Từ rất lâu, trong cung cách mục vụ và dường như phát xuất tận trong tâm thức, cha Giuse Vũ Ðức Thận luôn nhắc nhở mình như thế. Ngài nói, sứ mạng linh mục luôn luôn là hành trình yêu thương, và nhất là để “trả nợ người nghèo”.
Ai ở kênh 5, Cái Sắn, có lẽ sẽ quen với hình ảnh ông cha gầy gầy, thường trực ở nhà cơm Nhân Ái, một địa chỉ quen thuộc cho những người lao động bình dân. Gọi là “thường trực” không có nghĩa cha bỏ bê xứ đạo, mà ngoài những sinh hoạt đạo đức, phụng vụ, việc bác ái tại đây luôn được cha ưu tiên. Bởi đó là điều thiết thực. Bà con tuy đời sống có khấm khá hơn trước nhiều, nhưng vẫn còn đó những hoàn cảnh đáng thương, phải để tâm nhìn thấy thì mới nâng đỡ được. Suốt mấy năm qua, nhà Nhân Ái đều đều hoạt động. Rộn ràng nhất là vào buổi trưa, có ngày khách tới hơn 100 lượt. Cha Thận gọi vui, Nhân Ái là “nhà hàng của người nghèo”. Và vì vậy, mọi người đến đây đều được trân quý, cả người nhận, người cho…
![]() |
Cha Thận trong thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Trung Thành |
Ở Nhân Ái, rất dễ bắt gặp những cảnh tượng như: ông cha lọ mọ nhặt rau, cắt gọt củ quả, bê cơm, bê gạo… phân phát cho bà con. Với bất kỳ người lương, kẻ giáo, cha cũng chuyện trò thân mật, vai kề vai, chẳng nề hà. Giữa cha xứ với giáo dân và anh em tôn giáo bạn có tình cảm thật thắm thiết. “Trước khi bắt đầu bữa ăn, tất cả anh em đều có đọc kinh, cảm ơn Chúa. Mình sẽ cố gắng duy trì công việc này. Tâm niệm của đời linh mục mình là được trả nợ cho Chúa, trả nợ cho cuộc đời. Khi phục vụ người nghèo không phải là chúng ta cho họ mà là ‘trả nợ’. Khi có các ân nhân giúp nhà cơm, tôi cũng nhắn nhủ họ như thế”, cha tâm sự. Nhà cơm đầu tiên hoạt động hiệu quả, cha đã mở thêm nơi thứ hai. Tất nhiên rồi, để mọi thứ được hoạt động trơn tru, cha cũng có đội ngũ tình nguyện viên sẵn sàng 24/7.
Sinh trưởng trong cái nôi nhà đạo ngay tại Kênh 3, Cái Sắn, ơn gọi tu trì sớm vun đắp trong cha. Cha kể lúc còn nhỏ, cha xứ đã có ý mời gọi các con trai lớn của mỗi gia đình nên đi tu. Có thể đó là quan niệm của các cha ngày trước, các ngài muốn con cả là kết tinh và là trái ngọt đầu tiên của tình yêu nam nữ được dâng lên Thiên Chúa, nhờ đó mà ngay lúc tấm bé, ngài đã nung nấu ý định dâng mình. Sau khi kết thúc chương trình phổ thông, cha được gởi vào học tại Ðại Chủng viện Thánh Tôma, giáo phận Long Xuyên. Năm 1988, cha được Ðức cha GB Bùi Tuần truyền chức linh mục. Ðời mục tử của cha trải dài trên nhiều giáo xứ. Cho dẫu có về đâu, xứ bé, xứ lớn thì dấu ấn đọng lại vẫn là việc gắn bó với người nghèo. Ví như hồi còn ở Thức Hóa, là câu chuyện của gần 20 năm về trước, chính xác hơn là những năm 1994, 1995, trong một bối cảnh mà đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, thế hệ trẻ muốn vươn mình ra khỏi làng xã để học cao hơn, thoát nghèo, thoát cảnh tay lấm chân bùn, thì lại gặp không biết bao nhiêu trở ngại. Học sinh ở quê vốn điều kiện đã thua dân thành thị. Ở trọ, những nguy cơ, tệ nạn tiềm ẩn nếu một phút sơ sẩy, quên mình. Thế là cha cho lập 2 lưu xá sinh viên tại Cần Thơ có tên là Nhà Vòm và Nhà Gỗ. “Ðể thoát khỏi đồng ruộng, đi xa hơn và hòa nhập với cuộc sống hiện đại, người trẻ ở quê phải nỗ lực rất nhiều. Nhưng một mình các em thì không đủ sức. Ngày trước, phát xuất từ ý muốn đồng hành trên lĩnh vực văn hóa, tôi đã quyết định mở lưu xá. Ngày ấy, lưu xá thật sự cần thiết. Các nhà trọ ở ngoài ít lắm, chưa kể phức tạp. Ký túc xá trong trường đại học, cao đẳng thì không đủ chỗ. Cuộc sống sinh viên khó khăn. Con cái nhà đạo tập trung vào một mái nhà, dù mỗi em học mỗi ngành nhưng chúng có những sinh hoạt chung, bảo ban nhau chuyện lễ nghĩa, đạo đức, thực hành đức tin. Một số em không Công giáo khi xin phép vào sống chung tôi cũng đồng ý. Những em nghèo được nâng đỡ thêm nhiều cách, có thể là giảm tiền trọ, trao học bổng…”, cha nói trong bồi hồi.
![]() |
Nhân Ái, nhà hàng của người nghèo, được cha gầy dựng từ năm 2015 và hoạt động đều đặn cho đến nay |
Chính các lưu xá này lại là chốn ươm mầm ơn gọi của địa phận miền sông nước. Nhiều linh mục trẻ của Long Xuyên bây giờ xuất thân từ nơi đây, từng trọ học, trải qua những sinh hoạt, nề nếp, được uốn nắn bởi tay cha. Về sau, cha trao lại việc quản lý Nhà Vòm cho giáo phận để có thể thuận tiện cho mảng mục vụ dự tu. Cứ thế, trong khả năng, cha Thận luôn tìm cách để phục vụ, đi với người nghèo. Trong giáo xứ, ngài đào tạo giáo dân, quy tụ thành các cộng đoàn, đỡ nâng cả đời sống đức tin lẫn tinh thần. Năm 2018, cha cho khởi công xây dựng nhà thờ Trung Thành do công trình cũ đã xuống cấp. Việc xây cất đang dở dang thì cha lại được bề trên sai về phụ trách giáo xứ Môi Khôi. Giáo xứ Trung Thành có hơn 6.000 giáo dân. Còn Môi Khôi là giáo xứ truyền giáo, trải dài các xã Thạnh Quới, Thạnh Mỹ và Thạnh Lộc của huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ. Bằng kinh nghiệm nhiều năm mục vụ, từng là quản hạt, cộng thêm lửa nhiệt thành trong mình, về giáo xứ, cha cũng mở nhiều chương trình đồng hành, san sẻ khó khăn với giáo dân. Với nét bình dị, nhiệt tình và hơn hết là lối sống yêu thương, phục vụ, cha đã chiếm trọn thiện cảm của nhiều người.
Thi thoảng, những năm tháng này, cha còn dành thời gian góp nhặt những suy tư thành các bài viết, chia sẻ cho mọi người. Cha yêu văn chương, triết học. Trong hành trình tu học, cha cũng tranh thủ để lấy những bằng cấp cần thiết về ngôn ngữ, văn chương và Anh văn. Mọi thứ, như cha nói, đều là vốn liếng để dành cho việc phục vụ sau này mà người mục tử, muốn sát cánh cùng đoàn chiên và bắt kịp thời đại phải chú tâm trau dồi.
![]() |
Trên những trang viết cũng như những trang của cuộc đời, có một cha Giuse rất chân thật, tâm huyết. Ngài chia sẻ rằng niềm vui của đời linh mục là được kết hiệp với Chúa. Ðối với cha, linh mục không chỉ là người truyền giảng mà còn là người đi dựng lại mùa Xuân, tiếp bước theo Chúa Kitô. Vì lẽ đó mà linh mục của Chúa phải có trái tim mục tử: “Nếu linh mục thi hành mục vụ như một người có quyền để thi ân ban phát cho những kẻ không có quyền thì đã đi vào con đường quyền lực. Và khi nghĩ mình có đặc quyền sẽ dễ dẫn đến độc quyền, độc tài. Não trạng quyền lực trong cung cách lãnh đạo có thể xuất hiện ngay trong ngôn từ của người mục tử. Khi linh mục bảo nhà thờ của tôi, giáo xứ của tôi, tôi làm chánh xứ…, thì đồng nghĩa quyền quyết định thuộc về cá nhân linh mục. Ngược lại, nếu tập trung vào Giáo hội, người linh mục sẽ nói nhà thờ của giáo xứ, tôi là một thành viên, sẽ thể hiện sự tôn trọng mọi giáo dân, và đây mới là hương vị của khiêm nhường trong phục vụ”, (Linh mục, người đi dựng lại mùa Xuân, tr.35). Và để thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng, cha cũng thao thức, linh mục của Chúa tiên quyết phải là “đi ra”, vượt qua các biên giới, làm nhân chứng bằng chính cuộc sống, biết tự tìm cách hội nhập văn hóa, sống tinh thần đối thoại và mặc lấy tấm áo của Tám Mối phúc thật. Cha trăn trở: “Giáo hội hiện hữu không vì những người đã hiện diện mà còn vì những người chưa hiện diện trong Giáo hội. Không phải Giáo hội làm nên sứ mạng truyền giáo cho bằng chính sứ mạng truyền giáo làm nên Giáo hội. Truyền giáo là lên đường. Cần từ bỏ những dính bén. Cần dấn thân vào những vùng ven biên. Ra đi là hy sinh, từ bỏ, mất mát và là chết ở trong lòng. Phải dám đi bằng đôi chân của liên đới và phát triển…” (Ðẹp thay chân dung và bước chân người truyền giảng).
Từ những ý niệm đó, cha gởi vào hành động, sống sứ mạng của mình hết sức lặng lẽ mà ý nghĩa. Ngoài các mục vụ phụng vụ, chăm lo đức tin, ngài còn hòa cùng nhịp sống của giáo dân hơn, tìm cách này, cách khác để động viên, khích lệ. Ðó là lý do vì sao không ngạc nhiên khi đến thăm xứ, chúng tôi được nghe nhiều lời hay về cha, như lời của một chị trong hội đọc kinh Legio: “Cha nhà mình hiền lành và dễ thương. Ngài mới về mà chăm lo nhiều cho giáo xứ lắm. Ở đây, trong xứ, ngoài xứ đều biết ngài”. “Biết”, trong ý chị nói và trong văn hóa miền Tây mà chúng tôi hiểu là sự tường tận do tiếp xúc, gần gũi. Có cả thêm phần quý mến.
ANH NGUYÊN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.