Thứ Tư, 09 Tháng Mười Một, 2016 08:24

Tin Mừng nơi miền đất Mũi

Cái Rắn đón chúng tôi bằng cơn mưa chiều nặng hạt. Con đường vào nhà thờ lúc khúc khuỷu, khi trơn trợt như muốn ngăn bước khách phương xa… Nằm cách thành phố Cà Mau 30 cây số về hướng huyện Cái Nước, nơi đây, linh mục Martinô Nguyễn Hoàng Hôn đã có nhiều năm gắn bó mục vụ. Nhắc đến cha, bà con không thể nào quên hình ảnh vị linh mục giản dị, ân cần và nhiệt tâm.

Linh mục Martinô Nguyễn Hoàng Hôn

Bén lửa phục vụ

Là người từng có thời gian dài gắn bó cùng cha Piô Ngô Phúc Hậu nên cha Hoàng Hôn thừa nhận rằng, ngọn lửa truyền giáo bừng lên trong mình được hun đúc từ đó. Sinh ra tại họ đạo Cà Mau, ấn tượng đầu đời của cha khi còn làm cậu lễ sinh là được nghe những bài giảng của cha sở Piô Hậu. Những câu chuyện dí dỏm, lời văn đậm chất thơ khi nói về công tác truyền giáo từ đó in sâu trong tâm hồn và đánh động cậu bé giúp lễ vun đắp cho mình hướng đi sau này. Không chỉ vậy, lửa nhiệt thành này của cậu một phần được xây nên từ lòng hăng say của các thành viên trong gia đình. Ngày ấy, mẹ cậu nằm trong nhóm truyền giáo của cha Hậu, thường xuôi ngược đó đây lo cho người nghèo, dù bà chỉ là bổn đạo mới.

Niềm vui của người dân cạnh giếng nước sạch mới được lắp đặt

Năm 1997, cha tốt nghiệp chủng viện thánh Quí - Cần Thơ và được bề trên cử về giúp họ đạo Cái Rắn một năm trước khi lãnh chức phó tế. Lúc này cha Hậu đang làm chánh xứ ở đây. Mới về mấy tháng, cơn bão số 5 xảy ra tháng 11.1997 - còn gọi là bão Linda, thảm khốc nhất tại miền Nam Việt Nam trong vòng 100 năm. Cà Mau là một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất khi cơn bão quét qua và đã làm tan hoang vùng đất này. Nhà thờ Cái Rắn và gần 1.000 ngôi nhà trong vùng bị sập. Trong tình cảnh đó, cha trở thành cánh tay nối dài của cha Hậu để vực dậy vùng đất hoang tàn bằng cách dựng lại những mái nhà sập, khoan giếng ở nơi bị ô nhiễm để mọi người có nước sạch sử dụng, kết hợp với chính quyền xây lại số trường học bị hư hỏng nặng. Vốn tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp, cha xông pha giúp bà con cải tạo đất đai, trồng mới các giống cây... Dù vất vả nhưng đó là quãng thời gian quý báu tích lũy nhiều kinh nghiệm trong đời phục vụ.

Năm 1999, cha thụ phong linh mục và hai năm sau đó làm phó xứ tại các họ đạo Huyện Sử, Hòa Thành. Năm 2001, cha nhận bài sai về làm chánh xứ Ao Kho. Gần 10 năm ở đây, vị mục tử đã chạy vạy giúp hàng chục em gia đình nghèo có điều kiện mổ tim vì không thể cầm lòng mỗi khi nhìn thấy các em quằn quại trong cơn đau. Và đến năm 2010, cha về lại Cái Rắn. Lần này ở cương vị chánh xứ.

Chung bước cùng người nghèo

Miền Tây, vùng đất sông nước chằng chịt kênh rạch, nhưng ở nhiều nơi, nối liền hai bờ vẫn là cây cầu khỉ tạm bợ. Trên đó hằng ngày, các bà đi lễ, đi chợ, lũ trẻ đến trường phải qua lại đầy khó khăn. Tuổi thơ vốn gắn liền với những cây cầu thế này nên cha hiểu rõ những hiểm nguy rình rập, nhất là khi đã nghe và tận mắt chứng kiến nhiều tai nạn thương tâm xảy ra. Chính vì luôn canh cánh chuyện đi lại của dân trong vùng, nên mỗi khi có đủ khả năng, cha liền cho thay nơi này nơi kia một cây cầu bằng bê tông vững chãi. Đến nay, trên 60 cầu lớn, cầu nhỏ đã được ông cố nhiệt huyết này dựng lên. Có cầu kiên cố, việc qua lại của người dân thật dễ dàng. “Trước muốn đi qua bên kia rất khó khăn, không cẩn thận là vấp chân té xuống sông. Giờ cha xây cho cây cầu nên đi lại thuận tiện, không còn nguy hiểm, nhất là mỗi khi gặp mùa nước lên. Chúng tôi rất biết ơn cha”, ông Trương Hùng, một người dân trong vùng cho biết.

Trẻ nhỏ từ nay được đến trường trên những cây cầu bê tông vững chãi

Những lần ghé thăm bà con, chứng kiến nhiều gia đình sống dưới mái nhà xập xệ, mong manh giữa trời, cha lại ray rứt không yên với những câu hỏi: “Người nghèo còn bao nhiêu mối phải lo, không có một mái nhà đàng hoàng thì làm sao họ yên tâm mà sống, mà làm việc? Còn lũ trẻ con, ở nhà không ra nhà làm sao học hành tốt được?”. Rồi không đắn đo, gần 400 căn nhà tình thương bằng sườn gỗ, mái tôn đã được cha gởi trao tới những hộ nghèo. “Dù không phải bê tông cốt thép nhưng với chúng tôi đó là niềm ước mơ từ bấy lâu nay. Có nhà kiên cố để che mưa tránh nắng như vậy đã quá đỗi hạnh phúc”, chị Hoàng Thị Huyền tâm sự. Còn với anh Hoàng Văn Đường, căn nhà đã giúp mấy cha con xóa đi cảnh “thau lớn, thau nhỏ” hứng nước mỗi khi trời mưa... Dựng xong nhà mới nhưng thấy mọi người còn thiếu nguồn nước sạch dùng vào ăn uống sinh hoạt, cha lại cho khoan giếng để cuộc sống cư dân nơi này thêm đủ đầy.

Học sinh là đối tượng được cha quan tâm hàng đầu. Biết chuyện nhiều em phải nghỉ học vì gia đình không thể giải quyết bài toán kinh tế, cha tìm cách giúp để chúng tiếp tục đến trường. Từ sự đỡ nâng này, đã có gần 600 lượt học sinh mỗi năm nhận học bổng (3 triệu/em) để yên tâm theo đuổi con chữ. Thấy em nào đến lớp thiếu tập ghi chép, cha gọi đến nhà xứ phát vở đủ xài cho cả năm. Nhiều em đến trường phải cuốc bộ hàng cây số trên đường đất lầy lội, cha biết sắm cho chiếc xe đạp làm phương tiện. Trong 5 năm ở Cái Rắn, số tiền trên 2 tỷ đồng đã được cha “đổ” vào việc giáo dục.

Hai bà cháu ở một gia đình giờ đã có thể yên giấc trong căn nhà mới

Rất bình dân và sống tình nghĩa, đơn sơ. Nhiều lần giáo dân thấy cha tế nhị dúi vào tay ông già, bà lão nghèo trong vùng dăm ba trăm ngàn để đi chợ. Những gia đình có người khuyết tật, di chuyển khó khăn trên nền đất trồi sụt, cha gom góp rồi mua tặng họ xe lăn để đi. Niềm vui sướng, sự biết ơn hiện rõ trên từng nét mặt. Có nhiều người, vì thấy được tinh thần hy sinh, sự sẻ chia nơi vị linh mục nên cảm động và xin theo đạo. Tới nay, cha đã rửa tội cho khoảng 200 người và con số vẫn không ngừng tăng lên. Để giúp các tân tòng sống đạo tốt, cha thường xuyên theo sát, quy tụ họ lại dạy giáo lý và cắt nghĩa Lời Chúa để đức tin của họ thêm vững.

“Mang tình thương đến cho người nghèo là cách loan báo Tin Mừng hữu hiệu nhất”, cha quan niệm và xác định con đường nâng đỡ, đến với người khó nghèo là hành trình dài suốt cả đời mục tử của mình.

ĐÌNH QUÝ – HÙNG LUÂN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm