Linh mục Tôma Vũ Quang Trung (dòng tên, S.J) kể từ bé đã có ao ước đi tu. Ý nguyện này được nhen lên trong một cuộc rước Thánh Thể tổ chức tại Tòa Giám mục Komtum mà lúc đó cha chỉ là một chú bé đến tham dự
1.
Trong buổi lễ ấy, hình ảnh của những chủng sinh mặc đồ trắng nghiêm trang ngồi trên cung thánh đã để lại ấn tượng mạnh cho cậu bé 11 tuổi. Năm 1972, khi còn đang học lớp 11, cha tình cờ đọc được thông báo tuyển sinh của dòng Tên và đã ngỏ lời xin cha Micae Hoàng Đức Oanh (sau này là Giám mục Kontum) giới thiệu cho đi tìm hiểu dòng. Hai năm sau đó, cha được dòng gọi vào nhà tập.
|
Sau ngày hòa bình, Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa dấn thân vào xã hội. Muốn đóng góp một phần công sức của mình vào việc loan báo Tin Mừng và được bề trên chấp thuận, cha gia nhập lực lượng thanh niên xung phong năm 1978. Chính khoảng thời gian sống tại đồng bãi nơi nông trường Nhị Xuân, miệt mài cùng anh em lao động, phục vụ đã tôi rèn thêm lòng nhiệt thành nơi người tu sĩ trẻ. Ban ngày hì hục với cuốc xẻng, tối đến cha dạy bổ túc văn hóa cho mọi người. Những năm đó cơ sở chưa có, việc dạy học “di động” theo từng đơn vị, tập trung học trước khi thi chừng 2-3 tháng. Vì thế, “thầy giáo trẻ” phải đi khắp nơi, có khi lên tận vùng Tây Nguyên để tổ chức các khóa thi, khóa học. Nơi nông trường lúc ấy vô cùng thiếu thốn, chỗ ngủ của mỗi người chỉ là mấy thanh vạt giường kê tạm bợ dưới đất, xung quanh toàn sình lầy, mái nhà thì “lỗ chỗ ngàn sao”. Đời sống vất vả nên điều kiện học hành cũng không thể khá hơn. Mọi người làm bàn học bằng cách cắm cây cừ xuống đất rồi kê ván lên. Sách vở thiếu thì liên hệ chỗ này chỗ khác để xin. Chiều tối, thầy trò xúm nhau đi tìm xin dầu, bỏ vào mấy cái lon rồi đốt cháy leo lét mà học. “Khó nhất là chuyện mời học viên đến lớp. Vì ban ngày làm mệt rồi nên họ chỉ thích tham gia văn nghệ buổi tối chứ không ai muốn vùi đầu vào học nữa. Cái khó tiếp theo là làm sao duy trì được các lớp vì cứ hết mùa thì đơn vị lại chuyển đi nơi khác phải ngưng việc học, nên có nhiều lớp khai giảng mà không có bế giảng”, cha hồi tưởng lại. Trước cảnh cực nhọc, người thầy trẻ chẳng những không chùn chân mà còn hăng say hơn trong việc gieo chữ cho anh em. Khó khăn bấy giờ rối như mớ bòng bong, thầy giáo Trung kiên nhẫn đối mặt và cố gắng gỡ đi từng nút một. Đến năm 1982, khi cơ sở trường được xây dựng, cha lại tiếp tục cộng tác chăm lo về văn hóa, khoảng năm 1986, trở thành hiệu trưởng của trường. Việc tổ chức dạy và học từ đây dần đi vào nề nếp hơn trước.
![]() |
Giảng tĩnh tâm linh mục tại TGP.TPHCM |
2. Sau 12 năm gắn bó với nông trường, cha trở về dòng học tập để tiếp tục ơn gọi và nhận tác vụ linh mục năm 1994. Khi bề trên dòng Tên lúc bấy giờ được gọi sang Rôma để làm việc trong ban cố vấn trung ương thì cha bắt đầu phụ trách dòng. Trong nhiệm kỳ 7 năm (2003 - 2010) coi sóc dòng Tên ở Việt Nam, cha đã để lại nhiều dấu ấn trong việc tận tâm phục vụ và phát triển nhà dòng. Những năm đầu, cha bắt tay vào xây dựng cơ sở vật chất. Trụ sở trước kia của dòng ở Sài Gòn là một căn nhà nhỏ nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đến thời cha Trung phụ trách, ngài cho xây lại trụ sở chính ở quận Thủ Đức, bên cạnh là khu nhà để các cha hưu có nơi an dưỡng lúc tuổi già; tiếp đó, khu học viện cũng được hình thành, trở thành nơi đào tạo các tu sĩ trẻ. Cha chia sẻ: “Giai đoạn đó tôi cứ ưu tư làm sao cho các tu sĩ trở về nếp sinh hoạt bình thường của dòng. Bởi do hoàn cảnh nên mỗi người ở mỗi nơi, làm mỗi việc, người là công nhân, thanh niên xung phong hoặc đi dạy..., khi quy tụ trở về phải mất rất nhiều thời gian để lập lại nếp sống của một cộng đoàn dòng tu”. Các kế hoạch, chương trình cha thực hiện trước hết lấy đường hướng của Giáo hội và Thư chung HĐGMVN 1980 làm căn bản, căn cứ vào đó mà linh hoạt tổ chức các hoạt động mục vụ của nhà dòng.
“Năm 2007, linh mục Tôma Vũ Quang Trung được các linh mục bề trên toàn quốc bầu làm Chủ tịch Liên hiệp bề trên thượng cấp Việt Nam, ngoài ra còn nhận nhiệm vụ đặc trách tu sĩ của TGP.TPHCM. Cha cũng là bề trên Giám tỉnh đầu tiên của dòng Tên tại Việt Nam vì cùng năm 2007, Việt Nam trở thành tỉnh dòng (không còn là một miền độc lập trực thuộc Rôma). Năm 2010, sau khi hết nhiệm vụ Chủ tịch bề trên thượng cấp, cha được chọn làm thư ký của Ủy ban Tu sĩ trực thuộc HĐGMVN. “ |
Có một điểm vị mục tử này luôn trăn trở là làm sao đào tạo về đời sống nội tâm cho các tu sĩ, linh mục. Ưu tiên của cha trước hết là đào tạo về thiêng liêng cho anh em trong dòng cũng như những tông đồ giáo dân bên ngoài, qua việc giảng linh thao và huấn luyện người đi giảng linh thao. Để có thêm nguồn nhân sự, cha tạo điều kiện cho các người trẻ đi học. Ngài gọi vui là “đẩy hết mức” để các tu sĩ, linh mục có thể học hết khả năng của họ. Sau đó, khi đã có học vị, anh em về cộng tác với học viện của dòng để thực hiện các khóa huấn luyện và đào tạo người đi giảng linh thao. Từ những khóa này, các học viên (là linh mục, tu sĩ, kể cả giáo dân) có thể lo về đào tạo thiêng liêng cho các nhà dòng, chủng viện hay môi trường mình sinh sống.
![]() |
Học viện dòng Tên Thủ Đức được xây dựng thời cha Trung làm Giám tỉnh |
Hiện tại, trong cương vị là thư ký của Ủy ban Tu sĩ thuộc HĐGMVN và cũng là linh mục đặc trách tu sĩ của TGP.TPHCM, cha đồng hành sát sao cùng với các dòng tu trong tĩnh tâm, đào tạo, huấn luyện, hướng dẫn lập các chương trình, kế hoạch. Bên cạnh các dòng tu đã hiện diện từ lâu, cũng có nhiều dòng mới đến Việt Nam. Cha thường xuyên gặp gỡ, trao đổi về những công việc phù hợp với văn hóa bản địa và linh đạo của dòng, để từ đó nhà dòng có thể đón nhận ơn gọi, đào tạo tu sĩ người Việt. Cha cũng hay đi đến các dòng tại nhiều giáo phận để đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm. Tại dòng Tên, ngài thường tổ chức những buổi hội thảo, thuyết trình quy tụ nhiều hội dòng trên toàn quốc về họp mặt, trao đổi. Trong các buổi hội thảo, mọi người đưa ra những khó khăn cùng cách giải quyết vấn đề, từ đó tổng hợp lại, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Có quá nhiều mối quan tâm nên cha hầu như lúc nào cũng tất bật với công việc. Mỗi ngày trôi qua, người mục tử không ngừng nghĩ suy về những phương cách làm cho công việc mục vụ ngày càng phát triển. “Hiện tại, tôi mong có thể giúp phần nào vào việc giúp các cha bề trên biết cách quản trị dòng. Tiếp đến, tôi ước mong đào tạo nên các tu sĩ có chất lượng, sau đó là bồi dưỡng thêm cho những vị có thể giúp lo về huấn luyện tu sĩ. Khó nhất trong công việc này là đồng hành về mặt thiêng liêng. Trí thức là cái đầu, thiêng liêng chính là con tim, phải làm sao để người tu sĩ có được sức mạnh nội tâm mà duy trì ơn gọi của mình. Đó là điều mà tôi vẫn đang cố gắng thực hiện từng ngày”, ngài thao thức.
THIÊN LÝ
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.