Thứ Năm, 04 Tháng Năm, 2017 05:22

Ðiểm tựa của đoàn chiên xứ dừa

Chúng tôi có dịp ghé thăm họ đạo Ba Vát  thuộc GP Vĩnh Long. Ba Vát cũng là một địa danh đã có từ lâu trên vùng đất Bến Tre, nay thuộc xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc. Nơi đây, con đường thôn quê yên ả in đậm dấu chân cha Phêrô Trần Thanh Xuân trong hành trình ngược xuôi làm mục vụ cho bà con trong vùng.

Từ mảnh đất trống. Giồng Keo giờ đã có nahf thờ khang trang và nhiều cơ sở dành cho các sinh hoạt

Bước đi đầu của đời mục tử

Do chưa gặp cha lần nào, chỉ xin một cuộc hẹn qua điện thoại, nên vừa đặt chân đến nhà xứ, gặp một thanh niên bế đứa nhỏ trên tay, tôi hỏi vội:“Cho em hỏi phòng cha xứ ở đâu?”. Anh cười tươi đáp lại: “Mình là cha sở đây”. Có lẽ với nước da sạm đen vì rám nắng, dáng cao gầy, cùng vẻ bề ngoài đậm chất nông dân thực thụ nên chúng tôi không ngờ đó là một linh mục. Còn cha xuề xòa: “Mình quen rồi, dân quê mà!”.

Có dịp hồi tưởng, cha say sưa kể lại ngày đầu đến với ơn gọi. Sinh ra tại họ đạo An Hiệp, ngay từ nhỏ, bản thân đã một lòng khao khát dâng mình cho Chúa. Niềm hăng say sống đời dâng hiến xuất phát từ nhiều yếu tố, nhưng theo cha có hai điểm nổi trội, thứ nhất do sẵn có “gen di truyền” ơn gọi từ dòng họ, trong đó người chị ruột của cha cũng là một tu sĩ; kế đến, nhờ vào truyền thống đạo đức gia đình, nơi đó, bố mẹ luôn là tấm gương về sự nhiệt thành, hun đúc lòng mến Chúa yêu người.

Ngày 3.7.2004, ở tuổi 33, cha được hồng ân bước lên bàn thánh. Sau ngày chịu chức, người mục tử trẻ nhận bài sai về làm phụ tá giáo xứ Thành Triệu và cùng cha sở phụ trách thêm năm họ đạo khác là Phú Túc, Quế Thành, Tân Phú, Phú Đức, Tiên Thủy. Công việc mục vụ vì thế luôn bận rộn, do các nhà thờ nằm khá xa nhau nên mỗi Chúa nhật đến dâng lễ cho bà con, các ngài phải chạy “bở hơi tai”. Bước đi đầu đời đầy chông gai, vất vả là vậy song ngồi nghĩ lại, cha vẫn luôn thầm tạ ơn Chúa: “Mới ra trường có nhiều việc để làm càng giúp tăng thêm lòng hăng say, mặt khác, đó lại là công việc phù hợp với chí hướng đã chọn lựa ngay từ đầu”.

Cha Xuân và các em tại mái ấm

Ba năm sau, tháng 11.2007, cha về nhận nhiệm sở Ba Vát và coi thêm giáo xứ Giồng Keo cách đó 3 cây số. Hơn 30 năm không có linh mục hiện diện, đời sống đạo của Ba Vát dường như khô khan nguôi lạnh. Ngôi nhà thờ họ đạo nhỏ bé, cũ kỹ. Ở Giồng Keo, tình thế càng ngặt nghèo hơn vì toàn bộ chỉ còn lại mỗi tháp chuông nhà thờ, ngoài ra không có bất kỳ một cơ sở nào khác… Không ngại khó khăn, cha nhanh chóng bắt nhịp và thích nghi với hành trình dấn thân mới, bước đầu tiên là ưu tiên xây dựng nhà thờ Giồng Keo. Kế tiếp, các cơ sở vật chất ở cả hai nơi cũng dần dần mọc lên. Hơn nữa, có cha xứ, có nhà thờ, các tín hữu lâu năm không đi lễ, nay lòng đạo đức được hâm nóng lại. Các sinh hoạt của họ đạo ngày thêm sung túc, ấm cúng hơn. Hiện nay, cha cùng với giáo xứ đang chuẩn bị xây dựng lại ngôi nhà thờ Ba Vát đã xuống cấp. Ngày 26.5.2017, ĐGM GP Vĩnh Long Phêrô Huỳnh Văn Hai sẽ chủ sự thánh lễ đặt viên đá đầu tiên.

Thực hành yêu thương

Tình thân trong xứ ngày càng bền chặt khi cha thường xuyên ghé thăm các gia đình. Chính từ những lần viếng thăm mục vụ, những mái nhà nào xập xệ, hở trước trống sau đều được vị mục tử ghi nhận. Bất kể là dân trong đạo hay ngoài đạo, cha đều xem xét rõ hoàn cảnh, sau đó chạy vạy, kêu gọi sự chung tay từ các ân nhân, mạnh thường quân để giúp họ có được một mái nhà tươm tất. Trong mười năm qua, cả chục căn nhà kiên cố đã được gởi trao tới những gia đình kém may mắn. Nói chuyện với chị Nguyễn Thị Hường - chủ một căn nhà mới do xứ đạo này tặng, chúng tôi được nghe chị bày tỏ nỗi lòng: “Đây là niềm mơ ước của gia đình mình bấy lâu nay. Có nhà mới, từ rày không còn lo canh me hứng nước mỗi lúc trời đổ mưa, mấy đứa nhỏ cũng an tâm ngủ ngon trong tổ ấm”.

Nhà tình thương chỉ là một phần trong nhiều dự án mà cha Xuân cùng với các cộng sự duy trì trong những năm qua như giúp bê tông hóa những con đường nông thôn, xây cầu nối liền đôi bờ thay cho cầu khỉ tạm bợ, giúp mọi người thuận tiện đi lại…

Mái ấm tình thương, mái nhà thứ hai của những đứa trẻ kém may mắn

Có một điểm nổi bật nơi cha mà người đối diện dễ dàng nhận ra, đó là tình yêu thương với những đứa trẻ kém may mắn. Cha hồi tưởng: “Mình xuất thân từ nhà nghèo, từng trải qua thời gian học hành thiếu thốn, muốn đi học là cả một vấn đề nên hiểu mong muốn được đến trường của các em lớn như thế nào”. Ngày còn sống trong chủng viện, mỗi khi chứng kiến học sinh phải bỏ dở việc học vì nhà quá nghèo, cha đã tìm cách giúp đỡ. Sau ngày làm cha sở, có nhiều điều kiện và phương thế hơn trước, cha cho dựng nên dãy nhà tình thương ở Giồng Keo quy tụ các em lại để tiện bề chăm sóc. Ở thành phố, chuyện này không phải hiếm nhưng ở miền quê nghe ra cũng khá lạ. Phần lớn trẻ sống ở đây đều là những em mồ côi cả cha lẫn mẹ, có em hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, ngày mới vào còn nhỏ xíu, nay đã học lớp 5, lớp 6. Hiện nơi này có 9 em đang sống, cùng 2 nữ tu dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn phụ giúp chăm sóc. Cha Xuân hằng tuần đều đặn tạt qua thăm nom, mang cho sấp nhỏ bịch bánh, giỏ trái cây để chúng thêm niềm vui. Giáo dân bên ngoài cũng góp sức trong việc đưa đón đi học, hay đơn giản nấu món ăn ngon không quên phần các em… Những đứa trẻ cứ vậy lớn dần lên trong vòng tay bao bọc của mọi người. “Con ở đây vui lắm, được học hành đầy đủ; hơn nữa ngày nào cũng có thể chơi nhảy dây, chơi trốn tìm với các anh chị”, bé Nguyễn Thị Ngọc Diễm, học lớp 3 hồn nhiên khoe. Mồ côi cha, mẹ dính vào đường tù tội nhưng Diễm may mắn đã có được một mái ấm thân tình.

Giờ đây, khi các hoạt động xem ra đã khá ổn, cha lại quay hướng vào vấn đề chuyên sâu như trợ giúp người nghèo, thuốc thang cho người đau bệnh, chăm lo chuyện học hành của con trẻ với những suất học bổng giúp nhiều trò nghèo có cơ hội đến trường. Vừa qua, với sự hỗ trợ của ân nhân, cha sắm sửa được chiếc xe cứu thương đưa đón miễn phí người bệnh đến các cơ sở y tế trong tỉnh Bến Tre hay lên thành phố. Cũng qua mối liên hệ của cha sở, hằng năm, giáo xứ tiếp đón nhiều đoàn từ thiện từ các nơi đến phát quà, sẻ chia cuộc sống với người dân quanh năm chân lấm tay bùn.

Như con ong cần mẫn, cha Xuân đang từng bước góp phần vun đắp cuộc sống của đoàn chiên và bà con vùng quê xứ dừa mỗi ngày thêm khởi sắc.

ĐÌNH QUÝ

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm