Dù đang hưu dưỡng tại giáo xứ Lái Thiêu, giáo phận Phú Cường, linh mục Micae Nguyễn Văn Minh vẫn lặng thầm phục vụ tha nhân. Dẫu sức khỏe giảm đi nhiều phần song như người thợ dệt tận tụy, mãi đến những hàng chỉ sau cùng, cha vẫn miệt mài, cần mẫn…
Không còn làm mục vụ giáo xứ đã 4 năm, bàn làm việc của cha Minh vẫn chất đầy sách vở. Nơi căn nhà nghỉ dưỡng, mỗi tuần luôn có thánh lễ đều đặn dành cho các cụ già ở kế cận. Nhà nguyện của cha là gian phòng nho nhỏ, sức chứa tầm 40 người, với đầy đủ bàn ghế, sách hát. Chiều thứ bảy, các “bạn già” lại được dịp gặp mặt để dâng lễ, rồi chuyện trò buồn vui. Từ khi được bề trên cho phép về hưu tại nhà, cha đã hội ý với các người cháu trong dòng họ và linh mục chánh xứ rồi mở nhà nguyện đơn sơ này. Vịn tay vào cây đàn organ cuối phòng, ông cố chậm rãi: “Linh mục nghĩa là phục vụ không ngơi nghỉ, đến khi hết sức thì thôi! Thay vì chỉ có một mình chiêm niệm, nơi đây để mọi người, ai cần thì đến cầu nguyện với Chúa. Các ông bà không đủ sức đi xa đến nhà thờ thì ghé qua cùng nhau đọc kinh”. Suốt 48 năm trong sứ vụ mục tử, từ khi mới bước lên bàn thánh đến tận bây giờ, cha luôn lấy lợi ích tha nhân làm đầu.
|
Quãng hành trình mục vụ của cha được kết dệt bằng niềm hy sinh, gắn bó với biết bao phận đời. Khi đặc trách giảng dạy kiêm quản lý Tiểu chủng viện Phú Cường, cha là người thầy luôn sát cánh cùng các chủng sinh. Bây giờ, trong số học trò của cha có những vị là giáo sư chủng viện, cha bề trên, cả giám mục và rất nhiều linh mục, tu sĩ. Sau thời gian dài phục vụ tại Tiểu chủng viện, năm 1980 cha Minh nhận bài sai về giáo xứ Búng, một họ đạo truyền thống lâu đời. Người làng Búng ngày nay vẫn không quên bóng dáng vị mục tử nhiệt thành. Ông Giuse Võ Văn Xem, Trưởng Ban Thường vụ HĐMVGX, người có thời gian đồng hành trên dưới chục năm cùng cha cho biết: “Đối với người xứ Búng, cha là vị chủ chăn rất nhiệt thành. Chúng tôi quý cha vì ngài luôn gắn bó với giáo dân trong mọi mặt đời sống, không chỉ là việc mục vụ tại nhà thờ, mà còn ân cần giúp đỡ, động viên từng người. Cha đi sâu để sẻ chia với mỗi hoàn cảnh, vực dậy tinh thần những ai gặp khó khăn… Có dịp biết cha, cộng tác cùng ngài là một niềm vui và là những kỷ niệm sâu sắc”. Những ngày đầu khi cha về xứ, họ đạo Búng có khoảng gần 3000 giáo dân. Ngoài những sinh hoạt nhà đạo, điều quan tâm của vị mục tử là chăm lo đời sống giáo dân và phát triển giáo dục thế hệ trẻ. Một tư liệu về giáo xứ những năm 1980 - 1990, thời cha Minh đặc trách, do một giáo dân cựu trào của họ đạo – ông Patriciô Nguyễn Văn Tiền - biên soạn đã ghi lại: “Cha cần mẫn với ruộng rẫy ở mảnh đất sau nhà thờ, đào ao nuôi cá để sinh sống. Việc mục vụ rất nặng nề. Ngoài thánh lễ, đem Mình Thánh Chúa đầu tháng, đi xức dầu kẻ liệt, cha còn một công tác mệt mỏi liên lỉ là giải tội…”. Trong trí nhớ của nhiều vị nơi đây, cha Minh là người hăng hái. Vừa lao động như bao người khác, cha lại vừa tìm cách sửa sang nhà thờ, nhà xứ, đối thoại với chính quyền trong các hoạt động của giáo xứ. Mấy mươi năm về trước, đời sống giáo dân còn thiếu trước hụt sau, và hẳn nhiên họ không quên hình ảnh ông cố đến từng nhà thăm hỏi, phát gạo, gởi tặng tập sách cho các em có điều kiện học hành với chúng bạn. Còn chính cha, dù thời gian đã qua đi thật xa nhưng ký ức về thời nhiệt huyết tràn đầy đó vẫn in mãi, như ngài vẫn nói: “Nửa đời người gắn với họ Búng, làm sao quên!”.
|
Phòng nguyện nhỏ trong nhà hưu dưỡng |
Những ngày tháng mục vụ tại họ đạo Búng, cha cũng coi sóc thêm họ Bến Sắn và Bình Hòa. Ngày Chúa nhật ngài vẫn rong ruổi các nơi dâng lễ. Đường sá thời ấy khó khăn, vậy mà ngài luôn chu toàn mọi việc mục vụ. Trại phong Bến Sắn từng ghi dấu nhiều kỷ niệm đẹp trong cha. Với bệnh nhân, cha nhẹ nhàng, trao tận tay những thang thuốc, và lẳng lặng ngồi xuống bên tòa cáo giải nơi phòng bệnh san sẻ câu chuyện cuộc đời cùng con chiên. Thật ấm áp nghĩa tình!
Cha Micae Minh còn được biết đến trong vai trò là Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (UBĐKCGVN) tỉnh Bình Dương một thời. Với cương vị của mình, cha đã có nhiều đóng góp thiết thực và tích cực trong việc xúc tiến hòa hợp tôn giáo, đối thoại liên tôn, thắt chặt tinh thần hiệp nhất với nhau. Năm 2013, cha cho khánh thành Nhà Tình Thương của UBĐKCGVN tỉnh tại họ đạo Búng nhằm chăm sóc trẻ em mồ côi, bất hạnh. Công trình này được hoàn thành sau sáu tháng thi công, với sự vận động quyên góp của cha từ nhiều thành phần khắp nơi. Để tiện cho việc nuôi dạy các bé, vị mục tử còn đầu tư xây thêm các phòng học, phòng sinh hoạt, y tế. Hiện tại, căn nhà này được các tu sĩ thuộc dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm phụ trách. Nơi hưu dưỡng, cha Minh vẫn đau đáu khi nhắc về các trẻ: “Mỗi lần nhặt được bé nào bên đường hoặc người ta đặt trước cổng nhà, vừa thấy mừng mà lại vừa xót xa; mừng vì giúp thêm được một phận người, nhưng xót xa vì cũng chỉ giúp được một số nào đó, trong khi vẫn còn nhiều em bất hạnh hơn, sinh ra bị bỏ rơi thật đáng thương. Không thể vui được khi biết bao người còn suy nghĩ hời hợt, bao hoàn cảnh bế tắc”.
|
Cha từng là Chủ tịch UBĐKCG tỉnh |
Trong sứ vụ mục tử, ngài là mẫu gương đầy hy sinh và là chứng nhân yêu thương sống động. Chính nhờ những năm tháng miệt mài với cộng đoàn, nhiệt tâm trong mọi việc mà cha luôn để lại dấu ấn trong lòng tín hữu. Ngày ông cố rời Búng về nghỉ hưu, giáo dân bịn rịn, luyến lưu. Bây giờ, thi thoảng khi có chuyện vui buồn, bà con vẫn chạy đến cùng cha tâm sự và sẻ chia.
Cha Micae Nguyễn Văn Minh sinh ra trong gia đình gồm 10 anh chị em. Ngoài cha, còn có hai vị nữa trong nhà chọn đời sống thánh hiến là người em thứ chín - Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt (hiện là Sứ thần Tòa Thánh tại Sri Lanka); người còn lại đã được Chúa gọi về lúc đang là chủng sinh. Cha cũng là hậu duệ đời thứ tư của thánh tử đạo Matthêu Lê Văn Gẫm. Sinh trưởng trong gia đình giàu truyền thống, dưới sự linh hướng của các nữ tu dòng Thánh Phaolô Cái Mơn, khi 14 tuổi, cha vào tu học tại Tiểu chủng viện Sài Gòn, rồi lên Giáo hoàng học viện Thánh Piô X Đà Lạt từ năm 1961 - 1969. Cha thụ phong linh mục ngày 21.12.1969 và nghỉ hưu năm 2013. |
HÙNG LUÂN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.