Vị linh mục tuổi ngoài thất thập đã khẳng khái xác tín như vậy khi nói về kinh nghiệm mục vụ của mình. 42 năm, đời hiến dâng gắn với những khó nhọc mưu sinh của dân quê nghèo, cái bình dị, nhiệt tình dường như luôn toát lên trong tâm hồn và cung cách của cha Phanxicô Phan Văn Triêm (chánh xứ Sóc Trăng kiêm giám đốc Caritas GP Cần Thơ) …
CHÁY BỪNG LỬA PHỤC VỤ
Ghé nhà thờ Sóc Trăng vào một buổi chiều bất chợt trong chuyến công tác, chúng tôi thắc mắc ngày thường mà sao đông người đến lạ! Thiếu nhi cũng có vài em tụm lại. Dãy nhà phía sau, dáng vài người lom khom làm việc. Một ông cụ từ nhà nguyện bước ra, sau đó, hai, ba, bốn… ông bà lão. Mấy chị em phụ nữ xúm xít quét dọn khuôn viên, bắt chuyện mươi phút, họ rủ tôi cuối tuần tạt lại phát cơm cho người nghèo cùng họ đạo. Ban bác ái nấu tại giáo xứ rồi mang tặng cho những bà con đói khổ trong thành phố. Có người còn sốt sắng mời đi thăm trại phong rồi tham gia các chương trình thiện nguyện trong thời gian tới mà cha xứ đã lên lịch sẵn. Họ tâm tình chuyện nhà đạo, giáo khu nọ kia... nghe sao chân chất quá chừng. Họ kể nhà thờ khi nào cũng đông vui thế này, mỗi người một tay vun vén cho chuyện đạo, chuyện đời, chuyện tình nghĩa... Ở vùng đất có bề dày lửa mến trăm năm này, có lẽ chuyện mục vụ say mê như thế vẫn luôn sôi nổi. Dẫu vậy nhưng ngẫm lại, chắc rằng cha xứ đã phải lèo lái rất tận tâm để họ đạo giữ nhịp yêu thương. Về điều này, ông Trần Minh Lương, Chủ tịch HĐMVGX có lần tâm sự: “Cha sở gần gũi, nhiệt tình. Cha lo cho họ đạo và nhất là ai có đời sống còn khó khăn, không chỉ riêng với giáo dân thôi mà còn nhắc chúng tôi hướng ra bên ngoài, mở rộng với tất cả, cứ hễ thấy ai nghèo khổ đáng thương thì cố gắng tìm cách giúp họ, không nhiều thì ít. Dân quê đây thương cha lắm!”.
Cư dân Sóc Trăng hội tụ cả 3 dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer. Là một xứ lớn, trong mục vụ, giáo hữu còn nghĩ đến tình huynh đệ mà nâng đỡ xứ nhỏ. Về Sóc Trăng từ năm 2010, tròm trèm một thập niên trôi qua, ngoài những mục vụ phụng vụ, tu sửa cơ sở cho nhà thờ, cha còn ưu tư nhiều việc bác ái trong, ngoài xứ. Bà con họ đạo cứ mỗi thứ bảy lại có dịp họp mặt làm từ thiện. Như vừa kể, chương trình phát cơm được thực hiện thường xuyên. Ngoài ra, trong xứ có hội đoàn còn tình nguyện đến săn sóc bệnh nhân phong trong trại, tới lui viếng thăm người neo đơn. Thỉnh thoảng, cha Triêm tổ chức quyên góp quần áo cũ, tập sách để trao tặng cho con em nghèo trong cộng đồng dân cư. Cha khơi dậy ngọn lửa phục vụ cháy bừng trong cộng đoàn, từ người già đến người trẻ.
Suốt chặn đường dài của sứ mạng, ông cố luôn thao thức cho người nghèo, cho đoàn chiên được no ấm |
ÐỠ NÂNG NGƯỜI NGHÈO KHỔ
Phụ trách Caritas GP Cần Thơ, cha Triêm thường ngược xuôi khắp chốn vận động ân nhân giúp đỡ các xứ nghèo. Nhiều năm qua, ông cố còn kết hợp với các bệnh viện uy tín tại Sài Gòn thực hiện chương trình mổ mắt miễn phí cho hoàn cảnh khó khăn khắp nơi. Không biết bao nhiêu trường hợp đã được sáng mắt nhờ lòng cảm thương, tận tụy của vị mục tử này. Mang trên mình chiếc áo chùng đen của sự hy sinh khiêm hạ, dường như ngần ấy thời gian cha luôn khắc khoải để tấm áo luôn vẹn tuyền. Mỗi lần viếng thăm hoàn cảnh nào trong ngoài xứ đạo, cha cũng lưu tâm đến những khúc mắc trong cuộc sống đạo đời để tháo gỡ. Hẳn ai tiếp xúc cha cũng sẽ ấn tượng bởi nét điềm tĩnh, trầm ngâm nhưng hiền lành, mộc mạc của ông cố miền quê. Để giúp giáo dân có điều kiện chăm sóc sức khỏe, cha khéo léo huy động sự giúp sức của các đoàn bác sĩ từ Cần Thơ hay Sài Gòn về khám bệnh cho bà con, tặng xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật. Cha liên kết với các họ đạo trong, ngoài giáo phận và tìm nhiều phương cách giúp đỡ các xứ mà điều kiện sống của giáo hữu còn trở ngại. Họ đạo Đại Tâm, Việt Kiều, Tam Sóc là những xứ phần lớn tín hữu Khmer, bởi thế cho nên cha cũng dành nhiều ưu ái, giới thiệu với các chương trình thiện nguyện. “Mặc dù đảm nhận họ đạo Sóc Trăng nhưng trong vai trò trưởng ban Caritas, tôi còn phải nghĩ đến các họ đạo khác. Ở miệt này, cần nâng đỡ nhiều là những giáo dân tân tòng người Khmer, có người thu nhập bấp bênh, có người nhà cửa rách nát thiệt nghèo. Mình giúp được gì thì cứ giúp để cuộc sống họ được đỡ đần chút”, cha nói. Ở tuổi 73, dẫu biết rằng sức khỏe không còn tươi tắn như trước kia, vậy mà cha vẫn luôn miệt mài. Trong lịch trình mục vụ của vị mục tử sắp tới, những trang cho người nghèo khổ được xếp kín mít.
Một chuyến từ thiện của Caritas |
CHÚA CHO… VỪA ÐỦ XÀI
Cha Triêm tu học từ tấm bé, khi chỉ 13 tuổi. Năm 1976, cha được Đức cha Emmanuel Lê Phong Thuận, lúc ấy là Giám mục Phó GP Cần Thơ truyền chức linh mục. Ngay sau đó, ông cố trẻ được trao bài sai về nhận xứ Bến Bàu, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu - một họ đạo nước mặn phèn chua. Cha là vị linh mục chánh xứ biệt cư tiên khởi của họ đạo kể từ năm 1975. Gắn bó với những kiếp người cơ hàn nơi đây suốt 21 năm, bằng sức trẻ và máu lửa của người được sai đi, cha đã dốc trọn sức để thay đổi diện mạo giáo xứ. Cha xây dựng nhà thờ, sửa sang cơ sở vật chất. Đến bây giờ, tín hữu lớn tuổi của vùng quê này hãy còn nhớ như in hình ảnh ngày nào ông cố trẻ đi khai phá ruộng đất với bà con để canh tác, cùng tuốt lúa, cùng lặn lội mò tôm tép. Trên bàn làm việc, giữa tiếng kèn xe của con đường cạnh nhà thờ, cha chậm rãi bồi hồi: “Đồng hành với giáo dân trong mọi thứ, có cả kinh sách, có cả lao động…, mới hiểu hết nỗi khổ của dân mình. Nhờ vậy mà anh chị em thương mến mình hơn. Nói dí dóm một chút, chính nhờ kề vai sát cánh với nhịp thở của giáo hữu, cũng làm đồng làm ruộng như vậy mà vị linh mục trẻ là tôi khi ấy mới cảm nghiệm một nắng hai sương là thế nào. Càng hiểu thì càng thương, càng thương thì dốc hết lòng!”. Ánh nhìn xa xăm, 42 năm trong thánh chức, cha Triêm đã không phí một ngày nào để lo thi hành nhiệm vụ mà cha đã thề hứa. Nhìn lại quãng đường dài biết bao thăng trầm, ông cố lặng lẽ rồi dí dỏm: “Chúa cho… vừa đủ xài!”.
Gương sáng về tinh thần phục vụ của cha Triêm còn để lại tác động mạnh mẽ đến thế hệ sau. Ngay trong họ hàng cha cũng có người quyết dâng mình cho Chúa bởi cảm mến sự nhiệt thành quảng đại, như chia sẻ của linh mục Phaolô Phan Thanh Duy, hiện là phó xứ Sa Đéc, GP Vĩnh Long. Cha cho biết chính mình đã được ảnh hưởng rất nhiều từ bác ruột - cha Triêm vì lối sống vị tha, luôn nghĩ cho người nghèo khổ nên đã đi tu.
Anh Nguyên
Bình luận