Sau thời gian đi bộ đội, cha trở về và tiếp tục con đường tu trì. Một số thói quen trong thời kỳ quân ngũ cũng được cha mang theo trong quá trình phục vụ sau này. Cung cách làm việc của cha thường gắn liền với hình ảnh lao vào đời, không ngại dấn thân. Đó là linh mục Phaolô Lê Văn Nhẫn, chánh xứ Cái Bông, giáo phận Vĩnh Long.
Trái tim ông cố trẻ…
Cha luôn xuất hiện trong những bộ đồ giản dị cùng vẻ xuề xòa, xởi lởi của người miền Tây Nam bộ. Tiếp chúng tôi trong buổi chiều muộn, cha mặc chiếc áo thun đơn giản, quần vải kiểu “âm lịch” (gút dây thun). Nghiền ngẫm quãng đời đã qua, cha bất giác mỉm cười về tính cách mà nhiều khi cha gọi vui là làm liều.
Sinh năm 1966, từ nhỏ cha tu học tại Tiểu Chủng viện Vĩnh Long. Năm 19 tuổi, tạm gác lại ước mơ dấn thân cho Chúa, cha vào quân ngũ, sang tận chiến trường Campuchia. Trong thời gian này, cha nhận ra, chỉ có bên Chúa và phục vụ Ngài tâm hồn mới thực sự thanh thản. Những vết thương và căn bệnh sốt rét hoành hành nhiều lúc tưởng chừng đánh gục người trai trẻ. Khi đó, cha thầm hứa nếu được hồn an xác mạnh trở về thì sẽ ra sức làm tất cả vì Chúa. Năm 1991, ba năm sau ngày rời quân ngũ, cha vào học tại Đại Chủng viện Thánh Quý Cần Thơ.
Năm 1999, cha thụ phong linh mục và nhận bài sai về làm phó xứ Bến Tre. Cha sở Phêrô Nguyễn Văn Hiến lúc này đã lớn tuổi nên mỗi Chúa nhật (chưa kể ngày thường có lễ trọng hay bổn mạng các hội đoàn), một mình cha chạy đôn chạy đáo lên Mỹ Hóa, Cái Nứa; xuống Giồng Quýt, Giồng Ổi (những giáo xứ, giáo họ được giao cho các cha ở Bến Tre coi sóc) dâng lễ cho bà con. Năm 2006, Bến Tre có thêm cha phụ tá và cha Nhẫn được cử về làm chánh xứ Giồng Quýt và kiêm nhiều họ đạo liền kề. Tháng 12.2014, cha chuyển về Cái Bông.
Tại các nhiệm sở, có nơi vừa mới được khôi phục sinh hoạt nên ông cố trẻ phải tự đứng lớp giáo lý, đào tạo đội ngũ giáo lý viên, kiêm luôn việc tập hát ca đoàn, giật chuông nhà thờ… Bên cạnh mối quan tâm về đời sống đạo hạnh, công việc bác ái cũng được cha chú tâm không kém, nhất là với thiếu nhi cùng người già. Trung bình mỗi năm học có đến gần 20.000 cuốn tập được cha phân phát. Mấy gia đình quá nghèo không lo nổi cho con, cha tìm cách giúp trang trải học phí. Người lớn tuổi khi đau yếu bệnh tật gặp khó khăn, cha giúp đi nhà thương, lo luôn tiền thuốc thang, xe cộ. Thi thoảng cha lại dúi vào tay các ông bà lão dăm ba trăm ngàn để họ mua ít bánh trái bồi bổ.
Ông cố căm cụi làm lồng đèn chuẩn bị cho thiếu nhi chơi Trung Thu |
Cái Bông là vùng đất bị nhiễm mặn nên vào các tháng nắng thường thiếu nước ngọt trầm trọng. Lúc này, cha ngược xuôi tất bật chạy qua các công ty cấp nước, nhà máy làm nước đóng chai tìm sự trợ giúp, vài ba ngày lại thuê xe chở về chia cho bà con. Mới đây, cha vừa cho lắp hệ thống máy lọc nước công suất lớn đặt trong nhà xứ. “Giếng nước của ông cha đã giúp chúng tôi bớt đi nỗi lo, nhờ đó tiết kiệm được khoản chi không nhỏ”, ông Hồ Văn Phong, một người ngoài Công giáo hồ hởi khoe. Hiện cha cũng đang suy nghĩ tìm cách lắp một số máy lọc nước nhỏ cho từng khu vực.
… mục vụ đường phố
Năm 2000, Internet phát triển, game online và chat Yahoo Messenger bắt đầu thịnh hành. Trước xu thế đó, cha mày mò tìm hiểu công nghệ vì biết rằng, bên cạnh những cái lợi mà Internet mang lại bao giờ cũng có những hệ lụy đi kèm, nên phải biết rõ mới có hướng tháo gỡ. Hơn nữa, cùng với mấy cha dòng Don Bosco, cha còn tìm cách mục vụ online, nghĩa là thông qua chat Yahoo để lắng nghe tâm sự, chuyện đời, chuyện tình của các em... Nhờ vậy, cha phần nào hiểu được những trăn trở của giới trẻ trong xứ để hướng dẫn, nâng đỡ. Thậm chí, còn phát hiện ra những thanh thiếu niên vướng vào ma túy và không ít lần cứu được mấy em có ý định tự tử.
Nhà máy nước giúp giải quyết bài toán nước sạch tại giáo xứ |
Ngày ở Bến Tre, cha thường lui tới những quán cà phê, nơi cánh xe ôm, xe tải hay tập kết chơi ma túy để tìm cách khuyên nhủ, phân tích thiệt hơn. Và hiệu quả cũng rất khả quan. Đến khi về Giồng Quýt, cha tình cờ biết được có tệ nạn cờ bạc trong đám tang, từ tính chất vui chơi ban đầu để thức qua đêm cùng gia chủ chuyển sang sát phạt ăn thua. Thế là có đêm, cha đi một mình, có đêm cùng với mấy người trong xứ rảo bước ngoài đường đến tận 1, 2 giờ sáng, để gặp gỡ, tỉ tê lợi – hại. Theo cha, các tệ nạn khó có thể chấm dứt ngay lập tức nên phải giúp chuyển biến từ từ. “Bài tiểu luận tôi làm trước khi kết thúc chương trình Đại Chủng viện có tên là ‘Hệ thống giáo dục dự phòng của Thánh Don Bosco đối với thanh thiếu niên ở một xứ đạo’. Dự phòng là đi trước, từ đó lèo lái theo hướng tốt hơn, rồi kiềm chế lại. Muốn vậy, bắt buộc bản thân phải ra đi và hòa mình vào xã hội”, cha giải thích. Với mấy em nhỏ nghiện game, cha kiên nhẫn ngồi hàng giờ dạy dỗ, rồi bàn với gia đình tìm biện pháp giáo dục cai giảm. Cha cũng khuyên người lớn phải thường xuyên trò chuyện với con em. Riêng cha không bao giờ kêu những bạn trẻ chẳng may nghiện ma túy tới nhà xứ la rầy mà lẳng lặng tới nhà nhẹ nhàng nói chuyện để giữ thanh danh cho họ. Nhiều người nghiện đã được chính cha giúp đưa đi cai. Để chấm dứt nạn bài bạc trong đám ma, cha cùng vài giáo dân tạo thành một nhóm chuyên đi thăm viếng, đọc kinh từ 10 giờ tối đến 2 giờ sáng. Chính thời khắc hiện diện của ông cố đã làm những người muốn bài bạc e dè. “Việc làm của cha như liều thuốc tinh thần giúp nhiều người nhận ra và từ bỏ con đường sai trái”, anh Lê Minh Việt, người từng rong ruổi với cha nhiều năm qua chia sẻ.
Cha Nhẫn quan niệm, để thâm nhập được vào các tụ điểm, bản thân cũng phải đủ kinh nghiệm. Vậy nên giáo dân lắm khi cằn nhằn vì ở đâu cũng thấy cha hiện diện. Đến khi hiểu ra, họ lắc đầu, le lưỡi!
Chia tay cha, tôi bất chợt hỏi tối nay chắc cha được nghỉ ngơi ở nhà? Cha cười: “Đi chứ, mới có một gia đình có đám tang mà !”.
ĐÌNH QUÝ
Bình luận