau này, đi nhiều, quan sát, đọc, trải nghiệm, một lúc nào đó những kiến thức đó được chắt lọc giúp mình lột tả được tư tưởng, việc viết lách sẽ tự nhiên và dễ dàng. Dĩ nhiên cũng phải có chút khiếu và cảm hứng. Một đêm, tôi có thể viết được 10 bài Tin Mừng bằng thơ”.

Nhớ lại năm 1976, ngày mới về giúp xứ Thiên Bình, cha kể lúc đến chỉ có nhà thờ làm bằng vỏ đạn, lợp tôn cũ, lại nằm ngay triền dốc, dùng “vài hạt nước là… hết nước”. Dân của xứ thì chỉ khoảng 200 người đi lễ bởi đường đi lại khó khăn, tối mù, điện đóm không có. Phải làm rừng, làm rẫy, trồng khoai mì, nuôi bò, nuôi heo làm kế sinh nhai. Khi đời sống dần ổn định, năm sau cha cùng bà con giáo dân cất lại ngôi thánh đường khang trang hơn cho xứng hợp với nơi thờ phượng. Năm 1994, khi về giáo xứ Hiền Hòa, ngài cũng xây dựng lại nhà thờ, nhà xứ, nhà giáo lý kiên cố rộng rãi, góp phần thăng tiến đời sống đức tin cho người tín hữu.

Nhìn vị mục tử “thất thập cổ lai hy” khỏe khoắn, năng động bây giờ, nếu như ngài không nói thì ít ai biết ngài đã từng bị bệnh rất nặng. Ngày về nhà hưu dưỡng năm 2011, cha phải đi bằng xe lăn, ăn uống, ngủ nghỉ, di chuyển khó khăn, vậy mà bây giờ không cần dùng đến một viên thuốc. Quả đúng là “ơn lạ” Chúa ban như ngài luôn phó thác. Khi sức khỏe đã ổn định, cha có dịp ra nước ngoài để chia sẻ, giảng lễ; thời gian ở đây, cha viết được 5 cuốn Tin Mừng A,B,C bằng thơ tặng cho mọi người. Dù là sách tặng, nhưng vì quý tấm lòng của cha nên nhiều người cũng gởi lại một khoản tiền để bù đắp chi phí. Khi về lại Việt Nam, cha dùng số tiền này mua một chiếc xe bán tải để đi làm từ thiện.

Chia sẻ bánh mì cho bệnh nhân ở BV Phổi

XE CARITAS VÀ ÐI…

In dòng chữ Caritas màu đỏ trên xe, khoác trên mình một sứ mạng mới, chiếc xe đã theo cha đồng hành với người khốn khổ trên mọi nẻo đường.

Ðều đặn vào mỗi thứ hai và thứ tư hằng tuần, sáng sớm cha tự lái xe đến chỗ nấu cháo rồi mang đi phát ở bệnh viện nhi Ðồng Nai khoảng 1.000 suất, cô nhi viện Thiên Bình 200 suất và 100 suất ở bệnh viện Phổi, xã Phước Tân. Nồi cháo tình thương này luôn đảm bảo vệ sinh và giàu chất dinh dưỡng. Một tháng 24 nồi, cộng thêm món chuối tráng miệng, chí phí trên dưới 16 triệu đồng. Cha chia sẻ: “Nồi cháo chưa bao giờ tắt lửa. Nhiều nhà hảo tâm quảng đại rất sẵn lòng cộng tác với mình trong công việc từ thiện. Từng tuổi này, Chúa còn ban cho mình sức khỏe, còn phục vụ được thì cứ làm”.

Cha còn một niềm vui tuổi già nữa là hầu như tuần nào cũng đến bệnh viện trao Mình Thánh Chúa và giải tội cho hối nhân, bởi bệnh về phần “hồn” cũng rất cần được ủi an. Chẳng chịu ngồi im trong “bốn bức tường”, hễ cứ có cơ hội là ngài lại lên đường, đến với người này, người kia để cảm thông và chia sẻ. Càng đi, lại càng thấy nhiều những mảnh đời bất hạnh, cha lại càng thương và muốn nâng đỡ họ nhiều hơn nữa.

Cháo yêu thương cho người bệnh

Trước đó, cha từng cộng tác với cha Giuse Nguyễn Văn Tịch (chánh xứ Tây Hải - GP Xuân Lộc) trong lãnh vực bảo vệ sự sống, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ. Ngài cố vấn, hỗ trợ nhiều mặt, có khi giúp dâng lễ và chia sẻ với mọi người về bảo vệ sự sống trong thời đại ngày nay. Cha cũng phụ giúp cha Tịch phục vụ nồi cháo tình thương ở bệnh viện Phổi, bữa cơm hai ngàn, chén cơm cho người ung bướu ở bệnh viện Ða Khoa Ðồng Nai. Chính những hoàn cảnh, những phận người đáng thương ở các nơi đó thôi thúc ngài thực hiện ý tưởng “chuyến xe bác ái” sau này.

Tháng 9 vừa rồi, khi Quảng Bình phải hứng chịu cơn bão nặng nề, không cầm lòng, cha thuê tài xế chở mình trên chiếc xe Caritas để đi cứu trợ đồng bào miền Trung. Xe đi suốt ngày suốt đêm trong 5 ngày, ghé thăm 7-8 giáo xứ ở Ðồng Hới. Cha bảo: “Nhờ đi vậy mà cảm nhận được trong hoạn nạn mọi người lại càng yêu nhau hơn, gần nhau hơn. Chiên khổ mà mục tử cũng khổ, nhưng đều đồng lòng vượt qua”.

Chia tay cha, tôi ấn tượng mãi về hình ảnh vị mục tử tóc bạc phơ, tay cầm “vôlăng” trên chiếc xe Caritas, chở yêu thương đến người nghèo khó…

NGỌC LAN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm