Cha Giuse Trịnh Tín Ý - chánh xứ Vinh Sơn Phaolô, TGP.TPHCM đã mấp mé tuổi 70, tóc trên đầu đã chuyển hẳn sang màu bạc, nhưng nếu ai từng có dịp tiếp xúc đều cảm nhận rõ bầu nhiệt huyết của một mục tử dành gần trọn đời gắn bó với lớp trẻ.
Quay hướng ra đường 3/2 - một trong những con đường tấp nập bậc nhất Sài Gòn, nhà thờ Vinh Sơn (Q 10) nhỏ nhắn, yên bình, trở thành nét chấm phá riêng trong một không gian nhộn nhịp. Gần 20 năm nay, nơi đây chưa bao giờ vắng bóng người, nhất là vào mấy tháng hè nóng bức, dễ bắt gặp cảnh đoàn người nối dài, mang theo bình lớn, bình nhỏ đến hứng những giọt nước sạch mang về dùng. Giữa một thành phố phát triển, xô bồ, hình ảnh giản dị này bỗng trở nên thân thương lạ thường. “Cách vài ngày tôi lại đến lấy nước một lần. Ngoài việc giúp gia đình tiết kiệm được một số tiền, nước nhà xứ luôn cho mình sự an tâm tuyệt đối”, chị Quách Thị Như, vừa cặm cụi hứng nước vừa tươi cười nói. Đây cũng là một trong những nguồn nước sạch công cộng đầu tiên trong thành phố, miễn phí hoàn toàn. Ban đầu chỉ là vòi nước nhỏ phục vụ cho mấy người đạp xích lô, bán vé số ghé vô giải khát. Về sau, nhận thấy nhu cầu của người dân ngày một lớn, cha chánh xứ đã cho thiết kế một hệ thống lọc nước quy mô hơn với 4 vòi nước, mỗi ngày cung cấp nước sạch cho cả trăm gia đình đem về uống.
|
Giới trẻ chính là tương lai mai sau của cộng đoàn |
Nơi gian nhà xứ đơn sơ, cha kể cho chúng tôi nghe về chặng đường hơn 40 năm trong sứ vụ linh mục của mình : Thụ phong năm 1975, cha nhận bài sai về Bắc Hà. Chính thời gian làm phó xứ Bắc Hà và được cha sở giao nhiệm vụ phụ trách giới trẻ là bước ngoặt hun đúc nên tình yêu thương của cha với lứa tuổi này. Năm 1992, rời Bắc Hà về làm chánh xứ Vinh Sơn, phương hướng mục vụ được cha “sao chép” áp dụng vào họ đạo mới. Bên cạnh củng cố, lập mới đoàn thể, đẩy mạnh các phong trào để sức sống giáo xứ ngày một lớn mạnh thì giới trẻ vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu, bởi theo quan điểm của cha : “Làm linh mục thì vấn đề mục vụ phải trải rộng ra nhiều mặt, tuy nhiên, để họ đạo phát triển cách bền vững, hạt giống giới trẻ cần phải gieo trồng và tưới bón ngay từ ngày đầu. Họ chính là tương lai mai sau của cộng đoàn”.
Từ thiện cũng là hoạt động được cha lưu tâm. Dù quỹ bác ái của xứ khá hạn hẹp nhưng cha vẫn xoay xở để trợ cấp cho một số gia đình nghèo, không phân biệt tôn giáo, bằng các phần quà hằng năm. Ngoài ra, ngài còn cho một số người nghèo vay vốn để họ sắm sửa phương tiện buôn bán. Gần đây, giáo xứ vừa xây ngôi nhà khang trang cho một gia đình khó khăn và dự tính mỗi năm sẽ xây ít nhất một căn nhà mới cho người nghèo. |
Từ suy nghĩ này, cha bắt tay vào hành động. Lần đầu đứng trên bục giảng lúc mới về Vinh Sơn, cha xứ đã hứa là vào Chúa nhật sẽ có lễ dành riêng cho thiếu nhi. Và kể từ đó cho đến nay, chỉ trừ những khi có việc quan trọng phải vắng lâu, còn lại dù mệt mỏi hay bận rộn đến đâu, chưa tuần nào cha không đồng hành với thiếu nhi. Ngày Chúa nhật, lịch làm việc của cha luôn kín mít, ngài luân phiên đến dự giờ các lớp, sau đó dành thời gian đào luyện, làm dày thêm kiến thức cho đội ngũ giáo lý viên.
Nhận thấy lớp trẻ, nhất là các em nhỏ khó tiếp thu Lời Chúa trên trang sách đầy chữ viết, cha mày mò, tìm kiếm, sưu tầm phương pháp từ nhiều nơi rồi làm những cuốn sách giáo lý bằng hình ảnh sinh động, dễ tiếp thu. Đối với các em lớp Khai Tâm 1 mới chập chững biết đến giáo lý thì lại được làm quen qua phương pháp tô màu. Từ chuyện kể, sau đó giảng viên sẽ dẫn ra những suy nghĩ, đưa tới áp dụng vào thực tế vừa tầm hiểu biết của tuổi nhỏ… Các lớp lớn thì biến cố trong trường học - ví như chuyện học sinh cãi cô thầy hay mùa thi cử năm nay thay đổi ra sao - đều được truyền đạt thông qua bài giảng. Nhờ phương pháp khoa học nên mỗi buổi học giáo lý luôn cuốn hút.
|
Giếng nước đại chúng tại Vinh Sơn |
Để các em có điều kiện học tập tốt nhất, cha xứ đã cho xây dựng dãy nhà giáo lý kiên cố với các phòng rộng rãi, thoáng mát, cùng trang bị đủ phương tiện cần thiết cho việc học, giúp thỏa sức sáng tạo. Không chỉ học, thiếu nhi còn được cha xứ chăm lo cả chuyện chơi. Ngoài những dịp vui chơi Trung thu, Giáng sinh hay Tết, đều đặn dịp hè hằng năm, cha xứ trực tiếp làm trưởng đoàn dẫn các bạn nhỏ đi tắm biển, dã ngoại. Hầu hết các em đều tỏ ra thích thú vì được đi đây đó, trổ tài văn nghệ, đàn hát…
Từ năm 2001 đến nay, cha Giuse Ý còn đảm đương vai trò Thư ký Ủy ban Văn hóa thuộc HĐGMVN. Trong trách nhiệm này, cha đã có nhiều đóng góp vào công tác điều hành, ra các tập sách, cũng như lên chương trình, tổ chức nhiều cuộc hội thảo tầm cỡ như “Kỷ niệm 50 năm áp dụng Huấn thị Plane Compertum Est về Tôn kính ông bà tổ tiên”, “40 năm sau Vatican II nhìn lại”… Ngài cũng là một trong số những người chủ biên tập san Hiệp Thông của HĐGMVN. |
Để việc chuyển tải thông tin đến các em thuận lợi, cha dày công đào tạo nên đội ngũ giảng viên trẻ, nhiệt thành, sáng tạo. Cũng từ sự quan tâm tỉ mỉ của cha nên phụ huynh rất cảm kích, nhiều người có ý định hướng con mình sau này trở thành một giáo lý viên, như trường hợp của bà Dư Kim Định, có con gái đang học lớp Giáo lý bao đồng. Với sự góp sức vun trồng từ cha sở và các bậc phụ huynh, thế hệ sau luôn sẵn sàng nối tiếp thế hệ trước để chăm lo cho đàn em sau này. “Bố vẫn hay nói vui với chúng tôi rằng, nếu các con thấy ở đâu có cách làm sáng tạo, hay nghĩ ra một ý tưởng mới dùng trong giảng dạy thì cứ đề đạt và triển khai. Tiền bạc các con đừng lo! Với chuyện học giáo lý là bố không tiếc gì hết”, một số anh chị giáo lý viên kể về cha xứ của mình bằng giọng thân thương như vậy.
Ở thành phố, các bạn nhỏ thường bị hạn chế về thời gian do phải học nhiều giờ, nhiều chỗ trong ngày, hiểu điều này nên chuyện học giáo lý cũng được cha linh động. “Cách làm của giáo xứ là mình phải chạy theo chứ đừng để các em chạy theo mình”, cha nói. Vì thế ở đây lớp trẻ không bị bó buộc hay chế tài. Ngày học giáo lý nếu gặp chuyện bận rộn, học sinh vẫn có thể nghỉ một buổi, sau đó sẽ được bổ sung vào dịp thích hợp để đảm bảo chương trình đào tạo trước khi lãnh nhận bí tích. Ở Vinh Sơn, giáo lý viên có lúc dạy theo kiểu một kèm một là chuyện không hiếm. Trong quá trình học, mỗi em đều có dịp tiếp cận bàn thờ qua việc làm lễ sinh, đọc Sách Thánh, giúp chúng tiến gần hơn với việc nhà Chúa.
Sáng tạo và bài bản, nghiêm chỉnh nhưng không khắt khe, luôn tâm niệm đến với thiếu nhi đầu tiên bằng nụ cười, cộng với tâm huyết của bản thân, cha đã và đang ươm mầm cho nhiều thế hệ hạt giống ở Vinh Sơn.
ĐÌNH QUÝ
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.