Thứ Tư, 21 Tháng Sáu, 2017 15:54

Người gieo Tin Mừng giữa miền đất Quảng

“Niềm mong ước của tôi đối với bà con là làm sao cho cuộc sống anh chị em vơi đi những khổ cực, ngày càng an vui, hạnh phúc hơn bởi bao năm trôi qua, dù ai nấy đều vất vả gánh gồng, nỗi khó nhọc dường như vẫn chưa ngớt…”, đó là lời tâm sự rất đỗi chân thành của cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Ngọc Hiến (Chánh xứ Bình Phong, GP Đà Nẵng) - vị mục tử đầy tận tụy giữa vùng đất cằn khô.

 

Kể về hành trình theo dấu chân Chúa, cha Hiến như được dịp hồi tưởng về những kỷ niệm. Đi tu, phục vụ mọi người là ước ao của cha ngay từ khi còn cắp sách đến trường. Ấy vậy nhưng do hoàn cảnh khó khăn, từ năm 18 tuổi, cha đã phải đi làm thuê cho xí nghiệp giày da. Trải qua nhiều thăng trầm, đến khi giáo phận nhà phát thư chiêu sinh lần đầu tiên năm 1990, chàng thanh niên lúc ấy mới quay về xin dự tu. “Ngày hay tin được bề trên gọi là một niềm vui khôn tả, không chỉ có bản thân mừng rỡ mà còn cả gia đình, hàng xóm. Đến bây giờ, khi thời gian đã đi qua thật xa rồi, tôi vẫn còn nhớ mồn một”, cha nói. 

Vốn sinh ra trong cái nôi truyền thống đức tin - giáo xứ Tam Tòa, GP Đà Nẵng (quê hương của Thánh tử đạo Matthêu Nguyễn Văn Phượng và thánh Gioan Đoàn Trinh Hoan), lại được sự ủng hộ của gia đình, cha háo hức bước chân vào Đại chủng viện Huế năm 1994. 

Sau thời gian học tập và trải qua nhiều thử thách, năm 2001, cha Hiến được trao tác vụ linh mục. Trong sứ vụ mục tử, cha đảm nhận nhiều cương vị : phó xứ Chánh tòa, Hòa Cường, và từ năm 2010, coi sóc họ đạo Bình Phong. Hiện ngài còn là linh mục Tuyên úy phong trào Hùng Tâm Dũng Chí giáo phận Đà Nẵng và đặc trách mục vụ giới trẻ. Có lẽ, nhờ thời thanh xuân vất vả mưu sinh, tiếp xúc với nhiều mảnh đời trong xã hội, đồng cảm với những lo toan của anh chị em quanh mình, thấu hiểu đời sống dân tình, nên ở đâu cha cũng dễ dàng hòa đồng và chăm lo cho giáo dân hết mực. Lịch làm việc của cha khá bận rộn với những hoạt động đa dạng từ giáo xứ đến giáo phận. Dầu vậy, chẳng trở ngại nào có thể làm chùn bước vị mục tử đầy nhiệt tâm này. 

Họp với các linh mục và Huynh trưởng trong phong trào Hùng Tâm Dũng Chí

Nhiều giáo dân trong họ đạo cảm nhận cha là người thân thiện, dễ gần, như chia sẻ của anh Lộc Văn, một giáo dân xứ Bình Phong: “Trong giờ kinh dành cho thiếu nhi, cha luôn dùng những hình ảnh sinh động giảng dạy các em, khuyến khích đọc kinh, siêng năng học hành một phong cách thân tình, lắng nghe. Thiếu nhi ở đây quý cha lắm! Người lớn chúng tôi cũng không cảm thấy ngài xa cách”. Còn ấn tượng của chúng tôi về vị linh mục ngoài ngũ tuần này là một người cởi mở, làm việc nghiêm túc trong tinh thần trẻ trung, tận tình, năng động. Ngài đi nhiều, trải nhiều nên khi làm việc với giới trẻ, luôn có cái nhìn thực tế, rộng mở. Được dịp tham dự giờ nói chuyện của cha với cộng đoàn giới trẻ giáo phận Đà Nẵng về đề tài hôn nhân, tình yêu trong Năm mục vụ “chuẩn bị cho người trẻ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân”, thấy không khí buổi sinh hoạt thật cuốn hút, sinh động. Cha như đưa người trẻ vào bản tình ca đầy âm sắc, lúc trầm, lúc bổng, khi da diết khi sôi động, để rồi đằng sau những mẩu chuyện, phút giây vui chơi giải trí là khoảng lặng đầy ý nghĩa mà mỗi người có cơ hội nhìn lại mình. Bạn trẻ Trần Lê Thanh Hà, 21 tuổi, tỏ ra thích thú: “Cách cha trình bày vấn đề và giảng giải cho các bạn nghe cũng là rất đáng để học hỏi. Chưa kể đến việc cha rất hiểu tâm lý người trẻ nên ai cũng dễ dàng cởi mở, sẻ chia những băn khoăn, khúc mắc”. Anh Nguyễn Văn Chinh, một tham dự viên khác nhận xét: “Mặc dù tôi đã kết hôn được 3 năm, nhưng khi nghe phần hướng dẫn của cha, được ngộ ra nhiều sự hơn...”.

Trong vai trò là linh mục Tuyên úy phong trào Hùng Tâm Dũng Chí, bên cạnh tổ chức nhiều hoạt động hướng dẫn cấp giáo phận, nhóm Hùng Tâm Dũng Chí giáo xứ Bình Phong cũng được cha dày công đào tạo kỹ lưỡng. Chính nhờ vậy, trong những giờ kinh phụng vụ ở nhà thờ, các em nhỏ có thể tự tổ chức từ đàn hát, bắt kinh, xướng ca hay sinh hoạt một cách linh động.

Sát cánh cùng người trẻ

Đời sống giáo dân xứ Bình Phong còn khá lận đận. Nguồn thu nhập chủ yếu của bà con từ việc đồng áng. Ông Phạm Hữu Năng, một người sống gần nhà thờ kể: “Có nhiều người lớn tuổi, cả đời một nắng hai sương, ngày ra đồng từ khi gà gáy đến lúc mặt trời buông xuống chân đồi, tối mịt mới kịp về nhà nhưng cuộc sống cũng vẫn lao đao. Bởi thế nên ngày nay, ruộng đồng ngày càng vắng bóng người trẻ do cuộc sống vất vả, các bạn trẻ rời quê đi học hay lập nghiệp ở Sài Gòn, đến Tết mới về”. Về giáo xứ, cha Hiến đã cùng với Caritas giáo phận Đà Nẵng xây dựng hệ thống nước lọc, phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt của anh em gần xa trong xã. Chương trình này đã phục vụ cho bà con suốt nhiều năm nay. Ngài cũng tiếp nối chương trình của cha sở tiền nhiệm, dạy học hè miễn phí tại giáo xứ cho trẻ em và luôn mong mỏi, tìm cách giúp đỡ để việc học hành được thuận tiện. Như mọi năm, trong dịp hè này, cha vừa khai giảng lớp học tình thương cho các em từ lớp 6 đến lớp 9, xuyên suốt các ngày trong tuần trừ Chúa nhật dành cho việc học giáo lý, đọc kinh. Đội ngũ giảng dạy là một số giáo viên được mời đến từ các trường trung học gần đó và tình nguyện viên trong giáo xứ. “Dẫu cuộc sống của phụ huynh có gian nan thì các em nhỏ vẫn phải được học hành, đầu tư đến nơi đến chốn để tương lai tươi sáng hơn”, cha khẳng định. Cha Hiến cũng thường xuyên đến từng gia đình có hoàn cảnh đặc biệt để thăm hỏi, tặng quà, động viên... Vốn mang tinh thần trẻ trung, lửa nhiệt huyết luôn bừng cháy, về Bình Phong, cha vực dậy hoạt động của các hội đoàn, đoàn thể, nhờ đó bầu không khí nhà đạo ngày thêm khởi sắc. 

Luôn phó thác vào Đấng quan phòng, mỗi ngày sống đối với cha là một ngày cống hiến cho Chúa, cho mọi người trong tâm niệm“tha nhân là hồng ân!”.

HÙNG LUÂN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm