Thứ Sáu, 24 Tháng Hai, 2017 15:19

Nguồn cảm hứng của đàn chiên Thánh Linh

Cha Inhaxiô Nguyễn Quốc Bảo, chánh xứ Thánh Linh (hạt Thủ Thiêm, TGP.TPHCM) luôn đồng hành với giáo dân không chỉ trên cương vị chủ chăn mà còn là người thân trong từng gia đình. Bởi thế cha luôn được họ yêu quý; mỗi khi nhắc đến ngài, nhiều người còn trìu mến gọi là “cha Bảo Bảo”.

1.

 Sau ngày lãnh tác vụ linh mục (24.6.2005), cha nhận bài sai về làm phụ tá ở giáo xứ An Lạc (hạt Chí Hòa, TGP.TPHCM) với nhiệm vụ đặc trách thiếu nhi. 5 năm tròn gắn bó với xứ đạo đầu tiên trong đời mục tử của mình, ngài đã đem hết tình yêu thương để phục vụ, và đặc biệt đồng hành xuyên suốt với thiếu nhi về mặt đức tin cũng như việc giáo dục nhân bản. Cha thường xuyên tổ chức cho thiếu nhi đi thăm, tặng quà tại các trường khuyết tật, mái ấm dành cho trẻ mồ côi và vận động các em hy sinh một phần quà sáng của mình, góp vào quỹ bác ái chung để chia sẻ cho người anh em bất hạnh mà mình chứng kiến tận mắt. Qua chuyến đi thực tế cộng với việc tự thân đóng góp, bài học sẻ chia, nâng đỡ người nghèo khó được các em tiếp thu một cách dễ dàng và ghi khắc sâu hơn. Năm 2010, cha được bài sai làm linh mục phụ tá giáo xứ Lạc Quang (hạt Hóc Môn, TGP. TPHCM). Tại đây, ngài lại tiếp tục công việc chăm lo cho thiếu nhi. Thời điểm đó, thiếu nhi xứ Lạc Quang vào khoảng 800 - 900 em (cao hơn so với con số 600 em của xứ An Lạc), chính vì thế khi nhận trọng trách ở nơi mới, vị mục tử đã phải gắng sức nhiều hơn. Nhờ sự cộng tác của đội ngũ giáo lý viên cũng như sự quan tâm nâng đỡ từ cha chánh xứ, ngài dần dần bắt được nhịp, tổ chức cho các em nhiều chương trình theo năm học giáo lý. Về nhậm chức chánh xứ Thánh Linh năm 2012, cuộc đời mục tử của ngài mở thêm một trang mới.

2.

 Với tính cách năng động, cần cù, ở nơi họ đạo mới, cha bắt đầu lao vào công việc chung: đầu tiên là thiết lập các đoàn thể, từ Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm đến Hội Lòng Chúa Thương Xót; rồi phát triển thêm Ban Caritas cả về số lượng thành viên lẫn hoạt động. Giáo xứ Thánh Linh nằm trong khu vực tập trung nhiều trường đại học và các khu công nghiệp nên người di dân đến ngày một đông, các cơ sở vật chất cũ không thể đáp ứng nhu cầu càng gia tăng. Trước tình hình đó, cha đã sửa chữa Cung thánh, làm tượng đài Gia đình Thánh Gia, mở rộng cổng nhà thờ, mua dàn âm thanh, mua thêm ghế ngồi... Nhiều sinh hoạt đạo đức cũng được ngài khôi phục lại. Vị mục tử cho hay: “Dân ở đây ngoài thành phần sinh viên, đa số còn lại là công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghệ kỹ thuật cao, cả tuần đều bận bịu học tập, làm việc nên quy tụ thật không dễ dàng. Vì thế, tôi chú ý làm sao cho sinh hoạt tập trung vào hai ngày thứ bảy và Chúa nhật để họ có thể tham dự và tới lui nhà thờ nhiều hơn”. Mong muốn giới trẻ có một sân chơi bổ ích, cha đã tổ chức sinh hoạt hằng tuần cho họ. Trong khung thời gian từ 7 - 9g sau thánh lễ tối Chúa nhật, giới trẻ tụ họp lại với các trò chơi phù hợp, chia sẻ các chủ đề gắn với đời sống qua sự hướng dẫn của các thầy dòng Phanxicô. Cha còn chu đáo làm cho mỗi bạn trẻ một chiếc thẻ nhỏ, trên đó ghi khá rõ thông tin cá nhân. Chính cách làm này giúp cha có thể ghi nhớ từng bạn, dễ dàng quản lý cũng như lưu tâm nâng đỡ. Ngoài sinh hoạt hằng tuần, từ sự sáng tạo của cha, giới trẻ còn có cơ hội tham gia các ngày lễ theo chủ đề như ngày của mẹ, ngày của cha, ngày nhà giáo, quốc tế phụ nữ, hay như gần đây là ngày lễ tình yêu... Trong chương trình này, xen kẽ với phần chia sẻ của cha là những tiết mục văn nghệ do giáo xứ chuẩn bị hoặc do các ca sĩ Công giáo thể hiện. Chính cha là người lên ý tưởng cho ngày hội, từ chủ đề, trang trí đến thiết kế, in ấn các áp phích quảng cáo. Trước đó một tháng, người mục tử nhiệt tình này còn lên các trang web, mạng xã hội để thông báo cho giới trẻ gần xa về ngày gặp mặt. Anh Trần Xuân Âu, Trưởng ban giáo lý của giáo xứ Thánh Linh kể: “Tôi đã quá quen với hình ảnh cha tất bật từ việc lớn đến việc nhỏ. Mỗi lần có chương trình gì lại thấy ngài xách xe máy chạy ngược chạy xuôi để lo. Ngay đến việc in mấy tấm quảng cáo, cha cũng phải đích thân xem xét”. Với sự sắp xếp, tổ chức khéo léo của cha, những ngày sinh hoạt theo chủ đề thu hút rất nhiều sinh viên trong cũng như ngoài đạo tham dự. “Trong số những người đến tham gia có cả người không Công giáo. Họ đến có lẽ ban đầu do tò mò nhưng em cảm thấy tự hào vì giáo xứ mình đã có những bữa tiệc tinh thần chỉn chu, mang hơi thở mới dành cho người trẻ. Riêng bản thân em thì thấy đây là một tín hiệu tốt trong việc kéo dần người trẻ về với ngôi nhà chung này”, bạn Tâm, sinh viên của xứ Thánh Linh bày tỏ.

3.

 Bên cạnh giới trẻ, người nghèo cũng chính là một trăn trở luôn canh cánh trong lòng vị chủ chăn này. Lo họ bữa đói bữa no, cha gầy dựng một kho gạo nơi giáo xứ, hằng tháng đều đưa ra phân phát cho các gia đình khó khăn để họ đỡ đi phần nào chi phí. Lo người nghèo bệnh tật không có tiền chữa trị, mỗi năm hai lần, cha mời các bác sĩ từ nhiều bệnh viện trong thành phố đến khám và phát thuốc miễn phí. Sau buổi khám, cha còn chuẩn bị cho mỗi người một suất cơm lót dạ. Bản thân cha mấy năm nay cũng chính là chiếc cầu nối thân thiết với các mạnh thường quân trong việc trao tặng học bổng cho con em nghèo trong xứ.

Không dừng lại ở đó, ngài còn quan tâm đến cả vấn đề bảo vệ môi trường. Sau ba ngày đi thường huấn ở Tòa Tổng Giám mục, được nghe gợi lên vấn đề bảo vệ ngôi nhà chung, khi về giáo xứ, cha bắt tay ngay vào với nhiều công việc thiết thực. Tháng 12.2016, trước ngày lễ Giáng sinh, vị mục tử đã vận động người trong xứ tổng vệ sinh toàn bộ khu vực phường Tăng Nhơn Phú B, từ cổng Đình Phong Phú đến trước nhà thờ, dòng Phanxicô và Đan viện Clara. Song song đó, cha kêu gọi các thành viên đi học hỏi thêm ở Trung tâm Mục vụ TGP để có thể tự lên chương trình hoạt động về môi trường. Giờ đây, dạo một vòng quanh giáo xứ Thánh Linh, dễ dàng bắt gặp những biểu ngữ về bảo vệ môi trường được giăng khắp khuôn viên như một cách nhắc nhở người dân quan tâm nhiều hơn đến môi trường sống. Lời nhắc này còn được nhấn mạnh thêm trong các giờ lễ khi ngài khuyên giáo dân không nên nổ máy trong sân nhà thờ vì khói bụi, tiếng ồn; không hút thuốc nơi công cộng; không xả rác bừa bãi... Trong những buổi dọn dẹp vệ sinh các đoạn đường quanh giáo xứ, cha cũng xắn tay áo làm cùng bà con. Hình ảnh vị chủ chăn giản dị trong chiếc áo thun, đầu đội nón lom khom quét tước, rồi khệ nệ bê bao rác đã đánh động ý thức của giáo dân và dân chúng trong khu vực.

Mỗi khi làm việc gì, cha Bảo đều khiêm tốn cho rằng “một cánh én không làm nên mùa Xuân” để mời gọi mọi người cùng chăm lo các công việc chung. Tấm gương nhiệt thành của cha chính là nguồn cảm hứng của đàn chiên Thánh Linh.

THIÊN LÝ

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm