Thứ Sáu, 02 Tháng Ba, 2018 11:39

Nắm gạo tình thương của ông cố xứ Cái Tắc

Cuộc đời của ông cố Phêrô Vũ Văn Hài, cha sở họ đạo Cái Tắc (giáo phận Cần Thơ) như được định đặt để yêu thương và để gieo hạt giống yêu thương vào giữa đàn chiên của mình, từ những việc đơn sơ nhất.

 

Người dân trong vùng kể về ông cố với đôi mắt rạng rỡ: “Ngài gần gũi, năng nổ lắm, mới về đây hơn bốn năm mà đã làm được rất nhiều chuyện”. Hình ảnh vị mục tử thân thương hay tới lui chào thăm mọi người trước và sau thánh lễ đã quá quen thuộc với bà con nơi đây. Chia sẻ về đời tu của mình, cha hồi tưởng: “Khoảng 4 - 5 tuổi, mình đã từng lấy áo của nội, của mẹ làm áo lễ, lấy nước trà của ông nội và bánh tráng để chơi trò “làm lễ” với các em và các bạn đồng trang lứa. Gợi tưởng quá khứ làm mình lâng lâng xúc động vì Chúa yêu mình, gọi mình “từ khi còn trong lòng mẹ” và “Người đã yêu tôi mà tôi đâu có hay”! Suốt thời gian dài, mỗi khi nhớ lại “trò chơi làm lễ” thuở ấu thơ, mình vẫn chỉ coi đó là một “trò chơi” không hơn không kém, chứ không ý thức rằng, đó là những dấu chỉ tình yêu mà Chúa gởi đến để mời gọi mình theo dấu chân Chúa Kitô trong ơn gọi linh mục”.

Ông cố trao quà cho người khó khăn

Trở thành linh mục có lẽ chính là “định mệnh” mà Thiên Chúa đã sắp đặt sẵn cho cha Phêrô. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, cha đăng ký vào lớp dự tu. Bước đi từng bước một trong sự quan phòng của Chúa. Năm 2000, ngài lãnh nhận thiên chức linh mục. Sau khi về làm phó xứ Sóc Trăng, năm 2004, ngài lên đường đi tu nghiệp tại Rome. 5 năm tu học và rèn luyện tại đây, cha Phêrô đã tích lũy cho mình rất nhiều kinh nghiệm quý báu để phục vụ công việc truyền giáo tại nước nhà.

Về họ đạo Cái Tắc năm 2014, lúc này chỉ có khoảng 219 gia đình Công giáo, được chia làm 4 khu nằm rải rác và cách xa nhau trong địa bàn, tuy thế, ông cố vẫn lặn lội đến thăm hỏi từng gia đình để nắm bắt được hoàn cảnh và điều kiện sinh sống của bổn đạo để từ đó có cách giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn một cách phù hợp. Khuôn viên nhà thờ, nhà xứ vốn nằm trong mảnh đất thấp trũng, cỏ xanh mọc um tùm, nhà thờ bị che khuất, người dân ít lui tới nguyện lễ. Thấy vậy, cha liền kêu gọi vận động mọi người cùng bắt tay vào công việc phát quang bụi rậm, chỉnh trang, sửa chữa nâng cấp lại nhà thờ, nhà xứ cho sáng sủa, khang trang. Từ đó đến nay, nhà thờ lúc nào cũng sáng đèn, cổng luôn rộng mở chào đón mọi người đến dự lễ, sinh hoạt rồi ở lại cộng tác vào những công việc chung của họ đạo. 

Tặng xe đạp cho các em thiếu nhi

Tuy là một họ đạo đang trên đà phát triển và còn nhiều khó khăn, nhưng cha sở luôn kêu gọi mọi người quan tâm giúp đỡ những người thiếu thốn hơn mình. Ngài mở nhiều chương trình bác ái để mọi thành phần trong họ đạo cùng tham gia như: Nắm gạo tình thương, bác ái Mùa Chay, xây dựng cầu tương trợ, nhà tình thương, khám bệnh phát thuốc miễn phí cho người nghèo…Vào những dịp lễ, tết…, họ đạo luôn chuẩn bị chu đáo những phần quà để thăm viếng và biếu tặng người nghèo, không phân biệt lương giáo.  Bên cạnh đó, cha cùng với các đoàn thể trong giáo xứ tổ chức đi thăm hỏi các linh mục hưu, nữ tu già yếu như là một cách để động viên, chia sẻ và tri ân các vị đã cống hiến hết mình khi còn sức khỏe. Chị Cao Thị Thùy Duyên, một giáo dân trong xứ hết lòng cảm kích: “Từ ngày ông cố về, bộ mặt của giáo xứ khởi sắc lên hẳn. Nhiều người lui tới nhà thờ hơn, trẻ con có chỗ sinh hoạt, học hỏi giáo lý. Mọi thành phần trong họ đạo đều được ông cố quan tâm giúp đỡ. Ngay chính bố tôi cũng được ngài hỗ trợ đi mổ mắt. Người dân ở đây ai cũng biết ơn và quý tấm lòng của ông cố”.

Đối với thế hệ trẻ, nhất là thiếu nhi, cha Hài dành một mối quan tâm đặc biệt. Ngài trú trọng đến việc giáo dục nhân bản cho các em ngay từ nhỏ, nơi nhà thờ và ngay cả khi về với gia đình. Chương trình bác ái “Nắm gạo tình thương” cũng là một cách cha dạy các bạn nhỏ biết quan tâm, chia sẻ với người khốn khó quanh mình. Khi về nhà, mỗi lần phụ mẹ nấu cơm, các em tự tay mình bốc gạo bỏ riêng dành cho người nghèo, tùy theo khả năng của mỗi nhà. Đến cuối tháng gom lại, cân được bao nhiêu ký rồi đóng góp cho nhà thờ giúp người nghèo. Cách làm này, tuy đơn sơ nhưng giúp các em được tận tay thực hiện việc tốt nên có thể tác động đến suy nghĩ và sẽ thay đổi hành vi của các em sau này. Ngoài ra còn có những phần thưởng khuyến khích những thiếu nhi vượt khó học giỏi như tập, viết, tiền hỗ trợ học phí và xe đạp…

Lớp học Kinh Thánh cho các tân tòng

Truyền giáo bằng tất cả trái tim, ở đó có sự đối thoại, cảm thông, yêu thương và luôn toát lên tinh thần nhân văn, ông cố luôn biết cách thu hút mọi người đến với họ đạo dù lương hay giáo. Mỗi Chúa nhật, họ đạo đều có một chuyến đò, và xe đưa rước bà con giáo dân đến nhà thờ tham dự thánh lễ. Có hẳn một lớp học giáo lý cho người tân tòng và dự tòng, sau giờ học mọi người được mời gọi ở lại dùng bữa cơm thân mật, gắn kết thêm tình liên đới. Giữa năm ngoái, cha sở cũng đã khai giảng lớp học Kinh Thánh cho mọi người, thu hút nhiều thành phần và độ tuổi đến học hỏi Lời Chúa.

Cái Tắc là một họ đạo truyền giáo, địa bàn rộng gần 100km2, với 3 dân tộc cùng sinh sống là Kinh, Hoa và Khmer, trong đó tỷ lệ dân số Công giáo chỉ chiếm 0,7%. Đây là một thách đố buộc vị mục tử và mỗi giáo dân phải luôn nỗ lực hơn nữa trong việc giới thiệu Chúa đến cho tha nhân. Cánh đồng truyền giáo tuy còn bát ngát mênh mông nhưng cha Phêrô không hề nhụt chí mà lại thêm can đảm: “Chúa cần mình dù mình không xứng đáng để trở thành cây cầu nhỏ bé nối đất trời và nối những tâm hồn. Mình thầm xin Chúa cho mình là cây cầu tre đơn sơ nhưng đừng bao giờ gãy mục. Mình xin là cây cầu dừa chất phác nhưng đừng là cầu dừa trơn trợt”.

Gần 20 năm trong sứ vụ mục tử, với tất cả những gì mà ông cố đã cho đi, giờ đây khi nhìn lại, ngài cảm nghiệm: “Cuộc đời tôi luôn được bao bọc bởi tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu ấy thể hiện cách cụ thể nơi Đức Kitô, đấng đã yêu thương và hiến mình vì tôi và chọn tôi trong chức vụ linh mục. Vì vậy, noi gương theo Thầy chí thánh, tôi cũng luôn sẵn sàng trao đi yêu thương và hiến mình vì đàn chiên của mình”.

NHÃ VĂN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm