Trong suốt cuộc đời mục tử của mình, kể từ khi bước lên bàn thánh, cha Giuse Nguyễn Hữu Cường, giáo sư Ðại Chủng viện Thánh Quí Cần Thơ đã sống bằng tất cả tình yêu…
Cái Răng, một chiều cuối xuân đầu hè…
Hai giờ, chúng tôi tới chào cha như lịch hẹn. Trời oi ả. Khách đợi cửa vài phút. Bên căn phòng nhỏ ở dãy nhà phía sau, hôm nay, tôi mới có dịp nhìn kỹ khuôn viên, cảnh vật. Ðây không phải lần đầu tôi đặt chân đến mảnh đất này mà đã tới lui nhiều lần rồi. Ðơn sơ và thanh tịnh thật. Ðúng dành cho người tu cư ngụ. Tiếng cửa cót két. Cha bước ra ngoài, niềm nở.
“Dường như ông cố vừa đi đâu về thì phải?”, khuôn mặt cha hiện lên nét mệt nhọc, tôi hỏi.
“Ừ, cha mới có việc đi ra ngoài!”.
Ðảo quanh một vòng, căn phòng vị mục tử bấy lâu cũng vậy, kiểu bày trí đơn giản, đầy những sách là sách. Dù suốt 15 năm nay, cha đã được Ðức Giám mục địa phận rút khỏi giáo xứ để lo việc giảng dạy cho các chủng sinh, nhưng việc mục vụ của ngài không chỉ vậy, ông cố vẫn ôm vào lòng những mối bận tâm của bổn đạo, giúp đỡ người nghèo.
Gặp cha, tôi có cảm giác như gặp một chứng nhân…
Thời mà cha giúp xứ có trên dưới 50 năm, nghĩa là từ khi đất nước còn trong những ngày chiến tranh. Năm 1972, cha Cường được Ðức cố Giám mục Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang truyền chức linh mục khi 29 tuổi. Lần lượt sau đó, vị mục tử trẻ được gởi về các xứ nghèo Sóc Trăng, Xuân Hòa, Ba Trinh, Ðại Hải…, những địa chỉ hẻo lánh, nơi mà dường như cho đến tận bây giờ dù kinh tế đã có phần thay đổi vẫn còn bị ngán ngẩm bởi xa xôi. Vốn là người gốc bắc, vào nam tu tập và rồi mục vụ ở chốn miệt vườn sông nước, cha chẳng ngại khó, xông xáo nhiệt thành. Thời gian trôi qua lâu, nói về chuyện cũ, ký ức cha càng bừng dậy. “À, không biết đi đò thì tập. Ði cùng giáo dân, người ta dạy cho cha. Rồi tự làm ruộng, trồng mía, đắp sình… lao động chung với tất cả anh em. Ngày đó khó khăn lắm. Con biết vùng đồng bằng mình, hơn 40 năm trước có cuộc sống ra sao mà! Dẫu vậy, giữa cha xứ và giáo hữu thân thiết, tình nghĩa lắm”, cha kể.
Với các cha giáo và chủng sinh ĐVC Thánh Quí Cần Thơ |
Biết chúng tôi làm báo đi nhiều, cha Cường hỏi thăm các bổn đạo miền quê mà cha từng coi sóc, những người giờ đây đã là bậc ông, bà. Một số đã qua đời, số khác yếu đi vì tuổi tác, kể cả những “đứa sinh viên” ngày ấy được cha dày công uốn nắn nâng đỡ nay cũng đã là cha, là mẹ. Ðể có được những xứ đạo bền đỗ trong đức tin từng tín hữu và phát triển như ngày nay, không thể nào bỏ qua sự đồng hành tận tình của cha. “Sau 1975, mọi thứ còn hoang sơ, hồi ấy cha ở Xuân Hòa, lo dựng lại nhà thờ, lo kinh kệ, cuộc sống cho bà con, rồi cha coi luôn họ Ba Trinh cách đó mấy cây số. Gắn bó với giáo dân hầu như trong mọi mặt. Ðến những năm 90, cha về Ðại Hải, lúc đó đất nước mở cửa, cuộc sống vào giai đoạn mới nhưng giáo dân vẫn còn nghèo, làm nông là chính. Mà chỉ bám vào nông nghiệp thì mãi không khá lên được!”, cha hồi tưởng.
Và rồi, một mặt giúp đỡ cuộc sống tín hữu, mặt khác cha gầy dựng cho thế hệ trẻ. Cha tìm nguồn học bổng, mở lưu xá cho con em từ các xứ quê ra trường cấp ba trọ học. Nhờ vậy mà những đứa trẻ sinh ra từ làng dần dần được đặt chân vào cổng trường đại học, cao đẳng nhiều hơn. Ngược dòng thời gian về thời điểm cuối thập niên 1990, đối với dân đồng bằng, gia đình nào có con vào được đại học, cao đẳng là một điều sung sướng đến tự hào, không phải chỉ bởi áp lực thi cử mà còn là vì hoàn cảnh kinh tế gia đình. Ða số ngay khi còn ở trung học đã phải nghỉ ngang chừng để mưu sinh. Bà Lê Thị Sáng, 61 tuổi, người gốc Ba Trinh nói với chúng tôi về cha trong niềm quý mến: “Một câu ngắn gọn thôi là cha hết lòng cho con chiên. Không chỉ lo chuyện nhà thờ, đạo đức, kinh sách cho giáo dân, mà còn lo cho cả đời sống, đau nỗi đau của tha nhân. Thời buổi ấy khổ sở và cha Cường gầy hao tâm trí”.
Giáo xứ Xuân Hoà, nơi một thời cha gắn bó miệt mài phục vụ |
Ðồng hồ treo tường điểm mấy tiếng chuông.
5 giờ, ngoài sân đã có nhiều thầy bắt đầu tập thể dục. Cuối năm 2003, cha về dạy tại Ðại Chủng viện này. Chúng tôi không ngạc nhiên chút nào khi nghe cha nói phụ trách mảng mục vụ giáo xứ. Cũng dưới dòng suy tư ơn gọi, cha bồi hồi về những ngày đầu của mình. Khi chỉ 11, 12 tuổi, cha đã rời gia đình vào học tại Tiểu Chủng viện Thái Bình ở Phan Rang. Rồi qua nhiều năm đào luyện, cha tiến bước lên bàn thánh. Ngày ấy cha đi tu vì thấy các cha xứ gần gũi, giúp người nghèo trong làng xóm mình. Về vấn đề đào tạo linh mục, vị mục tử thao thức: “Cần phải xác tín rằng đào tạo linh mục là công trình của Thiên Chúa. Vì với sức có hạn của con người thì không làm sao làm nổi. Những người thầy đồng hành trong ơn gọi chỉ là những người cộng tác, góp sức với Chúa mà thôi. Ngày nay, người ta dễ lầm tưởng giữa ‘làm linh mục’ và ‘là linh mục’. Linh mục không phải là cái nghề để dựa vào đó tìm lợi lộc cho bản thân nhưng là một sứ mạng. Người được lãnh nhận cốt để phục vụ người khác. Linh mục không làm theo giờ giấc quy định nhưng luôn có mặt khi bổn đạo cần và tiên vàn phải sống vì giáo dân mình và càng biết trăn trở cho đoàn chiên mình”.
Trở lại nơi cha, bổn đạo nhìn thấy rõ những điều mà ngài tâm huyết. Cả một tuổi trẻ cha miệt mài, cho đến khi tóc bạc da mồi cha vẫn nặng lòng với giáo hữu, nhọc tâm trong đào tạo con người vì tình yêu Chúa, yêu sứ mạng mà chính bản thân đã được gọi mời…
Chúng tôi khép lại cuộc gặp khi trời đã nhá nhem tối. Những con đường, con hẻm lên đèn rộn ràng. Chưa bao giờ tôi thấy Cần Thơ ấm áp và yên bình như thế. Sự yên bình không do cảnh vật mang lại mà xuất phát từ cái gì đó, rất sâu.
HÙNG LUÂN
Bình luận