Dân gian có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con”, xem ra rất đúng với mọi thời đại, nhất là trong thời kỹ thuật số như hiện nay. Cuộc sốngphải gấp gáp để mưu sinh, song khi có thời gian rảnh một chút thì rất nhiều người lại ưu tiên làm bạn với chiếc điện thoại thông minh, kết nối cùng thế giới rộng lớn trên mạng mà sao nhãng những mối quan hệ với người thân trong đời sống thực, trong khi ông bà, cha mẹ lớn tuổi rất khao khát tình cảm, sự quan tâm của con cháu.
Một thực tế là rất nhiều người già hiện nay có cuộc sống cô đơn trong sâu thẳm, tuy con cháu ở bên cạnh. Nhiều gia đình đóng cửa gần như suốt ngày vì bố mẹ đi làm, con cái đi học, những bữa cơm đầy đủ thành viên trong nhà cũng không còn chú trọng với lý do ai cũng có việc. Ông bà hay cha mẹ già trở thành người thường trực ngó nhà, tuy sống chung nhưng thời gian được chuyện trò với con cháu xem ra rất ít, một số người trẻ lại không thích nghe chuyện của người già.
Cách đây mấy năm, tôi có dịp đến nhà một người bạnchơi, trong nhà bạn có người lớn tuổi sống chung, tôi ngồi chuyện trò và hỏi thăm cụ bà về sức khỏe, sinh hoạt…, cụ buột miệng than phiền con cháu trong nhà hay gắt gỏng với mình, đương nhiên những lần như thế chắc cụ rất tủi thân. Một thời gian sau, tôi mạnh dạn hỏi thăm bạn về việc đó thì bạn giải thích: “Mình rất thương yêu chăm sóc nhưng bà cụ nhà mình có tật quan tâm nhiều chuyện quá, việc gì của con cháu cũng cứ hỏi suốt ngày, có trả lời thì người già cũng có biết hết được chuyện đâu?!”. Ðúng là tâm lý người già thích được quan tâm và cũng muốn quan tâm người khác song các con cháu sống cùng đôi khi không để ý đến nhu cầu này, như trường hợp của anh bạn trên, anh cứ nghĩ đơn giản là chỉ những người trong nhà có khả năng xử lý vấn đề thì mới nên biết chuyện này chuyện kia…
Dịp khác, tôi ghé thăm một linh mục hưu sau ba năm chưa gặp mặt, tuổi của ngài cũng đã ngoài bát tuần, tai hơi yếu và bắt đầu có dấu hiệu lẫn. Thấy tôi đến, cha rất mừng và huyên thuyên chuyện trò, hỏi thăm rất kỹ lưỡng từ công việc đến gia đình, song chốc chốc ngài lại hỏi lại những điều đã nói trước đó, rất khác với lúc đang còn coi xứ, mọi việc trao đổi có phần ngắn gọn, tuy rất thân tình nhưng những cuộc gặp riêng cũng không quá lâu. Lúc này tuổi cao, về hưu, có thể ít khi gặp người quen nên khi gặp, cha lại thích nói thật nhiều… Khi chào ra về, thấy khuôn mặt ngài vui hẳn và còn tiễn chân tôi một đoạn khá xa, vừa đi vừa tiếp tục chuyện trò.
Vẫn biết việc quan tâm từng miếng ăn, giấc ngủ của người lớntuổi trong gia đình là vô cùng cần thiết nhưng yếu tố tinh thần cũng thật quan trọng để các vị cảm thấy vui trong tuổi già. Lúc sinh thời, mẹ sống chung với gia đình nhỏ của tôi, phần lớn các anh chị tôi cũng sống cùng thành phố nên đều đặn một vài tuần lại ghé thăm mẹ, chỉ cần gặp gỡ chút xíu là bà cụ rất vui chứ cũng không chú trọng gì đến quà cáp. Thỉnh thoảng gia đình con này, con khác lại mời cụ đi chơi cùng, có khi thì đi hành hương, có lúc lại đi du lịch biển vài ba ngày. Vợ chồng tôi rất khuyến khích những chuyến đi đó của mẹ bởi tuy ngắn ngủi nhưng bà cụ được đổi không khí, nhất là có dịp gần gũi hơn với con cháu trong đại gia đình.
Ðây đó không thiếu những người lớn tuổi mang nỗi buồn sâu xa, họ không muốn nói ra lý do con cái không thuận hòa, gia đình các con xích mích không thể ngồi cùng nhau dịp này, dịp nọ. Niềm vui của người già là nhìn thấy con cháu gắn kết, yêu thương nhau. Ðây cũng là điều mà các ngài mong muốn nhất nên muốn làm vui lòng cha mẹ lớn tuổi, ngoài việc quan tâm, chăm sóc, những người con còn phải chú tâm xây dựng hòa khí giữa các gia đình.
QUỐC DŨNG
Bình luận