Say mê nghiên cứu triết học, linh mục Giuse Hoàng Sỹ Quý (dòng Tên, SJ) đã dung hòa niềm đam mê vào công việc mục vụ để càng thêm hăng say dấn thân trong cuộc đời mục tử.
HƯNG GIÁO VĂN ĐÔNG
Cha kể rằng mình nhận ra ơn gọi khá muộn so với bạn đồng trang lứa, lúc tuổi đời đã đôi mươi. Sinh ra tại Phú Nhai (GP Bùi Chu), những bước đầu tiên trên đường dâng hiến của cha khi ấy là ở khuôn viên của chủng viện Bùi Chu, tại đây, được học tiếng Latinh, và “bén duyên” với thần học, triết học. Nhận chức 4 ở chủng viện, cha chuyển sang tu học tại dòng Tên khi dòng trở lại Việt Nam để được tiếp tục đào sâu hơn những kiến thức tưởng như khô khan ấy và đưa vào phục vụ tha nhân.
|
Lựa chọn nghiên cứu triết học Đông Phương, cụ thể là triết học Ấn Độ - một nhánh triết ít ai theo đuổi, cha vừa rèn luyện bản thân theo linh đạo dòng, vừa học tập, làm giàu tri thức. Theo vị mục tử, nếu biết kiên nhẫn tiếp thu ngay từ buổi đầu thì triết học không khó như nhiều người vẫn tưởng; dần dần ngày qua ngày, những kiến thức ấy sẽ thành hơi thở, thành tư duy giúp con người nhìn nhận sự vật, sự việc theo nhiều chiều hướng khác nhau, từ đó tầm nhìn sẽ càng thêm rộng mở. Năm 1962, cha sang Rôma du học về triết học trong thời gian 4 năm và sau đó tiếp tục học thêm 2 năm tại Pháp. Dấu ấn khó quên của khoảng thời gian này là ngày 26.6.1965, cha được lãnh nhận thánh chức linh mục tại Roma. Đây là điểm son đánh dấu sự dấn bước trong đời sống thánh hiến.
Tốt nghiệp tiến sĩ triết học Ấn Độ, cử nhân thần học, cha về nước năm 1968 và đi dạy tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, Đại học Văn khoa Huế, Giáo Hoàng Học viện Piô X… Từ những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người trong giới nghiên cứu giai đoạn đó, cha đã nhanh chóng thành lập phong trào Hưng Giáo Văn Đông (Chấn hưng tôn giáo và văn hóa Đông phương) quy tụ những tên tuổi như Nghiêm Toản, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Bá Lăng, Đỗ Bằng Đoàn…., là các trí thức luôn suy tư, tìm hiểu về văn hóa Đông phương. Khởi đầu từ việc tổ chức các buổi thuyết trình (báo cáo khoa học) tại trường Quốc gia âm nhạc, tiếp đó cha cùng các cộng sự của mình mở nhà xuất bản và cho ra mắt tạp chí Phương Đông (năm 1971), hoạt động được 7 năm (1968 - 1975), nhằm phổ biến rộng rãi những tài liệu về lãnh vực này đến cộng đồng.
![]() |
Di sản cha để cho các thế hệ sau không chỉ giúp phát triển đời sống đạo của người Công giáo, mà còn làm phong phú nguồn tri trhức cho cả những người chưa biết Chúa Kitô |
Từ giữa thập niên 1970, khi phong trào không còn hoạt động, cha tiếp tục công việc giảng dạy thần học, triết học tại Học viện dòng Tên, dòng Đức Bà Truyền Giáo và nhiều nơi khác. Dù đi đâu, dạy ở lớp nào, mong muốn của cha là giúp các linh mục, tu sĩ không ngừng học hỏi kiến thức làm hành trang vững chãi khi ra đi phục vụ muôn dân. Cứ thế, cha miệt mài làm việc, cầu nguyện không ngừng cho đến cách đây hơn 1 năm thì dừng lại công việc dạy học khi bước qua tuổi 90.
HỘI NHẬP VÀ ĐỐI THOẠI
Dạy và viết là hai yếu tố gắn liền trong cuộc sống của cha. Đến nay, khi đã chính thức nghỉ hưu, vị linh mục lão thành vẫn thường viết bài cho nguyệt san của báo Công giáo và Dân tộc. Ngoài tên thật, cha còn dùng bút danh là Hoành Sơn (được lấy từ câu “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” của Nguyễn Bỉnh Khiêm) trong những bài viết, tập sách của mình như một cách nói lên tình yêu đất nước và dân tộc. Với đề tài xoay quanh tôn giáo, con người…, mỗi tác phẩm là những phân tích, lý giải thực tế, là định hướng sống gần gũi dành cho mọi người cả trong lẫn ngoài Công giáo.
Những tác phẩm Hội nhập văn hóa và tầng nền tâm hệ Việt Nam, Một vài gợi ý về văn hóa Việt và sống đạo…, thể hiện cái nhìn riêng chất chứa đầy trăn trở trong việc truyền giảng Phúc Âm tại Việt Nam. Trong bài 40 năm một cố gắng hội nhập văn hóa, ngài cho biết: “Xưa kia, rất nhiều anh em chủng sinh Bùi Chu chúng tôi đã ngưỡng mộ tinh thần thích nghi (văn hóa) của các nhóm Matteo Ricci bên Trung Quốc và Di Nobili bên Ấn Độ. Riêng tôi thì quyết chí đi theo dấu chân của họ, và bắt đầu ngốn ngấu các sách viết về Triết lý Đông phương. Để rồi sau khi vô dòng Tên, tôi thiết tha xin và được chấp thuận đi chuyên ngành Triết Ấn”. Cần nói thêm, ngay từ những ngày hoạt động cùng phong trào Hưng Giáo Văn Đông, cha đã thành lập 3 nhóm Triết Đông, Thiện Chí và Gia Đình Nhập Thể để vừa có nhân sự hoạt động, vừa vun trồng lý tưởng hội nhập văn hóa cho người trẻ. Hầu hết thành viên của nhóm là các sinh viên luôn hăng say trong việc hội nhập sứ điệp Kitô giáo vào trong nền văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, nhóm Gia Đình Nhập Thể được thành lập năm 1970 với trách nhiệm xây dựng các buổi thuyết trình và tổ chức thánh lễ ngày Chúa nhật, được gọi là “thánh lễ nhập thể”. Kể về các hoạt động ngày trước, luật sư Nguyễn Văn Phương - một thành viên trong nhóm tiếc nuối: “Khi ấy, thánh lễ quy tụ hàng trăm người, có cả sự tham gia của người ngoài Công giáo. Có người đã cảm nhận được sự gần gũi của lễ nhập thể và gia nhập đạo. Bây giờ dù đã không còn sinh hoạt như xưa, nhưng mỗi khi có dịp, mấy người chúng tôi lại về bên cha để cùng dâng lễ, học tập, trao đổi về đạo trước những vấn đề thời đại và văn hóa”.
![]() |
Trong thao thức về việc đối thoại giữa Công giáo với các tôn giáo bạn, năm 1972, cha xuất bản cuốn sách Vấn đề đối thoại tôn giáo, nói về lịch sử đối thoại liên tôn, môi trường cứu độ trong các tôn giáo và ân sủng nơi các tôn giáo Đông phương. Sau đó là các bài viết như Có thể đối thoại với anh em Hồi giáo?, Từ bi Phật giáo với Đức ái Kitô giáo. Những phân tích, suy nghĩ đa chiều của cha trong từng sự việc không chỉ mang lại cho độc giả cái nhìn khách quan mà còn góp phần cho các giáo hữu trong hay ngoài Công giáo thêm hiểu biết và có thể đến gần nhau hơn. Bên cạnh đó, ngài cũng viết các đầu sách về triết sử Ấn Độ, về con người, về tính dục nhìn từ góc độ phương Đông… Có thể nói tất cả các tác phẩm đó là di sản quý giá mà cha lưu lại cho các thế hệ sau.
Hơn 50 năm đời linh mục, trải qua bao thăng trầm lịch sử, cha đã hòa tan đam mê nghiên cứu triết học, thần học vào ơn gọi Chúa trao, để luôn hăng say phục vụ không ngừng. Ngài chia sẻ lúc chia tay chúng tôi: “Bây giờ mắt đã mỏi, tay đã run, cần đến sự nâng đỡ của anh em trong sinh hoạt thường ngày. Trong giới hạn bản thân, tôi cố gắng không buông ngòi bút để khi nào còn hiện diện thì lúc đó mình còn gởi đến mọi người những gì mình có nhờ ơn Chúa ban”.
Thánh lễ nhập thể được thử nghiệm không chính thức từ năm 1974, hoàn thiện vào đầu năm 1976, và đệ trình Đức Tổng Giám mục TGP.TPHCM Phaolô Nguyễn Văn Bình xét duyệt. Sau khi được Đức cha Phaolô cho phép, cha Quý cùng với nhóm Gia Đình Nhập Thể chính thức áp dụng. Và từ đó, thánh lễ nhập thể được cử hành trong nhà nguyện phụ của Trung tâm Đắc Lộ, có ca đoàn do nhạc sĩ Hùng Lân phụ trách. Đôi khi, thánh lễ cũng được cử hành tại các xứ đạo hay dòng tu. Thánh lễ nhập thể có những phần được rút từ các bản văn phương Đông dựa trên quan điểm thần học. Cụ thể, sau phần Bài đọc, thánh lễ bước vào kinh Tiền tụng được cấu trúc lại theo trình tự Văn chúc Việt Nam: “Hôm nay, (Canh thìn) niên tháng hai, ngày lễ (Nhập thể, tức Truyền tin), tại đây, thánh đường (Vô Nhiễm thuộc giáo phận Xuân Lộc), chúng con, tín hữu thuộc giáo xứ, đồng hướng về Trời trong sự cung chiêm ngây ngất, dâng lên Cha lòng tôn sùng hiếu thuận, dâng lên Con sự trìu mến tri ân...”. |
MAI LAN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.