12 năm linh mục dù không quá dài nhưng là những tháng ngày mà cha Giuse Nguyễn Văn Nến đã đồng hành, gắn bó, thấu hiểu, yêu thương đoàn chiên Hòa Thạnh (GP Phú Cường).
|
Lớp học ông cha
Thực ra, mối duyên của cha Nến với giáo đoàn nghèo này đã có từ trước khi ngài được chính thức thuyên chuyển về. Ngay từ năm 2001, khi còn là thầy phục vụ tại xứ đạo Cao Xá, hằng tuần cha đã đến Hòa Thạnh, lúc đó chỉ là một giáo họ nhỏ, để chăm lo mục vụ. Thời đó giao thông chưa phát triển, những ngày trời mưa, đường đất trơn trượt phải mất 30 phút mới di chuyển được 1, 2 cây số. Giáo dân chỉ vài trăm người ở rải rác trong vùng, xa trung tâm, và xa lạ với sự phát triển không ngừng của xã hội bên ngoài. Họ nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần. “Có rất ít người biết chữ bởi quanh năm suốt tháng vất vả làm lụng kiếm ăn mà chẳng đủ nên không mấy quan tâm. Rồi khi có con, họ cũng không ý thức được sự quan trọng của việc học nên lơ là. Cứ thế, cái vòng luẩn quẩn xoay không ngừng”, cha kể. Thế là ngài tổ chức lớp học xóa mù chữ cho bà con, mời thêm giáo viên và các tu sĩ dòng Ðaminh về giúp. Hoạt động này chỉ ngưng lại cách nay chừng 2 năm, khi mọi thứ dần ổn định và đời sống người dân đã phần nào khởi sắc. Song, trong ký ức của nhiều người, lớp học chữ của ông cha như ánh sáng lóe lên giữa bóng đêm của cái nghèo, đem lại hy vọng trong những đôi mắt bị hoen mờ vì gánh mưu sinh.
![]() |
Cha tặng xe đạp, hỗ trợ đóng góp học phí để con đường đến trường của các em bớt đi chướng ngại - ảnh: GX cung cấp |
Ghé thăm giáo xứ vào những tháng hè sẽ thấy hầu như không khi nào ngớt tiếng nói cười của trẻ thơ. Các em đến đây đủ mọi thành phần, bất kể trong hay ngoài Công giáo, đủ lứa tuổi (từ lớp 3 đến lớp 12), phần lớn có gia cảnh khó khăn, không có điều kiện học bổ sung thêm kiến thức để theo kịp tiến độ của bạn bè cùng trang lứa tại trường. Thương bọn nhỏ, cha kê chục chiếc bàn dài trong phòng khách của nhà xứ, làm vài chiếc chòi nhỏ xung quanh để mở lớp dạy thêm tiếng Anh miễn phí cho trẻ. Mong ước giản đơn của cha là các em sẽ có thể hòa nhập nhịp độ phát triển không ngừng của xã hội và sau này sẽ có cuộc sống tốt hơn. Cùng với ngài, cha phó, thầy giúp xứ và một số thầy cô cũng tham gia phụ đạo thêm cho các em môn toán, lý… Khu vực xung quanh thánh đường của họ đạo vừa là trường học, vừa là chỗ vui chơi cho trẻ khi cha mẹ tất bật chuyện làm ăn. Cha còn tặng xe đạp, hỗ trợ đóng học phí để con đường đến trường của các em bớt gập ghềnh, giúp những mái đầu xanh yên tâm chuyện sách đèn. Và phần thưởng tuyệt vời cho bao công sức của vị mục tử và đội ngũ cộng tác là ngày càng có nhiều học sinh học nghề, hoặc cao đẳng, đại học. Cha tự hào: “Trước đây tìm một em học hết cấp 3 là rất khó, nhiều em phải bỏ học từ rất sớm, nhưng mấy năm gần đây đã có nhiều hơn, có những em còn đi học các cấp bậc cao ở thành phố nữa”.
![]() |
Giúp người nghèo có mục tiêu phấn đấu
“Chỗ đó mới xây nhà thờ đẹp lắm, được hơn 5 năm rồi. Ði vô hỏi người ta nhà thờ màu hồng là ai cũng biết”, một người đàn ông chỉ dẫn khi tôi dừng hỏi đường. Xứ đạo nằm cách biên giới Campuchia chừng 5km, hơn chục năm trước đây còn rất hoang vắng. Rồi năm 2008, ông cố trẻ chính thức về sống cùng bà con. Ngài mở rộng khuôn viên, từng bước chấn chỉnh, dựng xây cho bộ mặt nhà chung họ đạo nên khang trang như hôm nay.
Song song với điều đó, cha xoay sở kinh phí để mua thêm khu đất ở gần nhà thờ rồi bán góp giá gốc, không lãi suất cho các hộ nghèo chưa có mái nhà kiên cố náu thân. Ông Nguyễn Văn Năm, một cư dân nơi đây cho hay: “Nhà tui hồi trước ở trên sông, 6, 7 con người chen nhau trong cái lán nhỏ, muốn dựng nhà trên đất liền mà đâu có tiền mua đất. Rồi cha để cho miếng đất, giúp xây cái nhà, vợ chồng tui ráng làm rồi trả góp dần dần với giá gốc. Mới trả xong được vài năm nay thôi. Tui cám ơn cha nhiều lắm vì đã giúp gia đình tui được ổn định hơn”. Còn cha thì bảo: “Thương họ, thấy họ khó khăn thì mình giúp thôi. Về đây thấy trong xứ có nhiều gia đình sống trên sông Vàm Cỏ hết đời này qua đời khác khổ lắm nên tôi làm vậy vừa để giúp, vừa cho họ có thêm mục tiêu phấn đấu rồi cố gắng làm việc, thoát đói nghèo. Nhưng sức mình có hạn, chỉ giúp được một phần. Vẫn còn nhiều người như vậy lắm”.
![]() |
Sự quan tâm của ông cô giúp bà con nơi đây thêm ấm lòng - ảnh: GX cung cấp |
Rồi cha còn chạy vạy, để tìm nguồn xây nên những căn nhà tình thương hay chia sẻ những phần nhu yếu phẩm cho người nghèo và trao tận tay người cần đến. Chính nhờ sự quan tâm của ông cố mà bà con nơi đây được thêm ấm lòng. Theo thời gian, đã có thêm nhiều gia đình mua đất, cất nhà xung quanh nhà thờ, biến bầu khí xã nghèo vùng biên giới nên sống động hơn.
Với phương châm “truyền giáo bằng sự cảm thông, tình thương yêu, bằng việc làm bác ái”, mỗi một hoạt động của cha đều toát lên sự kiên nhẫn, đồng cảm sâu sắc với mọi người. Cha kể rằng có một lần ngài đến gia đình nọ để khuyên họ làm thủ tục hợp thức hóa hôn nhân Công giáo, người vợ thì đồng ý nhưng người chồng lại phản đối kịch liệt. Không nản lòng, cha kiên trì tìm hiểu nguyên nhân, lựa lúc ông vui vẻ rồi đến cùng với một số người thân của ông để trò chuyện, bắt đầu từ những câu chuyện về sức khỏe, về vụ lúa…, rồi sau đó là những lần gặp gỡ thường ngày, những câu chào hỏi thân tình. Phải mất hơn 4 năm sau, mọi chuyện mới đạt được kết quả. “Ðó là điều tôi cần phải làm. Dù hơi vất vả nhưng mình giúp họ sống đúng hướng của người Kitô hữu là mình vui rồi”, cha chia sẻ.
![]() |
Sự điềm tĩnh, từ tốn, nét tươi vui, nụ cười sảng khoái là dấu ấn khó quên mà ngài để lại cho những ai gặp gỡ. Có lẽ đó cũng chính là chất xúc tác xóa nhòa những khoảng cách giúp vị chủ chăn thấm đẫm mùi chiên.
Nhìn đoàn chiên bé nhỏ, khó nghèo, nhìn cánh đồng truyền giáo mênh mông với khoảng 94% người chưa biết Chúa, trong đôi mắt vị mục tử chất chứa đầy những âu lo, trăn trở và cả niềm hy vọng...
MAI LAN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.