Thứ Sáu, 10 Tháng Tám, 2018 11:30

Như ngọn đèn cháy mãi

 

Vốn là người con gốc Thái Bình, cha Phanxicô Assisi Lê Quang Ðăng (chánh xứ Tân Hương, hạt Tân Sơn Nhì) di cư vô Nam khi mới 11 tuổi cùng với gia đình. Trải qua bao nhiêu gian nan, ơn Chúa dẫn đưa cách huyền nhiệm và đặt để cha vào thánh chức linh mục năm 1969. Suốt gần 50 năm qua, với cha, mỗi một ngày mới đều tựa như ngày đầu bước lên bàn thánh, vẫn tâm thế yêu thương, nhiệt huyết tràn đầy…

 

 

Cửa phòng luôn mở

Một buổi sáng đến thăm Tân Hương, chúng tôi gặp cha Phanxicô Assisi tiếp chuyện nhiều lượt khách. Trong phòng riêng, ông cố từ tốn và nhiệt tình với từng bà con. Họ, có khi là dân trong xứ, ân nhân hỗ trợ những hoạt động bác ái; có khi là anh chị em di dân, gương mặt nghèo khổ. Có lẽ cha lúc nào cũng dành nhiều thời giờ để gặp gỡ và trò chuyện như thế. Cửa phòng luôn mở. Ông Đỗ Minh Liễn, chủ tịch HĐMVGX nói với chúng tôi về cha xứ trong niềm cảm mến: “Cha làm việc hăng say khỏi phải bàn rồi. Ngày nào mà cha không xuống văn phòng xứ này bàn chuyện nọ chuyện kia. Cha bận rộn đủ thứ, chăm lo nhiều cho giáo xứ lắm!”. Nhà mục vụ nằm gọn trong khuôn viên xanh mát của nhà thờ, cạnh phòng cha sở. Chỉ tay lên những tấm hình sinh hoạt xứ đạo đang trưng bày, ông Liễn kể về những ngày tháng miệt mài của vị mục tử…

Năm 2005, cha rời giáo xứ Phú Trung để nhận Tân Hương, và sau đó kiêm quản hạt Tân Sơn Nhì. Trong những mối bận tâm, chuyện học hành giáo lý cho thế hệ trẻ luôn được chú trọng trên hết. Cha Đăng bắt tay ngay với việc đổi mới lớp giáo lý dự tòng và hôn nhân theo một chương trình cụ thể, xây dựng đội ngũ giáo lý viên bài bản. Không lâu sau, cha cho xây nhà mục vụ khang trang, là nơi sinh hoạt chung. Phòng học giáo lý mới rộng rãi, thoáng mát với những thiết bị hỗ trợ như âm thanh, máy chiếu. Mỗi năm, cha tổ chức hai khóa học Giáo lý Hôn nhân, mỗi khóa 4 tháng thu hút nhiều học viên. “Ở Tân Hương có nhiều đoàn thể, giới trẻ cũng phát triển mạnh, lòng đạo của giáo hữu sốt mến nhưng chỉ có thiếu nơi để tổ chức sinh hoạt. Thấy vậy, mình xây nhà mục vụ giáo xứ để cho thiếu nhi học giáo lý, hay ca đoàn tập hát được thoải mái”, cha nói.

Thánh đường Phú Trung được xây dựng với tâm huyết của cha Đăng - ảnh: A.N

Một cộng đoàn trên dưới 10.000 giáo dân như Tân Hương đòi hỏi nhiều thời gian và công sức của người mục tử. Tuy thế, bằng kinh nghiệm lâu năm, cộng với lửa mục vụ nên dường như với ông cố, mọi thứ khá trơn tru. Xứ đạo chia thành 5 giáo họ, 11 đoàn thể, 7 ca đoàn, trong đó, có một số được vị mục tử lập từ khi nhận xứ. Theo cha, do cộng đoàn đông nên cần có nhiều đoàn hội để chia nhỏ ra cho mọi thành phần tham gia. Trong hoạt động bác ái hay sinh hoạt của giới trẻ, các hội nhóm, cha hướng giáo hữu mở rộng nối kết với xứ khác, nhất là anh em di dân sống chung quanh xóm đạo. Ở tuổi 75, vị mục tử vẫn toát lên tinh thần trẻ trung và nhạy bén!

 

Tuổi trẻ hết mình

Ngược dòng về với quá khứ, cha Đăng lúc nào cũng dành trọn tâm huyết cho những đoàn chiên được trao trách nhiệm. 33 năm gắn bó với Phú Trung (hạt Tân Sơn Nhì), mọi buồn vui khó nhọc của giáo hữu, cha là người hiểu rõ. Đầu thập niên 1970, Phú Trung vẫn là họ lẻ của Tân Việt. Tháng 8.1974, giáo họ này được Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình nâng lên thành hàng giáo xứ (ban đầu thuộc hạt Chí Hòa, từ năm 1978 thuộc hạt Tân Sơn Nhì), cha Đăng là chánh xứ tiên khởi. Họ đạo lúc bấy giờ tròn trèm 300 giáo hữu và là vùng truyền giáo của giáo phận. Dân cư theo nghề dệt, nhuộm. Nhiều hộ làm thuê mướn. Ngày đó, ông cố trẻ Phanxicô Assisi làm tuyên úy Thiếu Nhi Thánh Thể hạt Chí Hòa. Thi thoảng, cha tổ chức những cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa, dã ngoại, hội trại ban đêm. Trong công tác mục vụ, cha tìm hiểu sâu đời sống bà con, rửa tội cho nhiều tân tòng, kiến thiết cơ sở vật chất… Một tuổi trẻ hết mình, đến giờ kỷ niệm vẫn đong đầy trong cha. Những số liệu cha nhớ vành vạch.

Dù tuổi cao nhưng tinh thần luôn trẻ - ảnh: tư liệu Gx Tân Hương

Cha gần gũi với xóm lao động nghèo, truyền giáo bằng đời sống nhiệt thành, nhờ vậy mà số người tin theo Chúa đông hơn. “Năm 1997, giáo xứ Phú Trung bắt đầu xây dựng thánh đường và một năm sau hoàn thành. Tôi còn nhớ rõ lúc đó, đầu tháng 5.1998, Đức Hồng y G.B Phạm Minh Mẫn mới về Sài Gòn một tháng thì xuống khánh thành”, cha kể. Cũng tại giáo xứ này, vị mục tử thành lập Quỹ khuyến học, được các vị chánh xứ sau tiếp nối cho đến bây giờ. Những suất học bổng, những phần quà hỗ trợ đã trở thành động lực chắp cánh cho biết bao học trò nghèo theo đuổi mơ ước.

Ơn gọi thánh hiến ở Phú Trung cũng phát triển mạnh mẽ. Ba mươi năm hơn và kể từ lúc rời khỏi Phú Trung đến nay là 13 năm, dẫu vậy cha Đăng vẫn nhớ như in chuyện ngày trước. Thế mới biết cha đã dày công thế nào cho đoàn chiên vùng đất này. Nhiều bạn trẻ thuở nào nhờ cha ươm mầm bây giờ là linh mục như cha Luca Trần Quang Tung (chánh xứ Nam Hải, hạt Bình An); cha GB Phạm Ngọc Sơn (phó xứ Chợ Đũi, hạt Sài Gòn - Chợ Quán); cha Phaolô Maria Nguyễn Thanh Quang (dòng Thánh Thể)… “Ngày trước mình phụ trách thiếu nhi nên để ý cổ vũ ơn gọi. Ban đầu tập tành cho tụi nhỏ vào sinh hoạt lễ sinh, ca đoàn, TNTT, rồi theo sát để sẻ chia, uốn nắn, hướng dẫn dần dần…”, cha Đăng bồi hồi. Bất chợt, trong câu chuyện về ơn gọi, cha nhớ về hành trình của mình. 9 tuổi, được ông bà cố gởi theo phụ cha xứ, cũng tập giúp lễ, hát ca đoàn cho đến khi vào Nam sinh sống thì gia đình, làng xóm, có cả linh mục chánh xứ cùng theo trên một chuyến tàu. Cha cho rằng có lẽ nhờ vậy mà ơn gọi được bền đỗ!

Ngần ấy thời gian với những biến cố và thử thách, dù khi còn là một cậu bé lễ sinh, một chủng sinh phải dời trường đổi lớp khắp nơi, hay khi là một linh mục, cha Đăng cũng đã cống hiến bằng tất cả tình yêu mến, như ngọn đèn cháy mãi!

ANH NGUYÊN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm
Xem nhiều nhất