Chủ Nhật, 09 Tháng Tư, 2017 10:22

Ðời dâng hiến như tình khúc tri ân

Gần 40 năm trong hành trình linh mục, cha Phêrô Tri Văn Vinh (chánh xứ An Hòa - GP Cần Thơ) là chứng nhân sáng ngời về đức tin và phục vụ. Mỗi nơi cha đến, mỗi việc cha làm đều chất chứa tình cảm, để lại dấu ấn thân thương trong lòng tín hữu.

 

Lật nhẹ quyển album dày trên bàn làm việc với những bức hình theo năm tháng đã phai màu, một chút trầm lặng, cha Vinh đưa chúng tôi vào câu chuyện về bước đường mấy mươi năm nhẫn nại gieo hạt giống Tin Mừng nơi mảnh đất đồng bằng sông Cửu Long. Vào chủng viện Sóc Trăng từ thời niên thiếu, lúc chỉ mới 12 tuổi, theo lời mời gọi của bác ruột là linh mục Nicolas Tri Bửu Nhơn, cha nhận lãnh sứ vụ linh mục năm 1978, tại họ đạo Trà Cú, và phục vụ ở đây 10 năm. Hai năm sau, cha phụ trách thêm họ đạo Vĩnh Lợi, thuộc vùng sâu vùng xa của huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng.

Cha Phêrô Tri Văn Vinh

1.

Suốt cuộc đời vị mục tử là những tháng ngày lặng lẽ với người nghèo, dấn thân loan truyền Lời Chúa. Những năm 80 của thế kỷ XX, Vĩnh Lợi còn rất hoang sơ, dân cư tản mát. Với tinh thần hăng say, nhiệt thành, ông cố trẻ khởi sự cất nhà thờ bằng lá, quy tụ giáo dân. Lúc chính thức đặc trách xứ Vĩnh Lợi, trông coi cả hai xứ khác trong vùng là Tân Thành và Ngã Năm. Cha mở lớp học tình thương, dạy phổ cập cho người lớn và trẻ em bậc tiểu học, mầm non - nơi mà ngày ấy (và mãi cho đến bây giờ) người miền Tây gọi là “trường nhà thờ”. Nơi đây, những mảnh gỗ vụn ghép thành bàn ghế, những tấm bìa cứng được dùng làm bảng, thầy cô giáo được mời từ nơi khác đến cùng sống chung với dân bản địa. Rồi ngài mở tiếp lớp cắt may, dạy nghề cho chị em phụ nữ, giúp thanh niên trong làng học nghề mộc để lập nghiệp và tìm học bổng cho học sinh nghèo. Khi các em thoát khỏi “ao làng” để ra học trường xã, cha đã sắm 2 chiếc vỏ lãi lớn để hằng ngày đưa rước, tạo phương tiện cho các gia đình vùng sâu thuận lợi trong việc cho con cái đi học. “Phải nghĩ tới cái sâu xa là lo cho tương lai bà con, vì họ nghèo, thiếu thốn nên cái nghèo cứ luẩn quẩn”, ông cố nói. Ngần ấy năm trôi qua, cha vẫn nhớ như in cái thời “Nhà thờ cách xa chợ hơn chục cây số, kênh rạch chằng chịt, mỗi lần đi chợ phải mua đồ dự trữ cả tuần cho học trò ở lại ăn, cho thầy cô giáo đứng lớp và cả người dân nghèo. Nhưng tình nghĩa thắm thiết, chan hòa lắm!”. Cha cũng thường xuyên mời các phái đoàn từ thiện ở Cần Thơ, Sài Gòn xuống khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho giáo dân. Ngài còn lặn lội, xông xáo cùng bà con xây cầu, đóng giếng nước ngọt, cất nhà tình thương, để đời sống, sinh hoạt của họ đỡ phần khổ cực. Dần dà, số tín hữu ở Vĩnh Lợi ngày một tăng lên, nhịp sống thêm phần khởi sắc.

Con đò đưa rước học sinh nghèo đến trường

Năm 1999, cha Phêrô rời Vĩnh Lợi về nhận nhiệm sở họ đạo Nam Hải. Tại đây, cha đã góp phần để hạt mầm ơn gọi được trổ sinh mạnh mẽ. Trong tổng số 9 thầy được cha tạo điều kiện sang Rôma du học thì đã có 5 người theo dòng Chúa Ba Ngôi được thụ phong linh mục. Nhiều nữ tu cũng sang Rôma và Philippines phục vụ theo sự hướng dẫn của cha và số còn lại đang tu học tại các giáo phận khác. Cứ thế, dòng chảy mục vụ của vị mục tử luôn là thăm hỏi, giúp đỡ người nghèo, ngay cả khi coi sóc các xứ Từ Xá, Thiết An, Trà Canh mà ngài được bề trên trao phó thêm.

Về An Hòa từ năm 2011 đến nay, khi bước sang tuổi xế chiều, ông cố vẫn luôn đồng hành với những mảnh đời khó nghèo. Họ đạo An Hòa nằm gọn trong trung tâm TP Cần Thơ, đời sống người dân có phần thoải mái, song vẫn có lắm hoàn cảnh bất hạnh đáng thương. Hình ảnh một linh mục từ tốn trao tận tay phần bánh mì ăn sáng cho người vô gia cư, bán vé số hoặc chạy xe ôm nghèo trong khu vực vẫn đọng lại trong tâm trí nhiều người. Mỗi tháng, cha tổ chức phát cơm hộp, gạo, nước mắm  miễn phí, cũng dành suất cơm trưa mỗi tuần cho các em sinh viên nghèo. Anh Phan Ngọc Châu, người có thời gian dài sinh hoạt trong ca đoàn họ đạo chia sẻ: “Cha là người điềm tĩnh, cẩn thận, luôn lo nghĩ cho đời sống giáo dân và những người nghèo khổ, kể cả các bạn thuộc tôn giáo khác có hoàn cảnh khó khăn”.

2.

Cha Vinh

Cha Vinh còn được biết đến trong vai trò là cha giáo thánh nhạc với thời gian 25 năm dạy tại Đại Chủng viện Thánh Quí và hiện là Trưởng Ban Thánh nhạc GP Cần Thơ. Cha có khá nhiều bài hát được sử dụng trong phụng vụ. Các sáng tác của ngài nhẹ nhàng, chất chứa tâm tình hiến dâng, phó thác như trong “10 Tình Khúc Tri Ân” hay giai điệu sâu lắng trong các ca khúc “Này con xin đến”, “Linh mục hỡi, người là ai?”, “Chính Mình Máu Chúa”… Nhớ lại thời ban đầu mới tập tành đến với âm nhạc, cha nhắc đến giai đoạn năm 1967, trong lúc đang tu học tại Long Xuyên, ngài đã gặp nhạc sư Tiến Dũng (khi ấy vừa du học từ Rôma về) và được học nhạc lý, hòa âm, rồi từ đó quyết định gắn bó với thánh nhạc. Hai năm sau, khi vừa tròn 20 tuổi, cha cho ra đời ca khúc đầu tiên “Điều răn mới”. Nói về cái duyên gắn với việc viết nhạc, cha chỉ khiêm tốn rằng, tất cả như một hồng ân. Ngài tâm sự : “Nhạc sĩ là người khác gọi mình, chứ mình chưa bao giờ dám nhận mình với danh xưng này, chỉ thi thoảng viết những giai điệu để chia sẻ với mọi người tâm tình ca tụng Chúa”. Đến nay, cha đã cho ra đời hàng trăm sáng tác được các thành phần Dân Chúa yêu mến đón nhận. Có lẽ, vì đồng hành với cuộc mưu sinh khổ cực của giáo hữu nên những khúc ca của cha nặng trĩu ân tình, nét dân dã thấm vào từng giai điệu và lời ca. Từ năm 2012 - 2016, cha còn phụ trách chăm sóc thiếu nhi địa phận. Cha mở các lớp huấn luyện huynh trưởng giáo phận, các lớp ca trưởng, thanh nhạc để truyền lại kiến thức và kỹ năng cho các em. Nhắc đến vị linh mục nhạc sĩ này, cô sinh viên Vũ Thị Ngọc Huyền quê ở Kiên Giang trầm trồ: “Nhạc của cha mang âm hưởng dân ca và dễ đi vào lòng người. Cha gần gũi, nhẹ nhàng, lo lắng từ chút một cho mọi người. Dù học tập xa nhà nhưng được sinh hoạt tại giáo xứ này, tôi vẫn thấy ấm cúng, đỡ nhớ quê”.

Sắp qua tuổi thất thập, tóc đã ngả màu và sức khỏe suy giảm, nhưng ngọn lửa phục vụ của thời trẻ vẫn bừng cháy, thôi thúc cha tiếp tục cống hiến, hy sinh cho tha nhân và cho nghệ thuật. Cả cuộc đời dâng hiến, vị mục tử luôn trong tâm tình tri ân Đấng đã chọn mình, như lời một khúc ca ngài đã viết: “Tán dương Chúa Cả hết lòng trí tôi. Đấng thương tôi thân phận tôi tớ, ban hồng ân cao cả thay, khiến muôn dân khen rằng diễm phúc. Danh Ngài thật chí thánh chí tôn” (Tình khúc tri ân 7).

HÙNG LUÂN


Ca khúc “Chính Mình Máu Chúa” được cha Phêrô Tri Văn Vinh viết năm 1977, khi còn là chủng sinh, trong dịp Tuần Thánh, sau đó được linh mục nhạc sĩ Thành Tâm phổ biến ở TPHCM.

Tình khúc Tri ân 1 sáng tác vào dịp cha chịu chức linh mục ngày 23.7.1978, cùng với bài “Này con xin đến”, được hát trong ngày cha được bước lên Bàn Thánh.

Tình khúc tri ân 2,3,4 ra đời năm 1980 dịp kỷ niệm 25 năm thành lập GP Cần Thơ (1955-1980), và được hát trong thánh lễ tạ ơn do chính tác giả điều khiển ca đoàn.

Tình khúc tri ân 5 được viết vào dịp Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, người anh họ của cha chịu chức linh mục ở giáo xứ Xuân Hòa năm 1987.

Tình khúc Tri ân 6 sáng tác nhân kỷ niệm 10 năm linh mục khi đang làm cha sở ở Tân Thành (1988).

Tình khúc Tri ân 7 mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, ra đời vào dịp cha dạy Dân ca Việt Nam cho các chủng sinh (1989)

Tình khúc tri ân 8, 9, tác giả không nhớ rõ năm sáng tác. Còn Tình khúc Tri ân 10 viết dịp cha cùng lớp đi linh thao ở Đà Lạt để kỷ niệm 15 năm linh mục (1993).

CD “Tình khúc tri ân” được linh mục nhạc sĩ Tri Văn Vinh thực hiện đầu tiên năm 1996.

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm