Thứ Năm, 05 Tháng Ba, 2020 15:17

“Món quà” cho tha nhân

 

Thụ phong linh mục ở Ðại Chủng viện Thánh Quí năm 1994, đến nay đã ngoài 25 năm sống đời thánh hiến, với cha Micae Phạm Tất Thắng là hơn chín ngàn ngày trân trọng từng cơ hội để trở nên mục tử nhân lành của Chúa và “món quà” cho tha nhân.

 

Dường như một phần tư thế kỷ trôi qua trong cái “chớp mắt”, lẹ ghê! Ông cố lặng người, “tua” lại ngần ấy thời gian:“Tất cả là nhờ ơn Chúa chứ cậy dựa sức mình, há chẳng làm nên công trạng gì”. Tâm tưởng này theo cha đến mọi nơi mình dừng chân phục vụ. Từ những ngày đầu sau khi tiến chức, cha làm phó xứ Chánh tòa giáo phận, phụ giúp công việc tại Tòa Giám mục, coi sóc dự tu, đồng thời phục vụ tại giáo điểm Cản Ðá. Sau đó, ngài được bề trên sai về phụ trách giáo xứ Hòn Ðất, rồi đến Lộ Ðức và hiện tại là giáo họ biệt lập Antôn, kênh C2 (GP Long Xuyên). “Lộ trình” vừa nêu cho thấy lúc nào vị mục tử cũng trong tâm thế sẵn sàng lên đường.

 

DẤU ẤN CẢN ÐÁ

Nơi nào đã qua, lòng lại chẳng yêu thương, dẫu ở đâu trong cảnh ngộ nào cũng để lại nơi vị linh mục này nhiều trải nghiệm quý giá. Nhớ về quãng thời gian phục vụ ở giáo điểm Cản Ðá, ông cố Thắng kể: “Không những mình mà các vị tiền bối đi trước cũng phải vượt qua nhiều nỗi truân chuyên lắm mới xây dựng được giáo xứ Cản Ðá như hiện nay. Lúc đầu chỉ là một nhà nguyện bằng lá trơ trọi giữa đồng. Từ năm 1998, mình đi tới đi lui quãng đường 40 cây số, vừa giúp xứ Chánh tòa vừa lo công việc truyền giáo tại vùng kinh tế mới này. Giáo dân khoảng chừng 800 người ở rải rác trong bốn, năm xã. Họ chủ yếu trồng lúa, làm thuê làm mướn hoặc đi lao động xa, điều kiện kinh tế khó khăn nên thiếu trước hụt sau. Cực nhất là mỗi khi mùa nước lũ về, có hộ bị ngập chỉ còn cái chóp nhà”. 

Cản Ðá thuộc tỉnh An Giang, nơi quy tụ nhiều tôn giáo, vì thế ngày mới hiện diện nơi đây, cha cũng không tránh khỏi sự ngại ngùng. Biết bao trách nhiệm gánh trên vai, ông cố vừa lo xin phép xây dựng giáo xứ, vừa lo phương kế giúp bà con ổn định đời sống và làm sao để mình và con chiên sống hòa đồng với các tôn giáo bạn.

Thăm bà con giáo dân

 

Chống đói, giảm nghèo, chống dốt là ba mục tiêu cha muốn thực hiện để mang lại lợi ích cho người dân miệt sông nước này. Vùng nông thôn, đất đai không bị hạn chế, nên cha lập kế hoạch khi được phép xây dựng nhà thờ xong sẽ thiết lập một khu làm mô hình vườn, ao, chuồng cải thiện kinh tế, có thêm chi phí để lo cho người nghèo. Ông cố hồi tưởng: “Vùng này ngày xưa chưa có máy sấy lúa, phải phơi ngoài sân. Nhiều hộ dân ở nhà sàn, không có sân phơi, mình giúp họ phơi lúa trong sân nhà thờ; rồi cũng xin kéo điện về cho họ hưởng nhờ. Chiều chiều, người ta tụ họp quây quần về nhà thờ đi dạo, tán gẫu thăm hỏi nhau, thấy tình nghĩa lắm. Trong đó có cả những bà con khác tôn giáo nữa”.

Ngôi thánh đường gắn liền với một quần thể cộng đồng địa phương, chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm. Vị mục tử ở đó tránh sao được nỗi khắc khoải vì đời sống bà con còn khó nhọc. Ðặc trưng của vùng đất này là người dân dựng nhà sàn mé sông, sống rải rác dọc kinh rạch, thời đó hầu hết làm nông, nhưng không có ruộng phải đi làm thuê, bữa no bữa đói, con cái không có điều kiện đến trường là chuyện thường tình. Mái nhà dột, tốc mái, cha hỗ trợ vật liệu để dân sửa sang lại cho lành lặn, ủy lạo nhu yếu phẩm cho bà con nghèo, hay mua cả lưới cho họ giăng. Thương dân phải múc nước sông sinh hoạt, cha tìm cách giúp khoan giếng, gởi tặng thùng phuy đựng nước hoặc bình lọc nước sạch để họ ăn uống. Hằng tháng, cha mời các y bác sĩ ở phố về xứ giúp khám chữa bệnh và phát thuốc cho bà con. Một lớp học tình thương cũng được dựng lên giữa xóm nghèo để giúp đỡ trẻ em nhỏ thất học có cơ hội biết chữ và bổ túc văn hóa. Cha còn tặng xe đạp cho các em nhỏ hiếu học ở xa không có phương tiện đến trường. Có thể nói, lớp học nghĩa tình này ấp ủ ước mơ của vị mục tử và người dân về một tương lai thế hệ con cháu sẽ có cuộc sống tươi sáng hơn.

Làm được việc là một chuyện, để việc đó được đón nhận lại là một chuyện khác, vì theo cha, một khi người ta không chấp nhận thì khó sống vô cùng. Cha bày tỏ: “Mình vượt qua bằng cách sống giản dị, hòa đồng giống như họ. Không làm như mình là giới riêng, giai cấp riêng. Ði tới đâu cũng ráng gởi trao tin yêu, để qua những việc mình làm họ có thêm niềm tin vào Thiên Chúa và con người”.

Mua xuồng giúp giáo dân bị lũ lụt

 

QUẢN SỞ TIÊN KHỞI CỦA MỘT HỌ ÐẠO BIỆT LẬP

Nhà thờ Antôn nằm soi mình bên dòng kênh Cái Sắn, được bao bọc bởi những thảm lúa xanh miên man hút tầm mắt. Sau ngày Tết, từng lớp người trẻ tha hương lập nghiệp lại lên đường tiếp tục cuộc mưu sinh. Ngôi thánh đường trở về bầu khí yên ắng như thường ngày, chỉ có một mình vị mục tử cùng muôn vàn nỗi niềm riêng với Chúa và đoàn chiên.

Tháng 7.1959, giáo họ Antôn, giáo xứ Tân Hải được Ðức cố Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình khi đó là Giám mục giáo phận Cần Thơ cho phép thành lập (thời gian này giáo phận Long Xuyên chưa được thiết lập). Tháng 5.2018, cha Micae Phạm Tất Thắng được bài sai về đây, giáo họ được tách khỏi giáo xứ Tân Hải, trở thành giáo họ biệt lập. Cha Thắng trở thành linh mục quản sở tiên khởi của họ đạo với khoảng 550 giáo hữu. 

Khỏi phải nói, sự hiện diện của vị mục tử nơi Nhà Chúa, sớm hôm kinh nguyện khiến bà con giáo dân cảm thấy phấn khởi biết nhường nào. Ông trùm giáo họ Giuse Phạm Văn Nghi chia sẻ: “Bà con giáo dân trong giáo họ rất vui mừng vì đã có một người cha cùng đồng hành trong cuộc sống, vui buồn sẻ chia. Ngày trước vắng bóng linh mục quản nhiệm, nếp sống đạo của bà con buông lơi nên có phần nguội lạnh. Nay cha về gầy dựng lại các hội đoàn, tổ chức nhiều sinh hoạt hun đúc đời sống đức tin nên bộ mặt gia đình Antôn đi vào nền nếp và thăng tiến lên từng ngày”. Còn ông cố Thắng thì tâm niệm, khi ở với giáo dân phải mang lại lợi ích cho họ, làm sao để giúp họ được chuyện này chuyện kia.

Giáo họ nhỏ chưa có nhà mục vụ, cha tận dụng nền nhà thờ cũ và khoảng sân rộng, tôn tạo lại làm phòng sinh hoạt, dạy giáo lý, đàn nhạc và sân chơi cho trẻ con. Ở nhà quê chẳng có chỗ nào gần để các bậc phụ huynh dẫn con đi giải trí, nên mỗi chiều thường cho con nhỏ đến nhà thờ nô đùa, chơi cầu trượt hay ném bóng với nhau. Cha tự nhủ dù là việc nhỏ bé, miễn là cần thiết và có lợi cho con chiên thì làm, không ngại tốn kém, mất công. Giáo dân chấp nhận và đến với mình là vui rồi.

Giáo họ Antôn hiện diện trong vùng toàn tòng Công giáo. Nguồn kinh tế chính đến từ việc trồng lúa, ngoài ra, còn chăn nuôi thêm để cải thiện thu nhập. Cuộc sống người dân tuy không còn quá khó khăn chật vật, nhưng hiện nay đang phải đối mặt với hiện tượng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến canh tác lúa và chăn nuôi. 

Nhìn lại đời mục tử, cố Thắng trầm tư: “Ðời mục tử là thế, biến mình thành ‘tấm bánh’ phục vụ  cho lợi ích của tha nhân. Khi tuổi đã cao, bệnh tật ập đến, tránh sao được những lúc chùn chân mỏi gối.  Mình không tháo lui mà muốn tiến về phía trước trong niềm trông cậy phó thác. Luôn tin rằng, Thiên Chúa luôn yêu thương và hằng ngày tiếp tục mời gọi mình cất bước theo Ðức Kitô, trên hành trình tung gieo hạt giống Tin Mừng Nước Trời đến hơi thở cuối cùng”.

 

NGỌC LAN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm