“Đang mải dệt đời mình với sự nghiệp “gõ đầu trẻ”, bỗng một ngày tôi gác… phấn đi theo Chúa trong sự ngỡ ngàng của học trò, đồng nghiệp và người thân”, linh mục Giuse Đỗ Xuân Ngọc (Quản nhiệm Bình Giang - Giáo hạt Hà Tiên, GP Long Xuyên) hồi tưởng khi được hỏi về hành trình ơn gọi của mình.
Mười mấy năm làm giáo viên trường THPT Thạnh An (TP. Cần Thơ) là ngần ấy thời gian, thầy giáo Ngọc nhận được sự tin yêu của các đồng nghiệp và học sinh. Vốn năng nổ nên ngoài đứng lớp, thầy còn kiêm nhiệm thêm Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ, đoàn hội, giám thị và dạy các lớp bổ túc văn hóa tại xã Thạnh An. Quan tâm đến học trò, thầy hay đến thăm hỏi những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Khi ấy, vừa lo việc dạy ở trường, thầy Ngọc vừa phụ giúp thêm trong các sinh hoạt, phục vụ ở giáo xứ Thạnh An. Năm 1995, ước mơ phục vụ nhà Chúa đã thôi thúc người thầy giáo trẻ đi theo tiếng Chúa gọi mời. “Tưởng chừng sống chết với nghề “trồng người”, nào ngờ Chúa gọi, thế là mình xin thi vào Đại chủng viện”, cha Ngọc kể.
|
Nhận lãnh tác vụ linh mục vào năm 2004, cha chọn cho mình câu châm ngôn mục vụ “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14). Chính niềm xác tín này đã giúp ngài mạnh mẽ vượt qua những khó khăn, thử thách trên con đường truyền giáo. 13 năm linh mục, trải qua các xứ đạo Hiếu Hiệp (Kinh H1, Vĩnh Thạnh, Cần Thơ), Trinh Vương (Kinh B1, Vĩnh Thạnh, Cần Thơ) và hiện tại là họ đạo Bình Giang, cha luôn thể hiện mình là vị mục tử nhiệt thành, cần mẫn.
Ngày nhận bài sai về Bình Giang (xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, Kiên Giang), cha không khỏi lo lắng, bởi đây là vùng truyền giáo, có khoảng 600 giáo hữu, và người ngoài Công giáo đông hơn nhiều, người dân tộc Khơme lại chiếm phần lớn. Làm sao để họ biết đến Chúa là nỗi niềm cha luôn canh cánh trong lòng. Ông cố Giuse đã lên hẳn một kế hoạch để vực dậy đời sống đạo cũng như mở mang nước Chúa nơi đây. Bước đầu củng cố lại Hội đồng mục vụ giáo xứ, thành lập các đoàn thể, chú trọng giáo dục nhân bản cho các em thiếu nhi. Các sinh hoạt trong xứ dần đi vào nề nếp.
Địa hình quanh khu vực nhà thờ Bình Giang kênh rạch chằng chịt, trục lộ chính là quốc lộ 80, xung quanh được cải tạo giống vùng Cái Sắn, bà con cất nhà sinh sống dọc quốc lộ và các bờ kênh. Để hòa mình vào đàn chiên một cách gần gũi, thân tình, vị mục tử thường ngồi ghe thuyền lặn lội đi tới thăm hỏi các gia đình, không phân biệt lương giáo ở tận vùng kênh rạch sâu xa, trên vai lúc nào cũng đeo một chiếc bị có kẹo bánh và thuốc chữa bệnh thông thường. Những chỗ ghé qua, mỗi người gặp, cha đều dúi vào tay họ nắm kẹo, bịch thuốc, có khi thì ít tiền đi chợ mua thức ăn. Chính những lần ngược xuôi như vậy, ông cố nhận ra chuyện đường sá xa xôi, đi lại khó khăn đã khiến bà con lơ là việc đạo. Cuộc sống mưu sinh với nỗi lo cơm áo gạo tiền là mối bận tâm lớn nhất của họ. Bà con nơi đây chủ yếu sống bằng nghề làm thuê, bốc vác mướn, theo các ghe cào ngoài biển…, thu nhập bấp bênh. Họ thiếu thốn đủ thứ từ đời sống vật chất cho đến tinh thần. “Bà con mình khổ quá, làm sao có thể làm ngơ. Giúp được gì thì giúp, đừng bỏ rơi họ”, cha Ngọc trầm tư.
![]() |
Tặng lương thực cho cụ già neo đơn |
Tận dụng lợi thế khuôn viên nhà thờ rộng, cha tìm cách quy tụ mọi người lại bằng cách mời các đoàn từ thiện tới khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho bà con trong và ngoài xứ. Thỉnh thoảng lại có nhóm thợ về cắt tóc cho mọi người, đặc biệt là trẻ con. Nhà thờ Bình Giang cũng là điểm đến quen thuộc của những mảnh đời kém may mắn. Bất cứ ai đến gõ cửa, ông cố đều rộng lòng giúp đỡ với những phần quà thiết thực như gạo, nhu yếu phẩm dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Hiện nay, ngài còn chạy vạy lo liệu cho 52 người mắc bệnh hiểm nghèo có cơ hội được điều trị miễn phí. “Ơn giời, ông cố đến xứ này để những người nghèo như chúng tôi có chỗ cậy nhờ. Cả đời làm thuê làm mướn, bữa đói bữa no, được ngài cho thuốc, cho gạo, cho tiền đi đò qua sông tới nhà thờ tham dự thánh lễ, tôi cảm thấy vô cùng biết ơn”, ông Nguyễn Văn Danh (70 tuổi) xúc động nói. Có những cụ ông lớn tuổi, mất sức lao động, gia cảnh nghèo túng không có người thân chăm sóc, cha chẳng đắn đo nhiều, rộng lòng cưu mang, sắp xếp chỗ ăn chỗ ở ngay trong nhà xứ.
Ngoài việc mục vụ ở nhà thờ, chính những chuyến đi đến tận nơi thăm viếng bà con hay xức dầu cho người bệnh, cha mới cảm nhận hết sự thiếu thốn nơi con chiên của mình. Ngài tận mắt chứng kiến nhiều căn nhà nằm vắt vẻo nửa trên bờ, nửa mé sông, cột nhà dựng tạm bợ bằng thân gỗ, che chắn qua loa lỏng lẻo bằng lá hay mảnh tôn cũ, ngày nắng thì nóng, ngày mưa thì lạnh. Xót xa và chạnh lòng thương khi nghĩ tới đời sống quá vất vả của họ, cha bàn với ban Caritas của giáo xứ tìm cách giúp đỡ, tu sửa, cất nhà cho bà con. Mọi nguồn lực đều được tận dụng và mời gọi thêm các ân nhân xa gần cùng hỗ trợ. Những căn nhà tình thương trao tặng không chỉ góp phần cải thiện chất lượng đời sống người dân mà còn mang đến sự ủi an, nâng đỡ về mặt tinh thần.
Không dừng lại ở đó, cha cùng với chính quyền địa phương còn xây dựng cầu đường giúp bà con đi lại dễ dàng. Khi thì đóng góp kinh phí với chính quyền, khi thì giáo xứ chủ động làm. Những con đường đất sình lầy, cầu khỉ cheo leo dần dần được thay thế. Bà con đến nhà thờ dễ dàng hơn, các em nhỏ đi học cũng không sợ té sông. Trước tình hình nhiều hộ gia đình ở mé sông hay gần biển không có nước sạch để ăn uống, sinh hoạt, cha cho thiết lập hệ thống máy lọc nước để bà con có nguồn nước tinh khiết sử dụng.
Từng là một giáo viên nên vị mục tử hiểu được giáo dục có ý nghĩa như thế nào với một đứa trẻ. Thêm nữa, đặc thù vùng này chủ yếu là người dân tộc, phần lớn họ lao động chân tay, lo cái ăn cái mặc nhiều khi còn chưa đủ nên chuyện học hành của con em ít được quan tâm, nhiều trường hợp trẻ phải bỏ học để lao động kiếm tiền phụ giúp gia đình. Cha Ngọc trăn trở nghĩ đến tương lai của chúng, nếu không đi học thì lớp trẻ sau này rất khó có cơ hội được đổi đời. Và ngài đã cùng với các cộng sự trong giáo xứ lập hẳn một quỹ học bổng cho học sinh, khi thì trao tặng tiền mặt giúp các em trang trải học phí, lúc thì tặng sách vở, tập viết, quần áo. Mỗi suất học bổng cho cấp 1, cấp 2 trị giá 1,7 triệu đồng, cấp 3 là 2 triệu đồng/năm. Sự quan tâm sâu sát của cha xứ khiến bọn trẻ cảm thấy ngài rất đỗi thân thương, mỗi khi có dịp, chúng lại kéo đến đầy sân nhà thờ, nhà xứ cùng vui đùa, ca hát…
![]() |
Vui chơi và phát bánh cho trẻ em |
Tấm lòng nhân hậu của người mục tử nhân lành đã gây được nhiều thiện cảm nơi bà con ngoài Công giáo. Họ mong muốn được tìm hiểu, nhận biết và yêu mến Chúa. Vô số anh em dự tòng đến nhà thờ xin học hỏi giáo lý để được rửa tội và gia nhập đạo. Mỗi người đều được ông cố tặng cuốn Kinh Thánh, cỗ tràng hạt để tăng thêm lòng sốt mến.
Nói về vị chủ chăn của mình, ông Lê Gia Hiệp - Chủ tịch HĐMVGX chia sẻ: “Ngài nguyên tắc, thẳng thắn nhưng cũng rất quan tâm đến mọi người. Từ ngày ông cố về, bộ mặt xứ đạo đã khởi sắc lên rất nhiều”. Còn cha Ngọc thì khiêm tốn: “Tôi tài hèn sức mọn, còn nhiều thiếu sót, nhưng nhờ ơn Chúa, mình có những ân nhân và những người nhiệt thành cộng tác, giúp chu toàn bổn phận chăm lo cho cộng đoàn”.
NGỌC LAN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.