Đối với giáo dân giáo xứ Russeykeo (GP Xuân Lộc), cha sở Phaolô Đoàn Thanh Phong là “chất keo” tình thương gắn kết mọi thành viên của xứ.
Những hồng ân Chúa ban
Russeykeo hiện có khoảng 8.000 giáo dân, một con số không phải quá đông nơi giáo phận Xuân Lộc có tới gần 1 triệu tín hữu, tuy nhiên xứ đạo luôn đầy tràn sức sống. Thánh lễ ngày thường dành cho thiếu nhi kín hết nhà thờ. Còn lễ ngày Chúa nhật hằng tuần, thiếu nhi phải ngồi tràn lên cả trên cung thánh. Gắn bó với giáo xứ tới nay được 8 năm, từ cha phó rồi trở thành cha sở, trước chỉ coi sóc thiếu nhi, nay lo toàn bộ việc xứ nhà, cha chánh xứ Phaolô Đoàn Thanh Phong đã đúc kết cho mình những kinh nghiệm mục vụ để đồng hành và tiếp bước các vị tiền nhiệm vun đắp cộng đoàn giáo xứ ngày càng vững mạnh.
|
Ông cố băng vết thương cho trẻ bị thương |
Sinh năm 1972, cha thụ phong linh mục năm 2010. Russeykeo cũng chính là điểm hẹn cho những bước chân đầu đời mục tử của cha. Trong câu chuyện với chúng tôi, cha luôn ví cuộc đời mình như những nốt nhạc thiêng, lúc trầm lúc bổng, nhưng chung quy lại đều nhờ ơn Chúa để bản nhạc cuộc đời được tiếp diễn một cách êm xuôi. Những ngày đang là chủng sinh năm thứ 5 của Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc, cha bị chẩn đoán mắc phải căn bệnh u tủy sống, dễ làm bại liệt, thậm chí tử vong. Căn bệnh quái ác ban đầu từng khiến cha nhiều lần cảm thấy chán chường, muốn buông xuôi. Nhưng về sau, khi nhận ra đó chính là thánh giá Chúa gởi trao để thông phần đau khổ với Ngài thì cha đón nhận một cách bình tâm và tin tưởng phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. “Trước khi nhập viện để mổ, tôi đã được xức dầu, các cha trong chủng viện dâng lễ cầu nguyện. Bản thân lúc này cũng chuẩn bị tâm lý cho điều xấu nhất. Vậy mà cuộc phẫu thuật thành công mỹ mãn. Sau khi tỉnh dậy tôi đã bật khóc và chỉ biết dâng lời cảm tạ Chúa. Chính giây phút đó giúp tôi quyết tâm sau này phải trở thành một người tông đồ nhiệt thành cốt để cảm tạ những hồng ân Chúa đã trao ban”, cha kể lại về biến cố lớn mình đã trải qua.
Chính vì được yêu thương nên hai chữ “yêu thương” cũng là đường hướng cha chọn làm kim chỉ nam trong đời mục tử của mình, bằng cách hăng say làm bác ái. Ở Russeykeo, các hoạt động này trải đều trong năm, từ tổ chức tặng quà cho người nghèo hằng tháng, phát học bổng cho học sinh, sinh viên, đến hỗ trợ một phần giúp dựng lại căn nhà dột nát, xập xệ cho những gia đình nghèo… Giáo xứ cũng là điểm sáng tại địa phương về chương trình hiến máu nhân đạo. Dù ở trong bất kỳ công việc nào, cha luôn sát cánh cùng bà con, cánh cửa nhà xứ vì thế rộng mở mọi lúc, biến nơi đây trở thành mái nhà chung cho những ai có việc cần hay muốn chia sẻ chuyện vui, chuyện buồn. Chẳng hạn như hôm đang ngồi trò chuyện với cha, một em bé bị té chảy máu chân nhưng không về nhà mà tìm vào phòng cha xứ: “Chân con bị chảy máu”. Cha bỏ dở câu chuyện đi tìm thuốc rửa, băng bó vết thương và ân cần dặn dò: “Đừng chơi nữa, để khi nào lành rồi hẵng chơi. Về nhà con nhớ cho ba mẹ biết là chân đau vì bị té nghe chưa”. Cái gật đầu và tiếng dạ vâng từ lâu đã là thứ ngôn ngữ giản dị nhưng rất đỗi quen thuộc giữa vị chủ chăn và các tín hữu Russeykeo.
|
Trong từng công việc, đi đôi với lời nói cha là người đầu tiên xắn tay áo thực hiện (trong hình cha Phong cùng làm nhà giáo lý với bà con) |
Giáo xứ là một đại gia đình
Cha Phaolô khuyến khích mọi người chung tay xây dựng một cộng đoàn liên đới. Khi trong xứ có người qua đời thì cha xứ, các ông trùm đến thăm viếng, túc trực, còn giáo dân khu xóm phụ vào mỗi người một tay giúp gia chủ chu toàn việc tang hiếu. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, những người có chức việc lại phân chia đến từng nhà để thăm và chia vui đầu năm với bà con. Từ nhiều năm nay, vào tháng Mân Côi, ông cố đều dành thời gian luân phiên đi từng gia đình để cùng tham dự giờ kinh liên gia… Thường xuyên đi và thăm hỏi động viên nên tình cha con ngày thêm bền chặt, qua đó cha còn nắm được tình hình, hiểu hơn cuộc sống người dân.
Môi trường cũng là vấn đề cha hằng quan tâm. Ngoài việc giữ cho khuôn viên nhà xứ luôn sạch đẹp, cha còn lưu ý tới cả cộng đồng dân cư. Từ sự kêu gọi và đi đầu thực hiện của cha nên nhiều dịp trong năm, các tín hữu cùng nhau quét dọn đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm để nơi mình ở sạch hơn, đẹp hơn. Dần dà giáo dân đã hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Không chỉ lo bên ngoài, môi trường bên trong tâm hồn cũng cần phải sạch đẹp. Vậy là trong bài giảng hay những cuộc gặp gỡ, cha khuyên giáo dân đối xử tốt với nhau, không sa vào tệ nạn như bài bạc, rượu chè, đá gà. Gặp trường hợp giáo dân lỡ dây dưa với những món này thì tìm lúc thuận tiện chỉ có hai người, cha nhẹ nhàng khuyên bảo để họ bỏ đi thú vui không lành mạnh.
|
Các hoạt động trong xứ cha đều tham gia để như là nguồn động viên với giáo dân |
Trong việc bồi đắp đức tin cho thế hệ trẻ, cha Phaolô và phụ huynh tạo thành mối dây liên kết chặt chẽ theo sát các em. Cha còn chú tâm đào tạo đội ngũ giáo lý viên nhiệt thành, giàu chuyên môn qua những lớp bồi dưỡng kỹ năng tại giáo phận hay tại giáo xứ do chính mình đứng lớp.
Với vai trò người chủ chăn nên trong mỗi công việc, đi đôi với lời nói, cha luôn là người đầu tiên xắn tay áo thực hiện, giáo dân noi theo cộng tác đắc lực vào việc chung, giáo xứ vì thế hiệp nhất thành một tập thể gắn kết. Như để minh chứng cho điều đó, chỉ tay vào dãy nhà giáo lý vừa hoàn thiện, cha Phong nói: “Khi xây dựng bất kể một công trình gì, nhà xứ chưa bao giờ phải lo lắng về nhân công”. Qua bàn tay dìu dắt của cha, Russeykeo tiếp tục đà lớn mạnh, riêng cha xem đó như là bước đi ban đầu cho những dự định ấp ủ phía trước.
Bên cạnh việc coi sóc Russeykeo, hiện cha Phong còn đảm đương nhiệm vụ Trưởng ban Văn hóa của GP Xuân Lộc. Một lúc trên vai hai trách nhiệm nặng nề nhưng cha tâm niệm: “Ðược giáo phận tin tưởng giao phó thì bản thân phải cố gắng hết sức. Cứ cố gắng hết mình, Chúa sẽ sắp xếp để mọi việc tốt đẹp”. |
PHÚ THỊNH
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.