Suốt 25 năm linh mục, phục vụ nhiều họ đạo vùng quê hay nơi phố thị, cha Clêmentê Nguyễn Tấn Lợi luôn đồng hành và nâng bước đoàn chiên, để giờ đây, hình ảnh vị mục tử nhân hậu luôn đọng lại rõ nét trong lòng giáo dân.
“Lạy Chúa, này con xin đến”
Đó là câu Thánh vịnh cha Lợi chọn ấp ủ trong suốt đời linh mục, như một lời thúc giục bản thân siêng năng ra đi và làm tôi tớ anh em.
|
Sinh năm 1952 tại họ đạo Sóc Trăng, từ nhỏ bản thân đã hướng một lòng theo con đường tu trì. Sóc Trăng vốn là mảnh đất nuôi dưỡng nhiều hoa trái ơn gọi linh mục tu sĩ trong giáo phận nên đã lan tỏa hương sắc này nơi nhiều người trẻ. Ngoài ra, cha mẹ ngài chính là tấm gương về tinh thần đạo đức, tinh thần dấn thân cho con cái. Cha kể ngày mình còn là cậu bé giúp lễ, có nhiều hôm thấy cha sở dâng lễ “hay hay” nên về nhà tìm cái khăn, ly nước, miếng bánh tráng rồi chui tọt vào góc sâu nào đó vội vàng làm lại kẻo quên. Khi biết được điều này, mẹ cha đã không la rầy, trái lại còn hun đúc cho cậu lắng nghe tiếng Chúa gọi mời.
Năm 1967, cha vào dòng Sư huynh Lasan tại Nha Trang, đến năm 1973, xin nhập về giáo phận Cần Thơ. Sau đó, cha theo học tại Tiểu chủng viện Thánh Quí Cái Răng, Đại chủng viện Tôma Long Xuyên. Năm 1981, cha hoàn tất chương trình chủng viện. Ngày 22.2.1991, ở tuổi gần 40, cha nhận lãnh chức linh mục. Cha cho biết, trong thời gian dài trước khi trở thành linh mục là lúc khó khăn và thử thách nhất đời tu, bằng chứng là đã có nhiều anh em không thể trụ lại. Vì ngoài việc giúp họ đạo, hằng ngày người tu sĩ còn phải lăn lộn làm đủ thứ nghề để sống và chưa biết ngày nào được tiến lên bàn thánh. Tuy nhiên với cha, đó lại là quãng thời gian quý báu giúp tự đào tạo và nuôi dưỡng bản thân. “Ngày ở giáo họ Bôna, Xaviê và các nơi khác, người dân trong vùng, Công giáo hay ngoài đạo, đều quý mến các thầy, hễ có đám cưới, đám hỏi, đám to, đám nhỏ họ đều mời, do đó đến với anh em rất dễ dàng. Nếu bản thân biết phục vụ hăng say sẽ nhận lại nhiều thứ, trong đó đáng quý nhất là tình người”, cha nhớ lại.
|
Cha thường xuyên thăm viếng giúp bà con cảm thấy được đỡ nâng, từ đó thêm niềm vui sống |
Chính việc thấm thía được tình huynh đệ trong cộng đoàn nên sau ngày chịu chức, ở những nơi đi qua, cha luôn ra sức xây dựng tình yêu thương. Ở đó, ngài trở thành cầu nối hàn gắn những va chạm, tạo sự nối kết giữa các hội đoàn, giữa mục tử với giáo dân. “Mọi việc trong xứ đều có cha bên cạnh nên êm đẹp. Mọi người từ đó ra sức hy sinh nhiều hơn vì cảm thấy được đỡ nâng”, chị Phan Thị Hà, giáo dân họ đạo Chánh tòa Cần Thơ, nơi cha Lợi đang phục vụ hiện tại nhận xét. Còn riêng cha thì việc xây dựng cộng đoàn yêu thương vốn đã ngấm vào máu, mà hễ buông tay lại bứt rứt không yên.
Vị chủ chăn tận tụy
Trong 25 năm linh mục, cha trải qua các họ đạo Bạc Liêu, Vĩnh Hiệp và Chánh tòa, trong đó dấu ấn lớn nhất là Bạc Liêu với cương vị thầy giúp xứ (từ năm 1989 - 1991), cha phó (1991 - 1994), cha sở (2003 - 2013). Cha còn nhớ như in lời dặn dò trong ngày rời Chủng viện của Đức Hồng y G.B Phạm Minh Mẫn (khi đó là Giám đốc ĐCV Thánh Quí - Cần Thơ): “Cha về làm phó Bạc Liêu cùng phụ trách các họ đạo kinh tế mới ven biển Bạc Liêu. Cha hãy thăm viếng, dạy giáo lý, dâng lễ cho bà con”. Các giáo họ được ủy thác cho cha là Giồng Nhãn, Mẹ Vô Nhiễm, Thánh Giuse, Thánh Phêrô, Vĩnh Hậu, tuy nằm không cách xa nhau nhưng ngày đó đường đi lại khó khăn, mùa nắng còn lọc cọc đạp xe, đến ngày mưa phải đi xuồng, nhiều khi cuốc bộ vài cây số. Vậy nhưng các nơi đều có lễ hằng tuần, sinh hoạt hội đoàn ngày một phát triển, nhiều cơ sở được xây dựng. “Ngày lễ Giáng sinh, mới 2 giờ chiều Chúa Hài Đồng đã sinh ra ở Giồng Nhãn, chập tối chào đời ở Thánh Giuse, đến nửa đêm hạ sinh ở Vĩnh Hậu…”, cha nói vui khi nhớ lại quãng thời gian xuôi ngược làm mục vụ giữa các họ đạo. Năm 2003, cha lo liệu cho các giáo họ được sở hữu giấy tờ nhà đất, tiện cho việc phát triển sau này. Giờ đây nhiều nơi đã được nâng lên thành giáo xứ.
![]() |
Vỏ lãi là phương tiện quen thuộc trong những lần ông cố đi thăm mục vụ |
Tại các họ đạo có nhiều nhà giáo dân nằm cách xa nhà thờ, gặp mùa nước lên, việc đến nhà Chúa của bà con thật vất vả. Thấy vậy cha cho “tậu” cả mấy chiếc vỏ lãi để đưa đón giáo dân đi lễ, gặp hôm nước ngập thì dùng chở con em đi học. Thấy nhiều người đi lễ còn lọc cọc mang theo cả đống can nhựa để hứng nước mang về, không chần chừ, cha đã vào từng khu đóng luôn cây nước để mọi người tiện sử dụng. Có nước sạch, cuộc sống người dân thêm phần thoải mái, khỏi mất công chậu lớn chậu nhỏ đem hứng khi trời mưa, việc tưới tiêu ruộng đồng cũng thêm phần thuận lợi.
Dù việc giáo xứ luôn kín lịch nhưng “ông cố” vẫn dành thời gian đi đến thăm viếng các gia đình, từ đó hiểu hơn cuộc sống của bà con. Những lần đi, gặp ông già bà lão, cha gởi họ chút tiền để bồi bổ thêm cho bữa ăn; vô nhà người đau yếu tàn tật, cha tặng chiếc máy cát sét để họ nghe nhạc đạo, biết thời sự, vui thêm một chút khi phải nằm một chỗ. Nhiều đêm đi xức dầu thấy cảnh nước lên, bùn sình ngập tới đầu gối, nghĩ cảnh mấy chị đi chợ lúc sáng sớm, người đi lễ, lũ nhóc đạp xe qua chỗ trơn trượt khó khăn, thế là cha chạy vạy, kêu gọi giáo dân bê tông hóa các tuyến đường hẻm… Những việc làm gần gũi và quá đỗi thân thương!
Lo cho thiếu nhi nghèo là điều cha luôn ưu tư, nhất là giúp các em được đến trường. Ngài lý giải: “Học mới có kiến thức, mới có việc làm. Người ở nhà làm vườn cũng cần kiến thức để cập nhật phương pháp mới, bán rau ngoài chợ cũng cần học để tính toán lãi lời”. Từ suy nghĩ này, hằng năm cha hỗ trợ học bổng theo từng cấp, phát quần áo, tặng xe đạp làm phương tiện đến trường cho học sinh nghèo.
Bây giờ, khi làm cha sở họ đạo Chánh tòa giữa lòng Tây Đô, bước chân vị mục tử vẫn không ngừng đi tới, gieo niềm hy vọng và tin yêu cho nhiều người, vẫn kiên nhẫn, bền bỉ thưa cùng Chúa: “Này con xin đến”.
ĐÌNH QUÝ
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.